Đề xuất của Bộ Giáo dục dễ gây hiểu lầm về "thị trường 2,2 nghìn tỷ đồng"

10/08/2020 06:39
Sơn Quang Huyến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc này có thể gây hiểu nhầm không đáng có rằng Bộ đang muốn "ôm" trọn thị trường đào tạo - cấp chứng chỉ phục vụ thăng hạng của giáo viên.

Ngày 29/7/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số: 2814/BGDĐT-NGCBQLGD về việc đề xuất điều chỉnh quy định về bồi dưỡng viên chức tại Nghị định số 101 trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Trong đó có đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất để “thay thế chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp bằng chứng chỉ/ chứng nhận bồi dưỡng thường xuyên đáp ứng yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp" đã được nhiều giáo viên đồng tình.

Bộ Giáo dục và Đào tạo có đề nghị: “Không giao thẩm quyền cho các địa phương về việc giao nhiệm vụ bồi dưỡng theo theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập để đảm bảo Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm soát được chất lượng tổ chức bồi dưỡng của các cơ sở giáo dục được Bộ giao nhiệm vụ”.

Xung quanh đề xuất này, người viết nhận được nhiều ý kiến băn khoăn của giáo viên đồng nghiệp. Thầy giáo Phạm Ph. ở Vũng Tàu chia sẻ:

“Liệu các cơ sở giáo dục được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ bồi dưỡng theo theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên có trở thành lợi ích nhóm?.

Rồi việc thăng hạng có phải do Bộ quyết định, có phải cứ học bồi dưỡng theo theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên của Bộ là được thăng hạng?”.

Vấn đề chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nhận được sự quan tâm của nhiều giáo viên. (Ảnh mang chỉ mang tính minh họa: Lã Tiến)

Vấn đề chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nhận được sự quan tâm của nhiều giáo viên. (Ảnh mang chỉ mang tính minh họa: Lã Tiến)

Không giao thẩm quyền tổ chức bồi dưỡng thăng hạng cho các địa phương được không?

Hoàn toàn không, tại sao vậy?

Vì mục đích của bồi dưỡng theo theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hiện nay là để giáo viên mong chờ được thăng hạng.

Những giáo viên mới được tuyển dụng vào ngành giáo dục không cần chứng chỉ này. Cụ thể: Giáo viên mầm non hạng IV; Giáo viên tiểu học hạng IV; Giáo viên trung học cơ sở hạng III; Giáo viên trung học phổ thông hạng III, theo quy định của thông tư 20,21,22,23 ngày 16/9/2015/ TTLT-BGDĐT-BNV. [1]

Mặt khác nguyên tắc xét thăng hạng theo quy định hiện hành là: Việc cử giáo viên dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải căn cứ vào vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp, nhu cầu của các cơ sở giáo dục công lập và tình hình thực tế của địa phương. [2]

Ảnh chụp trang cuối công văn 909/SGDĐT-TCCBTC, ngày 13/7/2020 của Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Nông mà nhiều giáo viên nhận được qua email lãnh đạo nhà trường chuyển, ảnh do thầy cô cung cấp.

Ảnh chụp trang cuối công văn 909/SGDĐT-TCCBTC, ngày 13/7/2020

của Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Nông mà nhiều giáo viên nhận được qua email lãnh đạo nhà trường chuyển, ảnh do thầy cô cung cấp.

Như vậy địa phương có nhu cầu mới tổ chức học, thi, bồi dưỡng theo theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên; nếu địa phương không được giao thẩm quyền chẳng khác gì “đẻ” thêm một “giấy phép con”, khi địa phương có nhu cầu sẽ phải xin phép Bộ Giáo dục và Đào tạo?!

Vì vậy các địa phương có thẩm quyền, nhiệm vụ bồi dưỡng theo theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập là hợp lý.

Bộ Giáo dục và Đào tạo có kiểm soát chất lượng bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp?

Để trả lời câu hỏi trên, chúng tôi xin quay trở lại lịch sử quy định về chứng chỉ ngoại ngữ đối với giáo viên, nhất là từ khi yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ 6 bậc theo khung tham chiếu châu Âu ra đời.

Hiện nay có 14 cơ sở được phép tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc, các cơ sở này đều phải được Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép.

Bộ Giáo dục và Đào tạo có quản lý được chất lượng của các cơ sở giáo dục được Bộ giao nhiệm vụ tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc hay không?

Vấn đề chất lượng thật sự của những tấm chứng chỉ ngoại ngữ đã được báo chí phản ánh nhiều, ở đây xin nêu một vài thí dụ cụ thể:

“Học một buổi chiều em ạ. Họ bao đỗ. Hóa đơn họ đưa cho chị là một triệu rưỡi, nhưng chị phải nộp cho họ ba triệu. Chứng chỉ tin học một triệu ba nữa. Tổng là bốn triệu ba, gần 2 tháng lương của chị”, chị T. kể về hành trình “chinh phục” chứng chỉ ngoại ngữ, tin học để “chuẩn hóa” bộ hồ sơ cho kỳ thi viên chức tháng 11 của Hà Nội tới đây”. [3]

“Rất nhiều người sợ thi môn ngoại ngữ, vì trình độ ngoại ngữ hạn chế. Có người nộp hồ sơ thi bị gạt ra vì không có chứng chỉ ngoại ngữ.

