Bộ Giáo dục nên sớm xây dựng công cụ đánh giá thi đua thay sáng kiến kinh nghiệm

29/07/2020 07:19
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khống chế chỉ tiêu 15% trên tổng số cá nhân đạt danh hiệu Lao động tiên tiến nên trường càng nhỏ, giáo viên càng ít có cơ hội đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở

Hiện nay, người lao động trong đó có giáo viên để được xét tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” phải căn cứ theo Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thi đua, khen thưởng 2003 đã được sửa đổi, bổ sung.

Tại khoản 3, Điều 9. Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” được xét tặng hàng năm cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau:

a) Đạt tiêu chuẩn danh hiệu “Lao động tiên tiến” hoặc “Chiến sĩ tiên tiến”.

b) Có sáng kiến để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công tác được cơ sở công nhận hoặc có đề tài nghiên cứu khoa học đã nghiệm thu được áp dụng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được đơn vị công nhận.

Tỷ lệ cá nhân được công nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” do bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương căn cứ vào tình hình thực tiễn quy định cho phù hợp, nhưng không quá 15% tổng số cá nhân đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến” hoặc danh hiệu “Chiến sĩ tiên tiến”.

Ảnh chụp màn hình các bài viết về sáng kiến kinh nghiệm trên Tạp chí Giáo dục - cơ quan lý luận của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Giữa lý luận với thực tế đời sống giáo dục đang có khoảng cách rất xa.

Ảnh chụp màn hình các bài viết về sáng kiến kinh nghiệm trên Tạp chí Giáo dục - cơ quan lý luận của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Giữa lý luận với thực tế đời sống giáo dục đang có khoảng cách rất xa.

Cũng vì việc khống chế chỉ tiêu Chiến sĩ thi đua cơ sở không quá 15% tổng số cá nhân đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến” hoặc danh hiệu “Chiến sĩ tiên tiến” nên trong thực tế nhiều giáo viên không còn cơ hội để đạt danh hiệu này dù họ rất xứng đáng.

Ban giám hiệu thích thành tích thì giáo viên khó có cơ hội đạt chiến sĩ thi đua

Vì bị khống chế chỉ tiêu 15% trên tổng số cá nhân đạt danh hiệu Lao động tiên tiến nên trường càng nhỏ, giáo viên càng ít có cơ hội đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua dù có nhiều người xứng đáng.

Ví như, trường học có 20 giáo viên đăng ký công nhận Lao động tiên tiến thì chỉ có 3 giáo viên được xét Chiến sĩ thi đua cơ sở.

Như một quy định bất thành văn, 3 người sẽ được vào danh sách xét chiến sĩ thi đua cơ sở chắc chắn là hiệu trưởng, hiệu phó, chủ tịch công đoàn (hoặc thay thế bằng 1 tổ trưởng chuyên môn).

Hay như trường được 4 giáo viên đạt Chiến sĩ thi đua cơ sở cũng nhất định là hiệu trưởng, hiệu phó, chủ tịch công đoàn cùng 1 tổ trưởng.

Giáo viên khó lòng chen được vào danh sách này, nếu có tên vì những thành tích đã đạt được như đạt giáo viên dạy giỏi, có học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi nhưng khi bỏ phiếu cũng khó lòng trụ nổi vì bản thân thầy cô giáo ấy không có tên trong Hội đồng thi đua khen thưởng nhà trường.

Trong thực tế, những người có tên trong Hội đồng thi đua khen thưởng (Ban giám hiệu, chủ tịch công đoàn, các tổ trưởng chuyên môn…) bao giờ cũng có lợi thế hơn (tôi bỏ phiếu cho bạn, bạn lại bỏ phiếu cho tôi) nên cũng khó mà rớt được.

Vì điều này, ngay từ đầu năm học giáo viên chúng tôi cũng đã đoán được năm học này ai sẽ đạt Chiến sĩ thi đua cơ sở mà chẳng cần hết năm xem giáo viên nào năng nổ nhiệt tình và đạt thành tích cao hơn.

Vậy nên, nếu Ban giám hiệu thích thành tích thì giáo viên sẽ rất ít có cơ hội tiếp cận danh hiệu này. Đây cũng là lý do nhiều thầy cô giáo thường buông xuôi vì bất mãn “làm cho lắm cũng thế thôi”.

Ban giám hiệu gương mẫu, cơ hội đến với nhiều giáo viên

Trường Tiểu học Tân An 1, thị xã La Gi tỉnh Bình Thuận nơi tôi đang công tác hiện nay lại hoàn toàn khác biệt với nhiều ngôi trường khác trong việc xét thi đua giáo viên.

Ngay từ đầu năm học, Ban giám hiệu nhà trường đã tự rút lui và thường không đăng ký danh hiệu Chiến sĩ thi đua (có năm chỉ một người đăng ký và luân phiên).

Nhà trường cũng động viên một số giáo viên năng nổ, nhiệt tình, có tay nghề chuyên môn vững mạnh dạn đăng ký danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở.

