Làm thế nào để hạn chế tiêu cực xảy ra trong quá trình chọn sách giáo khoa?

26/11/2019 13:52
Phan Tuyết
(GDVN) - Thầy cô là người trực tiếp giảng dạy, có kinh nghiệm và chuyên môn giỏi, am hiểu tâm sinh lý lứa tuổi. Chính họ phải là nòng cốt trong việc chọn sách giáo khoa

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức công bố 32 sách giáo khoa lớp 1 thuộc 5 bộ sách giáo khoa (theo chương trình giáo dục phổ thông mới ) của 3 Nhà xuất bản.

Đa dạng sách giáo khoa ((Ảnh: TTXVN)
                                                        Đa dạng sách giáo khoa ((Ảnh: TTXVN)

Lần đầu tiên, ngành giáo dục đã có một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa. Điều này, sẽ giúp cho các địa phương có nhiều cơ hội chọn lựa được bộ sách giáo khoa tốt nhất, phù hợp nhất cho học sinh của mình.

Thế nhưng, vẫn còn đó không ít băn khoăn, lo lắng, làm thế nào để việc chọn lựa bộ sách được công tâm, minh bạch? Việc chọn bộ sách ấy thật sự vì quyền lợi của học sinh mà không phải quyền lợi của nhóm lợi ích?

Các quy định về chọn sách giáo khoa có mâu thuẫn nhau?

Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27/3/2015 của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, tại Điều 1, điểm d, khoản 3 nêu rõ:

“Việc lựa chọn sách giáo khoa thuộc thẩm quyền của nhà trường, và được thực hiện công khai, minh bạch, căn cứ điều kiện thực tiễn và có tham khảo ý kiến giáo viên, học sinh, phụ huynh.”

Tại Điều 2, khoản 3, mục g của Nghị quyết số 88/2014/QH13 cũng quy định: “Các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.”

Làm thế nào để hạn chế tiêu cực xảy ra trong quá trình chọn sách giáo khoa? ảnh 2
Liệu còn tình trạng độc quyền sách giáo khoa lớp 1?

Thế nhưng, theo Luật Giáo dục năm 2019 lại trao quyền chọn sách giáo cho Ủy ban nhân dân tỉnh.

Cụ thể, Điều 32, khoản 1 của Luật Giáo dục quy định:

“Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.”

Được biết, Hội đồng thẩm định sách giáo khoa ở các địa phương sẽ gồm 15 thành viên, trong đó tối thiểu 2/3 thành viên là giáo viên từ các trường khác nhau.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định:

“…điều này cũng không mâu thuẫn với Nghị quyết 88 của Quốc hội hay Quyết định 404 của Chính phủ vì ủy ban nhân dân tỉnh chỉ ra quyết định, còn người chọn sách thực sự chính là các giáo viên khi có đến 2/3 thành viên hội đồng chọn sách là giáo viên, là tiếng nói thực tiễn từ cơ sở”.

Dù có sự tham gia của một bộ phận giáo viên trong hội đồng thẩm định sách ở từng địa phương nhưng liệu rằng các thầy cô giáo có phải chịu áp lực từ trên xuống để không còn tiếng nói theo đúng suy nghĩ của mình?

Có xảy ra tình trạng mỗi năm lại chọn một bộ sách?

Cơ hội chọn lựa bộ sách tốt vào nhà trường là khá lớn. Bởi có 5 bộ sách giáo khoa, người chọn sách sẽ có nhiều cơ hội để so sánh, cân nhắc bộ sách nào phù hợp nhất với từng vùng miền.

Sẽ không bắt buộc chọn nguyên một bộ sách cố định nào đó mà có thể chọn theo từng môn học của từng bộ sách khác nhau.

Điều làm không ít người băn khoăn, lo lắng: “Liệu có xảy ra tình trạng mỗi năm lại chọn một bộ sách khác nhau?” điều này sẽ gây lãng phí, tốn kém và gây khó khăn cho những em có gia cảnh khó khăn vì các em sẽ không được học sách cũ.

Không những thế, các trường học cũng phải bỏ toàn bộ sách của giáo viên giảng dạy để mua những bộ sách khác.

Làm thế nào để hạn chế tiêu cực xảy ra trong quá trình chọn sách giáo khoa? ảnh 3
Giá tất cả giáo viên đều được quyền chọn sách giáo khoa

Đâu chỉ mình sách giáo khoa, sẽ có khá nhiều loại sách đi kèm như sách hướng dẫn giảng dạy, sách học tốt…cũng phải xếp xó.

Trong thực tế, chuyện mỗi năm một bộ sách cũng đã từng xảy ra đối với sách Anh văn và Tin học. Có địa phương năm nào cũng thay hai loại sách này.

Mỗi lần thay bộ sách mới họ lại đưa ra nhiều ưu điểm vượt trội của bộ sách ấy. Và cũng chỉ một vài năm thôi những ưu điểm ấy lại dành cho những bộ sách mới khác hơn.

Những lúc như thế, nhà trường, giáo viên vô cùng bị động. Còn phụ huynh đôi khi mua sách bị nhầm do một số của hàng bán sách muốn đẩy được hàng tồn.

Sao không để tất cả giáo viên cùng tham gia chọn sách?

Mỗi địa phương có 15 người (mà trong đó có 2/3 là giáo viên) trong tổ thẩm định sách. Nghĩa là một tỉnh sẽ có khoảng 10 giáo viên được tham gia. Ai giám chắc những giáo viên này đều là giáo viên có năng lực thật sự?

10 giáo viên so với hàng nghìn giáo viên của một tỉnh quả là quá nhỏ. Không ai phủ nhận được rằng các thầy cô giáo là người hiểu học sinh nhất và chắc chắn sẽ biết được bộ sách nào là phù hợp nhất với các em.

Bởi, thầy cô chính là người trực tiếp đứng lớp giảng dạy, có kinh nghiệm và chuyên môn giỏi, am hiểu tâm sinh lý lứa tuổi các em. Vậy nên, chính họ phải là nòng cốt trong việc chọn sách giáo khoa vào nhà trường mới thật sự hợp lý.

Những bộ sách giáo khoa cần được dạy thử một vài tiết trên lớp cụ thể. Việc dạy thử phải minh bạch không có sự chuẩn bị trước về lớp, về giáo viên. Người dự là hội đồng thẩm định và toàn bộ giáo viên của trường.

Sau tiết dạy, sẽ có thời gian để người có chuyên môn thảo luận và tranh luận. Và cuối cùng đến phần bỏ phiếu kín trước tập thể và công khai số phiếu bầu chọn của mọi người.

Thực nghiệm trên nhiều trường và lấy ý kiến góp ý, nếu đa số nghiêng về bộ sách giáo khoa nào đó mà người quyết định cao nhất muốn chọn bộ sách khác cũng chẳng dễ dàng gì.

Tài liệu tham khảo:

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/giao-duc/Quyet-dinh-404-QD-TTg-2015-doi-moi-chuong-trinh-sach-giao-khoa-giao-duc-pho-thong-270720.aspx

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/giao-duc/Nghi-quyet-88-2014-QH13-doi-moi-chuong-trinh-sach-giao-khoa-giao-duc-pho-thong-260798.aspx

https://luatvietnam.vn/giao-duc/luat-giao-duc-2019-175003-d1.html

https://www.vietnamplus.vn/da-dang-sach-giao-khoa-nhung-ai-duoc-quyen-lua-chon/609114.vnp

Phan Tuyết