Hiệu trưởng cấp 3 phân tích hiện tượng chưa đầy 2 điểm/môn đỗ lớp 10

14/07/2021 06:42
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Điểm chuẩn vào 10 cao hay thấp là do tính chất địa phương. Đừng vội đánh giá năng lực của các trường dựa trên điểm số đó”, Hiệu trưởng Nguyễn Danh Bắc nhận định.

Mùa tuyển sinh năm nay, nhiều trường trung học phổ thông công lập công bố điểm chuẩn đầu vào lớp 10 khá thấp. Một số nơi, khi đối chiếu với việc nhân hệ số điểm thi, chia đều cho các môn thì có thí sinh chưa đến 2 điểm/môn cũng trúng tuyển.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Danh Bắc – Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) đã có những lời “gan ruột” chia sẻ dưới góc độ là người phụ trách trực tiếp công tác này, mong phụ huynh hãy có cái nhìn thấu đáo, khách quan về bản chất của sự việc.

Thầy Nguyễn Danh Bắc - Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt, Việt Yên, Bắc Giang. Ảnh: NVCC
Thầy Nguyễn Danh Bắc - Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt, Việt Yên, Bắc Giang. Ảnh: NVCC

Nêu nhận định về việc điểm số của các trường nơi cao, nơi thấp, thầy Bắc cho biết: “Thực tế, điểm đầu vào của học sinh lớp 10 hiện nay nó mang tính địa phương rất cao. Mà mỗi địa phương lại có cách thi tuyển, xét tuyển khác nhau chứ không giống như thi tốt nghiệp cấp 3. Có nơi thì chỉ thi 3 môn, nơi 4 môn, cũng có nơi chỉ xét học bạ. Vì thế, việc làm này cũng dễ khiến cho điểm số của từng địa phương cũng sẽ khác nhau, nơi cao nơi thấp.

Chính vì thế, điểm số thi đầu vào lớp 10 nó không thể hiện một cách phổ quát cho các địa phương. Nếu dùng điểm số này để so sánh về chất lượng học tập của các địa phương với nhau thì cũng không thật chuẩn xác. Các học sinh có thể có điểm cao của khu vực này, nhưng chưa hẳn đã có điểm số cao khi làm bài thi ở khu vực khác”.

Lý giải về việc một số trường trung học phổ thông buộc phải lấy điểm chuẩn đầu vào lớp 10 thấp như hiện nay, thầy Bắc cho rằng: “theo Đề án về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 – 2025 mà Chính phủ ban hành cũng đã nêu rõ: Mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp. Đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn phấn đấu đạt ít nhất 30% [1].

Như vậy, sẽ có khoảng 60 – 70% các em sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở sẽ được tạo điều kiện để vào học ở các trường trung học phổ thông. Đối chiếu theo Đề án này và chỉ tiêu tuyển sinh, các trường sẽ có một cái ngưỡng để làm căn cứ lấy điểm chuẩn cho học sinh vào học ở trường mình.

Ngoài ra, do đặc thù vùng miền và điều kiện kinh tế của mỗi địa phương cũng khác nhau, nên nó cũng chi phối rất nhiều đến kết quả học tập của các học sinh từng vùng. Có thể thấy, những khu vực nằm trong vùng kinh tế phát triển như các thành phố, thị xã thì điểm số của các trường theo từng năm hầu như là không có sự thay đổi. Nhìn vào thực tế này để thấy rằng, không có chuyện các trường ở vùng sâu, vùng xa hơn đang phải “chạy đua” với con số chỉ tiêu mà khiến mức điểm đầu vào khu vực đó bị tụt xuống.

Cụ thể, các trường ở khu vực lân cận thành phố Bắc Giang và một số trường trên địa bàn huyện Việt Yên của chúng tôi, khi học sinh đã có tiền đề về giáo dục rất tốt thì điểm chuẩn vào lớp 10 từ trước đến nay hầu như năm nào cũng rất cao”.

Chia sẻ về xu hướng cho con thi vào lớp 10 của phụ huynh trên địa bàn, thầy Bắc cho biết: “Hiện nay, nhiều phụ huynh cũng đã tư tưởng là không quá nặng nề chuyện bằng cấp của con. Bởi, dù không đậu vào các trường cấp 3 công lập, nhưng chỉ cần đỗ tốt nghiệp trung học cơ sở thì các em đó hoàn toàn có thể theo học ở các trường nghề.

Các em có thể vừa học nghề, vừa có kiến thức văn hóa rút ngắn thời gian sớm tham gia thị trường lao động, kiếm sống.

Với các phụ huynh đang thiếu thốn các điều kiện phục vụ chuyện học hành của con cái thì mức độ chi phối của tư tưởng này càng lớn. Thậm chí nhiều người còn tỏ ra lơ là và coi nhẹ kỳ thi vào cấp 3 dễ khiến cho điểm số của các học sinh xuống thấp như hiện nay”.

Điều kiện kinh tế - xã hội của một số địa phương không tốt cũng chi phối rất nhiều đến kết quả của các học sinh sau mỗi kỳ thi. Ảnh minh họa: Thùy Linh

Điều kiện kinh tế - xã hội của một số địa phương không tốt cũng chi phối rất nhiều đến kết quả của các học sinh sau mỗi kỳ thi. Ảnh minh họa: Thùy Linh

Nêu quan điểm về việc, một số phụ huynh căn cứ vào điểm chuẩn vào lớp 10 của một trường trung học phổ thông để đánh giá chất lượng đào tạo của trường đó liệu có khách quan hay không, thầy Bắc cho biết: “Không thể phủ nhận một điều rằng, kết quả của kỳ thi vào trung học phổ thông là sự đánh giá khái quát về tình hình học tập của của học sinh ở cấp học dưới.

Tuy nhiên, không phải tất cả học sinh của các địa phương học hết cấp 2 cũng đều tham dự kỳ thi vào cấp 3 một cách đầy đủ. Theo Đề án phân luồng học sinh Trung học cơ sở mà tôi đã đề cập ở trên, thì rõ ràng sau khi học hết cấp 2 thì các em có rất nhiều sự lựa chọn.

Thậm chí, một số địa phương ở vùng sâu vùng xa không tổ chức thi tuyển mà chỉ thông qua hình thức xét duyệt hồ sơ ở cấp 2, trong khi đó số lượng phụ huynh nộp đơn cho con còn ít hơn cả số chỉ tiêu trường đó được cấp.

Khi nằm trong hoàn cảnh như vậy thì hầu như nhà trường cũng phải nhận hết hồ sơ để tạo điều kiện và khuyến khích cho các em đi học. Điều kiện học tập của các em vốn đã không đầy đủ, nay số lượng học học sinh trên địa bàn muốn theo học cấp 3 lại ít thì làm sao tránh khỏi việc nhà trường phải hạ điểm số xuống thấp như thế.

Ngoài ra, việc nhiều học sinh không tham dự kỳ thi vào lớp 10 vừa rồi, trong đó có cả những em vốn học rất giỏi nhưng do gia đình muốn định hướng cho đi học nghề cũng tạo ra một mặt bằng điểm số thấp.

Khi đó, nếu chỉ dựa trên điểm số của kỳ thi lớp 10 để đánh giá chung cho chất lượng học tập của cả một vùng hoặc để đánh giá cho một quá trình học tập của học sinh trong vùng đó là chưa thật khách quan”.

Dành những lời góp ý cùng các phụ huynh có con theo học vào các trường năm nay lấy điểm chuẩn vào 10 rất thấp, thầy Bắc mong muốn các bậc phụ huynh hãy yên tâm với sự lựa chọn của các con.

Vị Hiệu trưởng này bày tỏ: “Hiện nay nhà nước ta cũng đang tập trung rất lớn cho việc đánh giá năng lực học sinh ở bậc trung học phổ thông qua kỳ thi tốt nghiệp và coi đây là kỳ thi mang tính chất bước ngoặt đối với các em.

Vì thế, đội ngũ giáo viên dạy chương trình trung học phổ thông của các trường đều được quan tâm và đào tạo có bài bản. Việc phân loại được chất lượng học sinh giữa các vùng với nhau hầu như đều dựa trên việc lấy tiêu chuẩn ở cấp 3 để đánh giá.

Các giáo viên khi tham gia dạy ở các trường trung học phổ thông đều đảm bảo các yêu cầu công tác, nên phụ huynh không phải lo lắng gì đến chất lượng học tập của con em mình dù là đang học ở trường cấp 3 nào, cái quan trọng và quyết định cuộc đời các ẹm sau này vẫn là năng lực và sự cố gắng của chính bản thân các em”.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://luatvietnam.vn/giao-duc/quyet-dinh-522-qd-ttg-2018-giao-duc-huong-nghiep-phan-luong-hoc-sinh-trong-giao-duc-pho-thong-163063-d1

Trung Dũng