TGĐ Trung Nguyên đứng chung cùng các vĩ nhân từ năm 2008?

12/05/2011 00:19
(GDVN) – Theo bà Võ Thị Hà Giang, Giám đốc truyền thông, đối ngoại của Công ty Cổ phần Trung Nguyên, cuốn sách “Tài năng và đắc dụng” được xuất bản từ năm 2008.

(GDVN) – Theo bà Võ Thị Hà Giang - Giám đốc truyền thông, đối ngoại của Công ty Cổ phần Trung Nguyên, cuốn sách “Tài năng và đắc dụng” được xuất bản từ năm 2008.

>> Choáng với sách xếp Tổng Giám đốc Trung Nguyên chung với vĩ nhân

Xuất bản từ năm 2008 nhưng đến thời gian gần đây, quyển sách “Tài năng và đắc dụng” do GS-TSKH Nguyễn Hoàng Lương và PGS-TS Phạm Hồng Tung chủ biên, công trình khoa học phân tích và nghiên cứu quá trình hình thành và phát triển nhân cách, tài năng, sự nghiệp của 14 nhân tài tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam và thế giới, được xuất bản bởi Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia, được dư luận quan tâm đặc biệt khi trong nội dung quyển sách, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ (sinh năm 1971) - được tôn vinh ngang hàng với các bậc anh hùng, danh nhân tiêu biểu nhất của hơn 4.000 năm lịch sử!

Để rộng đường dư luận, phóng viên Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với người đại diện phát ngôn của ông Đặng Lê Nguyên Vũ là bà Võ Thị Hà Giang - Giám đốc truyền thông, đối ngoại của Công ty Cổ phần Trung Nguyên - xung quanh vấn đề này.

Ông Vũ cung cấp tài liệu cho các nhà khoa học viết sách

Bà Giang chia sẻ, bà là người được ông Vũ ủy quyền trả lời những thắc mắc những sự việc liên quan đến cuốn sách trên. Theo bà Giang, cuốn sách được xuất bản từ cuối năm 2008. Từ đó đến nay không có một ý kiến gì xung quanh việc ông Vũ được xếp vào “danh mục” vĩ nhân. Dư luận thật sự quan tâm đến vấn đề này từ một bài báo.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ
Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên
Đặng Lê Nguyên Vũ được tôn vinh trong quyển sách “Tài năng
và đắc dụng”.

Câu chuyện cụ thể như sau: Đầu năm 2008, một nhóm nhà nghiên cứu ở Hà Nội tìm đến Trung Nguyên, tìm đến với ông Vũ và có cuộc trao đổi, trò chuyện với ông Vũ về việc đang có một đề tài nghiên cứu khoa học. Trong đó, nhóm nghiên cứu cũng trình bày rõ nghiên cứu về những nhân tài Việt Nam. Họ muốn gặp ông Vũ để xin tư liệu nghiên cứu khoa học và trao đổi.

Bẵng đi một thời gian sau, nhóm nghiên cứu có gửi cho ông Vũ cuốn sách “Tài năng và đắc dụng”. Khi cầm cuốn sách, ông Vũ không biết những tài liệu mình cung cấp tạo nên cuốn sách này. Ông Vũ chỉ biết mình xếp hàng vĩ nhân khi cuốn sách đã lưu chiểu.

Khi phóng viên đề cập đến chuyện “phía Trung Nguyên nghĩ gì về việc xếp loại của các nhà nghiên cứu?”, bà Giang xin từ chối trả lời câu hỏi mang tính cá nhân của ông Vũ cũng như Trung Nguyên nghĩ gì về việc này. Đồng thời, bà Giang cũng khẳng định, những thông tin cung cấp đã được thống nhất. Bà Giang không quên nhấn mạnh: ông Vũ không phải là người cùng chủ biên với nhóm biên soạn như báo đã đưa trước đó.

TGĐ Tập đoàn Trung Nguyên xứng đáng tầm vĩ nhân?

Thắc mắc chuyện ông Vũ có xứng đáng với danh hiệu trên, bà Giang từ chối khéo câu trả lời khi cho rằng: “Ông Vũ có xứng tầm các vĩ nhân hay không phải đi hỏi nhóm biên soạn sách”.

Đây là một công trình nghiên cứu khoa học, các tiêu chí, đánh giá đã có thẩm định. Tuy nhiên, bản thân ông Vũ cũng không biết các tiêu chí đánh giá là gì và do ai thẩm định mà chỉ biết bản thâm mình cũng như Trung Nguyên đã được nghiên cứu.

“Để hiểu, nhìn nhận đánh giá một con người đó là cả một quá trình mới đi đến kết luận, nhận thức cuối cùng. Ông Vũ được nhiều người biết và nhiều người không biết cũng là điều bình thường của xã hội. Nếu gặp ông Vũ, chắc chắn nhiều người sẽ rất thích”, bà Giang chia sẻ.

Bà Giang trao đổi rất thẳng thắn về chuyện cung cấp tư liệu để làm sách nhưng lại mập mờ chuyện ông Vũ nghĩ mình có xứng tầm với vĩ nhân không: “Hiện nay có nhiều ý kiến trái chiều, nếu dư luận chỉ nhìn nhận dưới góc độ của một bài báo sẽ không chấp nhận được. Những người đã gặp, đã tiếp xúc thì họ lại ủng hộ việc sắp xếp trên. Đánh giá đó tùy thuộc vào chủ quan của mỗi người”.

10 nhân tài tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam được nhóm tác giả lựa chọn đề cập và nghiên cứu trong cuốn sách này gồm: Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Đào Duy Từ, Hồ Chí Minh (trong lĩnh vực lãnh đạo, quản lý), Lê Quý Đôn, Trần Văn Giàu (lĩnh vực khoa học và công nghệ) cùng Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Trường Tộ, Bạch Thái Bưởi và… Đặng Lê Nguyên Vũ (lĩnh vực kinh tế, kinh doanh) cùng 4 nhân tài tiêu biểu trong lịch sử thế giới: Chulalongkorn - Nhà cải cách vĩ đại của Thái Lan thời cận đại, Albert Einstein - Người thay đổi tư duy của nhân loại, Thomas Alva Edison - Nhà phát minh vĩ đại của thế kỷ 19 và Bill Gates - Biểu tượng của thời đại kinh tế tri thức.


Phương Thúy

>> Choáng với sách xếp Tổng Giám đốc Trung Nguyên chung với vĩ nhân

Đặng Lê Nguyên Vũ là cái tên quen thuộc trong giới doanh nhân Việt hiện nay. Những ý tưởng, việc làm sáng tạo và táo bạo của ông tạo được chỗ đứng cũng như vị thế vững chắc cho thương hiệu cà phê Việt nói riêng và thương hiệu doanh nhân Việt nói chung trong nước và trên thế giới. Tuy nhiên, từ doanh nhân đến danh nhân là một con đường vô vàn thử thách, chông gai... Theo bạn, liệu doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ đã xứng đáng trong cuộc tôn vinh này hoặc ai có thể xứng đáng hơn ông Vũ? Bạn nhìn nhận thế nào về các tiêu chí sắp xếp trong quyển sách “Tài năng và đắc dụng”? Hãy chia sẻ ý kiến với báo Giáo dục Việt Nam bằng cách gửi vào ô phản hồi dưới đây hoặc gửi về địa chỉ toasoan@giaoduc.net.vn. Trân trọng!