Bí thư Nguyễn Thanh Hải đánh giá cao những nỗ lực của Đại học Thái Nguyên

02/07/2020 10:45
Ngọc Quang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bí thư Nguyễn Thanh Hải cũng yêu cầu tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ khoa học đầu ngành.

Ngày 1/7/2020, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Đảng ủy Đại học Thái Nguyên về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị nhiệm kỳ 2015-2020 và công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu Đảng bộ Đại học Thái Nguyên lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Tham dự buổi làm việc có đồng chí Phạm Hoàng Sơn - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; đồng chí Lê Quang Tiến - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh; đại diện cơ quan tham mưu giúp việc của Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh, Công an tỉnh, Ủy ban Nhân dân Thành phố Thái Nguyên…

Về phía Đại học Thái Nguyên có Giáo sư-Tiến sĩ Phạm Hồng Quang – Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc Đại học Thái Nguyên; các đồng chí Phó Giám đốc, đại diện lãnh đạo Văn phòng, các ban chức năng, các trường, đơn vị thành viên trực thuộc Đại học.

Bí thư tỉnh Ủy Nguyễn Thanh Hải làm việc tại Đại học Thái Nguyên. ảnh: TL.

Bí thư tỉnh Ủy Nguyễn Thanh Hải làm việc tại Đại học Thái Nguyên. ảnh: TL.

Thành công trong công tác xây dựng Đảng

Trong những năm gần đây, Đảng ủy Đại học Thái Nguyên và các cấp ủy cơ sở đã tập trung xây dựng Đảng về chính trị, cụ thể hóa thành những chủ trương, giải pháp đồng bộ trên các mặt công tác phù hợp với tình hình nhiệm vụ của từng đơn vị.

Các tổ chức đảng đã giữ vững và phát huy được vai trò là hạt nhân chính trị ở cơ sở; cán bộ, đảng viên, viên chức và học sinh sinh viên thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cấp trên.

Công tác kết nạp đảng viên đã được các cấp ủy thực hiện theo đúng quy định. Từ tháng 9/2015 đến 10/2019 Đảng bộ đã kết nạp được 2.370 đảng viên mới, chuyển chính thức cho 1.522 đảng viên dự bị (trong đó đảng viên sinh viên là 1.945; người dân tộc thiểu số là 459).

Phát triển đảng viên mới hằng năm của Đảng bộ Đại học Thái Nguyên đạt 19,2% so với tổng số đảng viên (vượt 3,2% so với chỉ tiêu đề ra).

Công tác bồi dưỡng, đào tạo về lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên được đẩy mạnh. Đảng ủy Đại học Thái Nguyên đã phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên mở được 1 lớp Cao cấp lý luận chính trị hệ không tập trung cho 70 cán bộ chủ chốt, 2 lớp Trung cấp Lý luận Chính trị cho 175 cán bộ chủ chốt, 21 lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho 1.846 đảng viên mới và 6.047 quần chúng đối tượng kết nạp đảng;

Tổ chức 4 lớp tập huấn về công tác kiểm tra, giám sát, công tác tuyên giáo, công tác dân vận, công tác văn phòng cấp ủy cho hơn 300 lượt cán bộ làm công tác đảng trong toàn Đảng bộ.

Hiện nay, 100% cấp ủy viên cơ sở có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên, trong đó có 96% có trình độ từ thạc sĩ trở lên, 90% cấp ủy viên cơ sở có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên, trong đó có 80% có trình độ cao cấp lý luận chính trị; 100% cán bộ làm công tác văn phòng cấp ủy, công tác kiểm tra giám sát, công tác dân vận, công tác tuyên giáo được tập huấn về nghiệp vụ trên từng lĩnh vực.

Năm 2016 có 10 cá nhân, 2 chi bộ trực thuộc được Tỉnh ủy tặng Bằng khen. Năm 2017 có 13 cá nhân được Tỉnh ủy tặng Bằng khen. Năm 2018, Đảng bộ Đại học Thái Nguyên và 1 cá nhân được Tỉnh ủy tặng Bằng khen vì có thành tích trong thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa X) về “Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng”.

Năm 2019, Đảng bộ Đại học Thái Nguyên được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 12/7/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016 - 2020”.

Bí thư Nguyễn Thanh Hải trò chuyện với sinh viên Đại học Sư Phạm (Đại học Thái Nguyên). Ảnh: TL.

Bí thư Nguyễn Thanh Hải trò chuyện với sinh viên Đại học Sư Phạm (Đại học Thái Nguyên). Ảnh: TL.

Thành tựu trong đào tạo

Đại học Thái Nguyên là một trong 3 đại học vùng, được thành lập năm 1994 theo Nghị định 31/CP của Chính phủ. Đại học Thái Nguyên được xác định trong Luật số 34/2018/QH14 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học “là đại học thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước”; là trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học của khu vực Trung du, miền núi Bắc bộ và đa ngành; có nhiệm vụ đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ và quản lý có trình độ đại học, sau đại học; Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ gắn với đào tạo và phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng và đất nước.

Sau hơn 25 năm xây dựng và phát triển, hiện nay, Đại học Thái Nguyên có 7 trường đại học thành viên; 2 khoa trực thuộc (Khoa Ngoại ngữ và Khoa Quốc tế); 1 trường cao đẳng (Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật); 1 Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai, 17 viện nghiên cứu và các đơn vị trực thuộc.

Hiện nay, có 3 trường đại học vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động (Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Trường Đại học Nông Lâm, Trường Đại học Sư phạm). Đội ngũ cán bộ viên chức tính đến ngày 31/12/2019 có 3.969 người, trong đó có 2.543 cán bộ giảng dạy.

Giảng viên trình độ cao có 151 giáo sư, phó giáo sư (10 giáo sư, 141 phó giáo sư), 764 tiến sĩ, 1.614 thạc sĩ. Đội ngũ cán bộ khoa học có mặt ở tất cả các lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp, y học, giáo dục, khoa học cơ bản, kinh tế,… nên có tiềm lực về nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đào tạo từ bậc đại học đến trình độ tiến sĩ.

Riêng trong giai đoạn 5 năm (2015 - 2019), Đại học Thái Nguyên đã bổ sung thêm 08 Giáo sư và 74 Phó giáo sư, gần 300 Tiến sĩ. Đại học Thái Nguyên đang đào tạo gần 53.000 sinh viên, 4000 học viên sau đại học và gần 1000 lưu học sinh.

Bên cạnh những thuận lợi và cơ hội trên, Đại học Thái Nguyên cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức:

Thứ nhất, đầu tư của Nhà nước cho Đại học trong những năm qua còn rất hạn chế, dàn trải, chưa đủ tạo ra đột phá nâng cao năng lực, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Thứ hai, vùng trung du, miền núi Bắc bộ được đánh giá là vùng nghèo nhất của cả nước. Vì vậy, việc đầu tư của người dân, huy động các nguồn lực xã hội cho giáo dục và đào tạo rất hạn chế. Cơ hội tìm kiếm việc làm sau đào tạo trong vùng còn gặp nhiều khó khăn.

Thứ ba, tự chủ đại học đang đặt ra nhiều thách thức đối với Đại học. Khi được tự chủ tài chính hoàn toàn, hoạt động tài chính của các trường đại học sẽ tương tự như hoạt động tài chính của một doanh nghiệp; vai trò của Đại học Thái Nguyên ngày càng trở nên mờ nhạt, suy giảm, có nguy cơ giải thể nếu không có cơ chế, giải pháp thích hợp. Đây là thách thức không nhỏ đối với các đại học công lập nói chung và Đại học Thái Nguyên nói riêng.

Thứ tư, mâu thuẫn giữa nâng cao chất lượng đào tạo và chi phí đào tạo ngày càng gay gắt. Có một nghịch lý là: Học phí cao so với thu nhập trung bình của phần đông gia đình có con em đi học, nhưng lại rất thấp so với chi phí đào tạo một sinh viên trong suốt quá trình đào tạo ở trường, đặc biệt nếu muốn đào tạo trong môi trường đạt chuẩn.

