Học sinh hỏi Giáo sư Dũng, làm gì để không thất nghiệp trong thời đại 4.0

01/12/2020 06:06
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo sư đã được gặp bao nhiêu con robot trên thế giới và để không bị chúng thay thế sức lao động của mình thì chúng em cần làm những gì?

Ngày 30/11/2020, các em học sinh Trường trung học phổ thông Chuyên Bắc Ninh (Thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) đã có mặt từ rất sớm để chào đón sự xuất hiện của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng trong tiết trời giá rét những ngày đầu đông.

Trong hơn 2 tiếng đồng hồ, buổi hội thảo "Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng 4.0" do Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức với diễn giả chính là Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng là diễn giả chính của buổi hội thảo.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng là diễn giả chính của buổi hội thảo.

Nhiều bài học, triết lý sống, câu chuyện khởi nghiệp thú vị đã được Giáo sư lồng ghép qua những câu chuyện dung dị và gần gũi. Giáo sư đã cung cấp những kiến thức cơ bản để giúp các em học sinh có thể hiểu được bản chất của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong thời đại hiện nay.

Tham dự buổi hội thảo, em Vũ Thục Khuê, lớp 10 Anh 1 gửi Giáo sư Nguyễn Lân Dũng một câu hỏi khá thiết thực: “Thưa thầy, chúng em mới bước vào ngưỡng cửa của bậc học Trung học phổ thông, hiện đang còn rất mơ hồ về định hướng cho tương lai, trong khi đó bên ngoài xã hội lại đang biến đổi khôn lường.

Vậy để không bị tụt lại trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 thì chúng em nên theo đuổi đam mê của bản thân hay đi theo một con đường an toàn hơn, ít mạo hiểm hơn, chính là con đường đã được gia đình vạch sẵn”.

Câu hỏi của Vũ Thục Khuê cũng là thắc mắc của rất nhiều bạn khác trong buổi hội thảo nên vừa dứt câu hỏi cả hội trường ồ lên, phá tan cái tĩnh lặng trước đó.

Để trả lời câu hỏi này, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng lấy ví dụ từ chính gia đình của mình, Giáo sư kể: “Gia đình tôi có 2 người con đó là Nguyễn Lân Hiếu và Nguyễn Kim Nữ Thảo. Hiện tại cả hai anh chị đều là những người có địa vị trong xã hội.

Là bậc làm cha mẹ, tôi và gia đình không bao giờ ép buộc các con phải đi theo con đường mà mình đã vạch sẵn hay yêu cầu các con phải trở thành ông nọ, bà kia. Mọi thành công đến giờ mà Hiếu và Thảo đạt được đều xuất phát từ ý chí và nỗ lực của chính các anh chị ấy. Gia đình cũng để cho Hiếu và Thảo tự quyết định con đường mình sẽ đi và trở thành người như thế nào.

Và chính các em học sinh ngồi đây các em cũng phải là người làm chủ cuộc đời của mình bởi không ai làm chủ cuộc đời của các em tốt hơn chính các em. Hãy nghe theo tiếng nói của bản thân, đi theo con đường mà các em yêu thích. Nếu nỗ lực và kiên trì thành công sẽ đến với các em”.

Đông đảo các em học sinh có mặt tại buổi hội thảo.

Đông đảo các em học sinh có mặt tại buổi hội thảo.

Em Nguyễn Bạch Hải Đăng, lớp 11 Hóa lại thể hiện rõ hơn sự quan tâm của bản thân đến các thành tựu của thời 4.0, cụ thể là robot và định hướng cho tương lại. Bạn hóm hỉnh hỏi: “Giáo sư đã được gặp bao nhiêu con robot trên thế giới và để không bị chúng thay thế sức lao động của mình thì chúng em cần làm những gì? Bởi em thấy nhiều anh chị quê em đi xin làm công nhân trong các công ty, nhưng nhiều anh chị không được tuyển dụng vì đã quá 30 tuổi”.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng không khỏi ngạc nhiên vì một học sinh trường Chuyên lại có con mắt quan sát và nhìn nhận cuộc sống sớm như thế. Về việc này, Giáo sư Dũng chia sẻ: “Cuộc đời tôi đã đi được trên 30 nước trên thế giới, và cũng gặp rất nhiều các loại robot khác nhau.

Tuy nhiên, ấn tượng để lại có thể nói đến các robot ở sân bay có thể tư vấn chỗ ăn nghỉ, cửa ra máy bay hay là có thể pha cà phê theo khẩu vị của khách. Hay cũng có những robot giá rẻ, chúng có thể trở thành một trợ lý đắc lực cho công việc hàng ngày. Hay cao hơn nữa là robot Sofia được cấp quyền công dân đầu tiên trên thế giới”.

Giáo sư cũng cho rằng, thời đại 4.0 nó vừa là thách thức cũng vừa là cơ hội đối với đất nước Việt Nam nói chung và thế hệ trẻ nói riêng. Để tìm kiếm cơ hội trong thời đại này thì bản thân các em phải nỗ lực không ngừng. Công thức của một người thành công bao gồm 1% tài năng, 14% bằng cấp và 85% là thái độ.

Trong thời đại robot hóa đang thay dần sức con người, muốn có việc làm thì chỉ còn cách không ngừng trau dồi kiến thức, làm chủ thiết bị và các em phải trở thành những công dân toàn cầu. Và trở thành những công dân toàn cầu các em phải làm tốt 3 việc đó là; phải có sức khỏe, ngoại ngữ phải giỏi và phải có ý chí.

Các em học sinh đặt câu hỏi với Giáo sư.

Các em học sinh đặt câu hỏi với Giáo sư.

Bởi thực tế, trong thời đại cách mạng 4.0 nếu bản thân mỗi người không tự cố gắng, xã hội sẽ đào thải họ. Nếu như các bạn học sinh không cố gắng ngay từ bây giờ thì rất dễ trở thành nạn nhân của tình trạng thất nghiệp trong tương lai không xa.

“Một trong những lời khuyên quan trọng nhất của tôi đối với các bạn đó là phải lạc quan, đừng sợ hãi, đừng sợ sai. Hãy tìm kiếm thành công trong những nghịch cảnh, hãy cứ làm đi, làm sai rút kinh nghiệm và sửa sai đó mới là bản lĩnh của một người trẻ trong thời đại 4.0” – Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ thêm.

Còn em Đàm Phương Anh, lớp 12 Văn thì khá táo bạo khi tranh luận với Giáo sư xung quanh chủ đề: “Học để làm gì?”. Điều này đã khơi gợi tinh thần tranh luận sôi nổi của các bạn học sinh. Nhiều câu trả lời được gửi về hội thảo như: Học để có một công việc tốt, học để báo hiếu thầy cô, cha mẹ…

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng kết luận bằng một câu - Học để trở thành người tự do, Ông chia sẻ: “Tôi năm nay đã 83 tuổi nhưng ngày nào tôi cũng học, học không ngừng nghỉ. Chỉ có học mình mới làm chủ được cuộc đời của mình. Khi bạn có tri thức bạn sẽ không phải lo lắng mình có làm được không? Mình có làm đúng hay không? Vì thế lời khuyên của tôi dành cho các em là hãy học tập không ngừng nghỉ, tích cực trau dồi vốn sống, cải thiện ngoại ngữ của bản thân. Hãy làm chủ cuộc đời của mình”.

Thầy Nguyễn Nho Hòa, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Chuyên Bắc Ninh gửi lời cảm ơn đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam và Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.

Thầy Nguyễn Nho Hòa, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Chuyên Bắc Ninh gửi lời cảm ơn đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam và Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.

Kết thúc buổi hội thảo, thầy Nguyễn Nho Hòa, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Chuyên Bắc Ninh đã bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc tới Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã tổ chức một buổi hội thảo đầy ý nghĩa.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chụp ảnh lưu niệm cùng giáo viên nhà trường.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chụp ảnh lưu niệm cùng giáo viên nhà trường.

Được biết, năm học 2019 – 2020 là dấu mốc trường Trung học phổ thông Chuyên Bắc Ninh gặt hái được thành quả sau 4 năm chuyển về cơ sở mới.

Trong kết quả bồi dưỡng học sinh giỏi Quốc gia, trường đạt 64 giải trong đó có 8 giải Nhất, 20 giải Nhì và 21 giải Ba. Tỷ lệ học sinh dự thi đạt giải 88,9%, cao nhất từ trước tới nay.

Xuất phát từ ngôi trường chỉ có 3 lớp với 12 cán bộ quản lý và giáo viên thì đến nay nhà trường đã có quy mô 36 lớp, 1161 học sinh, 5 cán bộ quản lý, 109 giáo viên trong đó 2 Tiến sỹ và 74 Thạc sỹ với 9 môn Chuyên là: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng anh.

Trung Dũng