Từ xuất phát điểm 6 không, Đại học Tôn Đức Thắng đã bứt phá ngoạn mục

01/09/2020 06:47
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Từ 1997 đến 2007 sau 10 năm thành lập, Trường Đại học Tôn Đức Thắng vẫn không giành được sự chú ý của xã hội, của truyền thông... nhưng sau đó thì khác.

Trường Đại học Tôn Đức Thắng có tiền thân là Trường Đại học công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng do Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh sáng lập và được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập ngày 04/9/1997 theo Quyết định số 787/QĐ-TTg, hoạt động theo mô hình Trường dân lập, tự chủ tài chính, không có vốn góp của bất cứ cá nhân tổ chức nào.

Tính đến nay Trường Đại học Tôn Đức Thắng xấp xỉ 23 năm tuổi. 23 năm là thời gian quá ít đối với một đại học, bởi một đại học phát triển bền vững sẽ có tuổi đời hàng trăm năm hoặc hơn nữa.

Tại thời điểm thành lập, Trường Đại học Tôn Đức Thắng bắt đầu từ 6 “không”:

1. Không trụ sở - nhà đất (tất cả đều phải thuê);

2. Không tài chính (chỉ được hỗ trợ 500 triệu đồng ban đầu từ Liên đoàn lao động Thành phố Hồ Chí Minh cấp để triển khai các thủ tục thành lập);

3. Không nhân sự (bộ khung hành chính chỉ có 9 người và hầu như không có giảng viên);

4. Không chương trình, giáo trình, tài liệu (tất cả đều tham khảo/mượn của các trường đại học lớn);

5. Không phòng thí nghiệm và trang thiết bị;

6. Không tên tuổi.

Ngày 28/01/2002, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 18/2003/QĐ-TTg đổi tên và chuyển đổi pháp nhân Trường Đại học công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng thành Trường Đại học bán công Tôn Đức Thắng trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Ảnh minh họa: tdtu.edu.vn

Ảnh minh họa: tdtu.edu.vn

Vì có một xuất phát điểm thấp nên từ 1997 đến 2007 sau 10 năm thành lập, Trường Đại học Tôn Đức Thắng vẫn không giành được sự chú ý của xã hội, của truyền thông chứ chưa nói đến sự chú ý của giới khoa học và các đại học danh tiếng nước ngoài.

Nhưng chỉ từ năm 2007 đến nay, Trường đã trở thành biểu tượng cho đổi mới, cho sự hiện đại, chất lượng của giáo dục Việt Nam, là thực tiễn sinh động để Chính phủ ban hành Nghị quyết số 77/2014/NQ-CP về tự chủ giáo dục đại học.

Năm 2007 được xem là dấu mốc bắt đầu những chuyển biến quan trọng của Nhà trường khi Hội đồng Quản trị thông qua đề nghị của Hiệu trưởng ban hành Kế hoạch 30 năm (2007-2037) phát triển Đại học bán công Tôn Đức Thắng (tiền thân của Trường Đại học Tôn Đức Thắng ngày nay) thành đại học nghiên cứu nằm trong TOP 60 đại học tốt nhất Châu Á.

Sau khi chuyển đổi thành Trường đại học tư thục theo Luật Giáo dục sửa đổi 2005; nhờ sự kiên trì và quyết liệt kiến nghị của Nhà trường, năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 747/QĐ-TTg về việc đổi tên Trường Đại học bán công Tôn Đức Thắng thành Trường Đại học Tôn Đức Thắng, chuyển đổi loại hình trường thành đại học công lập (không nhận ngân sách nhà nước cấp) và chuyển đổi cơ quan chủ quản Trường từ trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Cùng trong năm 2008, Trường được Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quyết định giao khu đất hơn 10 ha tại Phường Tân Phong, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh và đến ngày 27/7/2008, Trường bắt đầu khởi công Dự án xây dựng Trụ sở chính tại Phường Tân Phong.

Sau khi ban hành kế hoạch 30 năm, Trường có kế hoạch cho từng giai đoạn 5 năm và tập trung xây dựng những nền tảng cơ bản cho sự phát triển bền vững trong dài hạn.

Nguyên tắc làm đúng ngay từ đầu”; học và làm đúng theo những đại học nổi tiếng nhất thế giới ngay từ đầu” được truyền thông rộng rãi cho từng giảng viên, viên chức và là một trong các nguyên tắc cơ bản để xây dựng chính sách phát triển và các kế hoạch hành động cho từng giai đoạn và từng kế hoạch.

Đặc biệt Trường đã xây dựng được Hệ thống giá trị cốt lõi cho Trường Đại học Tôn Đức Thắng:

Với sinh viên là Chương trình giáo dục 03 nội dung đạo đức: “Học tập đạt kết quả tốt để báo hiếu cho cha mẹ; Tôn trọng luật pháp, quy định của Nhà trường, Sống vì cộng đồng, không ích kỷ.”

Với giảng viên, viên chức là 03 nguyên tắc: “Không gì quan trọng hơn việc đảm bảo hiệu quả trong mọi hành động; Không gì đáng quý hơn sự công bằng trong mọi ứng xử; Không có gì đạo đức hơn tinh thần phụng sự đất nước”.

Thùy Linh