Đêm trước ngày thi tốt nghiệp, thí sinh cần làm gì để có kết quả tốt nhất?

04/08/2020 06:30
Tiến Quân
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Kỳ thi tốt nghiệp năm 2020 chuẩn bị diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid 19 hoành hành ở Việt Nam và toàn thế giới, tác động không nhỏ đến tâm lý các thí sinh.

Năm học 2019-2020 vừa kết thúc và để lại nhiều dấu ấn đặc biệt trong lịch sử giáo dục Việt Nam. “Kỳ nghỉ Tết” bất đắc dĩ kéo dài gần 3 tháng của học sinh các cấp do dịch Covid-19, kéo theo những thử thách trong việc thay đổi cách dạy và học (dạy học online – trực tuyến).

Thời điểm này, chỉ còn chưa đầy chục ngày nữa sẽ diễn ra kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường khiến hơn 900.000 sĩ tử trên cả nước đang trải qua những ngày căng thẳng, lo lắng hơn bao giờ hết.

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Công Thiện - Trưởng phòng Điều trị Tâm thần Trẻ em, Viện Sức khỏe tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Công Thiện - Trưởng phòng Điều trị Tâm thần Trẻ em, Viện Sức khỏe tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Lê Công Thiện - Trưởng phòng Điều trị Tâm thần Trẻ em, Viện Sức khỏe tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai, tâm lý của thí sinh ảnh hưởng khá nhiều đến kết quả thi cử. Ai sẵn sàng ứng phó, tự tin thì sẽ có được kết quả tốt nhất (cộng với việc học tập, ôn thi trong năm học).

“Năm nay không chỉ đơn thuần là áp lực thi cử như mọi năm, mà tình hình dịch bệnh thời gian qua cũng ảnh hưởng đến tâm lý của các thí sinh, gây lên một áp lực không nhỏ.

Tuy nhiên, chúng ta phải thích nghi với mọi tình huống, Bộ Giáo dục và đào tạo đã có sự thích nghi về mặt chủ trương với bối cảnh hoàn cảnh mới, vậy nên các thí sinh có thể hoàn toàn yên tâm về điều này.

Đây là khó khăn chung, "nước nổi bèo nổi", các em hãy coi đó là những sự kiện bình thường trong cuộc sống để đối mặt, thích nghi, thay vì cứ nhấn mạnh và chú ý đến nó”, bác sĩ Thiện phân tích và nhấn mạnh trong những thời điểm này, sự hỗ trợ của thầy cô và gia đình là vô cùng quan trọng, bên cạnh đó, các thí sinh cần giữ gìn sức khỏe thể chất, tâm lý ổn định.

Trước đó, học sinh lớp 12 đã phải nghỉ học 3 tháng để phòng dịch COVID-19, nên thời điểm này, hầu hết các trường phổ thông vẫn đang tranh thủ, tăng tốc ôn thi, tổng hợp kiến thức cho học sinh.

Đặc biệt, khi có những ca mắc Covid mới xuất hiện, nhiều trường đã chủ động chuyển sang hình thức ôn thi trực tuyến thay vì học trực tiếp trên lớp để bảo vệ sức khỏe cho học trò.

Tuy nhiên, do đã quen với phương thức học trực tiếp, nên nhiều em lo lắng đến độ ôn luyện quên ăn, quên ngủ, để bù đắp và củng cố kiến thức.

“Các bạn sẽ không thể có kết quả tốt nếu không có sức khỏe thể chất, tinh thần tốt. Giải pháp là chúng ta phải tiến hành đồng đều mọi việc.

Đầu tiên, phải ngủ đủ giấc so với nhu cầu của lứa tuổi.

Thứ hai, dinh dưỡng hợp lý và đủ chất.

Thứ ba, phải có sự sắp xếp, thời gian biểu hợp lý.

Thứ 4, phải hệ thống nội dung ôn tập bài bản. Kết quả thi cử không phản ánh hoàn toàn năng lực của mỗi người, nên cũng chuẩn bị tâm lý cho mọi tình huống”, Trưởng phòng Điều trị Tâm thần Trẻ em nhấn mạnh.

Ngoài ra, bác sĩ Lê Công Thiện đặc biệt lưu ý đến đêm trước ngày thi, bởi đây là thời điểm quan trọng nhất để ổn định tâm lý của các thí sinh.

“Tùy thuộc vào mỗi cá nhân, hãy áp dụng cách thức để giảm stress mà các em vẫn áp dụng trước đây, không nên tạo đột biến. Tuy nhiên cần lưu ý, phải ngủ sớm để tạo sự thoải mái, thư thái vào sáng hôm sau (theo lý thuyết là trước 23g đêm)”, chuyên gia lưu ý.

Chỉ còn ít ngày nữa, kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020 sẽ diễn ra. Các thí sinh có thể hoàn toàn yên tâm, bởi đến thời điểm này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra các kịch bản, phương án để đảm bảo an toàn cho thí sinh trong kỳ thi năm nay.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phân các đối tượng thí sinh theo 4 nhóm: F0; F1; F2 và các thí sinh khác (tương ứng với nhóm phải điều trị trong bệnh viện và không có điều kiện dự thi; phải cách ly tại các khu cách ly tập trung; tiếp xúc gần với F1; và các thí sinh bình thường khác) và có các phương án phù hợp với mỗi trường hợp.

Tiến Quân