Nâng chuẩn sẽ miễn phí, giáo viên đừng đi học theo hiệu ứng tin đồn

16/04/2020 06:34
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Kinh phí thực hiện do ngân sách địa phương bảo đảm theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật;

Ngày 1/7/2020 Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực, một trong những điều đáng chú ý nhất là việc nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở…

Giáo viên sẽ được nâng chuẩn miễn phí (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại).
Giáo viên sẽ được nâng chuẩn miễn phí (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại).

Bên cạnh đó, Khoản 2 của Điều 72 cũng giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn đào tạo của giáo viên.

Thế nhưng thời gian này, giáo viên ở các bậc học ở nhiều địa phương đang gấp rút chuẩn bị hoàn thành hồ sơ, ghi danh để đi học nâng chuẩn theo dạng tự túc.

Trong khi đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục để xây dựng dự thảo về lộ trình bồi dưỡng nâng chuẩn.

Lộ trình này, dự kiến sẽ thực hiện trong hơn 10 năm (1/7/2020 - 31/12/2030). Có nghĩa là, bắt đầu từ ngày 1/7 tới đây, giáo viên sẽ được miễn học phí nâng chuẩn trình độ đào tạo.

Ngành giáo dục ở nhiều địa phương đang liên kết với trường đại học để tuyển giáo viên đi học nâng chuẩn

Những thông tin về lộ trình nâng chuẩn miễn phí cho giáo viên như thế, lẽ ra ngành giáo dục ở các địa phương phải thông báo về các trường cho những thầy cô giáo chưa đạt chuẩn nắm bắt và yên tâm.

Đằng này, một số địa phương lại thay mặt các trường đại học trong ngoài tỉnh gửi thông báo chiêu sinh về từng trường học để giáo viên đăng ký đi học theo kiểu đóng học phí.

Nâng chuẩn sẽ miễn phí, giáo viên đừng đi học theo hiệu ứng tin đồn ảnh 2
Nâng chuẩn giáo viên, đôi điều trăn trở!

Điều đáng nói là, số tiền học phí phải bỏ ra để theo học từ 2-3 năm không hề nhỏ. Mức học phí nhiều, ít còn phụ thuộc vào trường đại học nào đảm nhận.

Trường danh tiếng học phí cao hơn, trường trong tỉnh hoặc liên kết với trường đại học ít tên tuổi thì học phí thấp hơn.

Có giáo viên nhẩm tính mới chỉ đi khám sức khỏe, nộp lệ phí xét hồ sơ, lệ phí xét tuyển đã ngót nghét hết cả triệu bạc.

Theo một số đồng nghiệp khi cầm được tấm bằng đại học, thầy cô cũng phải tốn vài ba chục triệu đồng cho đủ các khoản tiền.

Đi học nâng chuẩn chủ yếu theo hiệu ứng tin đồn vì thiếu thông tin

Khi giáo viên ở các trường học nhận được công văn của cấp trên gửi về việc học nâng chuẩn đã lo lắng, bất an nên thường ghi danh mặc dù biết sẽ mất một khoản tiền không nhỏ.

Rồi những thông tin như không đạt chuẩn sau này sẽ giảm biên chế; không được phân công đứng lớp; không được xét nâng lương; sẽ bị khống chế trong xếp loại thi đua…cứ được rỉ rả nói cho nhau nghe.

Có lẽ vì thế mà nhiều thầy cô đã phải đăng kí “đi học cho xong việc, đỡ mang rắc rối vào thân”.  

Những điều giáo viên cần biết trong việc nâng chuẩn trình độ sắp tới

Nâng chuẩn sẽ miễn phí, giáo viên đừng đi học theo hiệu ứng tin đồn ảnh 3
Thầy cô đừng nóng vội mất tiền oan, nhà nước sẽ có lộ trình nâng chuẩn giáo viên

Dự thảo lần 3 Nghị định quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.

Theo đó, quy định cụ thể hơn đối tượng giáo viên tiểu học phải thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo như sau:

Giáo viên dạy cấp học tiểu học chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên tiểu học hoặc chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên, tính từ ngày 01/7/2020 còn đủ 08 (tám) năm công tác (96 tháng) đối với giáo viên có trình độ trung cấp, còn đủ 07 (bảy) năm công tác (84 tháng) đối với giáo viên có trình độ cao đẳng đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.  

Trong đó, lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên tiểu học được thực hiện từ ngày 01/7/2020 đến hết ngày 31/12/2030. 

Dự thảo cũng nêu rõ: Kinh phí thực hiện do ngân sách địa phương bảo đảm theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật;

Giáo viên thuộc đối tượng nâng trình độ chuẩn được đào tạo quy định tại Điều 2 Nghị định này được miễn học phí;

Được hưởng 100% lương và các chế độ, phụ cấp theo quy định của pháp luật; Được biểu dương, khen thưởng khi có thành tích xuất sắc trong học tập.

Giáo viên không đủ thời gian công tác theo quy định không phải đi học nâng chuẩn

Theo dự thảo, nếu tính từ ngày 01/7/2020 thầy cô nào hiện có bằng trung cấp sư phạm nhưng không còn đủ 08 (tám) năm công tác (96 tháng) và những thầy cô có bằng cao đẳng nhưng không còn đủ 07 (bảy) năm công tác (84 tháng) sẽ không thuộc đối tượng đi học nâng chuẩn.

Và như thế, những thầy cô giáo này vẫn còn đủ điều kiện giảng dạy cho đến lúc về hưu.

Thế nên, giáo viên chưa đạt chuẩn hãy xem mình có thuộc đối tượng được nâng chuẩn hay không? Đồng thời sẽ chờ đợi danh sách đi học nâng chuẩn khi đơn vị yêu cầu.

Đừng bao giờ hoang mang, lo lắng chỉ vì những lời đồn vô căn cứ hoặc những thông báo chiêu sinh nâng chuẩn mà các trường đại học liên kết với ngành giáo dục địa phương gửi về.

Tài liệu tham khảo:

https://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/thoi-su-phap-luat/thoi-su/28273/nhung-truong-hop-giao-vien-tieu-hoc-phai-nang-trinh-do-chuan-de-xuat

Phan Tuyết