Sắp xếp đơn vị hành chính cần dẹp bỏ “Cua cậy càng, cá cậy vây”

28/06/2021 06:47
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo xu hướng của thế giới, việc Việt Nam tiến hành sáp nhập một số bộ, ngành là cần thiết và không thể chậm trễ.

Ngày 28/04/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Nội vụ về nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong đó có việc xây dựng bộ máy tổ chức Chính phủ với tinh thần là giảm khâu trung gian, giảm đầu mối, hoạt động hiệu lực, hiệu quả… [1]

Ngày 19/05/2021, tạp chí Tổ chức Nhà nước, cơ quan của Bộ Nội vụ đăng bài “Xây dựng Chính phủ tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với hoàn thiện mô hình tổ chức Bộ đa ngành, đa lĩnh vực”.

Bài viết đề cập ý kiến của nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc về cơ cấu bộ máy Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, theo đề xuất của ông Phúc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ sáp nhập với bộ Bộ Tài chính; Bộ Xây dựng sáp nhập với Bộ Giao thông vận tải. Đưa Ngân hàng Nhà nước ra khỏi cơ cấu Chính phủ trở thành ngân hàng trung ương của các ngân hàng.

Đáng chú ý là đề xuất thành lập lại Bộ Giáo dục, chuyển giáo dục đại học sang Bộ Khoa học và Công nghệ để thành lập Bộ Đào tạo đại học và Khoa học công nghệ. Đổi tên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thành Bộ Các vấn đề xã hội...

Với đề xuất này, Chính phủ sẽ bớt đi ba đầu mối và còn 19 bộ và cơ quan ngang bộ.

Trên mạng xã hội có thể tìm thấy một bài viết với tiêu đề “Chính phủ nhiệm kỳ mới tính toán thu gọn 2 bộ ngành”, tác giả bài viết cho rằng ngoài việc chuyển mảng giáo dục đại học về Bộ Khoa học và Công nghệ còn cần chuyển hoạt động đào tạo nghề từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về Bộ Khoa học - công nghệ và đào tạo (tức là Bộ Đào tạo đại học và Khoa học công nghệ, theo đề xuất của ông Phúc)…

Trên thế giới, tại Nhật Bản số lượng Bộ trưởng không quá 14 người, (trường hợp đặc biệt có thể đến 17 người), Pháp có 18 bộ, Singapore có 16 bộ, Hoa Kỳ có 15 bộ, Đức có 14 bộ,… [2]

Cán bộ xã Đặng Xá (huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. (Ảnh: Kinhtedothi.vn)

Cán bộ xã Đặng Xá (huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. (Ảnh: Kinhtedothi.vn)

Theo xu hướng của thế giới, việc Việt Nam tiến hành sáp nhập một số bộ, ngành là cần thiết và không thể chậm trễ, tuy nhiên cứ cho là thực hiện theo mô hình của Đức thì nhiều nhất Việt Nam cũng chỉ giảm được 8 bộ và cơ quan ngang bộ.

Trong trường hợp này (theo mô hình Đức) việc xây dựng Chính phủ tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả mới chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ việc giảm gánh nặng ngân sách, giảm đầu mối, biên chế và số người hưởng lương từ ngân sách.

Phần quan trọng nhất, mang tính cách mạng của cải cách hành chính và tinh giản biên chế là giảm số đơn vị hành chính cả ba cấp xã, huyện, tỉnh, cùng với đó là giảm những cơ quan, tổ chức không phải là cơ quan công quyền nhưng lại được ngân sách nhà nước bao cấp.

Về điều này chúng ta đã có kinh nghiệm từ hơn 40 năm trước.

Năm 1975, sau khi thống nhất cả nước có 72 đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố. Sau khi Quốc hội ra nghị quyết bãi bỏ, sáp nhập một số đơn vị hành chính vào cuối năm 1975, sang năm 1976 Việt Nam chỉ còn 38 tỉnh thành phố.

Đến năm 2004 số lượng tỉnh thành phố là 64, sau khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội con số 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giữ nguyên cho đến nay.

Tính từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới (năm 1986) đến năm 2021 đã có 19 tỉnh, thành phố, 282 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.505 xã/phường mới ra đời, bình quân mỗi năm xuất hiện thêm 8 huyện, 43 xã và chưa đến hai năm lại thêm một tỉnh mới được thành lập.

