Phía sau những lời... Xin lỗi

22/04/2020 06:00
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Có người kể lại câu chuyện nhưng cải biên lời của thằng to xác: “Bố tao bảo tao xin lỗi mày, thích chưa, (chỉ tay) biến”.

Có một dân tộc lang thang trên những chiếc xe kéo khắp các miền đất từ Á sang Âu, những bộ phim nói về dân tộc này thường đưa vào hình ảnh bói toán, cờ bạc.

Đôi khi, một cách cố ý, người ta còn đưa thêm những hình ảnh trộm cắp, lừa đảo với ngụ ý không thân thiện. 

Người viết có dịp nói chuyện với một nhóm người thuộc dân tộc này, cảm giác là họ không quan tâm đến khái niệm Tổ quốc như người Do Thái, hình như với họ, việc dân tộc mình không có tổ quốc cũng bình thường như sự lang thang của loài chim di trú khi mùa đông về.

Tính cách dân tộc quyết định tương lai của dân tộc đó”, điều này không phải chỉ các triết gia, nhà văn hay chính khách khẳng định mà người dân thường cũng có thể nhận thấy.

Người Việt có câu ca dao khá chuẩn xác nhận diện tính cách con người: “Trông mặt mà bắt hình dong, con lợn có béo thì lòng mới ngon”.

Nhìn đường nét trên khuôn mặt, nhìn dáng vẻ bề ngoài còn có thể đoán biết tính cách, ý nghĩ, ẩn giấu bên trong, có thể dự đoán cả đời sống tình cảm.

Có một câu chuyện không phải ngụ ngôn mà xảy ra hàng ngày, gặp ở nhiều nơi: 

“Có thằng bé to xác bắt nạt đứa bé hàng xóm, ông hàng xóm dắt con đến nhà nói chuyện phải quấy với bố đứa to xác, bố đứa to xác bênh con nhưng đuối lý đành phải bắt con xin lỗi đứa bị bắt nạt, thằng to xác giơ nắm đấm vào mặt đứa hàng xóm nói: “Bố ông bảo ông xin lỗi mày, ông xin lỗi, được chưa”? 

Chứng kiến sự việc, xóm giềng và người đi đường khuyên ông bố và đứa bé bị bắt nạt về nhà kẻo lại sinh thêm chuyện!

Có người kể lại câu chuyện trên nhưng cải biên lời của thằng to xác: “Bố tao bảo tao xin lỗi mày, thích chưa, (chỉ tay) biến”. 

Tuy có khác nhau về từ ngữ, cả hai câu nói đều cho thấy dù “thằng to xác” thuộc loại trẻ hư thế nào thì nó vẫn phải dựa vào bố, phải nghe lời bố. 

Nếu không dựa vào bố, “thằng to xác” có dám bắt nạt kẻ yếu thế?

Nhân câu chuyện “xin lỗi” lưu truyền trong dân gian, xin nên nói thêm về nhiều cuộc “xin lỗi” đã được tổ chức và được truyền thông đăng tải:

Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại Hà Nội đã tổ chức “Buổi công khai xin lỗi cải chính đối với người bị kết án oan là ông Nguyễn Thanh Chấn theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước”. [1]

Một vụ “xin lỗi” khác không được tổ chức mà chỉ là sự lên tiếng trên truyền thông là vụ ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (cơ quan thuộc Bộ Giao thông Vận tải) lên tiếng xin lỗi ông Trần Đình Bá vì đã đề cập đến vấn đề học vị tiến sĩ (của ông Bá - NV) trong phản hồi về các ý kiến góp ý cho xây dựng sân bay Long Thành. [2]

Vụ “xin lỗi” khiến báo chí tốn nhiều giấy mực là vụ Ủy ban Nhân dân phường 13 quận Bình Thạnh – Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức buổi xin lỗi ông Trương Bá Nhàn tại nơi ông Nhàn cư ngụ trước khi bị bắt.

Câu chuyện về lời xin lỗi từng tốn nhiều giấy mực của báo chí. (Ảnh: Laodong.vn)
Câu chuyện về lời xin lỗi từng tốn nhiều giấy mực của báo chí. (Ảnh: Laodong.vn)

“Cuộc xin lỗi” kéo dài 15 phút trong đó phần chính dài chưa đến… 5 phút. 

“Một kiểm sát viên giới thiệu nội dung và thành phần tham dự. Lời giới thiệu dài 1 phút 40 giây.

Sau đó, Chánh Văn phòng Viện Kiểm sát Nhân dân đứng lên đọc bản xin lỗi: “… Tôi đại diện Viện KSND TPHCM xin lỗi ông và gia đình về những tổn thất mà ông và gia đình đã gánh chịu do bị oan. Một lần nữa chúng tôi xin lỗi ông…”.

Lời xin lỗi này dài đúng 1 phút 40 giây. Sau lời xin lỗi, thủ tục… bắt tay và trao giấy chuyển khoản tiền bồi thường kéo dài thêm 1 phút.

Và sau đó.

Hết.

Thậm chí, người bị oan không được quyền lắp bắp, dù chỉ một câu”.

Trên đây là nội dung đăng tải trên báo điện tử Laodong.com.vn về tất cả những gì diễn ra trong cuộc “xin lỗi” ông Trương Bá Nhàn “cho 1.346 ngày tù oan và 14 năm kiện đòi bồi thường mà ông Nhàn phải chịu”. [3]

Một số báo đã làm tròn số và viết rằng “cuộc xin lỗi” kéo dài 5 phút. 

Những người biết sử dụng phần mềm tính toán Excel của hãng Microsoft đều biết nguyên tắc làm tròn tự động, nếu làm tròn số bằng lựa chọn không có phần lẻ thập phân thì 4 phút 20 giây sẽ làm tròn thành 4 phút chứ không thể là 5 phút.

Người viết thấy có lẽ phải thêm gì đó cho 40 giây còn lại (để đủ 5 phút), chẳng hạn vị đọc lời giới thiệu sẽ đứng lên nói lời cuối cùng: “Cuộc xin lỗi đến đây là kết thúc, xin cảm ơn quý vị đã tham dự, xin chào và hẹn gặp lại”. 

Đoạn “Xin chào và hẹn gặp lại được đưa vào chẳng qua là dựa vào tiền lệ khi có người “Chúc quốc tang vui vẻ”, nếu bỏ thì nói gì cho đủ 40 giây?

Móng tay quyền lực to hay bé?
Móng tay quyền lực to hay bé?

Từ cuộc “xin lỗi” này, xem ra sự cải biên lời xin lỗi “Bố tao bảo tao xin lỗi mày, thích chưa, (chỉ tay) biến” quả thật là chí lý. 

Có điều chắc chắn vụ xin lỗi được Laodong.vn tường thuật không có chuyện người thi hành công vụ chỉ tay bảo công dân “biến” mà có thể chỉ là xếp ghế đứng dậy, ai muốn ngồi lại xin cứ … tự nhiên, còn chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ “ban hành” lời xin lỗi!

Mấy chuyện kể trên đều đã xưa lắm rồi, ngày nay “nghệ thuật xin lỗi” vẫn giữ ổn định hay đã và đang có nhiều tiến bộ thì người viết mù tịt, không biết người khác thế nào.

Xin đề cập câu chuyện gần đây, sau khi clip tịch thu hàng hóa và bắt người bán hàng rong tại phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh được phát tán trên mạng xã hội.

Ông Đoàn Hồng Nam – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Bãi Cháy cùng ông Nguyễn Tuấn Minh – Bí thư Đảng ủy phường Bãi Cháy đã tới nhà chị Vũ Thị Chinh (thôn Cát Thành, phường Minh Thành, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) để xin lỗi về phát ngôn không chuẩn mực của lực lượng làm nhiệm vụ.

Trả lời báo Laodong.vn, bà Lê Thị Hiền, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Bãi Cháy, người quay clip và bị rò rỉ trên mạng xã hội, thừa nhận trong lúc bức xúc đã có những phát ngôn thiếu chuẩn mực, phản cảm, khiến dư luận bức xúc, đồng thời xin nhận khuyết điểm và sẽ rút kinh nghiệm. [4]

Không thấy bà “Phó phường” Lê Thị Hiền nói lời xin lỗi chị bán rau mà chỉ là “xin nhận khuyết điểm và sẽ rút kinh nghiệm”! 

Có phải cấp trên của bà Hiền đã xin lỗi rồi nên xin lỗi thêm là thừa?

Ba năm trước, Báo điện tử Dangcongsan.vn viết về vụ Tập đoàn FLC thi công sân golf khiến bùn đất tràn ngập nhà dân (cũng tại thành phố Hạ Long) như sau:

“Trận mưa lớn vào đêm 4/8 và rạng sáng 5/8 (năm 2017) đã kéo theo bùn đất và đá từ dự án trên đồi cao của Tập đoàn FLC tràn xuống khiến nhà ở, tài sản của một số hộ dân bị ngập nước, bùn, đất đá và bị hư hại…”. [5]

Không tìm thấy bất kỳ lời xin lỗi nào được đăng trong bài báo.

Trở lại vụ xử lý người bán rau, một đoạn lời nói mà Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Bãi Cháy trong clip như sau: 

“Con này mày có bị điên không, thu giữ đưa hết về phường,… không nói nhiều nữa".

Công lý bịt mắt và quan luôn thắng dân
Công lý bịt mắt và quan luôn thắng dân

Chợt nhớ đến một người phụ nữ khác cũng tên là “Lê Thị Hiền” và không hiểu giời sinh thế nào mà tính cách hai người này lại giống nhau như đôi song sinh.

Báo chí tường thuật vụ cựu Đại úy công an Lê Thị Hiền, cán bộ đội Cảnh sát giao thông trật tự Công an quận Đống Đa (Hà Nội), là hành khách đi chuyến bay VN248 SGN-HAN ngày 11/08/2019 đã: “to tiếng, có lời lẽ thô tục xúc phạm, lăng mạ nhân viên làm thủ tục hàng không…”.

Người này đã bị giáng hai cấp xuống trung úy và “yêu cầu xuất ngũ” – một cách nói văn vẻ của việc bị đuổi khỏi lực lượng công an.

Vậy hai “người hiền” này có nên bị xử lý giống nhau? Nói cách khác, chính quyền thành phố Hạ Long có nên “yêu cầu xuất ngũ” với vị Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân gọi dân là “con này”.

Nếu dân là “con này” thì quan đúng là “phụ mẫu”, vậy “đày tớ” biến đâu rồi?

Người dân thiếu hiểu biết pháp luật, chưa chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật thì người thi hành công vụ phải giải thích, thái độ kiên quyết nhưng phải mềm mỏng, cán bộ gọi dân là “con này”, xưng dân là “mày” có phải là công bộc của dân?

Hạ Long là thành phố du lịch, Vịnh Hạ Long là di sản thiên nhiên của thế giới, Quảng Ninh là mảnh đất có bề dày lịch sử với trận chiến Bạch Đằng, với chiến khu Đông Triều và đội ngũ công nhân đông đảo vậy nên xây dựng một đội ngũ cán bộ quản lý đủ tâm và đủ tầm phải được xem là nhiệm vụ chính trị hàng đầu.

Một que diêm có thể đốt cháy cả cánh rừng, một con sâu có thể làm hỏng cả nồi canh, lãnh đạo thành phố Hạ Long đã nhận thức đầy đủ điều này nên đã yêu cầu lãnh đạo phường Bãi Cháy xin lỗi người dân. 

Quyết định tiếp theo là gì mới là điều dư luận mong đợi.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://congly.vn/phap-dinh/toa-tuyen-an/cong-khai-xin-loi-ong-nguyen-thanh-chan-bi-ket-an-oan-93004.html

[2]https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/truy-hoc-vi-tien-si-cuc-truong-xin-loi-ong-tran-dinh-ba-240381.html

[3] https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/loi-xin-loi-dai-1-phut-40-giay-364251.bld

[4]https://laodong.vn/xa-hoi/lanh-dao-phuong-bai-chay-den-nha-xin-loi-chi-ban-rau-799590.ldo

[5]http://dangcongsan.vn/xa-hoi/quang-ninh-su-co-nuoc-bun-dat-cua-du-an-flc-tran-xuong-nha-dan-448957.html

Xuân Dương