Ai dang tay tạo ra cơ chế lợi ích cho sách giáo khoa mới?

03/04/2020 06:37
Tùng Dương
(GDVN) - Bộ Giáo dục chưa ra được quy chuẩn chung về sách giáo khoa, dẫn đến thả nổi các nhà xuất bản tự quyết định về kích cỡ, chất lượng in...khiến giá sách tăng cao.

Theo Nghị quyết 88/2014/ QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội, thì năm học 2020 - 2021 ngành giáo dục sẽ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới từ lớp 1.

Nhưng thực tế hiện nay là giá bán sách giáo khoa mới vẫn đang còn tranh cãi, gây nên nhiều bức xúc trong xã hội, và điều quan trọng nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa biên soạn được 1 bộ sách giáo khoa riêng của Bộ để làm chuẩn.

Sách giáo khoa mới được biên soạn theo hình thức xã hội hóa, nhưng thực tế là Bộ Giáo dục và Đào tạo lại chưa đưa ra được quy chuẩn chung về mọi phương diện của bộ sách giáo khoa, dẫn đến việc thả nổi cho các nhà xuất bản tự quyết định về kích cỡ sách, chất lượng giấy, cách in ấn…và việc thả nổi này dẫn đến giá sách giáo khoa mới hiện nay tăng cao gấp 4 lần so với giá sách hiện hành.

Dư luận xã hội cho rằng phải chăng bộ sách giáo khoa cũ lâu nay vẫn đang sử dụng là không đảm bảo chất lượng cho việc dạy học?

Có nhất thiết rằng sách giáo khoa phải in khổ lớn, 4 mầu và dùng loại giấy quá tốt để tăng giá thành, gây ảnh hưởng đến người dân?

Cần xem xét quyết định việc bổ sung mặt hàng sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Ảnh: TD.
Cần xem xét quyết định việc bổ sung mặt hàng sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Ảnh: TD.

Sách giáo khoa tiếng Anh lớp 1 mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định do người Việt Nam biên soạn, nhưng trong bảng thuyết trình về giá thì Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Sách giáo khoa tiếng Anh 1 Explore Our World được hiệu chỉnh từ sách nước ngoài. Như vậy rõ ràng là các nhà xuất bản đã nhập sách nước ngoài rồi bán lại cho học sinh, chứ không phải tự biên soạn.

Không được tăng giá sách giáo khoa mới cao hơn giá sách hiện hành. Đây là đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi Bộ Tài chính, nhằm kiểm soát giá bán sách giáo khoa mới.

Đồng quan điểm, Bộ Tài chính cũng đã có Văn bản đề nghị các nhà xuất bản thực hiện kê khai giá sách giáo khoa mới theo đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đó là bảo đảm không vượt quá giá sách giáo khoa hiện hành.

Như vậy có thể thấy việc giá sách giáo khoa mới tăng cao như hiện nay là các nhà xuất bản đã cố tình làm ngược lại với chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng như Bộ Tài chính và đi ngược lại với tinh thần chỉ đạo bình ổn giá của Chính phủ, nhất là trong giai đoạn hiện nay.

Trước thực tế này, nhà nước cần phải có giải pháp cấp bách để điều tiết giá, đảm bảo công bằng giữa các nhà xuất bản và thực hiện mục tiêu về an sinh xã hội, đặc biệt là cho vùng sâu, vùng xa, vùng có kinh tế khó khăn, biên giới hải đảo.

Cần thực hiện điểm 2 Công văn số 768/VPCP - KTTK của Văn phòng Chính phủ về triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/ QH13 của Quốc hội : “ Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan liên quan nghiên cứu…khẩn trương tổng hợp, đề xuất và báo cáo Chính phủ xem xét, trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định việc bổ sung mặt hàng sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá”. Có như vậy mới đảm bảo được mục tiêu phổ cập giáo dục, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị xã hội.

Sách giáo khoa là mặt hàng có tác động rất lớn đến đời sống xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh Covid - 19 như hiện nay, vùng sâu, vùng xa kinh tế còn nhiều khó khăn. Ảnh minh họa: Tùng Dương.
Sách giáo khoa là mặt hàng có tác động rất lớn đến đời sống xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh Covid - 19 như hiện nay, vùng sâu, vùng xa kinh tế còn nhiều khó khăn. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Quay trở lại việc ngày 4/2, tại cuộc họp triển khai hoạt động của dự án RGEP, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lại Giao Ban Quản lý các dự án (Bộ Giáo dục và Đào tạo) phối hợp Vụ Giáo dục tiểu học, dự án RGEP và một số đơn vị liên quan, tổ chức mua bản mẫu sách giáo khoa lớp 1 mới (trừ sách giáo khoa môn ngoại ngữ).

Đồng thời, Vụ Giáo dục Trung học chủ trì phối hợp Vụ Giáo dục Tiểu học và các đơn vị liên quan tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa. Trước mắt, hoàn thành biên soạn bản mẫu sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 trước ngày 15/10 để thẩm định.

Có thể thấy như vậy là Bộ Giáo dục và Đào tạo đã không thực hiện đúng yêu cầu của Nghị quyết 88/2014/ QH13 của Quốc hội, đúng ra là Bộ Giáo dục phải tự biên soạn được 1 bộ sách của Bộ, chứ không phải bí quá lại dùng tiền ngân sách được giao biên soạn mang đi mua 1 bộ sách, và coi đó là bộ sách của Bộ. Như vậy liệu có đúng tình thần xã hội hóa hay không?

Tại điểm g khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết 88 có quy định: “ Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông”.

Nhưng theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo thì hiện nay có 03 nhà xuất bản được phép phát hành sách giáo khoa, đó là Nhà xuất bản Giáo dục, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhưng điều mà xã hội đang quan tâm nhất hiện nay là giá sách giáo khoa mới tăng cao nhưng lại tập trung vào Nhà xuất bản Giáo dục khi có tới 4 bộ sách.

Ai dang tay tạo ra cơ chế lợi ích cho sách giáo khoa mới? ảnh 3Sách giáo khoa không phải mặt hàng muốn bán giá nào cũng được

Nhà xuất bản Đại học Sư phạm và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có chung 1 bộ sách giáo khoa.

Câu hỏi đặt ra là liệu có việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tạo ra “cơ chế” ở đây hay không, rõ ràng là việc phát hành sách giáo khoa như hiện nay, cũng như việc tăng giá là độc quyền của Nhà xuất bản Giáo dục?

Thiết nghĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 88/2014/ QH13 của Quốc hội.

Bộ phải lập tức đưa ra những giải pháp khuyến khích xã hội hóa để thu hút thêm các nhà xuất bản, các tổ chức tham gia biên soạn, tạo cơ chế cạnh tranh lành mạnh, tránh nguy cơ độc quyền, tăng giá tạo thêm gánh nặng về kinh tế cho phụ huynh và học sinh cũng như toàn xã hội.

Hơn nữa sách giáo khoa là mặt hàng có tác động rất lớn đến đời sống xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh Covid - 19 như hiện nay, vùng sâu, vùng xa kinh tế còn nhiều khó khăn.

Như vậy có thể nói Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết 88 mà Quốc hội giao cho là phải xã hội hóa, vậy việc xã hội hóa mà Bộ thực hiện ở đây là chất lượng hay xã hội hóa về giá sách giáo khoa?.

Tùng Dương