Chúng ta mất hơn 30 năm (tính từ năm 1986) để chia tách tỉnh, huyện, xã,… tạo nên thực trạng hôm nay với 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh, 713 đơn vị hành chính cấp huyện và 11.162 đơn vị hành chính cấp xã, vậy phải chăng muốn trở lại hiện trạng như thời kỳ 1986 sẽ phải cần 30 năm hoặc nhiều hơn nữa?

Trả lời chính xác cho câu hỏi này là bất khả thi bởi cho đến nay lãnh đạo Chính phủ mới yêu cầu Bộ Nội vụ: “Xây dựng đề án thí điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh”, cụ thể là:

“Nghiên cứu thí điểm đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh trên cơ sở quy hoạch tổng thể. Các đơn vị hành chính, cơ quan hành chính trực thuộc Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh cũng tiếp tục thực hiện việc sắp xếp tổ chức bên trong để đảm bảo tinh gọn. Còn việc sắp xếp theo hướng tổng thể cần phải nghiên cứu thêm”. [3]

Được biết ngày 25/05/2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13 đã ban hành Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 (Nghị quyết 1211) về “Tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính”.

Tròn 05 năm sau khi Quốc hội ban hành nghị quyết, quãng thời gian tương đương một nhiệm kỳ các cơ quan dân cử và cơ quan công quyền, người dân được biết có thông tin về việc Chính phủ nhiệm kỳ hiện tại bắt đầu “Xây dựng đề án thí điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh”.

Chính phủ nhiệm kỳ trước đã ban hành Quyết định số 241/QĐ-TTg phê duyệt “Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030” mà không hề đả động đến chuyện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Trong khi chờ đợi công bố “Đề án thí điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh”, khi Nghị quyết 1211 quy định rất rõ ràng, rằng thành phố trực thuộc Trung ương phải có quy mô dân số từ 1.500.000 người trở lên, diện tích tự nhiên từ 1.500 km2 trở lên thì Quyết định số 241/QĐ-TTg lại có dự kiến đưa Bắc Ninh thành phố trực thuộc Trung ương trong khi cả hai tiêu chí Quốc hội quy định tỉnh này đều không đạt.

Từng có ý kiến cho rằng quy hoạch thủ đô bị băm nát và nguyên nhân là “Do “nhóm lợi ích” trong lĩnh vực xây dựng, trước hết là quy hoạch không hợp lý hoặc quy hoạch bị băm nát theo ý đồ của nhà đầu tư để trục lợi”. [4]

Vậy nên việc cần làm ngay là:

Thứ nhất, xây dựng và ban hành quy hoạch tổng thể về số lượng và quy mô đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nếu Chính phủ nhận thấy Nghị quyết 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn phù hợp.

Trường hợp các tiêu chí trong Nghị quyết 1211 không phù hợp thì Chính phủ cần kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết mới, tốt nhất là ban hành “Luật Đơn vị hành chính” mới bởi hiện nay nước ta vẫn chưa có một bộ luật về đơn vị hành chính và chính quyền các cấp ngoại trừ Luật Tổ chức Chính phủ hoặc một dự thảo về “Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt”.

Thứ hai, nếu Nghị quyết 1211 vẫn giữ nguyên giá trị thì Chính phủ nên công bố Quy hoạch tổng thể về số đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện theo các tiêu chí trong Nghị quyết của Quốc hội.

Thứ ba, cần tiến hành việc sắp xếp, quy hoạch đồng thời các bộ, ngành và các đơn vị hành chính, không thể tách thành hai khối công việc trong đó quy hoạch đơn vị hành chính cấp tỉnh làm sau.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đều có kinh nghiệm trong thời gian lãnh đạo địa phương. Trao đổi với phóng viên VietnamPlus.vn, Bộ trưởng Trà đã nói đến kết quả của Yên Bái thời kỳ 2015-2020, theo đó tỉnh này “đã giảm được 405 cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh, cấp huyện, bằng 25,52% so với tổng số đầu mối tổ chức, cơ quan, đơn vị năm 2015; giảm 3.780 biên chế, đã giảm 11% so với năm 2015”. [5]

Bộ trưởng Trà cũng nhắc đến thành tích mà tỉnh Quảng Ninh đạt được, theo đó Quảng Ninh “Là một trong những địa phương đi tiên phong, gương mẫu, điển hình trong việc sắp xếp lại, tinh gọn bộ máy, giảm bớt các tầng nấc trung gian, bảo đảm hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị. Qua đó, đã đem lại tinh thần đổi mới sáng tạo, khơi thông và giải phóng tối đa các nguồn lực để đưa Quảng Ninh trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế toàn diện của phía Bắc Việt Nam”. [5]

Thứ tư, từ các số liệu nêu trên, người viết cho rằng sắp xếp các bộ, ngành là cần thiết nhưng chưa phải là giải pháp tối ưu. Cấp thiết nhất, quan trọng nhất với đất nước lúc này là sắp xếp lại các đơn vị hành chính theo hướng giảm tối đa cấp tỉnh, huyện.

Nếu có thể thì bỏ cấp huyện bởi đây là cấp trung gian tạo nên sự ngăn cách các chỉ đạo trực tiếp từ tỉnh xuống xã. Khi Chính phủ điện tử hoàn thiện, khi dữ liệu được số hóa và đất nước bước vào “kỷ nguyên số” thì nhiều dịch vụ công có thể thực hiện qua các thiết bị thông minh và người dân không cần đến vai trò cấp huyện.

Một chính quyền ba cấp (trung ương, tỉnh, xã) trong thời đại kỹ thuật số là điều nên được nhìn nhận. Cấp phường/xã là cấp chính quyền gần dân nhất nên phải được duy trì với mục đích thuận tiện cho dân, cấp này sau khi sắp xếp cần được củng cố nâng cao trình độ nhân sự và trang thiết bị thông tin liên lạc.

Hiện Thành phố Hồ Chí Minh đã thí điểm bỏ Hội đồng nhân dân cấp quận, vậy thì cũng có thể bỏ Ủy ban Nhân dân cấp quận và không có lý gì lại không thể áp dụng cho cấp huyện.

Từ trụ sở Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đến các phường thuộc các quận nội thành khoảng cách chỉ vài cây số, xa nhất đến các huyện ngoại thành thuộc Hà Tây cũ cũng chỉ vài chục cây số, ôtô chạy không quá một giờ vậy cần cấp quận/huyện để làm gì?

Cấp quận/huyện vừa tiêu tốn ngân sách, vừa tạo ra tầng lớp trung gian.

Về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, người viết cho rằng không nên quá chú trọng đến chuyện “vùng miền” hoặc “nội bộ” bởi hiện đã có chủ trương cán bộ lãnh đạo không phải là người địa phương.

Có thể sáp nhập sao cho cả nước còn khoảng 20 đơn vị hành chính cấp tỉnh, ưu tiên sáp nhập các địa phương theo hoạt động kinh tế, tránh tình trạng hình thành các tỉnh thuần nông bởi nếu chỉ dựa vào nông nghiệp không thể giàu.

Một ví dụ là sáp nhập trở lại Bắc Ninh và Bắc Giang, Bắc Ninh lấy công nghiệp làm cơ sở, Bắc Giang dựa vào thế mạnh nông nghiệp như chăn nuôi gà (Yên Thế) chuyên canh cây đặc sản (cam Bố Hạ, vải thiều Lục Ngạn,…) để phát triển. Bước đi bằng hai chân công – nông nghiệp luôn là cách đi ổn định, lâu dài.

Sắp xếp đơn vị hành chính các cấp, đặc biệt là cấp tỉnh động chạm đến vấn đề nhân sự là điều có thể thấy. Cách làm tốt nhất là trong năm 2021 Chính phủ hoàn thành đề án quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính cả nước sau đó đưa ra trưng cầu ý dân.

Khi dân đã quyết thì mọi sự “cua cậy càng, cá cậy vây” đều có thể biến thành rác thải./.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://baochinhphu.vn/Thoi-su/Phai-no-luc-rat-lon-boi-tinh-gon-bo-may-se-dung-den-loi-ich-ca-nhan/429735.vgp

[2]https://tcnn.vn/news/detail/37214/To_chuc_bo_may_Chinh_phu_mot_so_nuoc_va_kinh_nghiem_Viet_Nam_co_the_tham_khaoall.html

[3]https://www.vietnamplus.vn/co-cau-lai-bo-may-chinh-phu-thi-diem-xep-don-vi-hanh-chinh-cap-tinh/709138.vnp

[4]https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/nhung-ai-bam-nat-quy-hoach-thu-do-540812.html

[5] https://www.vietnamplus.vn/co-cau-lai-bo-may-chinh-phu-thi-diem-xep-don-vi-hanh-chinh-cap-tinh/709138.vnp

Xuân Dương