Câu lạc bộ giáo dục mở bàn phương hướng 6 tháng cuối năm và nhiệm kỳ 2020-2023

26/06/2020 09:07
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Với ban chủ nhiệm có đủ ở 3 miền Bắc - Trung - Nam, Hiệp hội tin rằng ban chủ nhiệm sẽ hoạt động mạnh mẽ và hiệu quả.

Ngày 25/6, câu lạc bộ giáo dục mở (trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) tổ chức họp trực tuyến ban chủ nhiệm và bàn về phương hướng hoạt động của câu lạc bộ trong giai đoạn nhiệm kỳ 2020-2023.

Tại đây Hiệp hội ra quyết định công nhận Ban chủ nhiệm câu lạc bộ gồm các thành viên ở cả 3 miền Bắc – Trung – Nam.

Mở đầu cuộc họp Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam thông tin, ngày 26/5 câu lạc bộ giáo dục mở đã được ra mắt bằng hình thức trực tuyến với số lượng người tham gia rất đông với 260 đại biểu ở 100 đầu cầu.

Theo thầy Nhĩ với ban chủ nhiệm có đủ ở 3 miền, Hiệp hội tin rằng ban chủ nhiệm sẽ hoạt động mạnh mẽ và hiệu quả.

Hiệp hội cũng chúc mừng lễ ra mắt ban chủ nhiệm thành công và hi vọng nhiệm kỳ của câu lạc bộ sẽ đạt nhiều kết quả tốt đẹp.

Ra mắt câu lạc bộ giáo dục mở trực thuộc Hiệp hội ngày 26/5 vừa qua (Ảnh: Thùy Linh)

Ra mắt câu lạc bộ giáo dục mở trực thuộc Hiệp hội ngày 26/5 vừa qua (Ảnh: Thùy Linh)

Tại buổi họp các thành viên đã thảo luận về kế hoạch cho 6 tháng cuối năm 2020 và cả nhiệm kỳ 2020-2023.

Theo đó, về công tác chuyên môn sẽ thực hiện các nhiệm vụ do Hiệp hội giao như xây dựng đề án tài nguyên giáo dục mở quốc gia bao gồm:

Xây dựng năng lực thích nghi của các bên tham gia đóng góp để tạo lập, truy cập, sử dụng, tùy biến thích nghi và tái phân phối tài nguyên giáo dục mở.

Đồng thời ban chủ nhiệm sẽ xây dựng và đề xuất chính sách hỗ trợ tài nguyên giáo dục mở và hợp tác quốc tế.

Cụ thể, Câu lạc bộ sẽ nòng cốt trong việc chuẩn bị cho Hội nghị Đối tác Dữ liệu Mở Châu Á - AODP (Asia Open Data Partnership) sẽ được tổ chức ở Việt Nam vào năm 2021 ở nhánh Dữ liệu Mở vì các mục tiêu phát triển bền vững – (SDG) của Liên hiệp quốc;

Trước mắt chuẩn bị cho hội nghị trù bị dự kiến vào cuối tháng 10/2020 tại trường Đại học Thăng Long, Hà Nội;

Khuyến khích trao đổi và chia sẻ các hoạt động hợp tác quốc tế liên quan tới Giáo dục Mở và tài nguyên giáo dục mở giữa các thành viên câu lạc bộ.

Mở rộng quan hệ quốc tế về giáo dục Mở - tài nguyên giáo dục mở và tổ chức đoàn thăm quan, thực tế các nước trong khu vực có nền giáo dục Mở - tài nguyên giáo dục mở phát triển.

Ngoài ra, câu lạc bộ cũng tiến hành sinh hoạt chuyên đề, hội nghị, hội thảo và triểm lãm như tổ chức các buổi gặp gỡ, tọa đàm, hội nghị để trao đổi về các vấn đề có liên quan đến giáo dục mở, đào tạo từ xa và xây dựng xã hội học tập;

Hợp tác phát triển học liệu mở; chia sẻ các tài liệu, học liệu và các ấn phẩm khoa học;

Ủng hộ các trường công nhận tín chỉ đào tạo ở các bậc học tương đương;

Tổ chức các sự kiện, các hoạt động giáo dục và đào tạo hướng tới cộng đồng;

Kết nối, trao đổi giảng viên, sinh viên giữa các đơn vị thành viên của Câu lạc bộ.

Và cuối cùng, ban chủ nhiệm bàn về Công tác truyền thông, quảng bá hoạt động của Câu lạc bộ.

Theo đó, sẽ ra mắt website của Câu lạc bộ, cập nhật nhanh chóng, đầy đủ và chính xác thông tin hoạt động của Câu lạc bộ; thông tin, tin tức của các hội viên và các nhà tài trợ hoạt động của Câu lạc bộ.

Hợp tác chặt chẽ với các Câu lạc bộ thuộc Hiệp hội để giới thiệu thông tin của Câu lạc bộ Giáo dục Mở và ngược lại.

Hợp tác với các cơ quan trong hệ thống truyền thông công cộng của nhà nước để tuyên truyền, quảng bá về Giáo dục Mở và tài nguyên giáo dục mở.

Được biết, Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ mở gồm 8 thành viên: 1 chủ nhiệm, 3 phó chủ nhiệm và 4 ủy viên.

Cụ thể: Chủ nhiệm là đại diện Trường Đại học Mở Hà Nội.

Phó Chủ nhiệm gồm đại diện Trường Đại học Khoa học xã hội nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội); Trường Đại học Đông Á, Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Các ủy viên: đại diện Trường Đại học sư phạm kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Đại Nam, Trường Đại học RMIT, Trường Đại học sư phạm Vĩnh Long.

Thùy Linh