Thầy hiệu phó đi “buôn” bằng giả, nghĩ mà đau cho nghề giáo

09/05/2020 07:08
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Là phó hiệu trưởng của một trường Trung học phổ thông, Phạm Xuân Nhất lại tiếp tay cho nạn bằng giả. Thật đau lòng

Từ xưa đến nay, dù ở bất kỳ giai đoạn nào của đất nước thì vai trò của người thầy luôn có vị trí nhất định trong lòng xã hội.

Vì vậy, hình ảnh người thầy luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội.

Chính vì thế, trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì mỗi người thầy cũng cần xây dựng cho mình một hình ảnh đẹp trong lòng mọi người, đặc biệt là đối với các em học trò của mình để đáp lại sự kỳ vọng của xã hội, làm đẹp thêm hình ảnh, nhân cách của người thầy.

Thế nhưng đã không ít người đã quên mất điều ấy, tự đánh mất mình để rồi lâm vào vòng lao lý.

Như Giáo dục Việt Nam đã đưa, việc Phạm Xuân Nhất (Sinh năm 1975, hiệu phó Trường Trung học phổ thông Hồng Bàng, huyện Yên Mỹ, Hưng yên) bị khởi tố về hành vi giả mạo trong công tác lần nữa thêm đau lòng cho ngành giáo dục, cho những đồng nghiệp ngày đêm đang đứng lớp.

Buồn thay, trước khi bị bắt, ngày 12/03/2020, Phạm Xuân Nhất, với tư cách là Hiệu phó trường Hồng Bàng vẫn có thư gửi cha mẹ học sinh, động viên các em học sinh cùng chung tay chống dịch Covid- 19.

Cần phải khẳng định rằng, trong số hơn 1 triệu giáo viên đang ngày đêm cống hiến vì sự nghiệp giáo dục của cả nước, những người như Phạm Xuân Nhất chỉ là cá biệt.

Những người thầy đã không giữ trọn đạo làm thầy, đánh mất mình vì đồng tiền bẩn.

Phạm Xuân Nhất khi ngồi ghế Phó Hiệu trưởng, rất đạo mạo. Ảnh: Trường Hồng Bàng
Phạm Xuân Nhất khi ngồi ghế Phó Hiệu trưởng, rất đạo mạo. Ảnh: Trường Hồng Bàng

Dẫu không nhiều người như Phạm Xuân Nhất nhưng hành vi của ông Nhất đã gây tổn hại nghiêm trọng cho hình ảnh của nghề giáo, của nhà giáo và hơn nữa là nỗ lực chống tiêu cực của toàn xã hội.

Vấn nạn bằng giả, vẫn là câu chuyện được nhắc tới từ lâu trong xã hội, tuy nhiên, một người thầy, đặc biệt là một hiệu phó của một trường Trung học phổ thông lại đi tiếp tay cho vấn nạn này thật đáng giận.

Việc ông Phạm Xuân Nhất sai phạm thế nào, tới đây sẽ được làm rõ và sẽ bị trừng phạt bởi sự nghiêm minh của pháp luật.

Thế nhưng, xót xa thay, cũng như Phạm Xuân Nhất, không ít thầy cô giáo trong ngành giáo dục đã phải vướng vào vòng lao lý vì vi phạm pháp luật.

Phó hiệu trưởng buôn bằng giả ở Hưng Yên dưới góc nhìn của luật sư
Phó hiệu trưởng buôn bằng giả ở Hưng Yên dưới góc nhìn của luật sư

Tháng 3/2020, Vũ Tiến Hiệp (Sinh năm 1966, Hà Nội), cựu Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề kỹ thuật và nghiệp vụ xây dựng Hà Nội cùng các đồng phạm của mình đã chịu sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật cũng vì hành vi bán bằng cấp giả như giấy lộn.

Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Vũ Tiến Hiệp 5 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Dù đã bị dừng hoạt động, song  từ năm 2011 đến tháng 7/2017, Vũ Tiến Hiệp và các đồng phạm của mình đã ký hợp đồng dịch vụ đào tạo đối với 27 công ty, doanh nghiệp và cấp cho 857 trường hợp. Bộ đôi này cũng đã bán cho 127 người các chứng chỉ sơ cấp nghề, thu về tổng số tiền gần 1,2 tỷ đồng. (1)

Cũng đã không ít người thầy, người cô cũng chỉ vì những đồng tiền sai trái mà phải vướng vòng lao lý ngay khi còn đang đứng trên bục giảng.

Bài học về lòng trung thực, đói cho sạch, rách cho thơm vẫn được ngày ngày các thầy giao giảng cho học sinh.

