Lên Nậm Dính cùng các cô giáo cõng học trò đến lớp

21/12/2020 09:19
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để vào điểm trường Nậm Dính (xã Tà Tổng, Mường Tè, Lai Châu) phải đi qua 2 con suối. Mùa khô còn qua được còn mùa mưa, nước to thì…chịu

Lên được Tà Tổng của huyện Mường Tè đã là một hành trình thử thách với bất cứ ai, vào được Nậm Dính lại thêm một hành trình dài vừa mệt mỏi, vừa… “lạnh sống lưng”.

Từ trung tâm xã Tà Tổng chạy dọc lên cao nguyên Cao Chải rồi xuôi dốc xuống, điểm trường mầm non Nậm Dính nằm ngay cạnh suối Nậm Dính – thầy Đao Văn San, Hiệu phó trường Mầm non Tà Tổng “phác thảo” trước về hành trình bằng xe máy của chúng tôi để vào đến điểm trường.

Nghe chừng chỉ có vài chặng đường nhưng chúng tôi đã phải đi “xuyên mây” đúng nghĩa bởi đến bản Cô Lô Hồ, mây mù ken đặc lại khiến đường phía trước của chúng tôi chỉ là một màu trắng toát.

Sau quãng đường ấy, vượt qua chân mây, lên cao nguyên Cao Chải trời lúc này đang nắng chói chang. Cao nguyên Cao Chải trước kia chỉ là những cánh đồng cỏ, thưa thớt một vài căn chòi gỗ của người Mông, nay chạy dọc theo dãy núi là một con đường được trải nhựa êm ả.

Nhưng con đường êm ả không kéo dài quá lâu khi chúng tôi bắt đầu từ lối rẽ vào Nậm Dính. Từ Cao Chải vào Nậm Dính hết hơn 10 km đường đất lẫn đá, dốc thăm thẳm.

Mùa khô đường còn đi được, còn mùa mưa, đó là hành trình cực kỳ gian khó với bất cứ ai, kể cả những người đã nhiều năm đi miền núi.

Sườn núi dẫn vào Nậm Dính trước đây từng có rất nhiều cây anh túc, nhưng nhiều năm trở lại đây, cây anh túc đã được thay thế bằng những nương ngô, nương lúa…

Đường từ trung tâm xã Tà Tổng vào bản Nậm Dính.

Đường từ trung tâm xã Tà Tổng vào bản Nậm Dính.

Giữa quãng đường, chúng tôi phải nghỉ tạm, thầy San bảo, đường bây giờ tốt hơn xưa khi nhiều khúc cua, đoạn dốc nhà nước đang cải tạo lại, vài năm nữa đường chắc chắn sẽ tốt hơn.

Trước đây, mỗi lần đi công tác vào mùa mưa, đường xấu, nhiều hố sâu và liên tục lên dốc cao, nước mưa làm cho đất bùn trở nên nhão nhoẹt, hai bánh xe bị bùn dính một lớp dày vào cản xe nên leo dốc khó khăn, còn xuống dốc thì trượt cả người, cả xe.

Những ngày vào mùa mưa, các thầy cô phải để lại xe ở sườn đồi, đi bộ xuống bản.

Để vào Nậm Dính phải đi qua 2 nhánh của con suối Nậm Dính, cả 2 nhánh này đều chưa có cầu.

Trước đây đã từng có một cây cầu tạm ở đầu đường vào bản, mùa mưa năm 2020, cây cầu bị cuốn trôi mất, chưa biết thời gian tới sẽ đi bằng gì… thầy San nói.

Đường vào bản Nậm Dính.

Đường vào bản Nậm Dính.

Có sự giúp đỡ của đoàn từ thiện, điểm trường Nậm Dính mới đã được xây dựng lên, nhà lắp ghép đã thay thế căn nhà gỗ chật hẹp và xuống cấp.

Cắm tại Nậm Dính là 3 cô giáo trẻ từ Than Uyên lên. Cô Cầm Thị Kim (sinh năm 1994), cô Lò Thị Inh (sinh năm 1992) và cô Lò Thị Liệu (sinh năm 1997), cả ba cô đều là người dân tộc Thái lên Nậm Dính công tác.

Các cô đều đã có gia đình, để lại con thơ ở quê nhà để lên đây công tác. Không có chợ, đường ra trung tâm xã cũng xa xôi nên các cô phải tự trồng rau, nuôi vịt để làm lương thực dự trữ dần và tăng cường thêm thức ăn cho các con.

Khuôn viên trường trên một mỏm đồi nhưng cũng có vườn rau, chuồng vịt.

Con suối mùa cạn nước mà ngày ngày học sinh phải vượt qua để đến trường.

Con suối mùa cạn nước mà ngày ngày học sinh phải vượt qua để đến trường.

“Anh San ơi, anh San…lâu lắm bọn em chẳng được xuống huyện đấy. Thế lại hoãn à, buồn nhỉ!”… tiếng các cô nửa đùa nửa thật với thầy hiệu phó về chương trình văn nghệ được tổ chức ở trung tâm huyện Mường Tè.

“Ngày đầu em lên đây, may có chồng đưa lên chứ không em cũng chẳng biết vào thế nào. Có đoạn dốc, chồng đi xuống trước em ngồi sau mà ngã lúc nào không hay. Có đoạn dốc thăm thẳm em bảo chồng em là thôi để em tự ngã trước…”, cô Lò Thị Liệu vừa cười vừa kể về ngày đầu vào Nậm Dính dạy học.

Trong 3 cô, cô Lò Thị Inh may mắn hơn một chút khi ông xã mới từ Than Uyên lên Nậm Dính, dự định của họ sẽ lập nghiệp tại Nậm Dính luôn.

Khi được hỏi thời gian về thăm nhà, các cô bảo chỉ có tết và hè là các cô về thăm gia đình, dù cùng 1 tỉnh nhưng đường khó khăn quá các cô chẳng thể về.

Cây cầu tạm bị lũ cuốn phăng trong đợt mưa lũ năm 2020.

Cây cầu tạm bị lũ cuốn phăng trong đợt mưa lũ năm 2020.

Không có cầu, công việc của các cô là ngày 2 buổi, sáng đón trẻ ở đầu bờ suối, chiều lại đưa trẻ ra đầu suối để phụ huynh đón trẻ đi về.

Mùa mưa hay mùa nắng, các cô đều sẽ đến từng nhà, đón từng em và cõng các em qua suối.

Các cô giáo trẻ và dân bản ở Nậm Dính ước mơ về cây cầu trong bản đã lâu… nhưng ước mơ ấy càng như xa vời.

Điểm trường Nậm Dính nơi 65 học sinh từ 2 - 5 tuổi theo học.

Điểm trường Nậm Dính nơi 65 học sinh từ 2 - 5 tuổi theo học.

Giờ ngủ trưa của học sinh điểm bản Nậm Dính.

Giờ ngủ trưa của học sinh điểm bản Nậm Dính.

Bảng công khai tài chính của các cô ở bản Nậm Dính.

Bảng công khai tài chính của các cô ở bản Nậm Dính.

Vườn rau để cô trò cùng cải thiện.

Vườn rau để cô trò cùng cải thiện.

Nơi trữ nước của các cô giáo ở Nậm Dính, mong một cái bể thôi cũng là ước mơ còn xa với các cô.

Nơi trữ nước của các cô giáo ở Nậm Dính, mong một cái bể thôi cũng là ước mơ còn xa với các cô.

Dây xích bọc lốp để sẵn của các cô phòng khi mưa xuống. Các cô luôn phải bôi dầu mỡ để kéo dài độ bền của chúng.

Dây xích bọc lốp để sẵn của các cô phòng khi mưa xuống. Các cô luôn phải bôi dầu mỡ để kéo dài độ bền của chúng.

Chuồng nuôi vịt của các cô giáo.

Chuồng nuôi vịt của các cô giáo.

Buổi sáng cô Kim, cô Liệu đón học sinh qua suối lên lớp.

Buổi sáng cô Kim, cô Liệu đón học sinh qua suối lên lớp.

Hết giờ học, buổi hiều, các cô, trò lại tiếp tục đưa nhau sang bên kia bờ để về nhà.

Hết giờ học, buổi hiều, các cô, trò lại tiếp tục đưa nhau sang bên kia bờ để về nhà.

Ước mơ về một cây cầu...
Ước mơ về một cây cầu...
Các bạn nhỏ không đi được các cô phải cõng.

Các bạn nhỏ không đi được các cô phải cõng.

Trần Phương