Thứ năm, nguy cơ không thu hút được giảng viên, chuyên gia giỏi do chưa có cơ chế đãi ngộ hợp lý; chất lượng đầu vào của người học thấp, số lượng người học giảm mạnh; cạnh tranh về nguồn tuyển giữa các cơ sở giáo dục, đào tạo và các khu công nghiệp ngày càng gay gắt.

Thứ sáu, dự báo nhu cầu nhân lực của thị trường lao động và nhu cầu rút ngắn thời gian đào tạo nhưng vẫn đảm bảo chất lượng trong điều kiện nền kinh tế năng động, biến động nhanh đang là thách thức lớn đối với đại học.

Thứ bảy, do yếu tố khách quan, hiện nay bộ máy tổ chức của Đại học Thái Nguyên vẫn còn cồng kềnh, chồng chéo, hiệu lực, hiệu quả thấp. Đội ngũ cán bộ đông nhưng không mạnh, mất cân đối nghiêm trọng giữa cán bộ trực tiếp giảng dạy và cán bộ phục vụ gián tiếp; giữa số lượng cán bộ nhân viên so với quy mô đào tạo; giữa trình độ theo bằng cấp và năng lực thực tế.

Tại buổi làm việc, đại diện các trường thành viên, Ban Thường vụ Đảng ủy Đại học Thái Nguyên đã báo thêm những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện niệm vụ của mình; đồng thời có kiến nghị đề xuất với Đoàn công tác một số vấn đề liên quan đến liên kết nghiên cứu, chuyển giao Khoa học công nghệ, công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng, đào tạo bồi dưỡng lý luận chính trị, đào tạo nguồn nhân lực, chính sách thu hút giảng viên, chuyên gia giỏi.

Tại buổi làm việc, đại diện Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tiếp thu và làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến kiến nghị đề xuất của Đại học Thái Nguyên.

Bí thư tỉnh ủy Thái Nguyên tham quan mô hình giáo dục STEAM tại Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên). Ảnh: TL.

Bí thư tỉnh ủy Thái Nguyên tham quan mô hình giáo dục STEAM tại Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên). Ảnh: TL.

Bí thư Nguyễn Thanh Hải tham quan Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp thuộc Trường Đại học Nông Lậm (Đại học Thái Nguyên). Ảnh: TL.

Bí thư Nguyễn Thanh Hải tham quan Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp thuộc Trường Đại học Nông Lậm (Đại học Thái Nguyên). Ảnh: TL.

Phát triển Đại học Thái Nguyên vững mạnh hơn

Kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải chúc mừng và đánh giá cao những kết quả mà tập thể Đại học Thái Nguyên đã đạt được trong nhiệm kỳ; đồng thời lưu ý một số nội dung cần tiếp tục quan tâm, trú trọng thực hiện tốt hơn nữa trong thời gian tới, đó là:

Tiếp tục đoàn kết, thống nhất cao để xây dựng tập thể Đại học Thái Nguyên phát triển vững mạnh hơn nữa; tiếp tục quan tâm đến kiến nghị đề xuất của các trường, khoa thành viên; Tăng cường đối thoại với cán bộ, giảng viên, công chức, viên chức, người lao động để kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng, giải quyết những kiến nghị đề xuất được nêu ra; làm tốt công tác tuyển sinh;

Lãnh đạo chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của cơ quan đơn vị đào tạo; thống nhất cao trong công tác cán bộ, nhất là công tác nhân sự của Đại hội Đảng bộ; tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ Đại học Thái Nguyên lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025 theo phương châm chặt chẽ, công khai, minh bạch, dân chủ đảm bảo thành công theo dự kiến;

Coi trọng đào tạo, bồi dưỡng phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ khoa học đầu ngành, chuyên gia giỏi; quan tâm đến lực lượng nữ cán bộ khoa học.

Bên cạnh đó, Đại học Thái Nguyên cần đẩy mạnh hợp tác, liên thông, liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước trong đào tạo, Nghiên cứu khoa học; kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo và Nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ gắn với thực tiễn sản xuất và đời sống.

