Giảng viên đại học than phiền sách giáo khoa Công nghệ 8 nhiều lỗi sai cơ bản

20/11/2020 06:39
Phạm Đình Quang - Võ Tiến Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thầy Phạm Đình Quang và thầy Võ Tiến Dũng (giảng viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh) phát hiện ra một số lỗi sai trong sách Công nghệ 8 - Công nghiệp.

LTS: Trong quá trình giảng dạy môn hình học họa hình và vẽ kỹ thuật cho sinh viên năm nhất, thầy Phạm Đình Quang và thầy Võ Tiến Dũng (giảng viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh) phát hiện ra sinh viên có những kiến thức sai lệch về môn này.

Qua tìm hiểu, các thầy cho rằng đây là lỗi hệ thống do sách Công nghệ 8 - Công nghiệp của nhóm tác giả Nguyễn Minh Đường, Đặng Văn Đào, Trần Hữu Quế, Trần Mai Thu và Nguyễn Văn Vận gây nên.

Vì vậy, để rộng đường dư luận, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết này để các nhà khoa học, các bên liên quan cùng tham gia trao đổi làm sáng rõ vấn đề. Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, tiêu đề do Tòa soạn đặt lại.

Khi dạy môn Hình học họa hình và vẽ kỹ thuật cho sinh viên kỹ thuật, tôi rất phiền lòng khi sinh viên mắc những lỗi sai cơ bản. Chỉ một vài bạn sai thì có thể cho là trường hợp cá biệt, thế nhưng gần cả lớp sai thì không còn cá biệt nữa.

Khi hỏi các em sao lại sai như vậy, các em trả lời là do chúng em được dạy như thế ở phổ thông.

Khi tôi hỏi thầy, cô nào dạy như vậy, sách nào viết như thế, các em đưa cho tôi sách Công nghệ lớp 8 - Công nghiệp.

Chúng tôi tá hỏa vì sách giáo khoa nhưng có quá nhiều lỗi sai sót cơ bản, nhất là trong phần Vẽ kỹ thuật.

Điều đó thật khó chấp nhận vì lỗi sai này sẽ được truyền dạy cho hàng triệu học sinh qua nhiều thế hệ.

Hơn nữa, lỗi này rất khó sửa vì học sinh, giáo viên phổ thông mặc định xem điều này là đúng.

Khi lên đại học được dạy khác đi chúng lại cho rằng các thầy dạy học dạy “sai”. Do đó chúng tôi chỉ ra các sai sót của sách để mong Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan chức năng cần khẩn trương xem xét, sửa đổi.

1. Sai kiến thức cơ bản

Trong bài 2 về hình chiếu, trong khái niệm mở đầu tác giả đã nhầm lẫn cơ bản khi đồng nhất “mặt phẳng chiếu” và “mặt phẳng hình chiếu” là một.

Hình 1. Bài 2, trang 8 sách Công nghệ 8- Công nghiệp, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Hình 1. Bài 2, trang 8 sách Công nghệ 8- Công nghiệp, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Thực ra mặt phẳng chiếu và mặt phẳng hình chiếu là hai khái niệm khác nhau, theo định nghĩa thì mặt phẳng chiếu là mặt phẳng vuông góc với mặt phẳng hình chiếu [trang 39- Hình học họa hình tập 1- nhà xuất bản giáo dục; Trang 23-Bài giảng hình học họa hình- Bộ môn Hình họa-Vẽ kỹ thuật của Đại học Bách khoa Hà Nội ; Trang 37-Vẽ kỹ thuật cơ khí tập 1- Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam 2005], các hình chiếu cơ bản của vật thể đều được biểu diễn trên các mặt phẳng hình chiếu chứ không phải trên các mặt phẳng chiếu, điều này dẫn đến sai lệch các nội dung tiếp theo.

Khi xét về mặt, người ta lưu ý đến 6 mặt phẳng đặc biệt, được chia thành 2 nhóm, đó là.

1. Mặt phẳng đồng mức (là mặt các phẳng song song với các mặt phẳng hình chiếu).

2. Mặt phẳng chiếu (là các mặt phẳng vuông góc với các mặt phẳng hình chiếu). Như vậy ta có 3 loại mặt phẳng chiếu:

Mặt phẳng vuông góc với mặt phẳng hình chiếu đứng gọi là mặt phẳng chiếu đứng.

Mặt phẳng vuông góc với mặt phẳng hình chiếu bằng gọi là mặt phẳng chiếu bằng.

Mặt phẳng vuông góc với mặt phẳng hình chiếu cạnh gọi là mặt phẳng chiếu cạnh.

Hình 2. Bài 2, trang 9 sách Công nghệ 8 - Công nghiệp, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Hình 2. Bài 2, trang 9 sách Công nghệ 8 - Công nghiệp, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Hình 3. Bài 2, trang 10 sách Công nghệ 8 - Công nghiệp, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Hình 3. Bài 2, trang 10 sách Công nghệ 8 - Công nghiệp, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

2. Bản vẽ không đúng quy chuẩn kỹ thuật

Rải rác trong sách còn có một số bản vẽ sai về đường nét. Chẳng hạn trong hình 11.5 trang 36, hình 14.1 trang 45, hình 24.3 trang 84, hình 27.3 trang 84.

Hình 4. Bài 11, trang 36 sách Công nghệ 8 - Công nghiệp, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Hình 4. Bài 11, trang 36 sách Công nghệ 8 - Công nghiệp, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Hình 5. Bài 14, trang 45 sách Công nghệ 8- Công nghiệp, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Hình 5. Bài 14, trang 45 sách Công nghệ 8- Công nghiệp, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Hình 6. Bài 24, trang 84 sách Công nghệ 8 - Công nghiệp, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Hình 6. Bài 24, trang 84 sách Công nghệ 8 - Công nghiệp, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Hình 7. Bài 27, trang 94 sách Công nghệ 8 - Công nghiệp, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Hình 7. Bài 27, trang 94 sách Công nghệ 8 - Công nghiệp, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Nếu có thời gian đọc kỹ chắc các sai lệch sẽ rất nhiều.

3. Không cập nhật kiến thức

Kiến thức tác giả viết là kiến thức theo tiêu chuẩn của Liên xô (cũ) từ những năm 50 của thế kỷ XX. Ngày nay, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu tiêu chuẩn kỹ thuật và tên gọi đã có nhiều thay đổi đã hơn 20 năm nay.

Các hình biểu diễn cơ bản đã thay đổi tên gọi tương ứng là: Hình chiếu từ trước (Front), hình chiếu từ trên (top), hình chiếu từ trái (Left) mà ta quen gọi là hình chiếu đứng, hình chiếu bằng, hình chiếu cạnh hoặc chúng còn được gọi là hình chiếu A, hình chiếu B, hình chiếu C.

Do đó khi viết sách các tác giả nên tham khảo thêm các giáo trình chuẩn của các trường Đại học kỹ thuật, đặc biệt là về Hình học họa hình và vẽ kỹ thuật.

Kiến nghị

16 năm trôi qua, sách đã tái bản lần thứ 16 và 17 thế hệ học sinh đã được học một khái niệm mở đầu sai lệch. Điều kỳ lạ là không có một phản ứng nào từ đội ngũ giáo viên bộ môn.

Tôi có hỏi các học trò của tôi nay đã là giáo viên các trường phổ thông, các bạn trả lời thành thật: “Bọn em cũng thấy không đúng với kiến thức đã học nhưng trong trường phổ thông đây chỉ là môn học phụ, không mấy ai quan tâm, có nói thêm nữa thì bị đe “sách giáo khoa do các giáo sư, tiến sĩ soạn ra, sao mà sai được (?)”, phản ánh nữa có khi cả giáo viên lẫn hiệu trưởng bị kỷ luật như vụ [5]”.

Lâu nay, sách giáo khoa được coi là chuẩn mực kiến thức cho giáo viên phổ thông, cho nên không thể để biên soạn sách một cách tùy tiện, thiếu chuẩn xác được.

Mong Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan chức năng cần khẩn trương xem xét, sửa đổi càng sớm càng tốt, không để cái sai gần hai thập kỷ tồn tại mãi như vậy.

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Đình Điện, Đỗ Mạnh Môn. Hình học họa hình tập 1- Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam - 2015.

2. Bài giảng Hình học họa hình- Bộ môn Hình họa-Vẽ kỹ thuật của Đại học Bách khoa Hà Nội

3. Trần Hữu Quế. Vẽ kỹ thuật cơ khí tập 1- Giáo dục Việt Nam - 2005.

4. Colin H Simmons. Manual of Engineering Drawing, Second edition, Linacre House, Jordan Hill, Oxford OX2 8DP- 2004, ISBN 0 7506 5120 2

5. https://vnexpress.net/co-giao-phe-phan-thay-sach-giao-khoa-bi-ky-luat-4058099.html

Phụ lục

Các hình biểu diễn được thể hiện trên các mặt phẳng hình chiếu cơ bản (trong giáo trình Vẽ kỹ thuật cơ khí dùng làm tài liệu giảng dạy trong các trường Đại học kỹ thuật [3])

Các “Mặt phẳng chiếu” vuông góc với các “Mặt phẳng hình chiếu” (Bài giảng hình học họa hình- Bộ môn Hình họa-Vẽ kỹ thuật của Đại học Bách khoa Hà Nội [2]).

Các “Mặt phẳng chiếu” vuông góc với các “Mặt phẳng hình chiếu” (Hình học họa hình tập 1- Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam [1]).

Phạm Đình Quang - Võ Tiến Dũng