Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, thầy cô được học những gì?

16/11/2019 07:34
Cao Nguyên
(GDVN) - Những đơn vị kiến thức thầy cô được học để lấy chứng chỉ thăng hạng chức danh nghề nghiệp thực sự chưa cần thiết.

Ngày 22/8/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT quy định Chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông.

Theo đó, Thông tư quy định Chuẩn nghề nghiệp giáo viên giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông bao gồm 05 tiêu chuẩn, 15 tiêu chí, cụ thể:

Tiêu chuẩn “Phẩm chất nhà giáo”, yêu cầu giáo viên tuân thủ các quy định và rèn luyện về đạo đức nhà giáo; chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ đồng nghiệp trong rèn luyện đạo đức và tạo dựng phong cách nhà giáo.

Tiêu chuẩn “Phát triển chuyên môn, nghiệp vụ”, yêu cầu giáo viên nắm vững chuyên môn và thành thạo nghiệp vụ; Thường xuyên cập nhật, nâng cao năng lực chuyên môn và nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. 

Tiêu chuẩn “Xây dựng môi trường giáo dục”, yêu cầu giáo viên thực hiện xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh dân chủ, phòng, chống bạo lực học đường.

Thầy cô được học những gì để lấy chứng chỉ thăng hạng chức danh nghề nghiệp. (Ảnh minh hoạ: Giaoducthoidai.vn)
Thầy cô được học những gì để lấy chứng chỉ thăng hạng chức danh nghề nghiệp. (Ảnh minh hoạ: Giaoducthoidai.vn)

Tiêu chuẩn “Phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội”, yêu cầu giáo viên tham gia tổ chức và thực hiện các hoạt động phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong dạy học, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. 

Tiêu chuẩn “Sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc, ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục”, yêu cầu giáo viên biết sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc và ứng dụng công nghệ thông tin; Khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục.

Chuẩn nghề nghiệp quy định là thế, nhưng những nội dung chuyên đề bồi dưỡng giáo viên theo chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng II rất ít liên quan đến chuyên môn nghiệp vụ, thậm chí cũ kĩ, chồng chéo, khiên cưỡng, thiếu sót.

Chúng tôi dẫn chứng những nội dung chuyên đề bồi dưỡng giáo viên phổ thông (trung học cơ sở và trung học phổ thông) theo chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng II để thầy cô được rõ.

Cụ thể, chương trình này gồm 240 tiết, trong đó có 10 chuyên đề giảng dạy, tìm hiểu thực tế và viết thu hoạch.

Phần 1. Kiến thức về chính trị, về quản lý Nhà nước và những kiến thức chung có 4 chuyên đề: 

(1) Lý luận về nhà nước và hành chính nhà nước; (2) Chiến lược và chính sách phát triển giáo dục và đào tạo; (3) Quản lý giáo dục và chính sách phát triển giáo dục trong cơ chế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa; (4) Giáo viên trung học phổ thôngvới công tác tư vấn học sinh trong trường phổ thông; Ôn tập - Kiểm tra.

Giáo viên chưa đạt chuẩn, có cần chạy bằng không?
Giáo viên chưa đạt chuẩn, có cần chạy bằng không?

Phần 2. Kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, chuyên ngành và đạo đức nghề nghiệp: 

(5) Tổ chức hoạt động dạy học, xây dựng và phát triển kế hoạch giáo dục ở trường phổ thông; (6) Phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên phổ thônghạng 2; (7) Dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh ở trường phổ thông.

(8) Thanh tra kiểm tra và một số hoạt động đảm bảo chất lượng trường phổ thông; (9) Sinh hoạt tổ chuyên môn và công tác bồi dưỡng giáo viên trong trường phổ thông;

(10) Xây dựng mối quan hệ trong và ngoài nhà trường để nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển trường phổ thông.

Phần 3. Tìm hiểu thực tế và viết thu hoạch, gồm các nội dung Tìm hiểu thực tế; Hướng dẫn viết thu hoạch; Viết thu hoạch.

