Trường chuyên đào tạo gà nòi là mô hình giáo dục đã lỗi thời

26/06/2020 05:45
Vũ Ninh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN - Xu hướng giáo dục hiện nay là đào tạo con người toàn diện, có kỹ năng mềm tốt. Trong khi đó, trường chuyên lớp chọn lại chú trọng đào tạo gà nòi đi thi thố.

“Tôi cho rằng những chia sẻ thật lòng, thẳng thắn của Phó giáo sư Nguyễn Đức Thành về mô hình trường chuyên, lớp chọn cần được xã hội và những nhà quản lý nghiền ngẫm, lắng nghe.

Vì đây là chia sẻ của những người trong cuộc, những người phải đánh đổi cả một cuộc đời hoặc một đoạn đường đời mới đúc rút ra được điều này.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã từng nói một câu rất nổi tiếng: Tôi phải mất 10 năm mới rũ bỏ được giọng văn dạy trong nhà trường để trở lại là chính mình”.

Trên đây là những chia sẻ của cô Phạm Thái Lê, giáo viên trường Marie Curie, Hà Nội, xoay quanh vấn đề mô hình trường chuyên, lớp chọn đang được dư luận chú ý thời gian gần đây.

Trường chuyên, lớp chọn đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình

Tham khảo nhiều mô hình giáo dục tại quốc gia trên thế giới, cô giáo Phạm Thái Lê chỉ ra điểm mâu thuẫn trong việc đào tạo trường chuyên, lớp chọn tại Việt Nam:

“Xu hướng giáo dục hiện nay là đào tạo con người toàn diện, có kỹ năng mềm tốt tức là có EQ cao.

Trong khi đó, trường chuyên, lớp chọn lại đi theo hướng chú trọng vào phát triển năng lực IQ.

Thực tế cuộc sống đã có nhiều minh chứng những người học khá, đều, thường thành công hơn những người học giỏi một môn chuyên biệt.

Tôi hay dẫn chứng cho phụ huynh trường hợp: Học sinh chuyên Toán, từng tham gia đội tuyển Toán quốc tế nhưng không phân biệt nổi rau ngót và rau thơm, 30 tuổi mà không thể đi chợ, không tự lo nổi cho mình một bữa cơm.

Một học sinh chuyên Văn khác thì luôn bị lừa ở ngoài đời, mua bán gì cũng hớ hênh…

Tất nhiên những trường hợp ấy không hẳn là tiêu biểu nhưng đó là dẫn chứng cho thấy EQ có vai trò quan trọng trong cuộc sống đời thường.

Gần 10 năm dạy trường chuyên, tôi biết các bạn ấy rất thông minh, mọi vấn đề tiếp cận nhanh.

Nhưng như phân tích của Phó giáo sư Nguyễn Đức Thành, sứ mệnh lịch sử của trường chuyên đã hoàn tất”.

Lý giải vì sao trường chuyên, lớp chọn vẫn là mục tiêu của nhiều phụ huynh, học sinh, cô Phạm Thái Lê cho biết:

“Sở dĩ phụ huynh muốn con cái thi vào trường chuyên, lớp chọn là có 2 lý do:

Thứ nhất, việc muốn trẻ vào được trường chuyên là được học thầy cô giỏi, có bạn bè giỏi.

Tiêu chuẩn học giỏi và khái niệm ngoan ngoãn vâng lời vẫn còn là tiêu chuẩn hàng đầu của rất nhiều người.

Học trường chuyên, trẻ sẽ có động lực học, đua nhau học, sẽ có lý lịch học tốt, có bệ phóng tốt để vào đại học, đi du học, vân vân.

Điều này là mong muốn chung của cả bố mẹ và con trẻ.

Bên cạnh đó việc phụ huynh muốn con vào trường chuyên còn là để thỏa mãn tâm lý của chính cha mẹ.

Bố mẹ tự hào và kiêu hãnh với bạn bè đồng nghiệp vì con học trường chuyên này, trường chuyên kia.

Điều này quan trọng với rất nhiều người.

Chưa cần biết đứa trẻ như nào nhưng khi nghe nói cháu học trường chuyên A trường chuyên B là có sự xuýt xoa trầm trồ.

Vì vậy, cuộc chạy đua vào trường chuyên lớp chọn không hẳn là động lực hay sự yêu thích của đứa trẻ mà nhiều khi chỉ bởi niềm kiêu hãnh, là ước muốn, ý chí của chính cha mẹ”.

Cô Phạm Thái Lê cho rằng: Mô hình giáo dục trường chuyên đã kết thúc sứ mệnh lịch sử của mình (Ảnh: NVCC)

Cô Phạm Thái Lê cho rằng: Mô hình giáo dục trường chuyên đã kết thúc sứ mệnh lịch sử của mình (Ảnh: NVCC)

Mô hình trường chuyên là biểu hiện “tính đồng phục” của giáo dục công lập

Bàn sâu về mô hình giáo dục trường chuyên, lớp chọn, cô Phạm Thái Lê chia sẻ:

“Mô hình trường chuyên, lớp chọn vẫn nằm trong hệ thống giáo dục công lập.

Và tính hạn chế lớn nhất của giáo dục công lập đó là tính đồng phục, quy tất cả về một tiêu chuẩn.

Đó là học giỏi và học chuyên sâu vào một môn nào đó để thi lấy giải, là điểm số và thành tích học tập.

Tiêu chuẩn này không còn đáp ứng đủ vì xã hội cần ở con người những chuẩn khác nữa.

Trên thực tế, mỗi đứa trẻ đều có một giá trị riêng, một năng khiếu, một sự đặc sắc riêng.

Ngoài việc trang bị kiến thức nền tảng, giáo dục còn có sứ mệnh giúp học sinh phát lộ được năng khiếu, đi tìm giá trị riêng của bản thân.

Đấy là giáo dục khai phóng.

Khái niệm năng khiếu ở nhiều nước là năng khiếu về là âm nhạc, hội họa, nghệ thuật… chứ không phải là những môn khoa học phổ thông như ở Việt Nam”.

Cô Phạm Thái Lê nhấn mạnh: “Trường chuyên đã đến lúc phải đặt lại vấn đề về sự vận hành cũng như cách thức nó tồn tại.

Một cái móng sâu được đào sâu đến mấy mà hẹp thì cũng không thể xây được một tòa lâu đài.

Nhưng nếu một cái móng sâu và rộng thì có thể xây được một tòa lâu đài.

Đây chính là hình ảnh phản ánh thực tế mô hình giáo dục trường chuyên”.

“Mỗi con cá đều có vẻ đẹp của mình, cho dù không phải là con cá bơi nhanh nhất”

Cô Phạm Thái Lê cho rằng: “Học sinh khi đã thi được vào trường chuyên bằng năng lực của bản thân đều là những người có tố chất (hay còn được gọi là tinh hoa).

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương ví von: Học sinh chuyên giống như những chú cá đó lại bị nhốt chung vào một cái hồ, dành cả tuổi xuân để cố gắng bơi vượt lên đầu.

Nhưng mỗi chú cá đều có một vẻ đẹp khác nhau kể cả một chú cá bơi chậm rãi, vừa bơi về suy ngẫm cũng có vẻ đẹp của nó, không nhất thiết chú cá bơi vượt lên đầu tiên là chú cá đẹp nhất”.

Qua hình ảnh này cô Phạm Thái Lê nhấn mạnh: “Lâu nay chúng ta vẫn lấy tiêu chuẩn trong giáo dục trường học để đánh giá một con người.

Mà tiêu chuẩn trong trường học chính là điểm số, thành tích, học lực.

Thế nhưng tiêu chuẩn này hiện nay không còn đúng nữa vì xã hội đánh giá một con người bằng hệ thống tiêu chuẩn riêng.

Nói cách khác, chuẩn trong xã hội không cần đến cái chuẩn của trường học nữa.

Vì thế có rất nhiều học sinh, sinh viên trong trường đạt giải cao, bằng giỏi nhưng ra ngoài xã hội phải học lại, rèn luyện tại từ đầu, các em cảm thấy rất sốc.

Ngoài ra việc đào tạo học sinh gà nòi sẽ dẫn đến sự ganh đua trong nhà trường, méo mó về quan điểm giáo dục.

Những điểm này là biểu hiện của căn bệnh thành tích, của những kỳ thi học sinh giỏi thành phố, học sinh giỏi Quốc gia được đề cao quá mức.

Học sinh trường chuyên phải sống trong một môi trường đặt nặng tính ganh đua nên nhiều em có cái nhìn chưa toàn diện về cuộc sống, con người.

Trong khi đó sứ mệnh của giáo dục chính là sắp xếp đúng con người vào môi trường phù hợp và phát lộ hết khả năng của họ chứ không phải chăm chăm đào tạo gà nòi”.

Ảnh minh họa, nguồn: toquoc.vn

Ảnh minh họa, nguồn: toquoc.vn

Chốt lại vấn đề, cô Phạm Thái Lê cho rằng: Mô hình trường chuyên, lớp chọn đã kết thúc sứ mệnh của mình.

Sự hiệu quả của mô hình này không thể bàn dựa trên số tiền đầu tư, học phí mà phải bàn ở chất lượng của sản phẩm đào tạo.

Để giải quyết được bài toán này không thể giải quyết trong một sớm một chiều vì bản chất trường chuyên, lớp chọn chỉ là một biểu hiện của một mô hình giáo dục có triết lý không còn phù hợp như đã phân tích ở trên.

Đã đến lúc trường chuyên cần vận động thuận theo quy luật của tự nhiên và được xã hội đánh giá một cách khách quan, công bằng.

"Nghiên cứu chuyển đổi mô hình trường trung học phổ thông chuyên, trường dự bị đại học và trường phổ thông dân tộc nội trú phù hợp với điều kiện mới, từng bước bảo đảm sự công bằng, bình đẳng trong giáo dục."

Theo Kết luận số 51-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư

Vũ Ninh