Đóng cửa trường tư 3 tháng hè là làm khó cả thày và trò, cha mẹ học sinh

07/07/2020 08:28
Thùy Linh (thực hiện)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc ấn định trường công lập và trường tư thục đều nghỉ hè 3 tháng như nhau là quá vô lý.

Hè này, vì dịch Covid-19, học sinh sẽ có thời gian nghỉ hè là 1,5 tháng. Nhưng theo dự kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm sau thời gian kết thúc năm học là ngày 31/5, thời gian bắt đầu tựu trường cho năm học mới là từ 1/9.

Trước ngày 5/9, các trường chỉ được tập trung học sinh để chuẩn bị cho lễ khai giảng, không được dạy học trước. Trường nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.

Đối với trường tư thục, Bộ sẽ xem xét, sửa đổi Thông tư số 13/2011/TT-BGDĐT cho phù hợp hơn.

Trước thông tin dự kiến, học trò sẽ được nghỉ trọn vẹn 3 tháng hè, phóng viên Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với cô Văn Thùy Dương – hiệu phó Trường trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội).

Phóng viên: Theo cô, nếu cũng phải chấp hành về mặt thời gian giống trường công lập về thời gian tựu trường thì sẽ tác động như thế nào đến chất lượng giáo dục của hệ thống trường tư thục?

Cô Văn Thùy Dương: Thực tế các bạn đều biết, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 như một cuộc thi giành học bổng, tức là nếu học sinh đạt điểm cao thì được tuyển vào trường công lập và không phải nộp học phí.

Đồng nghĩa với việc để vào trường công lập thì các em đã là học sinh khá, giỏi.

Còn lại 40% học sinh trượt công lập tức là có đầu vào chất lượng thấp hơn sẽ vào học dân lập, tư thục và đóng học phí.

Như vậy phải nói rằng, đa phần các trường ngoài công lập đều chỉ nhận được các học sinh Yếu, Trung bình, Khá ... trong khi đó học sinh, phụ huynh nào cũng muốn con cái học hành tốt để giành "1 vé" vào đại học, cao đẳng.

Cô Văn Thùy Dương và người bố của mình - cố nhà giáo Văn Như Cương trong một buổi lễ khai giảng tại trường Lương Thế Vinh (Ảnh: NVCC)

Cô Văn Thùy Dương và người bố của mình - cố nhà giáo Văn Như Cương trong một buổi lễ khai giảng tại trường Lương Thế Vinh (Ảnh: NVCC)

Vậy nên muốn để học sinh học tốt các trường bắt buộc phải có phương án bồi dưỡng cho các con và các con sẽ phải học, không có con nào muốn từ yếu, trung bình lên khá, từ khá lên giỏi mà không cần phải học nhiều hơn các bạn vốn dĩ giỏi dang!

Do đó việc ấn định học sinh khá, giỏi và học sinh yếu, kém đều nghỉ hè 3 tháng như nhau là quá vô lý.

Cô có thể chia sẻ thêm về sự "vô lý" đó cụ thể như thế nào?

Cô Văn Thùy Dương: Trường tư thục khác trường công lập ở chỗ với cùng một khối lượng kiến thức cần hoàn tất, trường ngoài công lập sẽ có kế hoạch giảng dạy như thế nào cho các đối tượng học sinh mà họ tuyển được sẽ đạt được kết quả như phụ huynh, như thày cô mong muốn.

Chuyện rất đơn giản là, với một đứa trẻ gầy yếu thì bố mẹ sẽ cố gắng tẩm bổ cho các con để các con khoẻ mạnh béo tốt. Do không chạy nhanh bằng các bạn thì buộc phải tập thể dục thể thao mỗi ngày để đuổi kịp các bạn.

Với một đứa bé học yếu hơn so với các bạn thì bố mẹ sẽ lo bồi dưỡng thêm kiến thức cho các con bằng cách nào đó.

Ví như nếu con học giỏi thì ngày chỉ cần học 1 tiếng, còn nếu học kém thì phải cố gắng rèn 2 tiếng để kiến thức mới đạt bằng các bạn do đó học sinh cần có thời gian để bổ túc kiến thức.

Thời gian học nhiều không đồng nghĩa với việc là tăng áp lực cho các em, thay vì nội dung bài giảng trong 1 tiết thì giáo viên tách thành 2 tiết để các con được giảm tải mà vẫn hiểu sâu, hiểu kỹ nội dung.

Cách đây 10 năm, khi chương trình còn có bài “Bên kia sông Đuống” của tác giả Hoàng Cầm, trong chương trình chỉ có 1 tiết nhưng trường Lương Thế Vinh bố trí giáo viên dạy 3 tiết cộng thêm 1 buổi mời tác giả đến giảng để học sinh thực sự hiểu về tác phẩm.

Bây giờ vẫn theo tinh thần như vậy các thầy cô được tự chủ bài giảng của mình và tổ Văn cùng nhau lên chương trình giảng dạy, kế hoạch số tiết sao cho hợp lý. Bởi đó là cách giảm tải mà vẫn đạt hiệu quả học tập.

Hơn nữa, với quyết định nghỉ 3 tháng các con sẽ ở nhà và liệu các trung tâm dạy thêm có được hưởng lợi?

Bởi lẽ, con cái nghỉ hè nhưng phụ huynh vẫn phải đi làm, do đó phải đưa con về quê nhưng không phải phụ huynh nào cũng có ông bà để nhờ nên nhiều người chấp nhận sáng thuê xe Grap cho con đến trung tâm học thêm rồi tối lại thuê Grap chở con về.

Ai dám chắc quá trình đi lại như vậy sẽ an toàn 100%? Đó còn chưa kể đến việc nếu nghỉ hè thì nhiều thầy cô tổ chức lớp dạy thêm, có phụ huynh có nhu cầu thực sự, có phụ huynh sợ cô “trù dập” khi vào đầu năm học mới nên nhà nhà đưa con đến lớp của cô.

Hãy để cho các trường tự bố trí thời gian, không dạy trái với quy định của Bộ, kết thúc năm học đúng với kiến thức đó là được. Bởi trường ngoài công lập lập ra phải đảm bảo chất lượng với phụ huynh, muốn đạt mong muốn đó không học thì làm sao đạt được.

Nhận học sinh không có đầu vào tốt bằng trường công lập rồi giờ không cho thời gian để bổ túc kiến thức thì tình trạng học xong ở trường, phụ huynh phải đưa con đi học thêm là chuyện bình thường.

Và trường ngoài công lập phải có lộ trình đào tạo học sinh, không thể áp dụng việc dạy học sinh giỏi với kém như nhau. “Nếu không tạo điều kiện tăng cường cho học sinh kém thì khác nào chặt chân chặt tay chúng tôi. Kỳ thực quá khó khăn với trường tư thục.

Nhận học sinh không có đầu vào tốt bằng trường công lập rồi giờ mà không cho thời gian để bổ túc kiến thức thì chuyện cứ học xong ở trường, phụ huynh phải đưa con đi học thêm là chuyện đáng lo lắng.

Tốt nhất hãy để phụ huynh và nhà trường tự thỏa thuận, nếu gia đình nào không muốn con tựu trường sớm thì nhà trường sẽ đồng ý chứ không nên đưa vào thành một văn bản mệnh lệnh ép buộc” – cô Dương kiến nghị.

Theo cô Dương, nếu bắt trường ngoài công lập nghỉ hè 3 tháng như trường công lập là quá khó khăn, vậy nhìn nhận từ thực tế nhiều năm qua, cô thấy trường ngoài công lập đã được đối xử công bằng chưa?

Cô Văn Thùy Dương: Có một số việc mà mình cũng đang muốn phản ánh, ví dụ ở kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội họp và thông báo tới toàn thể các trường trung học phổ thông và khối trường liên cấp có bậc trung học phổ thông về khoảng thời gian mở hệ thống tuyển sinh.

Theo đó nguyên tắc tuyển sinh là “muốn chuyển phải rút” (hồ sơ). Tuy nhiên lại có chuyện bất cập đối với trường tư thục là cuộc chơi này không hề công bằng.

Ví dụ, học sinh A đăng ký vào trường Trung học phổ thông Cầu Giấy nhưng ngày mai muốn rút hồ sơ để đăng ký sang trường Lương Thế Vinh thì bắt buộc phụ huynh, thí sinh đó phải sang trường Cầu Giấy xin rút và được sự chấp nhận cho chuyển thì mới đăng ký vào trường Lương Thế Vinh được.

Tuy nhiên, học sinh B đã đăng ký vào trường Lương Thế Vinh khi muốn chuyển sang đăng ký vào trường Cầu Giấy thì hệ thống tự động cho phép mà không cần phải nhận được sự chấp thuận từ nhà trường.

Thế nên mới có chuyện, hôm nay chốt tổng số hồ sơ rồi nhưng ngày mai mở ra thì bị “rớt” nhiều học sinh, hoàn toàn các trường tư không kiểm soát được số lượng học sinh đầu vào.

Đây là chuyện đã xảy ra ở kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm ngoái, tôi hi vọng năm nay cơ quan quản lý chấn chỉnh và khắc phục để hệ thống công lập và ngoài công lập được công bằng, quyền lợi như nhau và để các học sinh hiểu rõ nguyên tắc xét tuyển, tránh những hiểu lầm không đáng có.

Trân trọng cảm ơn cô!

Thùy Linh (thực hiện)