Bộ Nội vụ nói gì về việc trả lương ở Trường Đại học Tôn Đức Thắng?

30/10/2020 20:40
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dư luận đang đặc biệt quan tâm đến thu nhập và cơ chế trả lương tại trường Đại học Tôn Đức Thắng, đại diện Bộ Nội vụ đã có ý kiến trong buổi họp báo Chính phủ.

Có thông tin nêu Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng - ông Lê Vinh Danh nhận lương lên đến 556 triệu đồng.

Tuy nhiên, một thành viên tham gia vào công việc tính lương lâu năm tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng cho biết, số 556 triệu đồng thu nhập của Hiệu trưởng Lê Vinh Danh không phải thu nhập theo tháng, mà là cộng gộp.

Cụ thể, trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn ra, Trường Đại học Tôn Đức Thắng cũng gặp khó khăn trong tài chính. Để chia sẻ khó khăn này, nhiều giảng viên, viên chức đã tự nguyện nhận lương ít hơn trong các tháng 3 và 4/2020, phần còn lại cho phép Nhà trường chậm trả.

Trong đó có Hiệu trưởng Lê Vinh Danh tự nguyện chậm trả 60% thu nhập/tháng, Chủ tịch Công đoàn trường tự nguyện chậm trả 100%.

Khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát ổn định, tình hình tài chính của Nhà trường dần quay về bình thường, Nhà trường thực hiện việc hoàn trả lại khoản thu nhập đó cho giảng viên, viên chức.

Do số tiền mà giảng viên, viên chức tự nguyện cho Trường Đại học Tôn Đức Thắng chậm trả khá lớn, nên không thể thanh toán một lần, mà tiến hành trả chia nhỏ ra trong ba tháng 6, 7 và 8/2020.

Như vậy, trong 3 tháng này, ngoài tổng thu nhập bình thường/tháng của giảng viên, viên chức, họ còn được nhận lại một phần thu nhập của tháng 3 và 4/2020. Mọi người đều có bảng thu nhập cao hơn các tháng khác.

Hàng tháng Trường Đại học Tôn Đức Thắng thanh toán thu nhập cho thầy Danh là 407 triệu đồng/tháng, sau khi trừ thuế và các khoản phải nộp khác theo quy định thì thực nhận của thầy Danh còn khoảng 290 triệu đồng/tháng.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng trả lời câu hỏi về trường Đại học Tôn Đức Thắng. Ảnh: LC

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng trả lời câu hỏi về trường Đại học Tôn Đức Thắng. Ảnh: LC

Trả lời tại buổi họp báo chính phủ thường kỳ tháng 10, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng đã cho biết:

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung và các trường đại học nói riêng, thực hiện cơ chế tự chủ tài chính theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ, tự chủ về tổ chức bộ máy thì theo Nghị định 120/2020/NĐ-CP vừa ký tháng 10 vừa rồi, còn tự chủ về nhân sự thì thực hiện theo Nghị định 106/2020/NĐ-CP của Chính phủ cũng vừa mới ký.

Theo quy định như trên, đối với các đơn vị như Đại học Tôn Đức Thắng, nếu tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư thì đã có Nghị định 16 quy định rất chi tiết nguồn thu như thế nào. Còn Nghị định 15 hướng dẫn cụ thể nguồn chi như thế nào.

Theo tinh thần của Nghị quyết 27 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII vừa rồi về cải cách tiền lương thì những đơn vị sự nghiệp tự chủ, chi thường xuyên, chi đầu tư thì áp dụng cơ chế quản trị và trả lương như doanh nghiệp trên cơ sở quy định của pháp luật và quy chế chi tiêu nội bộ, các quy định về thu chi trong Nghị định 16/2015/NĐ-CP đã quy định rất rõ.

Còn mức cụ thể chi hợp lý hay không thì Bộ Nội vụ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ xem xét kỹ con số cụ thể, có phù hợp quy định theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP và hướng dẫn của Bộ Tài chính hay không.

Ngày 23/10, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ ký quyết định thành lập đoàn công tác liên ngành rà soát, xem xét và hướng dẫn việc thực hiện các quy định về thành lập Hội đồng trường và kiện toàn các vị trí lãnh đạo, quản lý của Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Trần Phương