Tư vấn tâm lý học đường ngày càng trở nên quan trọng, thiết yếu

30/12/2020 08:59
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhu cầu học sinh tìm đến để được hỗ trợ tư vấn tâm lý ngày càng đông, điều này cho thấy nhu cầu cần được giải bày, chia sẻ của các em rất lớn.

Đáp ứng nhu cầu bức thiết

Quyết định số 1501/QĐ-TTg ngày 28/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên và nhi đồng, giai đoạn 2015-2020” khi được áp dụng vào thực tiễn đã xuất hiện nhiều cách làm hay, mô hình tốt, làm thay đổi một cách tích cực môi trường giáo dục phổ thông mà các em học sinh chính là những người được thụ hưởng lớn nhất.

Mô hình phòng tư vấn tâm lý học đường trong các trường học là một minh chứng sống động nhất cho sự thay đổi đó.

Trước đây, tình trạng học sinh chưa ngoan, thói quen nói bậy, chửi thề, có những em hoàn cảnh gia đình phức tạp, khó khăn nên cha mẹ ít quan tâm. Các trường hợp cha mẹ ly hôn, nhiều em sống với ông bà, dì cậu, cô chú… thiếu sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ.

Đặc biệt, với những học sinh cấp 2, cấp 3 ở lứa tuổi có nhiều thay đổi phức tạp về tâm lý, tâm lý chưa ổn định, chịu nhiều tác động từ ngoại cảnh. Nhiều em bị áp lực học tập từ phía gia đình và nhà trường dẫn đến tâm trạng lúng túng.

Khi có vấn đề trong cuộc sống, các em thường dựa vào ý kiến của bạn bè mà không có được sự tư vấn thích hợp từ giáo viên chủ nhiệm, nhà trường.

Khi có vi phạm, trường chỉ tập trung vào việc xử lý vi phạm mà chưa quan tâm phân tích nguyên nhân, chưa có những hướng dẫn ứng xử để phòng tránh vi phạm của các em trong tương lai.

Phụ huynh hoặc chỉ biết bênh vực con hoặc có quan niệm giao phó toàn bộ cho nhà trường mà thiếu sự kết hợp thích hợp. Đặc biệt là trường phải tiếp nhận học sinh hòa nhập của các trường chuyển đến.

Kể từ khi có mô hình phòng tư vấn tâm lý trong các trường học, những tồn tại trên dần được khắc phục.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng, công tác tư vấn tâm lý trong trường học rất quan trọng. Phòng tư vấn tâm lý trong nhà trường tham vấn tâm lý giải quyết được các vấn đề của học sinh, giáo viên, cha mẹ học sinh, tư vấn cho lãnh đạo nhà trường xử lý các vấn đề sao cho phù hợp tâm lý lứa tuổi, phù hợp với quan điểm giáo dục hiện đại.

Việc triển khai công tác tư vấn tâm lý trong trường học đang có những thuận lợi khi nhận thức của xã hội cũng như trong ngành giáo dục đã được quan tâm hơn trước nhiều.

Việc quy định chức danh chuyên trách tư vấn tâm lý trong nhà trường và yêu cầu bắt buộc các nhà trường phải làm cho thấy sự quyết liệt trong chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Khi triển khai thực tế đã có nhiều mô hình thành công, nhiều trường công lập và ngoài công lập đã tốt vấn đề này.

Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Tùng Lâm (ảnh: Thùy Linh)

Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Tùng Lâm (ảnh: Thùy Linh)

Hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo có chủ trương lấy giáo viên chủ nhiệm, cán bộ đoàn, cán bộ Đội, số giáo viên chủ nhiệm có thể học tập, hướng dẫn tham vấn tâm lý học đường làm kiêm nhiệm, những người làm kiêm nhiệm được tính 8 tiết/tuần để tạo điều kiện cho các nhà trường đẩy mạnh hơn nữa công tác tư vấn tâm lý cho học sinh.

Tại Hà Nội, nhiều mô hình còn chuyên nghiệp hơn như Trường Marie Curie đã thuê hẳn Trung tâm tư vấn tâm lý của Hội Phụ nữ vào triển khai tư vấn cho học sinh trong trường. Các em học sinh đến tham vấn tại trung tâm này rất đông, đông nhất là học sinh ở cấp 2.

Tại Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cầu Giấy, Hà Nội thì nhà trường bố trí biên chế để làm việc này. Còn Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội – nơi thầy Nguyễn Tùng Lâm làm chủ tịch hội đồng giáo dục thì nhà trường có tới 3 biên chế để đảm nhận công việc này.

Ngoài tư vấn tâm lý cho học sinh, trung tâm tư vấn học đường của nhà trường còn tổ chức huấn luyện giáo viên chủ nhiệm.

Tại Trường Đinh Tiên Hoàng, phòng tư vấn tâm lý đã làm nhiệm vụ sàng lọc để phòng ngừa, qua thực tiễn đã sàng lọc phòng ngừa hơn 80% số học sinh trong trường, phát hiện tới 15% học sinh có nguy cơ bất ổn tâm lý và 5% học sinh phải cần tới các chuyên gia tâm lý để hỗ trợ giải quyết.

Theo tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, các trường phổ thông cần thiết phải làm được nhiệm vụ sàng lọc tâm lý cho học sinh. Ví dụ, hiện nay cấp 1 nhiều cháu bị trầm cảm, thiệt thòi khi tham gia học hòa nhập cần phải khám sàng lọc. Nếu nhẹ ở mức độ nào đó thì cho hòa nhập, còn mức độ cao hơn phải can thiệp sau đó mới cho học hòa nhập sau.

Theo thầy Nguyễn Tùng Lâm, để làm tốt công tác này cần thiết các hiệu trưởng thấy được trách nhiệm của mình, tổ chức bộ phận tham vấn đảm nhận nhiệm vụ. Trường nào làm được là hiệu trưởng nhà trường có ý thức, trách nhiệm.

Giáo viên khi được giao làm nhiệm vụ cũng phải có ý thức học tập chuyên môn nghiệp vụ, đừng thấy khó, vướng mà bỏ ngay thì sẽ không thành công. Quan trọng hiệu trưởng được giao nhiệm vụ phải ý thức thì mới làm được.

Bên cạnh đó, cần động viên những giáo viên có kinh nghiệm, năng lực để tham gia vào công tác này. Cần bồi dưỡng đãi ngộ các giáo viên một cách tương xứng với công sức bỏ ra.

Đa dạng hóa các hình thức tư vấn

Trong khi đó, theo báo cáo, tại Trường Trung học cơ sở Lý Phong, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh sau nhiều năm triển khai phòng tư vấn tâm lý nhằm tư vấn cho học sinh khi có nhu cầu đã thu được nhiều tín hiệu tích cực.

Nhà trường kết hợp với các trung tâm kỹ năng sống đã được Sở Giáo dục và Đào tạo cấp phép hoạt động với đội ngũ chuyên gia tâm lý độc lập nhằm tiếp cận, lắng nghe, định hướng và chia sẻ với các em.

Tạo môi trường cho học sinh cảm thấy thoải mái, không bị các rào cản về tâm lý. Kết hợp giữa chuyên viên tâm lý, giáo viên, giám thị nhằm thường xuyên nắm bắt tâm lý các em. Giúp học sinh giải tỏa ức chế tâm lý trong cuộc sống và học tập.

Khi có học sinh cần tư vấn, các chuyên viên tâm lý sẽ gợi mở để các em có tâm trạng thoải mái trình bày vấn đề của mình, trên cơ sở đó tư vấn, định hướng cho các em. Các chuyên viên làm công tác tư vấn học đường từ 7h30 – 10h và 14h – 18h vào các ngày trong tuần từ thứ 2 đến thứ 7 (riêng thứ 7, làm 1 buổi).

Sau mỗi ca tư vấn xong đều có ghi chép và lưu ý cụ thể với những nguyên tắc bảo mật nhất định, kết quả tổng hợp hàng tháng được báo cáo lên ban giám hiệu nhà trường.

Ngoài tư vấn cho từng em, học sinh toàn trường được tiếp cận với các hoạt động liên quan đến tâm lý lứa tuổi học sinh trung học cơ sở từ rất sớm qua các chuyên đề như “Phòng tránh bạo lực học đường”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Kỹ năng dạy con thời hiện đại”, với đội ngũ chuyên gia tâm lý nhiều kinh nghiệm như Tiến sĩ Võ Văn Nam, Phó giáo sư Huỳnh Văn Sơn….

Số lượng học sinh đến với phòng tư vấn tăng lên, số ca tư vấn cũng tăng. Nhận thức của các em về những vấn đề trong cuộc sống được nâng cao, từ đó cả chuyên viên và học sinh đều đón nhận các vấn đề mà các em chia sẻ kịp thời và phù hợp với nhu cầu thực tế hơn.

Thấy được hiệu quả của các hoạt động trong quá trình thực hiện, phòng tư vấn tâm lý học đường tiếp tục phối hợp với Ban giám hiệu nhà trường, Hội phụ huynh học sinh để tổ chức các chuyên đề cho học sinh và phụ huynh với nội dung phong phú, đa dạng, thiết thực.

Điều này góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy hoạt động của phòng tư vấn của trường nói riêng và hoạt động giáo dục của trường nói chung cả về số lượng và chất lượng.

Có thể kể đến các chuyên đề “Giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản”, “Sức mạnh bản thân”, “Lợi và hại của mạng xã hội facebook”, “Thói quen sử dụng facebook của teen”, “Thói quen có ích và cách thể hiện tình cảm trong gia đình”, “Tình yêu thương gia đình” và “Bạo lực học đường”.

Về phía phụ huynh, vốn là một trong những nhân tố hàng đầu có ảnh hưởng quan trọng đến sự hình thành tâm lý học sinh, nhà trường luôn chọn lựa những nội dung có tính thời sự nhất để mời chuyên gia về trao đổi với phụ huynh; như chuyên đề: “Nghệ thuật giáo dục con cái thời hiện đại”, “Giúp con trưởng thành”, “Đồng hành cùng con trong cuộc sống”, “Giúp con thành công”.

Qua đây, phụ huynh vừa được chia sẻ những kiến thức tâm lý học trong việc giáo dục con em mình, vừa giải đáp phần nào những băn khoăn của mình. Đây còn là dịp để những phụ huynh có cơ hội hiểu hơn về tâm lý của con trẻ trong đội tuổi trung học cơ sở, đồng thời giúp cho nhà trường nhìn nhận đúng mức về mối quan tâm của phụ huynh với các vấn đề tâm lý của con.

Thùy Linh