Nhiều giáo viên hững hờ với thi đua, bởi khen thưởng đâu đến lượt

21/07/2020 06:25
KIM OANH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Những giáo viên dạy lớp bình thường làm sao đủ sự thân thiết với tất cả những người đang ngồi xét thi đua để đạt được 75 hay 80% số phiếu như quy định hiện nay?

Sau khi kết thúc một năm học thì có một số việc rất quan trọng đối với mỗi nhà trường là xếp loại viên chức, xếp loại chuẩn giáo viên và xét thi đua cuối năm để phân loại, khen thưởng từng cá nhân, từng tổ chuyên môn trong đơn vị.

Trong 3 việc này, việc nào cũng quan trọng nhưng có lẽ điều mà giáo viên chú ý nhiều hơn cả là xét thi đua cuối năm, nhất là đối với những giáo viên đạt được một số thành tích trong năm học.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy có những thầy cô có thành tích thì được đề nghị khen thưởng danh hiệu thi đua ở mức cao nhưng cũng không hiếm trường hợp có thành tích nhưng không đủ số phiếu cần thiết để đạt được danh hiệu thi đua như Chiến sĩ thi đua cơ sở hay một số bằng khen, giấy khen khác…

Giáo viên đứng lớp không kiêm nhiệm chức vụ khó đạt được số phiếu theo quy định khi xét thi đua (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Giáo viên đứng lớp không kiêm nhiệm chức vụ khó đạt được số phiếu

theo quy định khi xét thi đua (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Những phong trào của ngành thì chỉ định giáo viên tham gia

Mỗi năm, ngành Giáo dục luôn có rất nhiều cuộc thi, rất nhiều phong trào được phát động nhưng nhiều giáo viên không mấy khi mặn mà hưởng ứng, đa phần giáo viên chỉ muốn tập trung vào công việc giảng dạy của mình.

Nhưng, nào có được bởi Sở, Phòng Giáo dục phát động, thậm chí ấn định mỗi trường phải có bao nhiêu phần trăm giáo viên tham gia cho cuộc thi hoặc phong trào đó.

Vì thế, Ban giám hiệu giao đến cho các tổ chuyên môn, tổ chuyên môn làm công tác tư tưởng động viên giáo viên tham gia nhưng nhiều khi giáo viên vẫn không tham gia.

Chính vì thế mà nhiều khi, Ban giám hiệu nhà trường phải họp và ấn định thầy này, cô kia “đại diện” trường tham gia vì đủ điều kiện.

Vì sao giáo viên ở một số đơn vị lại hững hờ với các phong trào thi đua của ngành mà mình đang công tác đến vậy? Tất nhiên, khi họ không thiết tha tham gia cũng là điều hoàn toàn có thể lý giải được.

Tham gia thì vất vả, phải đầu tư nhiều công sức mà cho dù có được giải thì nhà trường cũng chẳng khen thưởng, chẳng chú trọng để xét thi đua cho họ ở những thứ hạng cao.

Thi xong, có thành tích thì Ban giám hiệu cũng có tiếng là trường mình có những giải này, giải kia, cũng được biểu dương trong các cuộc họp, cũng có nhiều thành tích để báo cáo. Nhưng, giáo viên thì sao?

Chúng tôi đã chứng kiến và có dịp tiếp xúc, tìm hiểu các phong trào thi đua của ngành giáo dục phát động qua nhiều thầy cô giáo hiện đang công tác ở một số địa phương khác.

Điểm chung là đa phần họ đều bị “bắt” tham gia vào các cuộc thi, các phong trào của ngành. Nhiều người bất bình với cách ứng xử sau mỗi phong trào mà họ tham gia.

Ôn thi học sinh giỏi suốt cả gần một năm học, mỗi môn ôn đến hàng trăm tiết nhưng đa phần giáo viên ở các địa phương không được nhận chế độ bồi dưỡng học sinh giỏi. Khi học sinh đậu giải cấp huyện, cấp tỉnh thì có trường thưởng cho giáo viên vài trăm nghìn đồng tượng trưng, có trường không có gì.