Lòng tự trọng của nghề những người đã từng làm nhà giáo ấy để đi đâu mất?

Vì “miếng ăn” hay vì “miếng tham” các thầy tự đánh mất mình?

Vũ Tiến Hiệp (ngoài cùng, bên phải) và đồng phạm tại phiên tòa. Ảnh ANTĐ
Vũ Tiến Hiệp (ngoài cùng, bên phải) và đồng phạm tại phiên tòa. Ảnh ANTĐ

Phạm Xuân Nhất, đang là Phó Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Hồng Bàng đã nhận 105 triệu của học sinh để làm điều sai trái.

Vũ Tiến Hiệp khi làm Hiệu trưởng trường Trung cấp đã thu lợi cả tỉ đồng vì tiếp tay cho bằng giả.

Với những người có chức vị như vậy, chắc không đến lỗi túng quá mà làm liều, nghề, vị trí việc làm chẳng để họ đói, thậm chí có thể sống tốt, sống khỏe.

Song, có thể có lý giải rằng nhà giáo cũng là một con người, có thể cũng có những ích kỷ cá nhân, những ham muốn …như bao con người khác.

Có thể sẽ có lý giải rằng, bằng giả là lỗi tại một bộ phận xã hội sính bằng cấp dẫn đến có cung ắt có cầu điều đó khiến thầy sa ngã.

Tuy vậy, vượt lên trên tất cả những cái bản năng tầm thường của con người thì người thầy cần có những giới hạn của lòng tham và bước dừng lại trước cái xấu, cái ác, những điều trái với đạo đức của một nhà giáo.

Ngành giáo dục nước nhà hiện có hơn 1 triệu nhà giáo đang công tác. Những sự cố, những sai phạm xảy ra là điều khó tránh khỏi.

Nhưng, khi mà nhà giáo vi phạm về phạm trù đạo đức là điều không thể chấp nhận được.

Cuộc sống nhà giáo dù còn khó khăn nhưng mỗi người thầy cần nêu cao phẩm chất đạo đức của mình trước mọi người, nhất là đối với học trò.

Mỗi thầy cô phải thực sự là một tấm gương sáng chứ không phải “tấm gương” nằm trong khẩu hiệu để hô hào.

Bởi hình ảnh người thầy trong mắt học trò là chữ nghĩa- đạo lý, không phải tiền bạc.

Chính vì vậy, truyền thống “Tôn sư trọng đạo” luôn là một nét đẹp đáng được tôn kính, mang đậm tính nhân văn của văn hóa Việt Nam.

Coi trọng việc học, kính trọng người thầy là yếu tố cốt lõi làm nên giá trị nhân bản của việc học hành…

Cổ nhân có câu: “Lương sư hưng quốc”, nghĩa là người thầy hiền lành, tốt bụng, có phẩm chất đạo đức, có tài trí - lại còn hay, khéo, giỏi trong nghề nghiệp sẽ làm trấn hưng quốc gia.

Mỗi ngày đều có những nhà giáo được nêu gương, hàng năm vẫn có những ngày tri ân của xã hội của học trò với nghề giáo.

Những tấm gương sáng ấy vừa được tôn vinh có lẽ cũng cảm thấy đau đớn khi bị những kẻ không ra gì, những tấm gương mờ phá hoại.

Những nhà giáo đi “buôn” bằng giả, cò chạy việc, lạm thu, ăn của học trò… những hành vi ấy sẽ phải trả giá bằng những bản án công minh của pháp luật.

Thế nhưng, ngẫm về việc họ đã từng là nhà giáo, từng đứng trên bục giảng, giảng đường….càng ngẫm…càng đau.

Bởi sau sự trừng phạt của pháp luật chính là sự trừng phạt của lương tâm nghề nghiệp, lương tâm của người thầy đối với học trò cũ của mình, ánh mắt của người thân, sự trừng phạt của danh dự một nhà giáo.

Những áp lực đó, sự trừng phạt đó mong rằng sẽ làm cho ai đã mang sứ mệnh cho mình làm nghề giáo biết dừng lại, biết đấu tranh với cái xấu, với cái ác.

Để ngày ngày, người thầy đứng trên bục giảng, nhìn vào những ánh mắt trong veo của tuổi học trò tự tin giao giảng những bài học đạo đức làm người mà không hề hổ thẹn với lương tâm.

* Tài liệu tham khảo:

(1) https://thanhtra.com.vn/phong-chong-tham-nhung/tin-tuc/Phat-tu-nguyen-Hieu-truong-Truong-trung-cap-nghe-loi-dung-chuc-vu-161170.html

Trần Phương