Lỗ hổng trong dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông

09/02/2021 06:32
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Kì thi tốt nghiệp năm 2021 cần chấm chéo bài thi tự luận môn Ngữ văn giữa các tỉnh thành nhằm đảm bảo sự công bằng, khách quan cho các thí sinh.

Ngày 1/1/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo 2 Thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông, ban hành kèm theo Thông tư số 15/2020/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 5 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. [1]

Sáu điểm mới của dự thảo

Thứ nhất, đối tượng dự thi phải có Bằng tốt nghiệp trung học cơ sở và không xếp loại học lực kém ở lớp 12.

Trường hợp không đủ điều kiện dự thi trong các năm trước do xếp loại học lực kém ở lớp 12, phải đăng ký và dự kỳ kiểm tra cuối năm học đối với một số môn học có điểm trung bình dưới 5,0 (năm) điểm, bảo đảm khi lấy điểm bài kiểm tra thay cho điểm trung bình môn học để tính lại điểm trung bình cả năm thì đủ điều kiện dự thi về xếp loại học lực theo quy định.

Thứ hai, về chấm bài thi tự luận, trưởng môn chấm thi tổ chức quán triệt quy chế thi, thảo luận đáp án, hướng dẫn cho toàn bộ tổ trưởng chấm thi, cán bộ chấm thi; tổ chức chấm chung ít nhất 10 bài thi tự luận. Sau đó, tổ chức chấm thi theo quy trình chấm hai vòng độc lập tại các phòng chấm thi riêng biệt.

Cán bộ chấm thi lần thứ hai ghi điểm chấm trực tiếp vào bài làm của thí sinh (điểm chấm từng ý nhỏ phải ghi tại lề bên trái bài thi ngay cạnh ý được chấm) và vào phiếu chấm.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo 2 Thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo 2 Thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Thứ ba, điểm thi được bảo lưu trong trường hợp: thí sinh dự thi đủ các bài thi/môn thi quy định trong kỳ thi năm trước nhưng chưa tốt nghiệp trung học phổ thông và không bị kỷ luật hủy kết quả thi thì được bảo lưu điểm thi của các bài thi hoặc các môn thành phần của bài thi tổ hợp đạt từ 5,0 (năm) điểm trở lên trong kỳ thi tổ chức năm tiếp ngay sau đó để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông.

Điểm bài thi hoặc điểm các môn thành phần của bài thi tổ hợp chỉ được bảo lưu theo quy định trên nếu các môn thi thành phần của bài thi đó đều đạt trên 1,0 (một) điểm.

Thứ tư, điểm khuyến khích cho thí sinh đoạt giải cá nhân và đồng đội trong các kỳ thi thí nghiệm thực hành môn Vật lí, Hoá học, Sinh học; thi văn nghệ; thể dục thể thao; hội thao giáo dục quốc phòng; cuộc thi khoa học kỹ thuật; viết thư quốc tế do ngành Giáo dục phối hợp với các ngành chuyên môn từ cấp tỉnh trở lên tổ chức ở cấp trung học phổ thông.

Thứ năm, đối với các thí sinh vi phạm một trong các lỗi sau sẽ bị đình chỉ thi: đã bị cảnh cáo một lần nhưng trong giờ thi bài thi đó vẫn tiếp tục vi phạm quy chế thi ở mức khiển trách hoặc cảnh cáo;

Mang vật dụng trái phép theo quy định tại Điều 14 Quy chế này vào phòng thi/phòng chờ và khi di chuyển giữa phòng thi và phòng chờ; đưa đề thi ra ngoài phòng thi hoặc nhận bài giải từ ngoài vào phòng thi;

Viết, vẽ vào tờ giấy làm bài thi của mình những nội dung không liên quan đến bài thi; có hành động gây gổ, đe dọa những người có trách nhiệm trong kỳ thi hay đe dọa thí sinh khác;

Không tuân thủ hướng dẫn của cán bộ giám sát hoặc người quản lý phòng chờ khi di chuyển về phòng chờ và trong thời gian ở phòng chờ.

Thí sinh bị đình chỉ thi năm nào sẽ bị hủy kết quả toàn bộ các bài thi trong kỳ thi năm đó.

Thứ sáu, dự kiến điều chỉnh, bổ sung những quy định mang tính kỹ thuật, làm rõ hơn trách nhiệm trong khâu ra đề thi các môn thi tự luận và trắc nghiệm trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Chấm thi tự luận vẫn còn lỗ hỏng

Về chấm bài thi tự luận, dự thảo yêu cầu trưởng môn chấm thi tổ chức quán triệt quy chế thi, thảo luận đáp án, hướng dẫn cho toàn bộ tổ trưởng chấm thi, cán bộ chấm thi; tổ chức chấm chung ít nhất 10 bài thi tự luận.

Sau đó, tổ chức chấm thi theo quy trình chấm hai vòng độc lập tại các phòng chấm thi riêng biệt.