Song mấy hôm sau có chứng chỉ ngoại ngữ lại được chấp nhận, và cơ quan chấp nhận một cách rất đơn giản. Rõ ràng có chuyện tiêu cực” [4].

Nhiều giáo viên có học vị thạc sĩ, có chỉ Anh văn đầu ra B1 theo khung tham chiếu châu Âu (nghe rất hoành tráng) nhưng đọc nửa trang giấy cũng không thủng – là một thực tế đáng báo động và đáng buồn hiện nay. [5]

Mặc dù đây không phải là tất cả, nhưng thực tế việc đào tạo và cấp chứng chỉ ngoại ngữ cho giáo viên đang đặt ra rất nhiều bất cập về chất lượng thực sự, vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo có công cụ nào để hậu kiểm chất lượng của các tấm chứng chỉ ngoại ngữ theo khung 6 bậc, cũng như chất lượng đào tạo thực sự của cơ sở đã được Bộ cấp phép?

Báo Kiểm toán ngày 03/06/2019 cho biết, mặc dù điều kiện tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định khá chặt chẽ, thế nhưng, thời gian qua, nhiều cơ sở đào tạo đại học vẫn tổ chức thi “chui” để cấp chứng chỉ hoặc “lập lờ đánh lận con đen” nhằm đối phó với cơ quan chức năng khi bị phát hiện.

Tờ Kiểm toán dẫn lời ông Nguyễn Huy Bằng - Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, sau khi báo chí phản ánh về những tiêu cực thi chứng chỉ ngoại ngữ ở một số trường đại học, trong đó có Trường đại học Kinh tế Quốc dân, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành kiểm tra trực tiếp tại các cơ sở được phản ánh có vi phạm.

Cũng theo tờ báo này, trên thực tế, hiện nay, không chỉ giáo viên tiếng Anh mà các cán bộ, công chức, viên chức một số ngành, địa phương được yêu cầu phải có chứng chỉ tiếng Anh theo khung 6 bậc châu Âu để tiếp tục giữ vị trí công tác, chuyển ngạch, nâng ngạch hoặc bổ nhiệm. Tương tự, để được miễn thi ngoại ngữ đầu vào và đầu ra, nhiều học viên các lớp cao học, nghiên cứu sinh cũng cần các chứng chỉ ngoại ngữ phù hợp...

Xuất phát từ những nhu cầu bằng cấp này, nhiều cơ sở đào tạo, các trung tâm đào tạo sẵn sàng tổ chức đào tạo, cấp chứng chỉ trái quy định để thu lợi. Thậm chí, tình trạng rao bán chứng chỉ cũng xuất hiện ngày càng phổ biến. [6]

Theo những gì Báo Kiểm toán tường thuật, dường như Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ có một kênh - chờ phản ánh của truyền thông, nếu có thì sẽ thanh tra, nhưng cũng không phải thanh tra hết.

Đấy là chưa kể không phải việc giáo viên đóng tiền để có chứng chỉ thật nhưng không học, ở địa phương nào cũng bị phanh phui, nhất là cách truyền công văn về việc tổ chức học chứng chỉ thăng hạng cho giáo viên theo ngành dọc qua email, không tiết lộ ra ngoài như hiện này.

Nay nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo muốn "ôm" nốt thẩm quyền bồi dưỡng theo theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập, Bộ có cam kết và công cụ gì để kiểm soát, đảm bảo chất lượng các chứng chỉ này?

Nếu chưa có mà vẫn muốn "ôm", dễ gây hiểu nhầm không đáng có về “lợi ích nhóm” trong việc đào tạo và cấp các chứng chỉ bồi dưỡng theo theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập vốn đang có nhu cầu rất lớn mà theo tính toán của một đồng nghiệp chúng tôi, "thị trường" này có thể lên tới 2,2 nghìn tỷ đồng.

Còn trong trường hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất và được Chính phủ, các tỉnh đồng ý giáo viên học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học không phải đóng tiền, thì sẽ không bao giờ có việc mua - bán.

Vì vậy, theo ý kiến của người viết, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên rút lại đề xuất “Không giao thẩm quyền cho các địa phương về việc giao nhiệm vụ bồi dưỡng theo theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập để đảm bảo Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm soát được chất lượng tổ chức bồi dưỡng của các cơ sở giáo dục được Bộ giao nhiệm vụ”.

Bộ Nội vụ nên thực hiện đề xuất “thay thế chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp bằng chứng chỉ/ chứng nhận bồi dưỡng thường xuyên đáp ứng yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp" là phù hợp thực tế.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/thoi-su-phap-luat-binh-luan-gop-y/28243/04-nhom-giao-vien-khong-can-co-chung-chi-boi-duong-theo-tieu-chuan-chuc-danh

[2]https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-28-2017-tt-bgddt-bo-giao-duc-va-dao-tao-156706-

d1.html

[3] https://thanhnien.vn/giao-duc/kho-nhu-chay-chung-chi-vien-chuc-1140461.html

[4] https://www.tienphong.vn/xa-hoi/pho-thu-tuong-yeu-cau-chan-chinh-viec-dao-tao-cap-van-bang-chung-chi-1479894.tpo

[5] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/giao-vien-va-cai-vong-luan-quan-vi-tri-viec-lam-bang-cap-chung-chi-post210366.gd

[6]http://baokiemtoannhanuoc.vn/bat-dong-san/chan-chinh-viec-dao-tao-cap-chung-chi-ngoai-ngu-trai-quy-dinh-141199

Sơn Quang Huyến