Chuyển đổi số đang ngày càng giúp thay đổi diện mạo ngành giáo dục

21/12/2020 05:43
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thời gian qua ngành giáo dục đã số hóa cơ sở dữ liệu ngành của 53.000 trường học, hồ sơ của 24 triệu học sinh và 1,4 triệu giáo viên.

Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó giáo dục đào tạo là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong triển khai thực hiện.

Với ngành Giáo dục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại hội thảo “Chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo” cho biết, trong thời gian tới chuyển đổi số là khâu đột phá, là nhiệm vụ quan trọng cần tập trung nguồn lực triển khai thực hiện để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trước những yêu cầu mới, những thách thức mới trong xu thế hội nhập quốc tế.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Sơn Hải –Cục trưởng Cục công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, chuyển đổi số trong giáo dục là việc chuyển đổi cách dạy, cách học, quản trị và quản lý giáo dục dựa trên công nghệ số hướng tới một hệ thống giáo dục chất lượng tốt, chi phí thấp và tiếp cận dễ dàng với mọi người dân.

Còn ứng dụng công nghệ thông tin thường nhắc đến như hoạt động tin học hóa các quy trình nghiệp vụ; trong khi chuyển đổi số có ảnh hưởng rộng hơn, nó có thể làm thay đổi mô hình và cách thức thực hiện nghiệp vụ dựa trên công nghệ số một cách khoa học hơn, hiệu quả hơn; ví dụ việc học không chỉ ở không gian lớp học truyền thống mà có thể học mọi lúc, mọi nơi qua môi trường số.

“Số hóa là một tiến trình trong chuyển đổi số. Ví dụ chúng ta hay nhắc đến số hóa một bài học là việc sử dụng các công cụ số để tạo ra các bài học điện tử, bài học E-learning;

Chuyển đổi số là việc nhà trường đổi mới mô hình tổ chức giảng dạy và quản lý, giáo viên đổi mới nội dung và cách dạy dựa trên bài học điện tử, học sinh được học chủ động hơn, trải nghiệm nhiều hơn qua tương tác trên môi trường số, từ đó nắm bắt kiến thức dễ hơn và chất lượng giáo dục được nâng cao hơn; nhờ có học liệu số và môi trường học tập số đó mà mô hình, cách thức dạy học được đổi mới theo hướng hiệu quả hơn”, Cục trưởng giải thích thêm.

Ông Nguyễn Sơn Hải –Cục trưởng Cục công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) (ảnh: NVCC)

Ông Nguyễn Sơn Hải –Cục trưởng Cục công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) (ảnh: NVCC)

Theo ông Nguyễn Sơn Hải, để thực hiện tốt chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo thì sự quyết tâm của người đứng đầu là quan trọng nhất; bên cạnh đó cần có sự đồng bộ về nhận thức của những người trong ngành giáo dục cùng quyết tâm chuyển đổi để các hoạt động giáo dục được tốt hơn, chất lượng giáo dục được cao hơn, là cơ hội để thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển.

Ngoài ra, cần có một hành lang pháp lý tốt để thúc đẩy chuyển đổi số và chuyển đổi số hiệu quả và giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực triển khai chuyển đổi số trong giáo dục.

Ông Hải cho biết thêm: “Hiện nay vẫn còn tình trạng các cơ sở giáo dục dùng quá nhiều phần mềm, gây khó khăn cho quản lý và sử dụng hiệu quả; hạ tầng mạng, đảm bảo an toàn thông tin và thiết bị sử dụng đầu cuối trong ngành giáo dục vẫn còn gặp khó khăn, đặc biệt trường học ở những vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số”.

Để khắc phục được khó khăn này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký kết Chương trình hợp tác triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, qua đó 2 Bộ sẽ cùng các doanh nghiệp số phát triển các nền tảng số dùng chung trong giáo dục; huy động các doanh nghiệp chung tay hỗ trợ các nhà trường, giáo viên và học sinh những điều kiện để triển khai chuyển đổi số như: đường truyền Internet, phần mềm quản lý, phần mềm dạy học trực tuyến, trang thiết bị đầu cuối, …

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị các cấp chính quyền quan tâm, ưu tiên nguồn lực đầu tư thích đáng cho các hoạt động chuyển đổi số ngành giáo dục.

Theo Cục trưởng Nguyễn Sơn Hải, trong 2 năm tới, số hóa là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục.

Các cơ sở dữ liệu toàn quốc về giáo dục đào tạo sẽ được hoàn chỉnh đầy đủ phục vụ công tác phân tích, dự báo và ra chính sách quản lý ngành; kho học liệu số, học liệu mở được xây dựng đầy đủ nội dung theo chương trình giáo dục của tất cả các môn học; các cơ sở đào tạo phải lên được kế hoạch tổ chức đào tạo trực tuyến và nâng cao tỷ trọng đào tạo trực tuyến; các cơ sở giáo dục đào tạo sẽ đẩy mạnh, tận dụng tối đa lợi thế công nghệ số để đổi mới các mô hình, cách thức tổ chức dạy học để việc học sẽ trở nên dễ dàng hơn với học sinh, nâng cao tính cá thể hóa học tập, cơ hội học tập được mở rộng đối với những học sinh ở khu vực còn khó khăn.

Được biết, thời gian qua ngành giáo dục đã số hóa cơ sở dữ liệu ngành và gắn mã định danh cho 53.000 trường học, hồ sơ của 24 triệu học sinh và 1,4 triệu giáo viên – cơ sở dữ liệu này đã giúp ngành giáo dục quản lý và ban hành những chính sách vĩ mô rất hiệu quả;

Từ năm 2018, nhờ có cơ sở dữ liệu số hóa đầy đủ thông tin đội ngũ nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức phân tích dữ liệu, chỉ ra được những bất cập, từ đó đã có những chính sách quản lý nhà giáo phù hợp như: chỉ ra được thực trạng thừa thiếu giáo viên; chỉ ra được chất lượng giáo viên theo chuẩn, và kết quả đánh giá giáo viên hàng năm; cơ sở dữ liệu cũng sử dụng để Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất với Chính phủ và Quốc hội ban hành những chính sách về lương giáo viên gần đây rất phù hợp.

Kho học liệu số, học liệu mở đã được xây dựng với 7.000 bài giảng điện tử, 200 đầu sách giáo khoa phổ thông, thí nghiệm ảo. Như chúng ta thấy khi dịch Covid xảy ra, các trường học phải tạm dừng đóng cửa, với phương châm “dừng đến trường, không ngừng học”, có đến 80% trường học đã nhanh chóng chuyển sang dạy học trực tuyến, nhờ đó mà nhiệm vụ năm học 2019-2020 chúng ta đã hoàn thành mà vẫn đảm bảo sức khỏe cho học sinh và giáo viên toàn ngành.

Ngành giáo dục đang phối hợp chặt chẽ với Hệ tri thức Việt số hóa của Chính phủ để ứng dụng các nền tảng số, huy động cộng đồng chung tay, đóng góp cho ngành giáo dục:

Nền tảng antoancovid.vn nhằm công khai minh bạch các điều kiện sẵn sàng ứng phó dịch covid ở các nhà trường.

Nền tảng inhandao.vn để huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ, tài trợ cho những học sinh, giáo viên, nhà trường còn đang khó khăn trong tổ chức dạy học. Như vậy, công nghệ số còn giúp cộng đồng hỗ trợ ngành giáo dục khắc phục những khó khăn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ.

Thùy Linh