Đặc biệt là tăng cường phối hợp với tỉnh Thái Nguyên để xây dựng thực hiện chương trình, dự án Nghiên cứu khoa học ở lĩnh vực là thế mạnh, chủ lực của địa phương, trong đó có những dự án đã ký kết nhằm tạo ra các sản phẩm khoa học, công nghệ, dịch vụ có thương hiệu mạnh, tính ứng dụng cao góp phần vào sự phát triển của tỉnh…

MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM PHÁT TRIỂN ĐHTN TRONG NĂM 2020 VÀ TRONG GIAI ĐOẠN TỚI

1. Tập trung tổ chức tốt Đại hội đại biểu Đảng bộ ĐHTN lần thứ VI, tiến tới Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

2. Tập trung nâng cao năng lực quản trị đại học; thực hiện tái cấu trúc bộ máy tổ chức theo hướng tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Rà soát, sửa đổi, bổ sung và xây dựng hệ thống các văn bản quy định thống nhất, cụ thể về quyền tự chủ của Đại học và các đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc theo hướng tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị gắn với việc tăng cường kiểm tra, giám sát. Xây dựng định hướng phát triển; tìm kiếm, khai thác các dự án đầu tư lớn cấp Nhà nước để tăng cường nguồn lực đầu tư cho Đại học.

3. Thực hiện mạnh mẽ việc học 2 chương trình và liên thông ngang trong đào tạo giữa các trường thành viên trong Đại học; sắp xếp lại các ngành, nhóm ngành đào tạo trùng chéo giữa các trường thành viên theo hướng tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo.

Tập trung nguồn lực phát triển một số ngành mũi nhọn, có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thực tiễn.

4. Trên cơ sở rà soát, sắp xếp bộ máy tổ chức, tiến hành sắp xếp lại lao động, thực hiện tinh giản biên chế gắn với cải cách chế độ tiền lương nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng giảng dạy, hiệu quả hoạt động khoa học – công nghệ của đội ngũ cán bộ, giảng viên, viên chức.

5. Tập trung đầu tư đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và trọng dụng đội ngũ cán bộ khoa học đầu ngành, chuyên gia giỏi có khả năng xây dựng chương trình, giáo trình và giảng dạy hướng tới chuẩn khu vực và quốc tế; xây dựng những ngành học chất lượng cao, đặc thù, có khả năng cạnh tranh mạnh.

Thực hiện thí điểm, tiến tới trả lương theo năng lực và sự đóng góp cán bộ, giảng viên, đặc biệt là những nhà khoa học đầu ngành, chuyên gia giỏi.

6. Nâng cao năng lực Nghiên cứu khoa học, tư vấn và chuyển giao công nghệ, năng lực đề xuất, xây dựng và triển khai các chương trình nghiên cứu độc lập và thu hút các nguồn kinh phí lớn đầu tư cho nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng; Đẩy mạnh hợp tác, liên thông, liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước trong đào tạo, Nghiên cứu khoa học; kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo và Nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ gắn với thực tiễn sản xuất và đời sống nhằm tạo ra các sản phẩm khoa học, công nghệ, dịch vụ có thương hiệu mạnh, tính ứng dụng cao. Tăng tỷ trọng nguồn thu từ hoạt động khoa học – công nghệ trong tổng nguồn thu.

7. Đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất hiện đại, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin, phòng thí nghiệm trọng điểm có khả năng giải quyết những vấn đề chuyên sâu trong nghiên cứu, phòng thực hành giảng dạy, thư viện hiện đại, nhà xưởng, đất đai phục vụ thực hành, thực tập, Nghiên cứu khoa học. Trên cơ sở các quy định, tập trung khai thác, sử dụng tối nguồn lực cơ sở vật chất của Đại học và các đơn vị thành viên.

8. Tăng cường nguồn lực tài chính ngoài ngân sách nhà nước. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, tìm kiếm, khai thác, huy động các nguồn lực từ tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và cơ sở vật chất. Kiểm soát chi hiệu quả.

9. Mở rộng hợp tác quốc tế trong trong đào tạo, Nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; tăng cường trao đổi học thuật, trao đổi giảng viên, sinh viên, thu hút giảng viên, sinh viên nước ngoài đến làm việc và học tập; xây dựng môi trường làm việc quốc tế trong trong Đại học; nâng cao uy tín và khả năng cạnh tranh của Đại học trong khu vực và thế giới.

Ngọc Quang