Từ những nội dung trên, có thể nhận thấy, chuyên đề bồi dưỡng giáo viên phổ thông so với quy định Chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông còn nhiều bất cập.

Thứ nhất, phần kiến thức về chính trị, về quản lý Nhà nước và những kiến thức chung chỉ nên dành cho lãnh đạo (tổ trưởng/tổ phó chuyên môn, hiệu phó và Thủ trưởng đơn vị).

Riêng phần kiến thức tư vấn học sinh trong trường phổ thông, phù hợp nhất với giáo viên làm công tác tư vấn tâm lí học đường.

Tuy nhiên, phần kiến thức này, giáo viên tâm lí đã được học xuyên suốt từ 4 năm ở trường đại học.

Còn đối với giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm thì thầy cô đã tiếp xúc hàng ngày, hàng giờ với học sinh nên công việc đã đi vào thực tiễn.

Thăng hạng giáo viên, nơi quan tâm, nơi hờ hững
Thăng hạng giáo viên, nơi quan tâm, nơi hờ hững

Thứ hai, kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, chuyên ngành và đạo đức nghề nghiệp mới phần trọng tâm thì nội dung bài học cũ, chồng chéo, khiên cưỡng.

Ví dụ, Chuyên đề 5: Tổ chức hoạt động dạy học, xây dựng và phát triển kế hoạch giáo dục ở trường phổ thông, thì giáo viên đã được đào tạo qua 4 năm đại học.

Chuyên đề 6, 7: Phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên phổ thông hạng 2; Dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh ở trường phổ thông; Dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh ở trường phổ thông, giáo viên đã được tập huấn thường niên cho việc chuẩn bị thay sách giáo khoa.

Chuyên đề 8: Thanh tra kiểm tra và một số hoạt động đảm bảo chất lượng trường phổ thông, chồng chéo với kiến thức về quản lý Nhà nước.

Chuyên đề 9: Sinh hoạt tổ chuyên môn và công tác bồi dưỡng giáo viên trong trường phổ thông, đã có trong Điều lệ trường học (chỉ cần tra Google).

Chuyên đề 10: Xây dựng mối quan hệ trong và ngoài nhà trường để nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển trường phổ thông, đây là điều đương nhiên, vì ngoài công việc giảng dạy, người thầy còn nhiều mối liên hệ khác, cho nên chuyên đề này thực sự không cần thiết.

Thứ 3, chúng ta thường bàn đến vai trò của người thầy trong thời đại Công nghệ 4.0, nhưng nội dung chuyên đề bồi dưỡng không hề có phần kiến thức về tin học (nhằm khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học) và ngoại ngữ (để có thêm nguồn tài liệu tham khảo phong phú).

Thứ 4, phần tìm hiểu thực tế và viết thu hoạch, ở nội dung phần tìm hiểu thực tế yêu cầu giáo viên: 

Tìm hiểu, quan sát và trao đổi kinh nghiệm công tác qua thực tiễn tại một đơn vị cụ thể. Giúp gắn kết giữa lý luận và thực tiễn; giữa kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng thực hành.

Yêu cầu này thật kì lạ, bởi công việc chính của giáo viên là giảng dạy ở trường, tại sao phải làm như vậy?

Thứ 5, phần hướng dẫn viết thu hoạch (trên 5 điểm mới được cấp chứng chỉ), thực ra chỉ là tiểu luận nhỏ mà giáo viên đã thực hiện qua những chuyên đề bồi dưỡng thường xuyên hàng năm.

Qua những phân tích trên, chúng tôi nhận thấy, chứng chỉ thăng hạng chức danh nghề nghiệp thực sự chưa cần thiết đối với giáo viên ngày nay.

Thiết nghĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ nên xem xét bỏ đi quy định giáo viên xét thăng hạng phải có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp, vì chỉ khiến người thầy tốn thêm thời gian, công sức và tiền bạc - lẽ ra không đáng có.

Tài liệu tham khảo:

[1]Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT về Chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông

[2] Chuyên đề bồi dưỡng giáo viên theo chuẩn chức danh nghề nghiệp

Cao Nguyên