Đối với cấp Sở, cấp Phòng nhiều nơi cũng chẳng đoái hoài gì đến những thầy cô đã bồi dưỡng cho học trò. Nhưng, nếu học sinh không đạt giải lại bị phê bình, chê trách trong các cuộc họp...

Tham gia phong trào thi giáo viên giỏi cấp huyện (thành phố) đạt giải, trường không hề có động thái biểu dương, khích lệ.

Trong khi, để đạt được danh hiệu này, giáo viên phải trải qua nhiều vòng thi, phải dạy thực hành ở đơn vị bạn.

Tất nhiên, phải chạy đi, chạy lại nhiều lần để làm quen với học sinh, phải đăng ký mượn máy chiếu và đôi khi còn phải cậy nhờ giáo viên trường bạn giúp đỡ khi máy móc trục trặc.

Viết sáng kiến kinh nghiệm, dù cho giữa ma trận thật giả khó lường như hiện nay thì bên cạnh những người xin xỏ, “coppy, cắt, dán” những đề tài trên mạng Internet vẫn có những giáo viên viết bằng tâm huyết của mình.

Họ phải đầu tư nhiều ngày, phải tích lũy kinh nghiệm qua nhiều năm và một điều là khi in cũng phải đầu tư một số tiền bởi đa phần hiện nay là in màu. Số tiền ấy, chẳng có ai cho cả, là tiền túi của giáo viên.

Nhiều hoạt động phong trào như ca hát, vẽ tranh, thể dục thể thao, kể chuyện sách, tất nhiên người thầy phải luyện tập cho học sinh, phải đem học sinh đi thi. Đôi lúc phải bỏ chi phí lo nước nôi cho học trò. Số tiền ấy, cũng là tiền túi của giáo viên.

Và, rất nhiều phong trào khác nữa, phong trào thi đua trong ngành giáo dục cứ như là những đợt sóng vỗ rì rào ngoài biển khơi vậy. Lớp sóng này chưa qua đi, lớp sóng khác lại hình thành…vỗ tiếp.

Nhưng, cuối năm khi xét thi đua thì số phiếu mới quyết định danh hiệu

Người thầy đa phần chỉ biết chấp hành mệnh lệnh để tham gia các phong trào của ngành, không chấp hành lại càng khổ hơn.

Nhưng, khi đạt giải rồi thì sao, khi xét thi đua sẽ thế nào?

Ban giám hiệu và thành viên trong Hội đồng xét thi đua còn nhớ đến công sức phấn đấu của những giáo viên dạy lớp?

Mấy người còn nhớ chuyện mình đã từng vận động, đã “ép” giáo viên đi thi để đem thành tích về cho nhà trường, cho tổ chuyên môn.

Thế nhưng, khi xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, bằng khen các cấp thì những lá phiếu kín oan nghiệt không mấy khi dành cho những giáo viên không kiêm nhiệm chức vụ trong nhà trường.

Giáo viên không ngại tham gia phong trào thi đua nhưng những bất công cứ hiện hữu từ năm này sang năm khác. Người làm tốt, người có nhiều thành tích cũng là lao động tiên tiến, người chẳng làm gì cũng lao động tiên tiến, cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ!

Những danh hiệu cao hơn thì thường phải là những người có “ảnh hưởng” ở trong trường mới đủ số phiếu - dù thành tích ít hơn.

Cho dù giáo viên có thắc mắc đi chăng nữa thì cũng chẳng có thể thay đổi được cục diện bởi quy định phải đủ số phiếu tín nhiệm của Hội đồng.

Trong khi, những giáo viên dạy lớp bình thường làm sao có đủ sự thân thiết với tất cả những người đang ngồi xét thi đua để đạt được 75 hay 80% số phiếu như những quy định hiện nay.

Đừng trách vì sao giáo viên lại hững hờ khi không tự nguyện tham gia các phong trào thi đua của ngành.

Tham gia rồi dù có đạt giải cũng không được Ban giám hiệu ghi nhận đúng mức. Khi cuối năm xét thi đua thì cũng “hên nhờ, rủi chịu” mà hên thì chẳng mấy khi gặp, chỉ có rủi thì lại thường xuyên hơn đối với những giáo viên không có vị trí, chức tước trong trường.

KIM OANH