Ra mắt Câu lạc bộ Khối Đào tạo và Nghiên cứu khoa học Ngân hàng

15/10/2020 06:20
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sự liên kết giữa trường đại học với doanh nghiệp trong đào tạo và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng sẽ tạo nên một thể thống nhất.

Ngày 14/10, Học viện Ngân hàng tổ chức buổi lễ ra mắt Câu lạc bộ Khối Đào tạo và Nghiên cứu khoa học Ngân hàng và Hội thảo Khoa học Quốc gia với chủ đề: “Kết nối nhà trường với doanh nghiệp trong đào tạo và nghiên cứu khoa học ngành ngân hàng”.

Tham dự Hội thảo có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam; Tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng – nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; đại diện của hơn 40 trường đại học, cơ sở đào tạo và hơn 20 tổ chức trong lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng.

Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Phạm Minh)

Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Phạm Minh)

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ khẳng định: “Lĩnh vực ngân hàng là một lĩnh vực có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Tôi tin rằng, các đơn vị, tổ chức trong Câu lạc bộ sẽ hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong đào tạo, nghiên cứu, nâng cao trình độ cũng như tổ chức các hoạt động giao lưu về văn hóa, thể dục, thể thao.

Đặc biệt, buổi hội thảo ngày hôm nay, chúng tôi sẽ ghi nhận những ý kiến đóng quý báu của các trường, các tổ chức. Nếu có vấn đề khó khăn, vướng mắc, Hiệp hội sẽ có kiến nghị lên cấp trên để cùng hỗ trợ và giải quyết”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Minh Phúc – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Ngân hàng, Chủ nhiệm lâm thời Câu lạc bộ Khối đào tạo và nghiên cứu khoa học Ngân hàng chia sẻ: “Câu lạc bộ Khối đào tạo và Nghiên cứu khoa học Ngân hàng được Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam thành lập.

Đây là một sáng kiến hết sức quan trọng hướng tới các mục tiêu: Thúc đẩy các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực ngân hàng của các đơn vị thành viên; Thúc đẩy quan hệ hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực ngân hàng với các đơn vị thành viên của Câu lạc bộ với các tổ chức giáo dục trong nước và quốc tế; Phát triển năng lực của các thành viên thông qua hoạt động hợp tác trong và ngoài Câu lạc bộ; Phát triển xã hội học tập và học tập suốt đời”.

Đặc biệt, hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp, bàn luận của các chuyên gia, nhà khoa học về lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng xoay quanh ba nội dung quan trọng sau.

Nội dung thứ nhất là tăng cường liên kết giữa các cơ sở đào tạo ngành Ngân hàng với Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng trong đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học – công nghệ.

Các thành viên trong Câu lạc bộ Khối Đào tạo và Nghiên cứu khoa học ngân hàng trong buổi lễ ra mắt. Ảnh: Phạm Minh.

Các thành viên trong Câu lạc bộ Khối Đào tạo và Nghiên cứu khoa học ngân hàng trong buổi lễ ra mắt. Ảnh: Phạm Minh.

Ông Dương Hải Chi, Đại diện Vụ Tổ chức cán bộ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nêu ra 4 hình thức liên kết phổ biến giữa các cơ sở đào tạo và ngân hàng, bao gồm: Đào tạo văn bằng dài hạn; Bồi dưỡng (đào tạo ngắn hạn); Nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ và Hỗ trợ hợp tác tài chính, cơ sở vật chất.

Với 4 hình thức trên, quá trình liên kết giữa cơ sở đào tạo với Ngân hàng Nhà nước, Tổ chức Tín dụng đã mang lại lợi ích thiết thực cho các chủ thể liên quan và xã hội.

Tuy nhiên, với những hạn chế còn tồn tại, các bên cần hướng tới những biện pháp tăng cường liên kết: Đẩy mạnh phát triển các nghiên cứu có phạm vi bao quát toàn ngành, có chiều sâu; Nghiên cứu, xây dựng cơ chế thường xuyên nhằm thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa cơ sở đào tạo và ngân hàng.

Bên cạnh đó, cần tăng cường sự tham gia của các Ngân hàng trong hoạt động quản trị tại cơ sở đào tạo, đồng thời chủ động tìm kiếm, phát triển các liên kết, hợp tác đã có, cơ hội liên kết, hợp tác trong lĩnh vực mới.

Nội dung thứ 2 liên quan đến mô hình liên kết giữa trường đại học – doanh nghiệp trong đào tạo và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng.

Dưới góc nhìn của một ngân hàng thương mại lớn, ông Đỗ Anh Tuấn - Trung tâm Học tập và Sáng tạo, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội khẳng định: “Bối cảnh chuyển đổi số tác động rất lớn đến sự hợp tác giữa trường đại học - Doanh nghiệp trong lĩnh vực Tài chính ngân hàng”.

Theo ông Tuấn, thực trạng liên kết của trường đại học – ngân hàng hiện nay còn ở mức sơ khai và chưa phát triển mạnh mẽ.

Chuyên gia lĩnh vực tài chính ngân hàng trình bày tham luận tại hội thảo. (Ảnh: Phạm Minh)

Chuyên gia lĩnh vực tài chính ngân hàng trình bày tham luận tại hội thảo. (Ảnh: Phạm Minh)

Ông Đỗ Anh Tuấn nhấn mạnh: “Về công tác đào tạo, các trường đại học cần cập nhật những thay đổi nhanh chóng đang diễn ra trong lĩnh vực ngân hàng dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0. Sinh viên tốt nghiệp cũng cần có những hình dung rõ ràng hơn về vị trí tuyển dụng tại ngân hàng”.

Ông Tuấn cũng khẳng định, nhu cầu của ngân hàng hiện nay về cải tiến quy trình hoạt động, nâng cao chất lượng cung cấp sản phẩm dịch vụ, hiệu quả quản trị,… chính là cơ hội cho những hoạt động nghiên cứu khoa học.

Về mô hình liên kết giữa trường đại học – doanh nghiệp, ông Đỗ Anh Tuấn nêu ra 2 giải pháp chính là xây dựng lộ trình gắn kết quá trình học tập – cơ hội nghề nghiệp và dự án nghiên cứu phải hướng tới giải quyết các vấn đề liên quan đến nâng cao năng lực cạnh tranh, hoạt động hiệu quả của ngân hàng.

Nội dung thứ ba là xây dựng quan hệ hợp tác nhà trường - doanh nghiệp nhằm tăng cường cơ hội trải nghiệm thực tế, tuyển dụng cho sinh viên Học viện Ngân hàng.

Về nội dung này, Tiến sĩ Phạm Thu Thủy - Phó Trưởng khoa Ngân hàng, Học viện Ngân hàng đã chia sẻ về những hoạt động hợp tác với doanh nghiệp mà nhà trường đã triển khai thực hiện trong quá trình đào tạo sinh viên.

Theo đó, Học viện Ngân hàng luôn chú trọng hoạt động hợp tác giúp sinh viên có cơ hội trải nghiệm thực tế, tuyển dụng như: Mời chuyên gia chia sẻ thực tế cho sinh viên; tổ chức tham quan thực tế (bank tour); tổ chức chương trình kiến tập theo nội dung từng môn học; các chương trình học bổng kèm cơ hội tuyển dụng cho sinh viên học tốt; các cuộc thi học thuật có sự tài trợ/bảo trợ của ngân hàng kèm cơ hội tuyển dụng cho thí sinh xuất sắc; thực tập bắt buộc vào cuối khóa.

Tiến sĩ Thủy khẳng định nhu cầu trải nghiệm thực tế của sinh viên hiện nay rất lớn và đề xuất những giải pháp tăng cường cơ hội tham quan thực tế, kiến tập, thực tập cho sinh viên.

Trao đổi tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam khẳng định: “Thực tiễn cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã đặt ra nhiều vấn đề mới, nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Sự liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp là vô cùng quan trọng, nó tạo nên một thể thống nhất, một hệ sinh thái phát triển vững mạnh và mang đến chuỗi giá trị từ đầu đến cuối cho các bên”.

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng, thời đại 4.0, công nghệ phát triển đòi hỏi những người làm việc trong ngành tài chính ngân hàng phải luôn thay đổi, phối hợp với nhau bởi vì sự liên kết bao giờ cũng tạo ra sức mạnh.

Phạm Minh