Giáo sư Nguyễn Đình Đức đề xuất giải pháp chống đạo văn trong đào tạo tiến sĩ

11/06/2020 06:25
Thùy Linh (thực hiện)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Quy chế đào tạo tiến sĩ cần phân biệt và định nghĩa rõ khái niệm đạo văn, xem xét mức độ đạo văn khác nhau để có hình thức xử lý phù hợp, với từng trường hợp.

LTS: Để tiếp tục thúc đẩy chất lượng đào tạo và nghiên cứu trong các cơ sở giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ và Nghị định hoạt động khoa học công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học.

Trước vấn đề này, phóng viên Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Phóng viên: Xin ông cho biết, những bất cập của quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ hiện hành là gì?

Giáo sư Nguyễn Đình Đức: Quy chế đào tạo tiến sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành năm 2017 có nhiều điểm đổi mới rất quan trọng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ như:

Nâng cao tiêu chuẩn đầu vào, nâng cao tiêu chuẩn cán bộ hướng dẫn, nâng cao tiêu chuẩn các phản biện trong hội đồng đánh giá luận án, nâng cao chuẩn đầu ra, rút ngắn thời gian đào tạo, đơn giản hóa các thủ tục bảo vệ luận án.

Có thể thấy rõ ràng những ảnh hưởng tích cực của Quy chế đào tạo tiến sĩ trong thời gian qua.

Nhiều nghiên cứu sinh có năng lực ngoại ngữ tốt;

Quy chế thúc đẩy nghiên cứu sinh, giảng viên công bố quốc tế; nhiều cơ sở giáo dục triển khai các chính sách thu hút nghiên cứu sinh, hỗ trợ, khuyến khích, động viên nghiên cứu sinh, giảng viên công bố quốc tế;

Nhiều hội thảo quốc tế được tổ chức tại các cơ sở giáo dục đại học tạo thuận lợi cho người học, giảng viên đăng bài;

Giáo sư Nguyễn Đình Đức (Ảnh thầy Đức cung cấp)

Giáo sư Nguyễn Đình Đức (Ảnh thầy Đức cung cấp)

Quy chế cũng thúc đẩy giảng viên, nghiên cứu sinh hợp tác và tham gia các nhóm nghiên cứu.

Những chính sách này đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học và xếp hạng của các đại học Việt Nam trong các bảng xếp hạng của khu vực và quốc tế trong những năm gần đây.

Bên cạnh những tích cực kể trên, cũng còn một số bất cập, hạn chế cần tháo gỡ trong thời gian tới.

Trước hết, cần xác định nghiên cứu sinh là lực lượng khoa học công nghệ nòng cốt của cơ sở giáo dục đào tạo đại học.

Đào tạo chính quy toàn thời gian + học bổng toàn phần cho nghiên cứu sinh + làm luận án tiến sĩ gắn với các nhóm nghiên cứu là 3 yếu tố quan trọng nhất quyết định đến chất lượng đào tạo tiến sĩ và cần phải đặc biệt coi trọng và đổi mới trong thời gian tới.

Do yêu cầu cao về đầu vào và đặc biệt Quy chế hiện hành yêu cầu ngoại ngữ phải là chứng chỉ quốc tế, nên số lượng ứng viên đăng ký dự tuyển đào tạo tiến sĩ giảm mạnh, không chỉ ở Đại học Quốc gia Hà Nội mà ở tất cả các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước, đặc biệt là các nghiên cứu sinh khối khoa học tự nhiên và kỹ thuật.

Vì vậy, Quy chế chưa khuyến khích được sinh viên giỏi là chuyển tiếp nghiên cứu sinh.

Mặt khác yêu cầu hoặc phải có văn bằng 2 ngoại ngữ cũng tạo ra những kẽ hở. Do không thể có được chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, một số người học tìm đến với văn bằng 2 ngoại ngữ như vụ việc đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh ở Trường Đại học Đông Đô.

Ba là, yêu cầu chuẩn đầu ra còn thấp. Việc yêu cầu chuẩn đầu ra của nghiên cứu sinh tối thiểu chỉ cần có bài đăng trên Hội thảo quốc tế - bên cạnh những mặt tích cực, lại xuất hiện hiện tượng tiêu cực, “lách luật”:

Thời gian qua rất nhiều hội thảo quốc tế được tổ chức ở Việt Nam, và không phải không có những hội thảo/bài báo đăng kỷ yếu hội thảo quốc tế nhưng chất lượng chưa cao.

Việc quy định tối thiểu phải có kết quả nghiên cứu đăng trên trên các tạp chí quốc tế (có thể chưa nhất thiết là bài báo ISI/Scopus), chứ không dừng lại ở bài trên Kỷ yếu hội thảo quốc tế, có lẽ cần phải là quy định bắt buộc với tất cả nghiên cứu sinh trong quy chế sửa đổi lần này.

Còn một bất cập nữa không thể không nhắc đến, đó là Quy chế chưa khuyến khích được giảng viên, nghiên cứu sinh tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, có nhiều công bố khoa học xuất sắc.

Hiện nay chỉ có Quy chế của 2 Đại học Quốc gia và Viện toán học đã có quy định cụ thể nếu nghiên cứu sinh là tác giả chính của các công bố quốc tế xuất sắc thì có thể được đặc cách bỏ qua quy trình phản biện kín.

Đây là chính sách tốt, đã tạo động lực rất lớn thúc đẩy công bố quốc tế , đã được thực tế kiểm nghiệm và do vậy cần được nghiên cứu để bổ sung trong Quy chế sửa đổi lần này.

Theo ông, cơ chế tự chủ đại học có vai trò như thế nào trong việc nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ?

Giáo sư Nguyễn Đình Đức: Tự chủ đại học gắn liền với trách nhiệm giải trình. Cơ sở giáo dục có trách nhiệm giải trình với cơ quan quản lý cấp trên, với xã hội về những quyết định của mình.

Cho nên tự chủ đại học đề cao trách nhiệm xã hội, các điều kiện đảm bảo chất lượng, chuẩn đầu ra và sự công khai minh bạch trong các hoạt động của cơ sở đào tạo, vì vậy sẽ là áp lực lên chất lượng đào tạo, trong đó có đào tạo tiến sĩ.

Mặt khác, tự chủ là yếu tố then chốt để có những đột phá trong đào tạo nói chung và đào tạo tiến sĩ nói riêng.

Quan trọng nhất là tự chủ tạo cơ hội cho các cơ sở giáo dục đại học có thể tự chủ thu-chi, chủ động đưa ra các quyết sách nhanh chóng và kịp thời để thu hút và đa dạng hóa, sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả; đầu tư đúng, trúng, nhanh chóng, trọng điểm nhằm mang lại chất lượng cao nhất.

Theo quy định tại Luật Giáo dục đại học, 2 Đại học Quốc gia được tự chủ cao trong đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Đại học Quốc gia Hà Nội được ban hành Quy chế đào tạo riêng (về nguyên tắc không trái, yêu cầu cao hơn so với Quy chế của Bộ).

Do đó, Đại học Quốc gia Hà Nội có cơ hội để triển khai thực hiện một số giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, như:

Đặc cách bỏ qua phản biện độc lập đối với nghiên cứu sinh là tác giả chính của 3 công bố ISI với IF từ 3.0 trở lên;

Cho phép những cán bộ, giảng viên có nhiều công bố xuất sắc được hướng dẫn số nghiên cứu sinh nhiều hơn quy định; bắt buộc nghiên cứu sinh phải tham gia sinh hoạt chuyên môn, hỗ trợ công tác giảng dạy và đào tạo tại trường; …

Ngoài ra, Đại học Quốc gia Hà Nội còn dành 1 tỷ mỗi năm để cấp học bổng cho nghiên cứu sinh (chưa kể nguồn đối ứng của các đơn vị thành viên) vừa để thu hút người học dự tuyển vào Đại học Quốc gia Hà Nội vừa để động viên, hỗ trợ những nghiên cứu sinh có thành tích xuất sắc trong học tập và nghiên cứu khoa học;

Triển khai các chương trình đào tạo dự bị nghiên cứu sinh nhằm chuẩn bị cho các ứng viên về năng lực chuyên môn và ngoại ngữ,...

Những quy định này của Đại học Quốc gia Hà Nội trong thời gian qua cho thấy những chính sách như vậy rất hiệu quả và thiết thực.

Vì vậy, lần sửa đổi này, chúng tôi đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa những nội dung này vào Quy chế để nhân rộng và có thể áp dụng đối với tất cả các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước.

Muốn xây dựng hành lang pháp lý để chống đạo văn trong đào tạo tiến sĩ thì quy chế cần phải như thế nào, thưa ông?

Giáo sư Nguyễn Đình Đức: Ở nước ngoài, yêu cầu với sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh cũng như các cán bộ giảng viên trước khi gửi bài hoặc trước khi nộp luận văn, luận án phải kiểm tra tránh trùng lặp là bắt buộc.

Tuy nhiên, quy định đi đối với các giải pháp hỗ trợ: các trường ở nước ngoài lại luôn cung cấp việc sử dụng phần mềm chống đạo văn miễn phí cho người học và cho giảng viên của họ.

Nước ta chưa làm được đầy đủ và triệt để điều này. Rất nhiều trường đại học không có phần mềm hoặc bản quyền sử dụng phần mềm chống đạo văn.

Khi không có công cụ thì người học dễ mắc phải việc trùng lặp do sao chép, trích dẫn nhiều khi không cố ý.

Vì vậy, bên cạnh việc quy định rõ ràng hơn việc chống sao chép và đạo văn trong quy chế lần này, quy chế cũng cần quy định rõ trách nhiệm của cơ sở đào tạo: phải có trách nhiệm cung cấp cho người học công cụ chống đạo văn.

Bên cạnh đó cũng cần phân biệt và định nghĩa rõ khái niệm đạo văn, xem xét mức độ đạo văn khác nhau để có hình thức xử lý phù hợp, với từng trường hợp cụ thể.

Cũng cần cảnh giác với việc lợi dụng khái niệm này với dụng ý xấu để gây mất đoàn kết, giảm uy tín của người học và cơ sở đào tạo.

Sao chép ý tưởng, kết quả của người khác là những hành động đạo văn hết sức nghiêm trọng và nguy hiểm.

Còn những lỗi thường rất hay gặp do thói quen sử dụng lặp lại các tổng quan, các câu từ diễn đạt,…thì hoàn toàn có thể khắc phục được khi người học có công cụ chống đạo văn.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Đình Đức.

Thùy Linh (thực hiện)