Trẻ nghỉ học để phòng dịch, gia đình phải làm sao để con không quậy?

23/02/2021 06:26
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Người lớn nói với trẻ nhiều lần cái này, cái kia không được thì sẽ hình thành cho trẻ sự nhút nhát không dám quyết, luôn phụ thuộc vào sự lựa chọn của người khác.

“Trẻ em phát triển tính cách phụ thuộc khá nhiều vào môi trường giáo dục trong gia đình, có thể chia trẻ thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là gia đình có sự tìm hiểu về giáo dục hoặc lựa chọn theo một phương pháp khoa học thì thường nhóm trẻ này được tạo ra một nề nếp hoặc một văn hóa riêng của gia đình. Những trẻ này có mức độ hợp tác và theo tôi quan sát các em đó có phần tốt hơn.

Còn với những gia đình nuôi con theo kiểu tự nhiên, không có khuôn khổ, để trẻ quá tự do hoặc đôi khi là quá nghiêm khắc…thì gần như là xu hướng của nhóm trẻ này cũng rất khác biệt và thường thích làm theo ý mình.

Trẻ muốn được làm nhưng gia đình lại kìm hãm dẫn đến những sự sáng tạo và ý chí của trẻ bị mất đi rất nhiều. Trẻ em thường bộc lộ cá tính từ 4 đến 6 tuổi.

Chúng ta thường thấy trẻ trước 3 tuổi thì rất ngoan, cha mẹ sắp đặt thế nào con cũng nghe lời, tuy nhiên sau 3 tuổi thì trẻ con đã ít chịu nghe lời. Thực ra không phải là trẻ cố tình không nghe mà lúc đó các em đã hình thành cái tôi người lớn. Đây là điểm quan trọng mà các bậc cha mẽ cần nắm bắt được”.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Phương Chi - Giáo viên phương pháp giáo dục Montessori Quốc tế lứa tuổi 0-3 và 3-6 chia sẻ.

Cô Nguyễn Phương Chi: "Trẻ muốn được làm nhưng gia đình lại kìm hãm dẫn đến những sự sáng tạo và ý chí của trẻ bị mất đi rất nhiều". Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cô Nguyễn Phương Chi: "Trẻ muốn được làm nhưng gia đình lại kìm hãm dẫn đến những sự sáng tạo và ý chí của trẻ bị mất đi rất nhiều". Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Theo cô Chi: “Sau 3 tuổi là thời điểm trẻ hình thành cái tôi cá nhân và ý chí, trẻ muốn làm theo sự dẫn dắt và điều khiển từ bên trong nội tại trẻ, bên trong trẻ có sự thúc giục và các bạn đó sẽ làm như vậy.

Lúc này nếu như mong muốn của cha mẹ trùng khớp với mong muốn của trẻ thì sẽ có sự hợp tác, và cha mẹ sẽ thấy hài lòng vì đứa trẻ ngoan. Còn nếu như trái ngược thì cha mẹ sẽ không chấp nhận và đó cũng là hiện tượng khủng hoảng tuổi lên 3.

Nhưng thực chất lúc đó tính cách của trẻ đã bắt đầu thay đổi, nếu làm đúng thì lúc này cha mẹ cần cho con có sự lựa chọn 1 trong 2, ví dụ trong 2 chiếc áo này con thích mặc cái nào? 1 trong 2 vẫn nằm trong sự kiểm soát của bố mẹ và việc này sẽ dễ hơn đối với trẻ khi trong suy nghĩ của chúng chỉ là 1 hay 2 mà thôi.

Nếu bố mẹ hỏi con thích ăn gì thì có thể trẻ đòi hỏi một thứ không thể có ngay lập tức thì cũng rất khó, vậy nên con muốn ăn cơm hay ăn phở thì việc đó bố mẹ có thể đáp ứng được ngay. Việc này sẽ dễ hơn và người lớn cần phải hiểu tâm lý trẻ”.

Cô Chi cho biết: “Từ lúc 4 đến 6 tuổi thì cái tôi cá nhân của trẻ càng bộc lộ rõ dệt hơn, đồng thời xuất hiện những tính cách như tính sở hữu và cái gì cũng là của con, của con và thậm chí đồ chơi của bạn trẻ cũng nghĩ là của mình.

Giai đoạn này nếu người lớn ứng xử một cách khéo léo thì sau đó trẻ sẽ lại bình ổn và trưởng thành một giai đoạn khác. Theo tôi thì trẻ nên được tôn trọng ngay từ bé, những việc không đến mức người lớn phải can thiệp quá nhiều thì hoàn toàn nên để cho trẻ được quyết định.

Có thể mọi người cho rằng như vậy là quá nuông chiều trẻ, nhưng thực ra vẫn có một giới hạn nếu việc đó không quá nguy hiểm và ảnh hưởng đến mọi người thì vẫn nên để cho trẻ lựa chọn nhưng vẫn chịu sự hướng dẫn, kiểm soát từ xa của người lớn.

Làm như vậy thì cả người lớn và trẻ đều không bị căng thẳng, trẻ con có quyền được sai và tự nhận ra sai lầm đó, chứ trẻ không thể chờ đợi ở người lớn luôn luôn nói rằng cái này không được, cái kia không được…

Nếu người lớn nói với trẻ nhiều lần cái này hay cái kia không được, từ chối trẻ rất nhiều lần thì dần dần hình thành cho trẻ sự nhút nhát, không dám lựa chọn và luôn luôn phải sống phụ thuộc vào sự lựa chọn của người khác. Một đặc tính nữa của trẻ là thường không nhớ những gì chúng được nghe mà những gì trẻ được tận mắt nhìn thấy sẽ làm chúng nhớ lâu hơn”.

Dù trẻ bé hay lớn thì chúng ta cần phải nói chuyện này với trẻ thể hiện sự tôn trọng coi con như người lớn, việc này khuyến khích trẻ có suy nghĩ nghiêm túc về mọi việc khi nghỉ ở nhà. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Dù trẻ bé hay lớn thì chúng ta cần phải nói chuyện này với trẻ thể hiện sự tôn trọng coi con như người lớn, việc này khuyến khích trẻ có suy nghĩ nghiêm túc về mọi việc khi nghỉ ở nhà. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cần tạo môi trường giúp trẻ thấy hứng thú

Cô Chi nói: “Cụ thể hiện nay các em đang được nghỉ học ở nhà để phòng chống dịch, cha mẹ cần có phương án hợp lý để giúp trẻ sắp xếp lịch sinh hoạt học và chơi ở nhà sao cho hiệu quả.

Cha mẹ cần quan sát con trẻ nhiều hơn, các bạn đó rất cần tạo môi trường phù hợp. Nếu muốn cho trẻ tự giác học, tự chơi…một cách vui vẻ thì phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Môi trường phù hợp, có nghĩa mọi thứ xung quanh trẻ đều vừa trong tầm tay và là những thứ trẻ yêu thích để khơi gợi sự hứng thú.

Hãy thử đặt địa vị mình vào con trẻ khi được nghỉ ở nhà trong thời gian dài, trẻ sẽ thấy phòng ngủ là của bố mẹ, phòng khách là của ông bà, mọi thứ đều của người lớn và không có gì gần gũi hứng thú với trẻ, lúc này trẻ không muốn học, không muốn chơi ngoan mà sẽ đi quanh nhà quậy phá.

Vậy nên rất cần cha mẹ bố trí riêng một phòng nhỏ để trẻ được làm bất cứ việc gì theo sở thích nhưng giới hạn trong một không gian đó mà thôi.

Ví dụ trong phòng nhỏ có góc đồ chơi liên quan đến khoa học, chỗ thì có những quyển sách giúp khám phá mọi điều trong cuộc sống, chỗ để trẻ có thể vẽ hoặc sáng tạo…như vậy tự nhiên trẻ có sẵn cả một thế giới riêng của mình thì đâu cần phải bận tâm đi quậy phá những thứ khác nữa.

Với việc ở nhà học Online cũng vậy, trước hết bố mẹ cần phải nói chuyện với con rằng nhà trường có thông báo từ ngày mai con bắt đầu nghỉ học ở nhà để phòng chống dịch và việc nghỉ học sẽ là khoảng 10 ngày…

Dù trẻ bé hay lớn thì chúng ta cần phải nói chuyện này với trẻ thể hiện sự tôn trọng coi con như người lớn, việc này khuyến khích trẻ có suy nghĩ nghiêm túc về mọi việc khi nghỉ ở nhà.

Chúng ta có thể thông tin đến con trẻ về dịch bệnh, và nếu con quá nhỏ thì chúng ta có thể miêu tả một chút về vi rút để con có thể hình dung ra được. Nên dùng những từ đơn giản để diễn đạt sự việc, từ đó trẻ sẽ hiểu lý do mình phải nghỉ học ở nhà.

Việc đó cũng có tác dụng giúp trẻ học cách diễn đạt ngôn ngữ từ bố mẹ, học cách hiểu vấn đề, nguyên nhân, kết quả…sau đó bố mẹ cùng với trẻ lên kế hoạch cho trẻ làm việc ở nhà bắt đầu từ ngày mai.

Mấy giờ con ngủ dậy, ngồi vào bàn học Online ra sao, giờ nghỉ giữa các tiết học thế nào, ăn trưa và nghỉ ngơi sao cho hợp lý, lịch này càng chi tiết càng tốt để giúp trẻ dễ thực hiện. Tất nhiên người lớn cũng có thể phải ở nhà cùng con nếu trẻ còn bé.

Với những em bé hơn thì bố mẹ nên hỏi: Theo con thì mình cần phải chuẩn bị những gì nếu như muốn học, muốn vẽ, muốn đọc sách…để từ đó cùng với con liệt kê ra và chuẩn bị. Việc này giúp trẻ hình thành ý thức tự chủ trong công việc.

Ngoài ra buổi chiều rảnh có thể rủ con hoạt động cùng trong việc thể dục, nấu ăn, vừa trò chuyện, vừa tạo sự gần gũi thoải mái tâm lý cho trẻ vì nghỉ ở trong nhà cả ngày. Tốt nhất là cho trẻ được lựa chọn hoạt động mà trẻ yêu thích, như vậy sẽ hiệu quả hơn. Người lớn cũng vậy thôi”.

Cứ tìm hiểu và giúp đỡ trẻ từng chút như vậy khiến cho trẻ cảm thấy được quan tâm, động viên và dần sẽ có hứng thú tự giác học tập trong những ngày phải học ở nhà. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cứ tìm hiểu và giúp đỡ trẻ từng chút như vậy khiến cho trẻ cảm thấy được quan tâm, động viên và dần sẽ có hứng thú tự giác học tập trong những ngày phải học ở nhà. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cô Chi chia sẻ thêm: “Mình không nên áp đặt rằng con phải học thế này, con phải làm việc kia…mà nên dùng cách nói: Mẹ nghĩ rằng nên thế này hoặc con nghĩ sao khi chúng ta cùng ngồi vào bàn học. Đó là cách người lớn nên nói với trẻ.

Nếu như trẻ không thích ngồi vào bàn để học Online, lúc đó chúng ta cần phải tìm hiểu vấn đề, hỏi xem trẻ có cần trợ giúp gì không, xem trẻ gặp phải khó khăn gì? Đôi khi là do trẻ chưa quen với thao tác trên máy tính, hoặc học ở nhà không vui bằng học ở trường cũng làm trẻ mất hứng thú.

Cứ tìm hiểu và giúp đỡ trẻ từng chút như vậy khiến cho trẻ cảm thấy được quan tâm, động viên và dần sẽ có hứng thú tự giác học tập trong những ngày phải học ở nhà.

Việc cần thiết là phải làm cho con trẻ cảm thấy thật thoải mái, nếu cứ mắng rằng con lười, con không chịu học…thì chỉ làm cho trẻ cảm thấy sợ hãi, không muốn chia sẻ những khó khăn mà các con đang gặp phải.

Đó cũng là cách để cha mẹ làm bạn với con, cùng con tháo gỡ những vướng mắc và như vậy trẻ sẽ cảm thấy tin tưởng để chia sẻ hết mọi chuyện.

Theo tôi nghiên cứu thì những biện pháp này có thể áp dụng cho tất cả các con ở các cấp học phổ thông, nếu như cha mẹ làm đúng như vậy sẽ rất có tác dụng. Đó cũng là dạy trẻ theo phương pháp Montessori Quốc tế.

Điều quan trọng khi làm việc với trẻ thì từ những cách người lớn làm, cách nói, cách ứng xử…thì tất cả đều là bài học của con, kể cả việc người lớn cáu gắt, dùng hành động thì trẻ cũng sẽ học theo.

Một điều nữa là tất cả người lớn trong gia đình phải đồng nhất một cách ứng xử thì việc dạy trẻ mới mang tính hiệu quả cao, còn nếu bố mẹ làm được tốt điều đó nhưng ông bà lại không thì cũng không ra được kết quả tốt.

Vậy nên trước khi thực hiện, cha mẹ của trẻ cũng cần phải nói chuyện với ông bà trên tinh thần cầu thị, tôn trọng mong ông bà hiểu đây là theo khoa học chứ không phải theo quan điểm riêng của bố mẹ và cùng phối hợp, hỗ trợ dạy trẻ trong thời gian nghỉ học ở nhà và có thể áp dụng lâu dài trong việc nuôi dạy trẻ”.

Tùng Dương