Nhờ đó, cơ hội được rải đều cho tất cả giáo viên nên thầy cô nào thật sự muốn phấn đấu sẽ không còn sợ “không đến lượt mình” như một số trường học khác.

Theo Dự thảo Luật thi đua khen thưởng, sẽ không khống chế % tỷ lệ giáo viên đạt “Chiến sĩ thi đua cơ sở” nhưng sáng kiến kinh nghiệm vẫn là chủ đạo

Điều 21. Tiêu chuẩn danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” của dự thảo Luật thi đua khen thưởng mới quy định danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” được xét tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau:

1. Được công nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ.

2. Có sáng kiến là giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công tác được cơ sở công nhận hoặc có đề tài nghiên cứu khoa học đã nghiệm thu hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu.

Dự thảo Luật mới không còn khống chế phần trăm người lao động đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở (không quá 15% người đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến”) mà chỉ cần đạt hoàn thành tốt nhiệm vụ và có sáng kiến, giải pháp cải tiến (gọi chung là sáng kiến kinh nghiệm) được công nhận.

Sau khi bỏ quy định phải có sáng kiến kinh nghiệm trong Hội thi giáo viên giỏi (thay thế bằng biện pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác giảng dạy của cá nhân tại cơ sở giáo dục, nơi giáo viên đang làm việc) thì việc xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở phải có sáng kiến kinh nghiệm vẫn được giữ nguyên.

Chuyện sáng kiến kinh nghiệm trong giáo dục từ trước đến nay đã được phản ánh khá nhiều từ chính người trong cuộc nhưng xem ra chẳng mấy tác dụng đến những người hoạch định chính sách.

Hàng ngàn sáng kiến kinh nghiệm mỗi năm ở các huyện thị nhưng hầu như chỉ một vài cái sáng kiến là khác biệt, là khả thi còn phần đông chỉ là sao chép, copy lẫn nhau trên các trang mạng, trên các diễn đàn nội bộ.

Ai sao chép giỏi, ai copy tài hoặc hợp với gu của người chấm là đạt giải. Có giải sáng kiến kinh nghiệm đương nhiên sẽ lợi thế hơn nhiều trong việc đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua so với người rớt.

Thế nên mới có chuyện ngược đời, thành tích của giáo viên A. nổi trội hơn hẳn giáo viên B. nhưng sáng kiến giáo viên A. lại không đạt thì danh hiệu Chiến sĩ thi đua đã về tay giáo viên B người thua mình gần như toàn phần lúc đó.

Và thế, đã có không ít thầy cô nói rằng chẳng cần phấn đấu nhiều cho mệt, đầu tư cho sáng kiến thật hay là nắm chắc đạt danh hiệu rồi.

Nhưng trong khi ngành giáo dục hiện vẫn chưa có được công cụ đánh giá hiệu quả làm việc của giáo viên một cách chính xác thì sáng kiến kinh nghiệm vẫn đang là cứu cánh cho họ trong việc xét thi đua.

Nếu không còn khống chế về phần trăm và nếu bỏ quy định về sáng kiến kinh nghiệm như nhiều thầy cô mong muốn sẽ dễ dẫn đến tình trạng ai cũng có thể đăng ký danh hiệu Chiến sĩ thi đua thì thật khó cho trường trong công tác bình xét.

Giải pháp nào để đánh giá giáo viên đúng thực chất?

Muốn bỏ cả tiêu chí phải có sáng kiến kinh nghiệm trong bình xét giáo viên thì Bộ Giáo dục cần phải xây dựng ngay công cụ đánh giá giáo viên một cách thiết thực nhất (không phải kiểu đánh giá bằng hàng loạt giấy tờ như hiện nay).

Từ thực tế cho thấy, giáo viên mang danh giáo viên dạy giỏi cấp huyện, thị thậm chí cấp quốc gia hay đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh...nhưng chất lượng học sinh trong lớp dạy chẳng hơn gì (đôi khi còn thua) những giáo viên không có những danh hiệu ấy.

Năng lực của giáo viên sẽ được thể hiện rõ nhất trong chất lượng giảng dạy của mình. Giáo viên chủ nhiệm lớp cũ và giáo viên chủ nhiệm lớp mới sẽ bàn giao chất lượng học sinh đầu năm cho nhau (bàn giao thực chất chứ không phải kiểu hình thức như hiện nay).

Nhà trường sẽ kiểm tra, đánh giá, chất lượng học sinh thể hiện bằng kết quả kiểm tra cuối năm học của lớp ấy.

Khi lấy chất lượng học sinh làm tiêu chí đánh giá thì mọi giáo viên phải có sự nỗ lực hết mình mà không cần phải trang bị bằng những tờ giấy khen trong các hội thi hay bằng cái sáng kiến kinh nghiệm mà chẳng bao giờ được áp dụng.

Phan Tuyết