Góp ý của Hiệp hội về quy định xử phạt vi phạm hành chính ở lĩnh vực giáo dục

08/05/2020 15:50
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Việc xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục thay thế Nghị định 138 là rất cần thiết.

Vừa qua, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhận văn bản số 1456/BGDĐT-TTr ngày 28/4/2020 của Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo về xin ý kiến góp ý dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục

Về việc này, ngày 7/5, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có một số ý kiến góp ý gửi Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Theo Hiệp hội, Nghị định số 138/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục được ban hành ngày 22/10/2013 (Nghị định 138).

Sau nghị định này, Quốc hội đã sửa đổi và ban hành Luật giáo dục nghề nghiệp ngày 27/11/2014 (Luật Giáo dục nghề nghiệp); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học ngày 19/11/2018 (Luật Giáo dục đại học); Luật giáo dục sửa đổi ngày 14/6/2019 (Luật Giáo dục). 

Vì thế Nghị định138 trở nên bất cập. Thêm vào đó, sau bảy năm, kinh tế xã hội Việt Nam có rất nhiều thay đổi.

Cho nên, việc nghiên cứu xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục để thay thế Nghị định 138 là rất cần thiết.

Theo Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, việc xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục thay thế Nghị định 138 là rất cần thiết. (Ảnh minh họa: nguồn Hội nhà báo Việt Nam)
Theo Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, việc xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục thay thế Nghị định 138 là rất cần thiết. (Ảnh minh họa: nguồn Hội nhà báo Việt Nam)

Từ đó, Hiệp hội có một vài góp ý cho dự thảo Nghị định (Dự thảo 20/3/2020) như sau: 

Một là, về bố cục và nội dung dự thảo nghị định

Dự thảo nghị định gồm 04 Chương với 41 Điều được bố cục như sau:

Chương I - Quy định chung: Quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, mức phạt tiền, biện pháp khắc phục hậu quả.

Chương II - Hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả.

Chương III - Thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. 

Chương IV - Điều khoản thi hành. 

Trường học không công khai tài chính sẽ bị phạt tiền?
Trường học không công khai tài chính sẽ bị phạt tiền?

Bố cục và nội dung nghị định như trên bảo đảm tính chất của một văn bản quy phạm pháp luật triển khai thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục.

Hai là, về vai trò của dự thảo nghị định trong thực tiễn

Về đối tượng áp dụng thì Dự thảo nghị định đã chi tiết hóa các đối tượng được áp dụng của Luật giáo dục đại học, Luật giáo dục thay cho “tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục trên lãnh thổ Việt Nam” được quy định lâu nay.

Như vậy, thêm một lần nữa giáo dục nghề nghiệp được phân định với giáo dục chung, giảm bớt sự nhầm lẫn không đáng có của xã hội và tạo thuận lợi trong tác nghiệp của các nhà quản lý.

Thêm sự đồng bộ về nội dung giữa các văn bản quy phạm pháp luật. Dự thảo nghị định cập nhật thay đổi của Luật giáo dục, Luật giáo dục đại học, Luật giáo dục nghề nghiệp, cập nhật những quy định liên quan ở Bộ luật Hình sự (ví dụ Điều 341, Điều 342, Điều 337) và một số  nghị định có liên quan (Nghị định số 97/2017/NĐ-CP, Nghị định số 86/2018/NĐ-CP, Nghị định số 99/2019/NĐ-CP…).

Bổ sung một số quy định chưa có, chỉnh sửa, bỏ bớt những quy định  không còn phù hợp tại Nghị định 138.

Đáng chú ý là: (i) tăng cường giám sát các hoạt động giáo dục trong điều kiện tăng quyền tự chủ cho nhà trường, nhất là các cơ sở giáo dục đại học;

(ii) xử lý các hành vi vi phạm quy định về kiểm định chất lượng giáo dục.

(iii) xử lý hành vi vi phạm quy định về tư vấn du học, hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục;

(iv) xử lý việc không công khai thông tin (trách nhiệm giải trình xã hội );

(v) xử lý thông tin sai sự thật…

Tuy nhiên ngoài những góp ý thì Hiệp hội còn một số vấn đề phân vân như: 

Về mức phạt tiền. Điều 3, Chương I dự thảo nghị định quy định mức phạt tiền tối đa  đối với cá nhân là 50 triệu, với tổ chức là 100 triệu.

Đây là mức phạt quy định ở Nghị định138 ban hành từ năm 2013, đến nay tình hình kinh tế xã hội đã có nhiều thay đổi cho nên trong nghị định mới cần phải nâng mức phạt lên. 

Mặt khác, mức xử phạt quy định ở Chương II chỉ theo định tính. Trong nghị định mới cần phải chú ý đến định lượng.

Ví dụ: việc ký văn bằng sai thẩm quyền đối với 10 người học hay đối với 100 hoặc 1000 người học thì mức phạt phải khác nhau.

Quy định biện pháp khắc phục hậu quả. Đây là việc làm rất cần thiết. Tuy nhiên nên rà soát cân nhắc thêm, chẳng hạn:

(i) Tại Chương II có 42 quy định về biện pháp khắc phục sai phạm nằm rải rác từ điều 5 đến điều 32; mặt khác tại Điều 4, Chương I có 22 biện pháp khắc phục sai phạm mà không thấy mối liên hệ (tham chiếu) nào. Cách viết nghị định như dự thảo liệu có cần Điều 4 không? 

(ii) Về các hành vi vi phạm quy định đối với nhà giáo (Mục 7). Không thấy kèm theo quy định về biện pháp khắc phục khi nhà trường “vi phạm quy định về sử dụng nhà giáo” ở Điều 23, hoặc “vi phạm quy định về bảo đảm tỷ lệ giáo viên, giảng viên cơ hữu trong các cơ sở giáo dục” ở Điều 24.

Nhân viên trường học cũng nên được nghỉ hè như giáo viên

Trong thực tế đang có trường đại học gần chục năm không có hiệu trưởng, cả trường có khoảng chục giáo viên cơ hữu trình độ hạn chế mà đang đào tạo hàng chục ngành đại học, vài ngành thạc sĩ mà thanh tra giáo dục vẫn để yên.

Giả sử có thanh tra thì cũng “khó phát hiện”, mà có phát hiện thì phạt 50 triệu, việc này khác gì “đánh bùn sang ao”.

(iii). Nên có chế tài quyết liệt về hội đồng trường. Một trong những giá trị quan trọng của Luật giáo dục đại học sửa đổi là khẳng định Hội đồng trường.

Tuy nhiên, nhiều trường đại học công lập chưa có Hội đồng trường, một số trường đại học tư thục không thực hiện bầu Hội đồng trường mới theo luật định.

Ở đây có 3 trường hợp đáng chú ý: (i) Nhóm trường đại học công lập chưa có Hội đồng trường; (ii) Nhóm trường đại học công lập đã có Hội đồng trường; (iii) Nhóm trường đại học tư thục đang hoạt động, đã quá nhiệm kỳ nhưng trì hoãn việc thành lập Hội đồng trường theo luật định.

Vấn đề trên liên quan đến Điều 7 dự thảo nghị định và các điều 7, 8 của NĐ-99/2019/NĐ-CP.

Theo chúng tôi thì nên bổ sung một số biện pháp khắc phục hậu quả (d, đ, e) vào Khoản 6, Điều 7. Xin gợi ý:    

Đối với cơ sở giáo dục đại học công lập chưa có Hội đồng trường, Thanh tra Giáo dục có văn bản yêu cầu cơ quan quản lý trực tiếp giải trình. Thanh tra Giáo dục  xem xét, đề xuất giải pháp khắc phục, thống nhất với cấp trên của cơ quan quản lý trực tiếp nhà trường để quyết định biện pháp khắc phục. 

Đối với cơ sở giáo dục đại học công lập đang có Hội đồng trường, nếu nhiệm kỳ Hội đồng trường đã quá 30 ngày thì buộc Chủ tịch Hội đồng trường chấm dứt điều hành;

Phó chủ tịch Hội đồng trường (nếu có) hoặc Hiệu trưởng chủ trì tiến hành thành lập Hội đồng trường theo quy định tại Điều 7, Nghị định 99/2019/NĐ-CP.

Đối với cơ sở giáo dục đại học tư thục đang có Hội đồng trường (Hội đồng quản trị), nếu nhiệm kỳ Hội đồng trường đã quá 30 ngày thì buộc Chủ tịch Hội đồng trường ngừng điều hành;

Phó chủ tịch Hội đồng trường (nếu có) hoặc bất cứ nhà đầu tư nào tập hợp được các nhà đầu tư sở hữu ít nhất 65% vốn góp đứng ra tổ chức thực hiện quy trình thành lập Hội đồng trường, bầu chủ tịch Hội đồng trường theo quy định của Điều 8, Nghị định 99/2019/NĐ-CP.

Tăng cường kiểm soát một số hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học. Trong bối cảnh các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ nhiều hơn, đồng thời nhúng sâu vào kinh tế thị trường.

Cạnh tranh, tiêu cực và hướng tới lợi nhuận là công việc hàng ngày. Trước tình hình đó, công tác kiểm tra giám sát phải mạnh hơn. Mức xử phạt đủ răn đe, biện pháp khắc phục phải cứng rắn.

Theo chúng tôi, với giáo dục đại học có những nhóm sai phạm cần được xử lý rất nghiêm.

Ví dụ: Không công khai về các điều kiện đồng bộ bảo đảm chất lượng; Vi phạm về in ấn, cấp phát văn bằng chứng chỉ sai qui định;

Sử dụng văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp (văn bằng không được phía Việt Nam công nhận tương đương); Tổ chức đào tạo trái qui  định… 

Thùy Linh