Dạy môn học tích hợp, coi chừng sẽ thành “thầy bói xem voi”

16/02/2021 06:36
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Từ năm học 2021-2022, học sinh bậc trung học cơ sở sẽ được học môn tích hợp nhưng nhiều giáo viên vẫn băn khoăn, không biết phải “tích” thế nào cho “hợp”.

Chương trình giáo dục phổ thông mới của bậc trung học cơ sở có 2 môn tích hợp đáng quan tâm là môn Khoa học tự nhiên (tích hợp từ 3 môn Vậy lý, Hóa học, Sinh học) và môn Lịch sử và Địa lý (tích hợp 2 môn Lịch sử, Địa lý).

Chương trình sẽ áp dụng bắt đầu ở lớp 6 từ năm học 2021 – 2022, khiến giáo viên và những người quan tâm đến giáo dục không khỏi lo lắng, bởi tới đây không biết công tác nhân sự, chuyên môn được thay đổi như thế nào cho phù hợp.

Những câu chuyện "cười ra nước mắt" về tích hợp nội môn, liên môn

Nhiều giáo viên dạy Ngữ văn từng nghe câu chuyện cười ra nước mắt đó là, khi giảng tác phẩm “Bình Ngô đại cáo” (Nguyễn Trãi), phần nói về tội ác của giặc Minh được thể hiện qua câu thơ: “Tàn hại cả giống côn trùng cây cỏ”, thì sách hướng dẫn yêu cầu cần cho học sinh ý thức... bảo vệ môi trường, không hủy hoại môi trường sống.

Hay có giáo viên dạy tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” (Nguyễn Dữ) đến đoạn Trương Sinh nghi ngờ Vũ Nương không chung thủy bèn mắng nhiếc, đánh đuổi vợ đi, đã tích hợp với môn Giáo dục công dân - hành động đánh vợ của người chồng là vi phạm pháp luật theo khoản mấy, điều mấy của Bộ Luật hình sự.

Hoặc, năm học 2019-2020, Tổ Ngữ văn một trường trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức dạy học STEM với chuyên đề “Da cam - chiến tranh đi qua - nỗi đau ở lại”, cũng khiến nhiều giáo viên thắc mắc.

Chuyên đề này tích hợp các thức hóa học, vật lí, lịch sử… nhằm giúp học sinh hình thành, rèn luyện tri thức, năng lực thông qua các đề tài, các bài học có liên quan… là quá tải với người hướng dẫn – giáo viên giảng dạy môn Ngữ văn.

Ba ví dụ trên cho thấy, cho dù tích hợp nội môn hay liên môn thì giáo viên cần phải biết tích hợp ở nội dung nào, tích hợp bao nhiêu là đủ, nhất là không phải bài nào cũng cần đến tích hợp. Bởi tích hợp như thế là khiên cưỡng, nếu làm không khéo thì dễ sa đà, tràn lan, phản tác dụng.

Dạy môn học tích hợp, coi chừng sẽ thành “thầy bói xem voi”. (Ảnh minh hoạ, nguồn: vtr.org.vn)

Dạy môn học tích hợp, coi chừng sẽ thành “thầy bói xem voi”. (Ảnh minh hoạ, nguồn: vtr.org.vn)

Môn học tích hợp – hiểu không đúng bản chất của khái niệm tích hợp

Ngày 28/11/2015, trả lời phỏng vấn Báo điện tử VnExpress về dạy học tích hợp, thầy Nguyễn Văn Khánh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết:

“Về từ nguyên, tích hợp (Integration) có nguồn gốc từ tiếng La-tinh với nghĩa là xác lập cái chung, cái toàn thể, cái thống nhất trên cơ sở các bộ phận riêng lẻ, tức là kết hợp các phần, các bộ phận với nhau trong một tổng thể.

Trong lĩnh vực khoa học giáo dục, khái niệm tích hợp dùng để chỉ tư tưởng giáo dục toàn diện, làm cho con người phát triển hài hòa, cân đối.

Dạy học tích hợp được hiểu là định hướng dạy học trong đó giáo viên tổ chức, hướng dẫn sao cho học sinh biết huy động tổng hợp kiến thức, kỹ năng đã có thuộc các lĩnh vực để giải quyết được nhiệm vụ học tập và qua đó mà hình thành kiến thức, kỹ năng mới”.

Chúng tôi đem vấn đề này trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Văn B., là tác giả biên soạn phần tiếng Việt của sách Văn bậc trung học phổ thông trước năm 2000 thì thầy nói đại ý như sau.

Môn học Khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội chỉ thuần túy là tên gọi chứ không phải gộp các môn lại với nhau thì ra một môn mới.

Nếu cho rằng, gộp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học để thành môn Khoa học tự nhiên thì phải xóa hết tên gọi của các môn thành phần – chuyện này không ai làm được và không có khả năng làm ở thời điểm này.

“Nếu một thầy dạy 3 môn – ví như môn Khoa học tự nhiên, không khéo sẽ thành “thầy bói xem voi” (chỉ đánh giá sự vật, hiện tượng phiến diện, không có cái nhìn bao quát – tác giả), thầy B. nói thêm.

Còn Tiến sĩ Toán học Nguyễn Ngọc C. (Hà Nội) khẳng định, nhiều người hiểu không đúng bản chất của khái niệm tích hợp.

Thầy C., nêu dẫn chứng, vào những năm 60 của thế kỷ 20, ở miền Bắc học sinh bắt đầu được học Địa lý vào lớp 4. Các em được làm quen với đất đai, núi sông, khí hậu, khí quyển, mặt trời, trăng, sao. Địa lý đã là một môn tích hợp cả các khoa học Trái Đất, cả thiên văn học, cả vũ trụ học.

Tương tự như vậy là môn Lịch sử. Khi học “Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc” là các em được học về nhân cách, về luân lý, về đạo đức.

Khi học về sự thay đổi các nền văn minh, thay đổi các triều đại, là các em biết được tính quy luật của triết học. Khi đối mặt với lịch sử các dân tộc khác là các em biết về tiến trình văn mình của loài người, là biết về chủng tộc, biết về xã hội học.

“Lịch Sử đã là một môn vô cùng phức hợp. Nay lại gộp Địa lý – Lịch sử vào một môn thì thật không thể hiểu nổi”, thầy C. bày tỏ.

Đi ngược với xu thế chuyên môn hóa và giáo viên không đủ năng lực để dạy

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc C. khẳng định, muốn đi xa, đua tranh đỉnh cao, thì phải rất tinh nhuệ, vì thế cần phải được chuyên luyện.

Thế giới khoa học và giáo dục từ đó mà lan tỏa, đi sâu vào các vấn đề rất tinh vi. Đó là quá trình vi phân hóa của tự nhiên.

“Cùng là dạy môn Vật lý với cùng nội dung mà thầy giỏi sẽ dạy tốt hơn thầy không giỏi. Cùng một con người nhưng học chuyên về Vật lý thì sẽ có kiến thức tốt hơn là bắt học cùng lúc 3 môn Vật lý – Hóa học – Sinh học.

Gộp 3 môn này lại là đi ngược với xu thế chuyên môn hóa, không đào tạo được giáo viên giỏi, không cho học sinh cơ hội có thầy giỏi và đi vào chuyên sâu – làm giảm khả năng cạnh tranh việc làm của học sinh trong tương lai”, thầy C. phân tích.

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc C., muốn dạy được 3 môn Vật lý – Hóa học – Sinh học ở phổ thông thì phải là thầy rất giỏi. Một lớp trung bình có 40 học sinh, có được mấy em học giỏi cả 3 môn này?

Nếu không có các em học sinh học giỏi cả 3 Vật lý – Hóa học – Sinh học thì lấy đâu ra thầy giỏi cho 3 môn đó? Chưa nói là tất cả các em học sinh học giỏi cả 3 môn Vật lý – Hóa học – Sinh học sẽ đi theo nghề sư phạm.

“Có người sẽ biện hộ, rằng đây là Vật lý – Hóa học – Sinh học cho trung học cơ sở, chứ không phải ở trung học phổ thông, nên giáo viên chỉ cần trình độ thấp hơn.

Muốn tiến xa, muốn đua tranh đỉnh cao, thì phải học với thầy giỏi từ đầu. Mà thời đại ngày nay là đua tranh quốc tế. Cùng là thái thịt, nhưng dao cùn, dao sắc, dao rất sắc, sẽ cho kết quả rất khác nhau”, thầy C. nêu quan điểm.

Những năm qua, trên diễn đàn của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có rất nhiều bài viết bàn về môn học tích hợp, đa phần các tác giả cho rằng, đây là kiểu lắp ghép cơ học các môn học và giáo viên khó lòng dạy tốt bởi không được đào tạo chuyên sâu (hoặc có chăng nữa thì người thầy cũng rất khó toàn năng – dạy giỏi các môn).

Chưa kể, để dạy môn học tích hợp thì khâu nhân sự, chuyên môn - tức là việc bố trí, sắp xếp giáo viên giảng dạy sao cho hợp lí, rồi ai người chịu trách nhiệm về chất lượng giảng dạy, vẫn là bài toán nan giải…

Tài liệu tham khảo:

//vnexpress.net/tich-hop-dang-bi-hieu-sai-3319246.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên