Cô giáo trẻ và hành trình 10 năm “cõng chữ” lên non

31/08/2020 06:41
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Những con đường vào bản vất vả bao nhiêu thì con đường gồng gánh “cái chữ” của các thầy cô nhọc nhằn bấy nhiêu.

Chưa bao giờ nghĩ đến bỏ cuộc

Tôi tình cờ biết đến cô giáo Trần Thị Thu Trang qua bài viết được cô chia sẻ trên mạng xã hội. Đó là một đoạn clip ngắn “yêu lao động của học sinh vùng cao” bằng việc nhặt lá bàng đỏ rụng rơi quanh điểm trường Bó Mười B (xã Bó Mười, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La).

Trong đoạn video ngắn ấy, tôi không chú ý nhiều đến khung cảnh nghèo khó của điểm trường Bó Mười B, vì chuyện ấy chẳng còn lạ lẫm với những lớp học vùng cao. Thế nhưng, tiếng cười nói vui vẻ trong sự nghèo khó mới làm con người ta cảm phục, tò mò.

Tôi chủ động liên lạc với cô Thu Trang. Lần đầu trò chuyện, cô giáo còn có chút e ngại nhưng đã khiến tôi thấy cảm mến, thân thương. Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu từ lúc hai giờ sáng, đó là lúc mà cô giáo vẫn còn thức để xem những bài dạy mẫu trực tuyến chương trình giáo dục phổ thông mới, cùng với những trăn trở về điều kiện vật chất cho các em học sinh khi ngày khai giảng đang cận kề.

Cô Trang kể rằng, hành trình gắn bó với công tác "gieo chữ" miền núi của cô năm đã bước sang năm thứ mười. Xã Bó Mười, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La nơi cô Trang dạy học, thuộc vùng sâu xa nhất huyện lị và là nơi sinh sống tập trung của đồng bào dân tộc Thái. Học sinh Trường Tiểu học Bó Mười B đều là người dân tộc Thái có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Con đường lên bản càng khó khăn hơn khi mùa mưa tới, nhưng các thầy cô luôn hết lòng vì học sinh thân yêu. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Con đường lên bản càng khó khăn hơn khi mùa mưa tới, nhưng các thầy cô luôn hết lòng vì học sinh thân yêu. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Để chuẩn bị cho một năm học mới đối với học sinh vùng cao vốn dĩ đã vất vả, năm nay vì dịch bệnh nên càng khó khăn hơn.

Cứ tới đầu năm học, công việc quen thuộc khiến giáo viên vùng cao lo lắng nhiều nhất là vận động học sinh tới trường.

“Dù có những lớp học ngay tại bản, nhưng muốn học sinh đến lớp thì giáo viên vẫn phải đến nhà để thuyết phục bà con. Thế nên, dù là dạy tại điểm trường hay lớp trong bản thì công tác vận động đồng bào đi học là vất vả nhất”, cô Trang chia sẻ.

Thời gian vận động học sinh đi học nhiều nhất, bận rộn nhất là cách một tháng trước ngày tựu trường. Đây cũng là thời điểm thường có những cơn mưa lũ “ghé thăm” bản làng.

“Đường đi vào bản vất vả lắm, ngày nắng thì trơ sỏi đá, ngày mưa thì bùn quấn bánh xe không đi nổi. Trực tiếp đi vào bản mới thấy thương học sinh phải vượt qua những chặng đường ấy tới trường.

Mình đi vào bản vận động vài ba bận còn thấy cực, nghĩ đến cảnh đây là con đường các em đi học hàng ngày, không thể không xót xa”, cô Trang tâm sự.

Cô Trang (áo vàng) cùng bà con trong một buổi thiện nguyện. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cô Trang (áo vàng) cùng bà con trong một buổi thiện nguyện. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Những con đường vào bản vất vả bao nhiêu thì con đường gồng gánh “cái chữ” lên bản của các thầy cô nhọc nhằn bấy nhiêu.

Ấy thế mà hai từ bỏ cuộc chưa một lần xuất hiện trong suy nghĩ của cô Trang và những đồng nghiệp, tất cả đều quyết tâm bám bản.

Hoàn cảnh gia đình cũng không khá giá, bản thân cô Trang là mẹ đơn thân nuôi hai đứa con nhỏ. Thế nhưng khi cô tham gia công tác giáo dục miền núi lại được sự ủng hộ hết mình của gia đình, nhất là mẹ.