Cụ thể, xử lí kết quả 2 lần chấm: điểm toàn bài hoặc điểm thành phần lệch nhau (trừ trường hợp cộng nhầm điểm) dưới 1,0 điểm, hai cán bộ chấm thi thảo luận thống nhất điểm rồi ghi điểm, ký và ghi rõ họ tên vào tất cả các tờ giấy làm bài của thí sinh.

Điểm toàn bài hoặc điểm thành phần lệch nhau (trừ trường hợp cộng nhầm điểm) từ 1,0 đến 1,5 điểm, hai cán bộ chấm thi thảo luận và ghi lại bằng biên bản, báo cáo trưởng môn chấm thi để thống nhất điểm (không sửa chữa điểm trong phiếu chấm hoặc phần tổng hợp điểm trong bài thi); sau đó, ghi điểm, ký và ghi rõ họ tên vào tất cả các tờ giấy làm bài của thí sinh.

Nếu đối thoại không thống nhất được điểm thì trưởng môn chấm thi quyết định điểm, ghi điểm và ký vào bài thi.

Điểm toàn bài hoặc điểm thành phần lệch nhau (trừ trường hợp cộng nhầm điểm) trên 1,5 điểm, trưởng môn chấm thi tổ chức chấm lần thứ 3 trực tiếp vào bài thi của thí sinh bằng mực màu khác.

Xử lí kết quả 3 lần chấm: nếu kết quả 2 trong 3 lần giống nhau, trưởng môn chấm thi lấy điểm giống nhau làm điểm chính thức rồi ghi điểm, ký và ghi rõ họ tên vào tất cả các tờ giấy làm bài của thí sinh.

Nếu kết quả 3 lần chấm lệch nhau lớn nhất đến 2,5 điểm, trưởng môn chấm thi lấy điểm trung bình cộng của 3 lần chấm làm điểm chính thức rồi ghi điểm, ký và ghi rõ họ tên vào tất cả các tờ giấy làm bài của thí sinh.

Nếu kết quả 3 lần chấm lệch nhau lớn nhất trên 2,5 điểm, trưởng môn chấm thi tổ chức chấm tập thể. Các cán bộ chấm thi và trưởng môn chấm thi ký và ghi rõ họ tên vào tất cả các tờ giấy làm bài thi của thí sinh. Điểm chấm lần này là điểm chính thức của bài thi. [2]

Quy định này chỉ dành riêng cho môn Ngữ văn – môn duy nhất thi theo hình thức tự luận trong 3 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và một trong hai môn tổ hợp lựa chọn (Khoa học tự nhiên/Khoa học xã hội), tưởng chừng như rất chặt chẽ nhưng thực tế điểm thi giữa các tỉnh thành có sự chênh lệch nhau rất lớn, ví như phổ điểm môn Ngữ văn ở kỳ thi tốt nghiệp năm 2020 của tỉnh An Giang cao vượt trội so với các tỉnh khác và so với chính tỉnh này các năm trước là một minh chứng sống.

Cụ thể, kết quả phân tích dữ liệu điểm thi năm 2020 mà Bộ Giáo dục công bố cho thấy An Giang là tỉnh có điểm trung bình môn ngữ văn cao nhất nước, với mức điểm là 7,62.

Mức điểm này cao hơn 1 điểm so với mức trung bình chung của cả nước là 6,6; và cao hơn khá nhiều so với địa phương xếp thứ 2 là Bình Dương (7,28).

Điều đáng nói là các điểm cao từ 9 điểm trở lên ở môn Ngữ văn cũng “tập trung” vào thí sinh của tỉnh An Giang.

Thống kê từ dữ liệu điểm thi cho thấy cả nước có 870.534 thí sinh dự thi môn ngữ văn thì có 10.157 thí sinh đạt điểm từ 9 trở lên (chiếm khoảng 1,17%) thì An Giang có tới 1.471 thí sinh (chiếm 14,48%) cao nhất cả nước. [3]

Trong khi đó, lãnh đạo Sở Giáo dục An Giang cho hay kết quả điểm môn Ngữ văn của tỉnh năm 2020 cao không phải là đột biến hay có gì đó bất thường và cũng không có chuyện giáo viên chấm “lỏng” tay.

“Trong quá trình chấm kiểm tra, theo quy chế, sẽ chấm 5% tổng số bài thi nhưng chúng tôi đã tổ chức cho chấm gần 10%, tức đã chấm gần gấp đôi mức tối thiểu mà Bộ yêu cầu.

Sau chấm kiểm tra, kết quả cho thấy cũng ổn, chứ cũng không có chuyện giáo viên chấm sai lệch. Việc chấm kiểm tra được thực hiện đúng theo quy định.

Chúng tôi khẳng định quy trình chấm thi của An Giang làm đúng quy chế của Bộ. Mỗi bài thi đều được chấm độc lập 2 vòng bởi 2 cán bộ chấm”, ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang nói với Báo VietNamNet. [4]

Kì lạ hơn, trả lời câu hỏi của Báo Thanh Niên về việc Bộ có chấm thẩm định bài thi môn Ngữ văn hay không, đại diện Bộ Giáo dục cho rằng do đang tập trung chỉ đạo tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đợt 2 (năm 2020) nên chưa bàn tới việc này.

Vị này cũng viện dẫn Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông và cho biết: “Trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Giáo dục sẽ quyết định thành lập hội đồng chấm thẩm định để chấm thẩm định toàn bộ hoặc một phần số bài thi hoặc kiểm tra kết quả phúc khảo của một hoặc một số hội đồng thi”. [5]

Bên cạnh đó, bài thi điểm 10 môn Ngữ văn của một thí sinh tỉnh An Giang năm 2020 cũng gây xôn xao dư luận trong thời gian dài.

Thí sinh này lí giải sở dĩ bài thi đạt điểm cao là vì em biết đưa các dẫn chứng vào một cách phù hợp - dùng nhân vật Gatsby trong tiểu thuyết của người Mỹ F.Scott Fitzgerald để minh họa làm sáng rõ tư tưởng “Đất nước của Nhân dân” (Nguyễn Khoa Điềm). [6]

Điều đáng nói nhân vật Gatsby lại là một nhân vật được xây dựng theo hướng phản diện, gắn liền với một số hoạt động phi pháp ở nước Mỹ đầu thế kỷ XX. Từ đó, cũng dấy lên sự nghi ngờ về trình độ của giám khảo chấm bài văn đạt điểm tuyệt đối này.

Và cho đến bây giờ, điểm số môn Ngữ văn cao bất thường của tỉnh An Giang ở kì thi tốt nghiệp năm 2020 vẫn là “một câu hỏi lớn không lời đáp”!

Là giáo viên có nhiều năm làm giám khảo cho kì thi tốt nghiệp, tôi nhận thấy cách chấm thi môn Ngữ văn rõ ràng “có vấn đề” như đã phân tích.

Tôi cho rằng, giám khảo chấm dễ dãi cả phần đọc hiểu và làm văn, ví như câu nghị luận văn học 5 điểm, chỉ cần thí sinh viết đủ cấu trúc – 3 phần (0,25 điểm); đúng mở bài (0,5 điểm); đúng kết bài (0,5 điểm); không lạc đề (0,5 điểm); rõ nội dung – được xem như sáng tạo (0,5 điểm); đảm bảo chính tả, ngữ pháp (0,25 điểm); cơ bản đủ ý nội dung (2,5 điểm) – thì mới có chuyện điểm số “cá mè một lứa” như thế.

Vậy nên, ý kiến cá nhân tôi đề xuất, kì thi tốt nghiệp năm 2021 cần chấm chéo bài thi tự luận môn Ngữ văn giữa các tỉnh thành với nhau nhằm đảm bảo tính khách quan. Không cần phải di chuyển bài thi mà chỉ cần hoán đổi giám khảo giữa địa phương này và địa phương khác (địa bàn gần nhau) là được.

Dẫu biết rằng, giám khảo phải đến tỉnh bạn cũng mất nhiều thời gian, công sức, kéo theo đó là tăng thêm chi phí cho kì thi, tuy nhiên đa phần thí sinh sử dụng điểm thi để xét tuyển đại học nên phương án này vẫn chiếm ưu thế.

Qua bài viết này, mong Bộ Giáo dục có những giải pháp hữu hiệu trong việc chấm thi môn tự luận môn Ngữ văn để không xảy ra trường hợp gây “lời ong tiếng ve” như năm vừa qua.

Tài liệu tham khảo và trích dẫn:

[1] //moet.gov.vn/van-ban/vbdt/Pages/chi-tiet-van-ban.aspx?ItemID=1528#content_1

[2] //thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-15-2020-TT-BGDDT-Quy-che-thi-tot-nghiep-trung-hoc-pho-thong-444173.aspx

[3] //thanhnien.vn/giao-duc/diem-thi-mon-van-cua-an-giang-cao-dot-bien-1272127.html

[4] //vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/so-giao-duc-an-giang-noi-gi-ve-diem-ngu-van-cao-nhat-ca-nuoc-670138.html

[5] //thanhnien.vn/giao-duc/tai-sao-bo-gd-dt-chua-cham-tham-dinh-mon-van-tinh-an-giang-1273289.html

[6] //1thegioi.vn/an-giang-co-be-dat-diem-10-van-tro-thanh-tam-diem-cong-kich-cua-du-luan-46108.html

[7] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/3-ly-do-khien-diem-thi-ngu-van-nam-nay-cao-bat-thuong-post211982.gd

[8] //kinhtedothi.vn/bo-gddt-sua-nhieu-quy-dinh-trong-quy-che-thi-tot-nghiep-trung-hoc-pho-thong-408854.html?fbclid=IwAR06uEJ3PTfsJF78E0fF45svwEFQwaleLnENWfKbGD0aWXSNepIMKPmwMR8

[9] //plo.vn/xa-hoi/giao-duc/so-gddt-an-giang-noi-ve-bai-thi-ngu-van-dat-diem-10-935026.html

[10] //www.tienphong.vn/giao-duc/cham-cheo-thi-tot-nghiep-thpt-co-ngan-duoc-tieu-cuc-1325912.tpo

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên