Thi và kiểm tra học kỳ, gọi thế nào cho đúng?

15/05/2021 06:39
LÊ VĂN MINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chỉ tiếc, hiện nay có một số người do thói quen nên vẫn nói và viết là “thi học kỳ” vào dịp kiểm tra học kỳ I, kiểm tra học kỳ II của từng năm học.

Hiện nay, khái niệm “thi” và “kiểm tra” đang có một số người nhầm lẫn, nhất là thời điểm cuối năm học như bây giờ thì trên một số tờ báo vẫn thường gọi là thi học kỳ II. Nhưng, thực tế có phải là “thi học kỳ” hay không?

Trong các văn bản hướng dẫn hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, không có văn bản nào gọi là “thi học kỳ” mà tất cả các văn bản chỉ dùng cụm từ “kiểm tra thường xuyên”; “kiểm tra định kỳ” và kiểm tra học kỳ nằm trong “kiểm tra định kỳ”.

Vì vậy, việc kiểm tra cuối học kỳ I hay học kỳ II ở các nhà trường phổ thông trên cả nước thì nên gọi là “kiểm tra” mới đúng bản chất sự việc. Chỉ tiếc, một số người cứ quen miệng, quen tay để nói và viết là “thi học kỳ”- đây là một nhầm lẫn đáng tiếc nhưng nó thường xuyên được lặp lại vào dịp cuối mỗi học kỳ.

Từ "thi" và "kiểm tra" vẫn đang bị gọi nhầm lẫn (Ảnh minh họa: P.L.)

Từ "thi" và "kiểm tra" vẫn đang bị gọi nhầm lẫn (Ảnh minh họa: P.L.)

Thông thường, những kỳ thi thường là Bộ, Sở, hoặc cấp Phòng Giáo dục… đứng ra tổ chức, như: kỳ thi quốc gia (trước đây); thi tốt nghiệp trung học phổ thông (hiện nay); thi học sinh giỏi quốc gia, thi học sinh giỏi cấp tỉnh; thi học sinh giỏi cấp huyện; thi tuyển sinh 10;

Hội thi Phù Đổng; thi viết chữ đẹp; thi vẽ tranh; thi kể chuyện; thi ca múa nhạc…

Đã là “thi” thì thường mang phạm vi lớn giữa đơn vị này với đơn vị khác, thi để cạnh tranh thứ bậc cao thấp với nhau và tỉ lệ, số lượng giải đã được ấn định từ trước (chỉ trừ thi tốt nghiệp trung học phổ thông).

Và, khi tham gia thi thì có em đậu, có em rớt, có em đạt giải cao và có em không đạt giải. Những em không đạt giải thì không có cơ hội “thi lại” trong năm học đó để đạt giải mới thôi. Người thi chỉ được thi một lần duy nhất trong thời gian tổ chức kỳ thi được cấp có thẩm quyền quy định.

Còn đối với việc “kiểm tra” thì thường mang tính đánh giá lại quá trình của người học trong phạm vi từng đơn vị trường học.

Khi đủ các cột điểm kiểm tra nếu như người học chưa đủ điểm trung bình (điểm 5) thì có thể kiểm tra lại cho đạt yêu cầu. Việc kiểm tra lại thường được các trường tổ chức vào dịp hè, khi mà tất cả các môn học được tính bình quân nhưng vẫn không đủ điểm để lên lớp.

Việc kiểm tra ở trường học phổ thông hiện nay có 2 hình thức là kiểm tra thường xuyên và định kỳ. Kiểm tra thường xuyên (điểm hệ số 1) thì có nhiều cột điểm, kiểm tra định kỳ có 2 lần trong học kỳ là kiểm tra giữa kỳ (điểm hệ số 2) và kiểm tra cuối kỳ (điểm hệ số 3).

Điều này được hướng dẫn cụ thể trong Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT (trước đây); Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT bây giờ và trong nội dung tập huấn về chương trình giáo dục phổ thông 2018 mà giáo viên đang tập huấn cũng gọi là kiểm tra thường xuyênkiểm tra định kỳ.

Đầu năm học 2020-2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT đã hướng dẫn việc kiểm tra thường xuyên, định kỳ cụ thể tại điểm a, b, khoản 1, Điều 7 như sau:

a) Kiểm tra, đánh giá thường xuyên:

- Kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện trong quá trình dạy học và giáo dục, nhằm kiểm tra, đánh giá quá trình và kết quả thực hiện các nhiệm vụ học tập, rèn luyện của học sinh theo chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành;

- Kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến thông qua: hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập;

- Số lần kiểm tra, đánh giá thường xuyên không giới hạn bởi số điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư này.

b) Kiểm tra, đánh giá định kì:

- Kiểm tra, đánh giá định kì được thực hiện sau mỗi giai đoạn giáo dục nhằm đánh giá kết quả học tập, rèn luyện và mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập của học sinh theo chương trình môn học, hoạt động giáo dục quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành;

- Kiểm tra, đánh giá định kì, gồm kiểm tra, đánh giá giữa kì và kiểm tra, đánh giá cuối kì, được thực hiện thông qua: bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính), bài thực hành, dự án học tập.

+ Thời gian làm bài kiểm tra, đánh giá định kì bằng bài kiểm tra trên giấy hoặc trên máy tính từ 45 phút đến 90 phút, đối với môn chuyên tối đa 120 phút.

Đề kiểm tra được xây dựng dựa trên ma trận, đặc tả của đề, đáp ứng theo mức độ cần đạt của môn học, hoạt động giáo dục quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

+ Đối với bài thực hành, dự án học tập phải có hướng dẫn và tiêu chí đánh giá trước khi thực hiện”.

Như vậy, chúng ta có thể thấy là trong Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT đã hướng dẫn việc kiểm tra thường xuyên, định kỳ và các văn bản liên quan không có chữ nào dùng từ “thi” học kỳ.

Chỉ tiếc, hiện nay có một số người do thói quen nên vẫn nói và viết là “thi học kỳ” vào dịp kiểm tra học kỳ I, kiểm tra học kỳ II của từng năm học.

Điều này không chỉ nhầm lẫn trên các phương tiện thông tin đại chúng, cách nói của phụ huynh, học sinh mà một số kế hoạch của Sở, Phòng, Ban giám hiệu nhà trường vẫn thỉnh thoảng còn xuất hiện chữ “thi”.

Khi gác kiểm tra thì vẫn có một số giám thị có thói quen ghi lên bảng của lớp là “Thi chất lượng học kỳ II, môn thi…”.

Hy vọng, bài viết nhỏ này sẽ giúp cho những người quen gọi là “thi học kỳ” sẽ nói và viết đúng từ ngữ, nhất là trên các phương tiện thông tin đại chúng cần viết đúng bản chất của từ ngữ này để tránh nhầm lẫn cho bạn đọc.

LÊ VĂN MINH