Phó hiệu trưởng "buôn" bằng giả ở Hưng Yên dưới góc nhìn của luật sư

08/05/2020 06:09
Lại Cường
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Với tội danh “Giả mạo trong công tác”, Phạm Xuân Nhất, Phó Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Hồng Bàng có thể đối mặt với mức án nào?

Cơ quan điều tra Công an tỉnh Hưng Yên đã quyết định khởi tố vụ án và bắt tạm giam Phạm Xuân Nhất, sinh năm 1975, quê ở Ân Thi, huyện Ân Thi, Hưng Yên về hành vi giả mạo trong công tác.

Đối tượng Phạm Xuân Nhất hiện là Phó Hiệu trưởng trường Trung học Phổ thông Hồng Bàng (Yên Mỹ, Hưng Yên).

Trước đó, cơ quan An ninh điều tra công an tỉnh Hưng Yên đã bắt quả tang Phạm Xuân Nhất khi nhận 6 bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông giả.

Hiệu trưởng bị bắt, Hiệu phó bị khởi tố kêu oan
Hiệu trưởng bị bắt, Hiệu phó bị khởi tố kêu oan

Tại cơ quan điều tra, Phạm Xuân Nhất khai đã nhận 105 triệu đồng và thông tin cá nhân của 7 học sinh trường Trung học phổ thông Hồng Bàng để làm giả giấy chứng nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông tạm thời và sau đó mua bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông giả cho 7 học sinh này.

Mở rộng điều tra, Ban chuyên án đã bắt giữ hai đối tượng là Dương Hữu Hưng và Dương Văn Lạng, cùng sinh năm 1991, hiện đang ở tại số nhà 107 chung cư Hưng Ngân, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh.

Khám xét khẩn cấp chỗ ở của hai đối tượng, cơ quan công an thu giữ 1.100 phôi văn bằng chứng chỉ giả, 3 máy tính cùng 205 hình dấu các loại của các cơ quan, tổ chức trên nhiều tỉnh thành trong cả nước và các tang vật liên quan.

Cùng với việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Phạm Xuân Nhất, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hưng Yên đã ra Quyết định tạm giữ đối với Dương Hữu Hưng và Dương Văn Lạng để điều tra về hành vi làm giả con dấu của cơ quan, tổ chức.

Việc đang là Hiệu phó của một trường Trung học phổ thông, với tư cách một nhà giáo, hành vi vi phạm pháp luật của Phạm Xuân Nhất đã thu hút sự chú ý của dư luận.

Với hành vi giả mạo trong công tác, liệu Phạm Xuân Nhất sẽ phải đối diện với mức án nào từ các quy định của Pháp luật?

Để tìm hiểu vấn đề này, Giáo dục Việt Nam đã tham vấn ý kiến của Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội).

Phạm Xuân Nhất tại cơ quan điều tra. Ảnh: VTV
Phạm Xuân Nhất tại cơ quan điều tra. Ảnh: VTV

Luật sư Đặng Văn Cường cho biết: “Theo thông tin phản ánh thì hiện nay Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Hưng Yên đối tượng Phó Hiệu trưởng về hành vi “Giả mạo trong công tác” theo Điều 359 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 khi có hành vi làm giả văn bằng cho 7 học sinh để trục lợi.

Ngoài ra, khi mở rộng điều tra, cơ quan điều tra còn khởi tố và bắt giữ thêm hai đối tượng vì có hành vi làm giả văn bằng nêu trên.

Cựu Hiệu trưởng trường Đặng Cương nhận 66 tháng tù vì lạm thu
Cựu Hiệu trưởng trường Đặng Cương nhận 66 tháng tù vì lạm thu

Dưới góc độ pháp lý, hành vi làm văn bằng, tài liệu của cơ quan Nhà nước, tổ chức được hiểu là hành vi của người không có thẩm quyền làm giả các giấy tờ đó bằng phương pháp nhất định để coi nó như thật. Việc làm giả này có thể là giả toàn bộ hoặc chỉ từng phần (tiêu đề, chữ ký, con dấu, nội dung…).

Hành vi làm giả tài liệu, văn bằng của cơ quan nhà nước hoặc tổ chức là hành vi đặc biệt nguy hiểm bởi lẽ nó có thể dẫn đến những biến đổi, tác động lớn trong đời sống xã hội, có thể gây thiệt hại đến uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, ảnh hưởng đến hoạt động quản lý xã hội của nhà nước.

Đặc biệt hành vi này còn ảnh hưởng xấu đến việc quản lý chất lượng giáo dục đào tạo, ảnh hưởng tới việc quản lý nguồn nhân lực, gây hệ lụy xấu cho xã hội, bởi vậy hành vi này được xác định là nguy hiểm cho xã hội, là căn cứ để buộc tội các bị can.

Do đó, việc cơ quan an ninh điều tra khởi tố bị can về tội “Giả mạo trong công tác” theo quy định tại Điều 359 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 là có căn cứ.

Các đối tượng trong đường dây làm giả bằng cấp bị bắt. Ảnh: VTV
Các đối tượng trong đường dây làm giả bằng cấp bị bắt. Ảnh: VTV

Nêu rõ hơn, Luật sư Đặng Văn Cường phân tích: “Theo điều 359 Bộ luật hình sự thì giả mạo trong công tác là hành vi mà người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; Làm, cấp giấy tờ giả; Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.

Như vậy, có thể thấy chủ thể của tội danh này phải là người có chức vụ quyền hạn và người này có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để làm giả, cấp giả tài liệu,.. của cơ quan tổ chức để trục lợi.

Do đó, cơ quan điều tra cần làm rõ nguyên nhân, động cơ, mục đích phạm tội, làm rõ hành vi phạm tội, số lượng văn bằng, tài liệu đã làm giả cũng như hậu quả hành vi để xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Ngoài ra, trong vụ án này, cơ quan điều tra còn bắt giữ thêm hai đối tượng khác, do đó cũng cần đấu tranh, làm rõ hành vi của các đối tượng này để xác định việc phạm tội có tổ chức hay không để có căn cứ xử lý đúng người đúng tội, đúng pháp luật, tránh bỏ lọt tội phạm.

Hiện nay, đối với mức hình phạt của tội “Giả mạo trong công tác” được quy định cụ thể Điều 359 Bộ luật hình sự.

Theo đó, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; Làm, cấp giấy tờ giả; Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Còn trong trường hợp phạm tội có tổ chức hoặc người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu; hoặc Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 02 giấy tờ giả đến 05 giấy tờ giả thì bị phạt tù từ 3-10 năm theo quy định khoản 2  Điều 359 BLHS.

Còn trong trường hợp làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 05 giấy tờ giả đến 10 giấy tờ giả thì bị phạt tù từ 7-15 năm tù; còn Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 11 giấy tờ giả trở lên thì bị phạt tù từ 12-20 năm tù theo quy định tại khoản 3,4 Điều 359 Bộ luật hình sự.”

Lại Cường