Không chỉ chăm lo chu toàn cho hai đứa cháu ngoại ở hậu phương để cô Trang yên tâm làm nhiệm vụ giảng dạy, bà Ngô Thị Châu (mẹ đẻ cô giáo Thu Trang) còn đồng lòng cùng con gái mình vượt qua những khó khăn trong hành trình ấy.

Cô Trang tâm sự: “Khi mình xin được một lượng quần áo cho học sinh và bà con dân bản, mẹ mình là người sẽ chọn lọc, giặt sạch sẽ, gấp gọn gàng để khi mang đến tay bà con phải thơm tho, tươm tất.

Thầy cô giáo bám bản ở đây hầu hết đều được gia đình ủng hộ. Chấp nhận và hỗ trợ con mình trải qua hành trình dài, khó khăn, vất vả để dạy chữ cho lũ trẻ.

Mình may mắn được mẹ và gia đình ủng hộ nên càng phải quyết tâm hoàn thành tốt công tác để không phụ công những người luôn ủng hộ mình. Bản thân mình chưa bao giờ nghĩ đến chuyện từ bỏ công việc ở đây, dù có gặp bất cứ khó khăn gì”.

Giáo viên vùng núi xa xôi thiếu thốn về mặt vật chất đủ đường, có những nỗi khổ không được gọi thành tên, điều khiến bản thân họ nung nấu quyết tâm bám bản dạy học duy nhất chỉ vì chữ “tình”.

Họ phải yêu lắm, thương lắm những đứa trẻ như người thân trong gia đình, như máu thịt của mình thì mới vượt qua bao khó khăn vất vả, để trở thành những con người nhỏ bé phi thường đến thế.

Vận động học sinh tới trường với tấm lòng của người mẹ

Xác định chỉ có tri thức mới thay đổi cuộc sống đồng bào nơi đây. Phải có những con người mang tri thức đổi mới thì những con đường đầy bùn mới được thay bằng con đường bằng phẳng, dễ đi, những lớp học nơi đây mới có ngày được khang trang, đồng bào nơi đây mới bớt khổ, trẻ em mới được ăn no, mặc ấm.

Chính vì thế, vận động các gia đình kiên trì cho con em đến lớp, đến trường đi học là một “cuộc cách mạng” mà các thầy cô luôn đóng vai trò quan trọng, quyết định sự thành bại.

Người dân đồng bào dân tộc thiểu số họ nghèo, kiến thức đơn giản nhưng tính tự ái lại rất cao.

Giáo viên không chi đơn giản gõ cửa từng nhà mà có thể vận động học sinh đi học được. Họ phải tìm hiểu phong tục, tập quán của đồng bào nơi họ làm công tác vận động.

Nhớ lại thời gian đầu đi vận động học sinh tới trường, do thiếu kinh nghiệm, chưa hiểu lối sống của dân tộc nơi học sinh ở, vận động không có sự hỗ trợ và đồng thuận của phụ huynh nên rất khó khăn.

Hơn chục năm kinh nghiệm “lăn bánh xe” vào bản, cô Trang tự tin “bây giờ mình đi đến đâu đồng bào cũng xem mình như con cái trong nhà.

Mỗi lần vào bản làng, mình cùng ăn, cùng ở với bà con. Để có được sự tin tưởng và yêu quý của học sinh, phụ huynh mình phải để họ thấy trước được sự chân thành”.

Lúc ăn ở, sinh hoạt cùng người dân có những chuyện các giáo viên mới vỡ nhẽ, không phải đồng bào dân tộc không muốn học chữ, không muốn tới trường. Vì nghèo đói nên các em phải theo cha mẹ lên nương, làm rẫy.

“Mình phải cam kết với phụ huynh cho con đi học, đảm bảo con không bị bỏ đói, con học được chữ, con biết đọc, biết viết. Mình xem các em học sinh như con đẻ thì không lý gì những đứa trẻ không tin tưởng mình như một người mẹ thứ hai”, cô Trang kể lại.

Bởi luôn tâm niệm như thế, dù những bánh xe của cô giáo có lấm lem bùn lầy đến bản làng xa, dù có phải xa con cái cả tuần trời mới được gặp một lần, dù có thức đêm để soạn giáo án năm học mới hay chỉ để chia sẻ những ngày khó khăn với một người xa lạ như tôi, thì “chỉ cần những điểm trường ở bản như Bó Mười luôn đủ sĩ số, đầy ắp tiếng cười đối với giáo viên như mình bõ công đánh đổi”, ánh mắt cô Trang ngập tràn hạnh phúc.

Những điểm trường bản như Bó Mười luôn đủ sĩ số, đầy ắp tiếng cười là điều hạnh phúc với những giáo viên như cô Trang. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Những điểm trường bản như Bó Mười luôn đủ sĩ số, đầy ắp tiếng cười là điều hạnh phúc với những giáo viên như cô Trang. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Chuyện của đứa trẻ không được đến trường

Câu chuyện trầm xuống khi tôi hỏi, sau bao nhiêu năm làm nghề, có câu chuyện nào khiến cô giáo nhớ nhất?

Đó là thời điểm cô gặp hoàn cảnh gia đình em Quàng Văn Sinh, đây là một gia đình có hoàn cảnh vô cùng đặc biệt, dường như mọi nỗi đau khổ đều dồn hết xuống nhà cậu bé.

Gia đình Sinh có 4 mẹ con nương tựa vào nhau vì bố Sinh mất sớm. Chị gái đầu của Sinh bị mù bẩm sinh. Mẹ thì bị bệnh đau ốm liên miên, một chân bà bị tật, đi lại vốn dĩ khó khăn. Mấy năm trước, mẹ Sinh phát hiện mình mắc căn bệnh ung thư tuyến giáp. Sức khỏe của bà ngày càng yếu đi, không biết rồi đây các con sẽ nương tựa vào ai.

Năm học 2017-2018, cô Thu Trang nhận chủ nhiệm lớp Sinh. Khi nhận lớp, lại là giáo viên mới, cô Trang nghe các bạn kể lại, Sinh không có bố. Đi học được mấy buổi đầu, những buổi sau cô không còn thấy Sinh đến lớp.

Đường từ nhà Sinh đến lớp rất xa và khó đi, năm đấy, khi bắt đầu tập trung học là vào mùa mưa, nhưng em chưa bao giờ đi học muộn, chưa bao giờ quên làm bài về nhà.

Gia đình em Quàng Văn Sinh bên ngôi nhà sập sệ. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Gia đình em Quàng Văn Sinh bên ngôi nhà sập sệ. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Thấy học sinh nghỉ học không lý do, cô Trang đã không ngại khó, vào tận nhà thăm hỏi gia đình em.

Cô Trang chia sẻ: “Mẹ Sinh muốn cho đi học, nhưng nghèo quá nên không có tiền mua sách, không mua được quần áo. Nhà mình cũng không khá hơn bao nhiêu, nhưng nhìn vào nơi ở xiêu vẹo của gia đình 4 con người lay lắt như thế, mình thật sự không đành lòng.

Mình xin quyên góp của tất cả các nhà hảo tâm thông qua mạng xã hội, xin sách, xin gạo, xin quần áo... Thoáng cái mà mình đã đồng hành cùng Sinh và gia đình em ấy được bốn năm rồi.

Năm nay, dù không phải là học sinh mình chủ nhiệm nữa, nhưng mình vẫn tiếp tục đồng hành cùng Sinh hoàn thành con đường học tập. Một đứa trẻ hiếu học, cần có kiến thức, bản thân là giáo viên mà không giúp đỡ được gì thì mình sẽ cảm thấy day dứt lắm”, cô Trang nhớ lại.

Căn nhà dột nát bốn bề, có thể sụp đổ lúc nào, đã từng được một nhóm thiện nguyện từ Hà Nội lên nhà Quàng Văn Sinh, hứa cùng Ủy ban nhân xã hỗ trợ xây dựng lại cho gia đình Sinh kiên cố hơn. Thế nhưng hai mùa mưa đi qua, thật buồn vì lời hứa ấy đến nay chưa được thực hiện, dù bao nhiêu người vẫn đang mong ngóng từng ngày.

Cuộc trò chuyện kéo dài đến nửa đêm, trời Hà Nội nơi tôi làm việc đổ mưa to, tôi hỏi cô giáo về tình hình thời tiết, cô chỉ cười hiền: “Trên này mưa nhiều vào mùa này nên em quen. Những cơn mưa liên tiếp mùa này khiến đường đi lúc nào cũng trong tình trạng ngập bùn. Sống trong cái khổ dần cũng quen, cố gắng tạo ra niềm vui để tiếp tục vượt qua”.

Những rẻo đường non xa vẫn còn in tiếp những bước chân các thầy cô bám bản, của những học sinh vượt khó đi tìm con chữ.

Cao Kim Anh