Chỉ hơn 1 điểm/môn đỗ lớp 10 là chất lượng kém, không thể đổ cho đề thi

14/07/2021 13:36
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- 5 môn thi mà có trường lấy 5 đến 6 điểm hoặc 9 đến 10 điểm thì phải khẳng định ngay rằng, chất lượng học tập của học sinh bậc trung học cơ sở đang có vấn đề.

Đánh giá trong bài viết: “Điểm chuẩn vào lớp 10 nhiều trường thấp không hẳn do chất lượng đầu vào” đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã làm cho tôi – một giáo viên có thâm niên nghề gần 30 năm và có rất nhiều cuộc nói chuyện, tiếp xúc với đông đảo đồng nghiệp khắp mọi miền đất nước cảm thấy bất ngờ.

Trường học lấy 5 môn 10 điểm thì chất lượng thật sẽ đáng báo động (Ảnh minh họa Lã Tiến)

Trường học lấy 5 môn 10 điểm thì chất lượng thật sẽ đáng báo động (Ảnh minh họa Lã Tiến)

Bất ngờ bởi, bài viết chính là chia sẻ của một chuyên gia giáo dục có kinh nghiệm trong công tác quản lý giáo dục (đề nghị không nêu tên) đã cho rằng, điểm chuẩn vào lớp 10 nhiều trường thấp không hẳn do chất lượng đầu vào.

Theo vị này: “Thực ra để đánh giá chất lượng học sinh của bậc học phổ thông thì đã có bộ tiêu chí đánh giá chuẩn đầu ra một cách rất khoa học.

Còn việc xác định điểm chuẩn đầu vào lớp 10 như thế nào thì nó lại phải căn cứ theo tình hình thực tiễn của từng địa phương.Trên thực tế, điểm số của các kỳ thi như thế này một phần cũng do khâu ra đề thi của mỗi địa phương quyết định.

Khi ra đề thi, nếu địa phương nào không xác định rõ được các yếu tố theo khung trung bình chung của chương trình Trung học cơ sở và yếu tố phù hợp với năng lực của các đối tượng học sinh khu vực đó thì rất dễ dẫn đến mặt bằng chung về điểm số khu vực đó sẽ rất thấp.

5 môn chưa đạt 10 điểm không vì chất lượng yếu thì vì gì?

Việc ra đề thi ở các địa phương hiện nay thường bám vào ma trận, đây chính là quy định chung của ngành và có barem cụ thể (nếu có xê dịch giữa các vùng miền cũng không đáng kể) như đề phải đảm bảo các yêu cầu sau:

Nhận biết: 40%; Thông hiểu: 30%; Vận dụng (vận dụng thấp và vận dụng cao): 30%.

Vậy là, nhận biết và thông hiểu đã chiếm tới 70% tổng số điểm. Một học sinh có lực học trung bình mà được đánh giá đúng thì ít nhất phải đạt được 40% kiến thức mức sơ đẳng (nhận biết) và 10% kiến thức hiểu (cũng chỉ ở mức cơ bản).

Chỉ có 30% kiến thức vận dụng (trong đó có vận dụng thấp và vận dụng cao) để dành cho học sinh có lực học giỏi đạt được điểm 9, 10.

Thế nhưng, điểm chuẩn vào 10 có trường chỉ lấy 5 hoặc 6 điểm cho 3 môn (thực chất 5 môn), cao hơn chút là chưa tới 10 điểm thì mỗi môn đa phần học sinh chỉ thi được 2 điểm đã đỗ. Với điểm số quá thấp như vậy, không do chất lượng học tập quá yếu là vì lý do gì?

Đó là chưa nói đến việc đề thi vào 10 ở nhiều địa phương luôn được đánh giá đúng chuẩn kiến thức kỹ năng, vừa sức với học sinh mà chất lượng điểm còn như thế. Vì vậy, nói là điểm chuẩn thấp do khâu ra đề hoàn toàn chưa thuyết phục.

Vị chuyên gia cho rằng: Nếu các vùng năng lực học tập chung của các học sinh đa phần là thấp, khi ra đề lại không bám sát vào thực tiễn của địa phương, các câu hỏi phần nhiều nằm ở mức độ vận dụng cao nhiều thì đến học sinh khá, giỏi còn gặp lúng chứ nói gì đến các học sinh học yếu hơn. Khi ấy điểm số của các học sinh ấy có thấp cũng là điều dễ hiểu.

Ra đề thi là phải căn cứ vào ma trận đề và có barem cụ thể theo đúng quy định chứ không phải kiểu muốn ra sao thì ra, muốn bao nhiêu câu vận dụng cao cũng được là hoàn toàn không đúng.

Theo người viết, do phải ra đề theo ma trận, nên dù là học sinh miền núi, học sinh vùng đặc biệt khó khăn thì chí ít các em vẫn phải đạt được mỗi môn thi 5 điểm (tệ lắm cũng phải điểm 4) thì mới đảm bảo yêu cầu.

Từ thực tế, 5 môn thi mà có trường chỉ lấy 5 đến 6 điểm hoặc 9 đến 10 điểm thậm chí 11 hoặc 12 điểm thì phải khẳng định ngay rằng, chất lượng học tập của học sinh bậc trung học cơ sở ở nhiều địa phương hiện đang có vấn đề, hiện đáng báo động.

Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng chất lượng thấp như vậy?

Để tình trạng chất lượng học tập của học sinh bết bát như vậy, nguyên nhân chính phải kể đến gần như trường tiểu học nào cũng đánh giá 100% học sinh hoàn thành chương trình lớp 5 và được lên lớp 6.

Trong số những học sinh này, có không ít em đọc chưa thông, viết chưa thạo, chưa nắm được kiến thức cơ bản của tiểu học nhưng vẫn được đánh giá hoàn thành.

Giáo viên bậc trung học cơ sở dù có nỗ lực bao nhiêu vẫn khó bù đắp những kiến thức cơ bản lớp dưới cho các em. Và, kiến thức cũ chưa vững, kiến thức mới lại chất thêm nên nhiều học trò cứ đuối dần, đuối dần.

Cuối năm cũng vì chỉ tiêu, vì thành tích những học sinh yếu kém không được ở lại lớp mà tiếp tục được đẩy lên lớp cao hơn.

Cứ thế, và cứ thế cho tới lớp 9 cũng sẽ có em ngồi học lớp 9 nhưng nhận thức chỉ bằng học sinh lớp 6, lớp 7.

Khi tham gia kỳ thi vào 10, một kỳ thi được đánh giá là thực chất nhất hiện nay nên điểm số các em có được chính là điểm số thật, điểm số phản ánh chất lượng thật của chính các em, của chính nhà trường nơi các em theo học.

Vị chuyên gia cho rằng: “Trước mắt các em là 3 năm học phổ thông nữa. Khi vào cấp 3 thì những gì học sinh ấy còn thiếu, còn yếu thì giáo viên và nhà trường ở đó họ sẽ bổ túc và hoàn thiện. Kết quả tốt ở cấp 3 mới khẳng định được giá trị của em đó với xã hội sau này”.

Nhiều đồng nghiệp của tôi dạy ở bậc học này đã chia sẻ, những học sinh bị hổng kiến thức ở lớp dưới rất khó cho giáo viên bổ túc, kèm cặp để đạt mức trung bình. Tuy nhiên, cuối cùng các em vẫn được đánh giá, xếp loại ít nhất ở mức trung bình phụ thuộc vào nhiều lý do chứ chưa hẳn lực học của những em này được cải thiện rõ rệt.

Ví như đi học thêm nhiều, được ôn đề, nhá đề, được kiểm tra lại khi điểm thấp, được thầy cô giáo nương tay thậm chí thầy cô giáo còn không dám đánh giá học sinh yếu chưa đạt.

Còn “Kết quả tốt ở cấp 3 mới khẳng định được giá trị của em đó với xã hội sau này” như khẳng định của vị chuyên gia, theo cá nhân người viết là chưa chuẩn xác. Bởi, nếu Bộ Giáo dục không quy định lấy điểm tổng kết lớp 12 tham gia vào xét tốt nghiệp thì tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp khó đạt ở mức gần 100% như hiện nay.

Thế nên, điểm học bạ đã trở thành “phao cứu sinh” cho nhiều học sinh có lực học yếu, kém chứ hoàn toàn không phải cứ đỗ tốt nghiệp là tất cả học sinh đã đạt được chuẩn kiến thức kỹ năng.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết