9 cán bộ dùng bằng giả là hồi chuông cảnh tỉnh với công tác nhân sự địa phương

22/03/2021 08:23
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Đó không phải câu chuyện riêng của một xã, một địa phương mà là bài học về công tác tuyển chọn nhân sự, cán bộ ở nước ta hiện nay”, ông Lê Như Tiến khẳng định.

Công tác chuẩn bị nhân sự bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp đang được các địa phương thực hiện nghiêm túc, cẩn trọng, công khai.

Nhân sự chuẩn bị cho bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp diễn ra sắp tới bắt buộc phải là những người có tài năng, phẩm chất, đạo đức trong sáng. Đặc biệt, khi tham gia vào quá trình ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp thì yếu tố đầu tiên phải coi trọng đó là sự trung thực.

Tuy nhiên, như Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa, ngày 17/3, trong quá trình kiểm tra, rà soát cán bộ chuẩn bị công tác nhân sự bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp gần tới, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai cho biết, qua xác minh 10 bằng tốt nghiệp trung học phổ thông do Huyện ủy Ia Pa đề nghị thẩm tra thì có đến 9 trường hợp sử dụng bằng giả, không phải do Giám đốc Sở cấp.

Điều đáng nói là cả 9 nhân sự sử dụng bằng tốt nghiệp trung học phổ thông giả đang nắm các vị trí quan trọng trong bộ máy chính quyền tại các xã khác nhau.

Vậy lâu nay, tại những địa phương này, công tác điều tra, kiểm tra, giám sát nhân sự được cơ quan, tổ chức nào thực hiện? Ai sẽ là người sẽ chịu trách nhiệm cho những sai sót nghiêm trọng này?

Từ vụ việc trên, các địa phương khác sẽ có hành động gì để ngăn chặn những trường hợp tương tự?

Trao đổi với Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII) cho biết: “Sự việc xảy ra tại huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai, là bài học về công tác nhân sự cho cả nước chứ không phải chỉ dành cho một xã, một địa phương.

Tất cả công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt của chúng ta phải là thực chất, phải trung thực, tuyệt đối không được dùng bằng cấp, giấy tờ giả. Dùng bằng giả hoặc những kiến thức giả chính là lừa dối nhân dân, lừa dối các cơ quan tuyển dụng.

Chúng ta chứng kiến từng có những trường hợp sử dụng hồ sơ giả, bằng giả, thậm chí là quá trình công tác giả để đánh lừa các cơ quan tổ chức, cơ quan tuyển dụng đã bị xử lý.

Ở đây không chỉ là vụ việc nghiêm trọng tại một địa phương mà phải có cái nhìn tổng quát rộng ra cả nước, bởi ở một số nơi đã xảy ra chuyện cán bộ lên cấp sở, thậm chí lên cấp cục, vẫn sử dụng bằng giả, hồ sơ giả. Đó chính là đánh lừa tổ chức, không xứng đáng là cán bộ đảng viên, chứ đừng nói đến đại biểu đại diện cho nhân dân”.

Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII). Ảnh: Tùng Dương.

Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII). Ảnh: Tùng Dương.

Theo ông Lê Như Tiến, vụ việc xảy ra ở các xã tại huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với những người ứng cử, tuyển dụng vào làm các vị trí cơ quan dân cử, cơ quan hành pháp, cơ quan lập pháp hoặc cơ quan tư pháp nhưng sử dụng các hình thức lừa dối, nhằm “chui sâu, leo cao” vào các cơ quan bộ máy nhà nước sẽ bị lên án, xử lý nghiêm khắc và triệt để.

“Để xảy ra những vụ việc như trên tại các địa phương thì các cơ quan chức năng phải vào cuộc, thanh tra, kiểm tra đưa họ ra ánh sáng. Nếu người đó đã bổ nhiệm thì vẫn phải cách chức, ngay lập tức.

Trong thời gian vừa qua, chúng ta đã thấy rất nhiều cán bộ trong cơ quan nước gian dối bằng cấp, trình độ, chứ không phải cá biệt. Khi cần một vị trí nào đó họ cố kiếm cho được cái bằng, chứng chỉ để có đủ hồ sơ đúng quy hoạch.

Có những trường hợp đã bị phát hiện bằng giả và kiến thức tất nhiên cũng giả. Và, tôi cũng băn khoăn với một số trường hợp bằng thì thật, nhưng kiến thức có giả không? Đây là vấn đề rất nguy hiểm trong xã hội hiện nay, nếu không bị phát hiện xử lý triệt để thì hậu quả là rất nghiêm trọng”, ông Tiến nhận định.

Nói đến vấn đề sử dụng bằng cấp giả hiện nay, ông Lê Như Tiến cho rằng đó là điều đáng buồn trong công tác đào tạo, tuyển dụng nhân sự. Mặc dù đã có những trường hợp bị xử phạt nghiêm khắc nhằm răn đe nhưng thực tại vẫn còn tồn tại nhiều cán bộ yếu kém về cả trình độ, tài năng và đạo đức, nhưng tham lam, lừa dối nhân dân, lừa dối cơ quan, đứng vào đội ngũ cán bộ để vơ vét, trục lợi vì động cơ cá nhân.

“Tôi cho rằng, dù ở mức độ lừa dối nào thì tổ chức cơ quan quản lý nhà nước về nhân sự, về giáo dục, thanh tra các cấp các ngành phải vào cuộc và đưa họ ra ánh sáng. Những cán bộ có biểu hiện dối trá, sai phạm với Đảng và nhà nước, sau này nếu họ giữ một vị trí nào đó họ cũng lừa dối nhân dân. Đó là tai họa không thể lường hết!”, ông Tiến nói.

Công tác tuyển dụng nhân sự trở thành đội ngũ cán bộ của đất nước, dù ở cấp nào thì đạo đức cũng luôn được coi là tiêu chí quyết định bên cạnh tài năng. Một cán bộ thực thi những mong muốn, gửi gắm của nhân dân thì không thể nào có những biểu hiện dối trá.

Nếu một cán bộ có biểu hiện không trong sạch đứng vào đội ngũ của Đảng, nhà nước thì không thể vì nước, vì dân bởi ngay trong quá trình tuyển dụng, bản thân họ đã không trung thực, đưa lợi ích cá nhân trở thành mục đích, ưu tiên.

Để lựa chọn được những cán bộ xứng đáng với niềm tin của nhân dân, của đất nước, ông Tiến cho rằng: “Tôi thấy bằng cấp cũng chỉ là một yếu tố trong công tác tuyển dụng cán bộ. Đó là yếu tố cần chứ không phải yếu tố đủ.

Khi đi nghiên cứu một số nước trên thế giới, cả châu Âu và một số nước châu Á, tôi thấy rằng ngoài việc xem xét hồ sơ, lý lịch, bằng cấp, quan trọng nhất là họ có những cuộc phỏng vấn trực tiếp đối với người được tuyển dụng.

Tại đó, nhà tuyển dụng sẽ đưa ra những tình huống cụ thể để nhân sự bằng những kiến thức của mình sẽ xử lý. Nếu xử lý tốt nhân sự đó được tuyển dụng, không tốt sẽ bị loại. Như vậy, họ tuyển dụng nhiều bằng thực lực, năng suất làm việc thực tế chứ không nặng về bằng cấp.

Còn đối với chúng ta nếu cứ nặng về bằng cấp thì sẽ xảy ra việc mua bằng, bán điểm. Có thể là một hồ sơ đẹp nhưng cuối cùng đưa vào những công việc cụ thể thì không làm được việc và vụ việc xảy ra ở Đại học Đông Đô vừa qua là một ví dụ điển hình.

Chính vì thế, tuyển dụng, tuyển mộ nhân sự, cán bộ vào bộ máy nhà nước hiện nay bên cạnh việc quy định, quản lý, rà soát chặt chẽ về những bằng cấp thật sự cần thiết, loại bỏ những chứng chỉ, bằng cấp mang tính hình thức thì việc theo dõi, kiểm tra, đốc thúc về hiệu quả công việc thực tế, thực chứng về năng lực, có kết quả mang lại của mỗi cán bộ, nhân sự.

Đó là bài toán khó, nhưng chúng ta cần phải thực hiện bằng được, bởi một cán bộ tốt, lo cho nhân dân, vì nhân dân mới mang lại lợi ích cho nhân dân, cho đất nước”.

Cao Kim Anh