Phụ huynh bị lăng mạ vì từ chối đóng tiền "tự nguyện", Bộ Giáo dục nói gì?

02/10/2020 06:30
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo lãnh đạo Bộ, việc thu quỹ lớp tiền trăm nghìn hay tiền triệu có nghĩa là nhà trường ở nơi đó đã không thực hiện đúng Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT.

Trong những ngày qua, dư luận xôn xao bàn tàn câu chuyện một người mẹ bị thóa mạ trong nhóm trao đổi chung của lớp do từ chối đóng khoản tiền tự nguyện do hội phụ huynh đưa ra. Người mẹ này có con trai đang học lớp 10 tại Trường trung học phổ thông Trương Định, Hà Nội.

Theo đó, trong buổi họp đầu năm, hội phụ huynh của lớp đề nghị các phụ huynh đóng 1,5 triệu đồng tiền quỹ mỗi em. Tuy nhiên, một số phụ huynh đã phản đối vì cho rằng số tiền này quá cao. Vì thế, hội đã đi đến thống nhất sẽ thu tiền quỹ là 700.000 đồng.

Trong số các khoản được hội phụ huynh liệt kê, phụ huynh này cho rằng có những khoản không đúng với những tiêu chí dành cho học sinh của lớp như: Đại hội Đoàn, sinh hoạt dưới cờ,...

Phụ huynh này cũng đã xin giải trình nhưng không nhận được câu trả lời. Vì vậy, chị từ chối tham gia đóng góp vào quỹ này, mà chỉ đóng 237.000 đồng (bao gồm 100.000 tiền photo và 137.000 cho tiền sinh hoạt lớp). Hội phụ huynh cũng đã đồng ý trả lại cho chị 500.000.

Tuy nhiên, hôm sau khi đi học, con chị lại bị các bạn trêu chọc vì “chỉ đóng hơn 200.000 tiền quỹ”. Vị phụ huynh này đã phản ánh tới ban phụ huynh và yêu cầu nếu 137.000 không để làm gì thì sẽ lấy lại. Chị cũng từ chối các hoạt động tập thể dùng đến tiền quỹ không phải do nhà trường tổ chức.

Trước phản hồi này, phụ huynh nói trên đã bị xóa tên khỏi nhóm chung của lớp, đồng thời bị nhiều phụ huynh khác lăng mạ: “Hãy giữ cho con mình chút sĩ diện còn lại, đừng cướp mất tuổi thơ của chúng nó vì sự ngông cuồng của mình”, “Thật ghê tởm cho con người đó”,…

Câu chuyện này được phóng viên đặt ra tại cuộc họp báo thường kỳ quý 3 của Bộ Giáo dục và Đào tạo với băn khoăn “có nên tiếp tục cần phải có Ban đại diện cha mẹ học sinh?” thì Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học – ông Nguyễn Xuân Thành cho biết, Luật Giáo dục 2019 quy định phải có Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học – ông Nguyễn Xuân Thành (ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học – ông Nguyễn Xuân Thành (ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Theo ông Thành, chúng ta phải thực hiện nguyên lý giáo dục là, kết hợp giữa nhà trường – gia đình – xã hội. Cha mẹ phải có trách nhiệm phối hợp với nhà trường để giáo dục con cái.

Ban đại diện cha mẹ học sinh sẽ hoạt động theo hướng dẫn của Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT. Về kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh sẽ áp dụng theo Điều 10 của Thông tư này; trong đó có quy định, Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học:

Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện.

Các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Việc thu quỹ lớp tiền trăm nghìn hay tiền triệu có nghĩa là nhà trường ở nơi đó đã không thực hiện đúng Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT.

Thùy Linh