Bài viết luận khác đoạn văn nghị luận xã hội thế nào?

02/05/2020 06:26
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Học sinh cần nắm vững cách thức viết đoạn văn nghị luận xã hội và bài viết luận để làm tốt bài thi môn Ngữ văn.

Học sinh lo lắng với bài viết luận

Năm nay, Đại học Quốc gia Hà Nội quay lại tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng sau 3 năm tạm dừng - kỳ thi sẽ được tổ chức tại Hà Nội.

Ngoài các bài thi là các môn học sinh được học ở phổ thông, năm nay, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức thêm một bài viết luận.

Nhiều học sinh lớp 12 băn khoăn, các em đã quen viết đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ, nhưng cảm thấy lo lắng với bài viết luận.

Thực ra, học sinh đã được học bài viết luận từ bậc trung học cơ sở đến trung học phổ thông – thường gọi là nghị luận xã hội - với 2 kiểu bài quen thuộc: nghị luận về một vấn đề tư tưởng đạo lí và nghị luận về một hiện tượng đời sống.

Và nhiều năm qua, Trường Đại học FPT đều yêu cầu học sinh viết bài luận đối với kì thi sơ tuyển vào đại học của trường này.

Cụ thể, một số đề thi viết luận của Trường Đại học FPT những năm về trước như sau.

Đề thi tháng 8/2014 yêu cầu thí sinh chia sẻ quan điểm trước ý kiến: “Những người thành công trong cuộc sống hoàn toàn là do họ đã nỗ lực hết mình. Sự may mắn không hề liên quan gì ở đây”.

- Gợi ý: Khá nhiều dẫn chứng cụ thể trong cuộc sống đời thường, học sinh cần đưa vào bài để bộc bạch, minh chứng và bảo vệ quan điểm của mình.

Đề thi tháng 5/2015: “Cuộc sống tiện nghi và xa hoa làm cản trở phát triển cá nhân trở thành con người thật sự mạnh mẽ và độc lập. Bạn có đồng ý hay không đồng ý (mức độ nào) với ý kiến trên?”

- Gợi ý: Trong bài viết, học sinh cần nêu các khía cạnh đúng/sai của phát biểu đồng thời giải thích và dẫn chứng cho các quan điểm đó.

Đề thi tháng 7/2015: “Cổ nhân có câu “Yêu (thương) cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Bạn đồng ý hay không đồng ý với quan điểm giáo dục trên? Và ở mức độ nào?”

- Gợi ý: Giải thích các ý kiến của mình; sử dụng kiến thức và trải nghiệm (ở nhà trường và gia đình) để dẫn chứng cho bài nghị luận.

Bài viết luận khác đoạn văn nghị luận xã hội thế nào? (Ảnh minh họa: Hocmai.vn)
Bài viết luận khác đoạn văn nghị luận xã hội thế nào? (Ảnh minh họa: Hocmai.vn)

Sự khác nhau của hai bài luận

Theo Tiến sĩ Ngữ văn Trịnh Thu Tuyết (Hà Nội), đoạn văn nghị luận xã hội và bài viết luận có những điểm khác nhau như sau.

1. Đoạn văn nghị luận xã hội:

- Nội dung: Luận về một khía cạnh/một bình diện/một nội dung nhỏ trong vấn đề lớn thuộc về tư tưởng đạo lí hoặc hiện tượng xã hội.

- Hình thức: Có thể lựa chọn bất kì kiểu cấu trúc nào phù hợp, như qui nạp, diễn dịch, song hành, móc xích hay tổng – phân – hợp…, miễn là đúng hình thức một đoạn văn (không xuống dòng/chữ đầu câu đầu đoạn viết hoa và lùi vào một chữ).

- Dung lượng: khoảng 200 chữ.

- Thời gian viết khoảng 20 tới 25 phút.

Chiến thuật ôn tập Ngữ văn 12 mùa Covid-19
Chiến thuật ôn tập Ngữ văn 12 mùa Covid-19

2. Bài viết luận:

- Nội dung: Thực chất là kiểu bài văn nghị luận xã hội trước đây, luận về toàn bộ một vấn đề lớn thuộc về tư tưởng đạo lí hoặc hiện tượng xã hội.

- Hình thức: Viết đúng cấu trúc ba phần của một bài văn với mở bài (giới thiệu vấn đề nghị luận); thân bài triển khai hệ thống luận điểm, tương đương với các khía cạnh/bình diện/ nội dung/ ý nhỏ… góp phần làm sáng rõ vấn đề lớn); kết bài (khái quát, nâng cao vấn đề vừa nghị luận).

- Dung lượng: khoảng 550 tới 600 từ (nghĩa là có thể từ 600 tới 1200 chữ).

- Thời gian viết: 60 phút.

Cùng với đó, Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết gợi ý 2 đề luyện tập cho bài viết luận cho khối ngành khoa học xã hội - nhân văn và khoa học tự nhiên – công nghệ.

Đề 1. Bàn về việc lựa chọn nghề nghiệp, có ý kiến cho rằng: trong xã hội hiện nay, nhiều người chọn nghề vì nghề đó mang lại thu nhập cao chứ không phải vì đam mê.

Hãy viết một bài (khoảng 550 – 600 từ) bàn về ý kiến trên. Cần nói rõ ý kiến dựa trên những giả định nào và giả định đó có cơ sở hay không?” (dành cho khối ngành khoa học xã hội - nhân văn).

Đề 2. Hãy viết một bài (khoảng từ 550 tới 600 từ) về chủ đề: nhiều người cho rằng phương thức đào tạo trực tuyến sẽ dần thay thế phương thức đào tạo truyền thống trên lớp học.

Như vậy, người học có thể hoàn thành chương trình đào tạo đại học/sau đại học mà không cần đến trường (hoặc thời gian đến trường là tối thiểu).

Anh/chị đồng ý hay không đồng ý với ý kiến trên? Hãy đưa ra các lí lẽ và minh chứng cho quan điểm của anh/chị (dành cho khối ngành khoa học tự nhiên – công nghệ).

Ngoài ra, Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết khuyên học sinh lớp 12 cần tận dụng thời gian khoảng ba tháng tới, ôn luyện đồng thời hai dạng: đoạn văn nghị luận xã hội và bài viết luận, nhằm đáp ứng yêu cầu của bài thi tốt nghiệp trung học phổ thông đầu tháng 8/2020 và yêu cầu đề thi kiểm tra năng lực cơ bản thí sinh, nếu các em đăng kí thi vào nhóm trường của Đại học Quốc gia Hà Nội.

“Sẽ khó khăn cho các em khi khóa 2020 chỉ quen với đoạn văn nghị luận xã hội, nhưng thay vì ngồi than thở hay lo lắng, chúng ta hãy chủ động bắt tay vào ôn luyện”, Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết Tuyết nhắn gửi.

Tài liệu tham khảo:

[1] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/dai-hoc-quoc-gia-ha-noi-cong-bo-3-phuong-an-tuyen-sinh-2020-post208816.gd

[2] //fpt.edu.vn/tin-tuc/14089/de-thi-viet-luan-qua-cac-nam-cua-dai-hoc-fpt

Cao Nguyên