Giáo sư Đỗ Trung Tá: Vấn đề tự chủ đại học trở thành cốt lõi cho việc đổi mới

17/07/2020 08:01
Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Đỗ Trung Tá
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Vấn đề đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo lúc này là chủ trương rất đúng đắn mà trong đó vấn đề tự chủ đại học trở thành cốt lõi cho việc đổi mới.

Tôi rất vinh dự được mời tham dự hội thảo này. Phải nói nhờ có khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo thì Ngành bưu chính viễn thông Việt Nam mới phát triển được như bây giờ.

Nói rộng ra, chúng ta đánh Mỹ thắng lợi, đổi mới thắng lợi, cũng nhờ có lòng yêu nước, thông minh và hiếu học.

Vì vậy, vấn đề đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo lúc này là chủ trương rất đúng đắn mà trong đó vấn đề tự chủ đại học trở thành cốt lõi cho việc đổi mới. Tôi xin trao đổi vài ý có liên quan sau đây:

1. Năm 1997, chúng tôi thành lập Học viện công nghệ bưu chính viễn thông, chủ trương là gắn nghiên cứu đào tạo với sản xuất kinh doanh.

Vì vậy, nó được đặt trong Tập đoàn VNPT, Tập đoàn cấp kinh phí hoạt động cho học viện theo hình thức hợp đồng đặt hàng cung cấp các sản phẩm và dịch vụ cho VNPT.

Như vậy, hoạt động gắn kết rất tốt, chất lượng đào tạo tốt, gắn với nghiên cứu đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa và có thu nhập cao.

Từ khi đưa về Bộ chủ quản thì có vấn đề.

Theo tôi, quản lý nhà nước nên tách, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Bộ chuyên ngành chỉ làm nhiệm vụ quản lý nhà nước và giao quyền tự chủ chuyên môn, học thuật, tài chính, nhân lực và hợp tác quốc tế cho các trường đại học.

Giáo sư Đỗ Trung Tá (Ảnh: mic.gov.vn)

Giáo sư Đỗ Trung Tá (Ảnh: mic.gov.vn)

2. Ngành Bưu điện phát triển nhanh có một nguyên nhân là xin tự chủ về tài chính ngay từ thời kỳ hiện đại hóa.

Từ năm 1987 đến nay chúng tôi không dùng ngân sách nhà nước mà thay bằng tự chủ: tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm và chịu sự giám sát của nhà nước và pháp luật.

Đối với các trường đại học thì việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán… cần có cách nhìn “nương nhẹ” so với các doanh nghiêp vì các thầy không giỏi về quản lý tài chính, nhưng bù lại rất giàu sáng tạo và nhiệt huyết làm việc.

Những điều đó cần được thấu hiểu, chỉ dẫn, rút kinh nghiệm để không phá vỡ mong muốn ban đầu và quyết tâm vượt khó của tự chủ.

Đổi mới và sáng tạo tiềm tàng các rủi ro nhất định.

3. Về tự chủ công nghệ cũng giống tự chủ chuyên môn, học thuật trong giáo dục đào tạo.

Doanh nghiệp được quyền quyết định đưa công nghệ mới vào nhưng phải chịu trách nhiệm hiệu quả kinh tế và tính tương thích phát triển liên tục trong thời gian dài của tuổi thọ công nghệ.

Đã có bài học, khi mà các cơ quan quản lý nhà nước cấp phép cho các doanh nghiệp cổ phần viễn thông vội vàng đưa công nghệ cao về thông tin di động CDMA thế hệ 2G vào khai thác khi tính thương mại của nó còn thấp đã làm 3 doanh nghiệp cổ phần này thiệt hại ngót tỷ đô-la chỉ trong vòng 5 năm trời.

Ngay từ lúc bắt đầu cung cấp dịch vụ 2G chúng tôi đã tính sẽ lên 3G, 4G, 5G như thế nào.

Năm 1996 dù mới thử nghiệm internet nhưng năm 2002 đã cho nghiên cứu chuẩn internet mới IPv6 tiếp cận đón đầu để internet vạn vật IoT của Việt Nam có như bây giờ.

Việc băng rộng hóa toàn quốc cũng được cân nhắc ngay trong chiến lược tăng tốc từ những năm 90 nên cáp quang nay đã xuống xã, vệ tinh phủ sóng hết mọi điểm tối.

Sắp tới có thể có thêm các hệ thống vệ tinh tầm thấp thì cơ hội cho ngành giáo dục đào tạo kết nối online với “Lớp học toàn cầu” là trong tầm tay.

4. Xu hướng thế giới: các công ty khai thác cũng như các nhà sản xuất thiết bị Viễn thông – Công nghệ thông tin sẽ không như bây giờ.

Họ muốn dịch vụ và sản phẩm của họ tham gia cùng đào tạo và họ cũng là những người thày thông qua các thiết bị đào tạo chuyên dụng và những dịch vụ đào tạo mang tính toàn cầu không phụ thuộc vào ngôn ngữ, tài sản và vị trí địa lý.

5. Chúng ta hãy tích cực và chủ động sử dụng công nghệ mới, công nghệ mới sẽ giúp các trường giải quyết những khó khăn về tự chủ ban đầu và giành được mục tiêu về chất lượng đào tạo.

6. Trong các báo cáo và tham luận tại tọa đàm, tôi thấy còn vướng giữa Hội đồng trường với Hiệu trưởng, chúng ta học ngoài kiểu sao chép là không thể được vì mô hình khác nhau.

Vì vậy cần có thí điểm, tổng kết mô hình tự chủ và nhân rộng sáng tạo.

7. Để ứng dụng nhanh công nghệ mới trong giáo dục nên tận dụng cơ chế hợp tác công tư PPP mà nhà nước đã cho phép.

Hãy để các doanh nghiệp công nghệ cao vào làm dịch vụ, máy hỏng đến đâu họ thay ngay đến đó vì tài sản, nhân lực họ có.

Hợp tác quốc tế cần mở rộng, các trường tự chủ phải liên kết mạnh với các nước, sử dụng nhân lực toàn cầu và tìm kiếm ra nguồn thu để hoạt động, nhà nước vẫn có trách nhiệm đầu tư chiến lược và tạo điều kiện tự chủ cho các trường đại học.

Hợp tác quốc tế chắc chắn là một trọng tâm cho tăng cường chất lượng giáo dục đào tạo, những đơn vị tự chủ phải hướng đến khả năng cung cấp cho thế giới những công dân toàn cầu.

Đây là thời cơ và cũng là thách thức rất lớn cho vấn đề giáo dục chất lượng cao trong thời đại công nghiệp 4.0.

8. Tự chủ cao càng gắn với trách nhiệm càng lớn: trách nhiệm đào tạo những người có chất lượng, trách nhiệm đáp ứng thị trường nguồn nhân lực cấp bách 4.0 tính đến cả kỹ năng sử dụng hạ tầng số của từng người dân.

Chất lượng của giáo dục đào tạo quyết định sự đổi mới của chúng ta có thắng lợi hay không.

9. Thế giới hiện nay là một thế giới kết nối qua các công nghệ Trí tuệ nhân tạo, Cơ sở dữ liệu đồ sộ, Thực tế ảo và Di động thời gian thực…

Vì vậy, cần đổi mới tư duy trong giáo dục đào tạo đến mức phải thừa nhận ngành viễn thông, công nghệ thông tin, truyền thông là người đồng nghiệp của mình, họ không chỉ là nhà cung cấp dịch vụ mà là người thầy cùng tham gia giảng dạy, tổ chức và hướng dẫn thí nghiệm, thực hành.

10. Chưa bao giờ giáo dục đào tạo phải tính đến mình trong một cơ chế thị trường cạnh tranh như bây giờ.

Cơ chế quản lý nhà nước phải tạo nền móng cho tự chủ, cho sáng tạo, cho đổi mới dạy và học trong đó có vấn đề nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần và trải nghiệm của giáo viên, sinh viên ở mức cao nhất có thể.

11. Tôi thiết nghĩ đã đến lúc hãy để các trường đại học được bổ nhiệm Giáo sư, Phó Giáo sư vì sự sâu sắc, chuẩn xác của Hội đồng giáo sư nhà nước nay không bằng nhu cầu thực tế của trường họ khi cần có những người thày trí tuệ, tài năng và thực sự được kính trọng.

12. Về vấn đề để Hội đồng trường có quyền lực, Chủ tịch phải nhích hơn Hiệu trưởng về tư cách, uy tín, tài năng, Hội đồng trường không nên có tính chất hình thức, thành phần như các tổ chức đoàn thể khác vì nó dễ dẫn đến một tập thể vô tích sự, lãng phí uy tín.

Ở nhiều nước Chủ tịch Hội đồng trường cùng kí vào bằng tốt nghiệp Đại học và trên Đại học với Hiệu trưởng để đề cao uy tín và trách nhiệm.

Ngày 13/6/2020, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kết hợp với Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông tổ chức cuộc Tọa đàm khoa học “Đổi mới tư duy về quản lý Nhà nước với giáo dục đại học Việt Nam” tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

Cuộc tọa đàm quy tụ gần 100 nhà quản lý, nhà nghiên cứu, chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục đại học đặt dưới sự đồng chủ trì của Giáo sư Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Giáo sư Đặng Vũ Minh - Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật Việt Nam và Giáo sư Trình Quang Phú - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển Phương Đông.

Tọa đàm khoa học đã nhận được trên 20 báo cáo tham luận về tự chủ đại học, vai trò cũng như chức năng của Hội đồng trường trong mối quan hệ với Đảng ủy, Ban giám hiệu và cơ quan quản lý trực tiếp...Phát biểu trực tiếp tại Tọa đàm có nhiều ý kiến tham luận sâu sắc về vấn đề bãi bỏ cơ chế bộ chủ quản, từ chủ trương nghị quyết, quy phạm pháp luật đến thực tiễn.

Được sự đồng ý của Giáo sư Trình Quang Phú, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển Phương Đông, Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam lần lượt đăng tải các bản tham luận tại Tọa đàm này để cung cấp thêm thông tin đến bạn đọc quan tâm.

Nội dung, văn phong tham luận thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả.

Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Đỗ Trung Tá