Với Quy chế đào tạo tiến sĩ mới, 3-5 năm tới có thể lặp lại sự kiện “lò ấp”

15/07/2021 05:43
Minh Ngọc
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ 2021 ra đời thì những yêu cầu về hội nhập quốc tế đã không còn nữa .

Nghiên cứu Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ (gọi tắt là Quy chế 2021) thay thế Thông tư 08/2017/TT-BGDĐT (gọi tắt là Quy chế 2017) mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Hiệp- Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia khẳng định: “Quy chế 2021 hạ chuẩn so với Quy chế 2017”.

Về công bố đối với tiến sĩ Quy chế 2017 quy định rất rõ tiêu chuẩn đối với nghiên cứu sinh và người hướng dẫn nghiên cứu sinh.

Cụ thể, Quy chế 2017 yêu cầu nghiên cứu sinh cần công bố tối thiểu 02 bài báo về kết quả nghiên cứu của luận án, trong đó có 01 bài đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI hoặc Scopus.

Bài báo ISI hoặc Scopus này có thể được thay thế bằng 02 báo cáo bằng tiếng nước ngoài trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện hoặc 02 bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện.

Tiến sĩ Phạm Hiệp- Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia (ảnh:NVCC)

Tiến sĩ Phạm Hiệp- Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia (ảnh:NVCC)

Như vậy để thấy, Thông tư 08 gửi thông điệp rõ ISI,Scopus là chuẩn quốc tế mà các trường cần phải lấy làm căn cứ để hội nhập tuy vậy quy chế cũ cũng tính đến các yếu tố đặc thù với một số ngành vì điều kiện không phù hợp với tạp chí ISI, Scopus hoặc chưa đủ năng lực đáp ứng độ khó của tạp chí ISI-Scopus thì có thể thay thế bằng phương thức khác, ví dụ như là 2 bài công bố ở hội thảo quốc tế. Cũng cần lưu ý hội thảo này hoàn toàn có thể do chính các trường đại học ở Việt Nam tổ chức.

“Rõ ràng những “chuẩn” ở Quy chế 2017 vừa đề cao tính hội nhập theo chuẩn mực quốc tế ISI, Scopus nhưng cũng rất linh động để đáp ứng đối với điều kiện của từng trường. Chính vì thế, khi Quy chế này ra đời đã làm giảm được vấn đề tuyển sinh tiến sĩ ồ ạt mà trước đó xã hội bức xúc với câu chuyện lò ấp tiến sĩ, nhiều người đi học không phải để làm nghiên cứu hay giảng dạy mà học để làm quan và từng bước nâng cao được chất lượng đào tạo tiến sĩ ở nước ta”, Tiến sĩ Phạm Hiệp nhận định.

Trong khi đó Quy chế 2021 ra đời thì những yêu cầu về hội nhập quốc tế đã không còn nữa. Bởi theo Quy chế này, các bài báo, báo cáo khoa học xuất bản trong danh mục ISI/Scopus hoặc bài đăng ở hội thảo quốc tế không còn là điều kiện bắt buộc để tốt nghiệp với nghiên cứu sinh nữa. Quy chế mới bổ sung việc chấp nhận các sách chuyên khảo, các công bố tại các tạp chí trong nước theo tiêu chuẩn đánh giá của Hội đồng Giáo sư Nhà nước (0,75 điểm trở lên).

Cho nên, theo Tiến sĩ Phạm Hiệp: “Các “chuẩn” nằm trong Quy chế 2017 không hề cao mà lại rất linh động, định hướng hội nhập quốc tế rất rõ theo đúng tinh thần của Nghị quyết 29 của Trung ương, hay Nghị quyết 14 của Chính phủ. Trong khi Quy chế 2021 không đề cao tính hội nhập quốc tế”.

Nhiều luận cứ đưa ra rằng, Quy chế 2017 chỉ tính đến các tạp chí ISI,Scopus, bỏ rơi các tạp chí trong nước là không đúng vì chuẩn nêu rất rõ có 2 bài (1 bài quốc tế, 1 bài trong nước) như vậy tỷ lệ 50:50, hài hòa.

Chưa kể theo Quy chế 2017, dù là hướng dẫn 1-1 hay đồng hướng dẫn thì giáo sư được hướng dẫn tối đa là 5 người nhưng theo Quy chế 2021 điều chỉnh tăng số lượng nghiên cứu sinh được hướng dẫn trong cùng một thời gian cụ thể. Cụ thể, giáo sư được hướng dẫn độc lập tối đa 7 nghiên cứu sinh, như vậy nếu đồng hướng dẫn thì tổng số nghiên cứu sinh tối đa mà 1 giáo sư hướng dẫn có thể lên tới 14 người.

Từ những phân tích này, Tiến sĩ Phạm Hiệp cho rằng, Quy chế 2021 hạ chuẩn và tăng số quota hướng dẫn nghiên cứu sinh từ 5 lên 14.

“Áp dụng Quy chế mới rất có thể một sự kiện lò ấp tiến sĩ 2.0 diễn ra trong vòng 3-5 năm hay 7 năm tới”, Tiến sĩ Hiệp dự đoán.

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Hiệp cũng lấy làm bất ngờ khi Quy chế 2021 ra đời mà chưa có tổng kết, đánh giá, thậm chí đang thực hiện chưa hết một khóa đào tạo theo Quy chế 2017 mà đã ban hành Thông tư mới, xem ra Bộ Giáo dục và Đào tạo có phần hơi vội vã. Phải có đánh giá, tổng kết thì đó mới là lộ trình chứ không thể đưa ra tiêu chuẩn mới còn thấp hơn cả năm 2009 là khó chấp nhận.

Chưa kể, theo dữ liệu mà Tiến sĩ Phạm Hiệp có được từ Scopus, cho thấy lượng xuất bản quốc tế của Việt Nam tăng trưởng rất nhanh trong thời gian gần đây, đặc biệt là sau 2017, năm quy chế đào tạo tiến sĩ cũ được ban hành. Về mặt số lượng thì số bài báo Scopus thuộc lĩnh vực Khoa học tự nhiên vẫn nhiều hơn nhưng nói về tốc độ tăng trưởng thì lĩnh vực Khoa học xã hội tăng trưởng nhanh hơn.

Thậm chí, nếu tính theo thứ hạng thì 2 ngành có thứ hạng cao nhất của Việt Nam hiện nay không phải là Khoa học tự nhiên mà là Khoa học xã hội (Kinh tế xếp vị trí 20, quản trị kinh doanh xếp thứ 25) trong khi với Khoa học tự nhiên, ngành cao nhất là ngành Toán mới chỉ xếp thứ 30.

“Tất nhiên những con số đó không chỉ dựa vào Quy chế 2017 mà còn là nỗ lực hội nhập ở những tiêu chuẩn mới của giáo sư, phó giáo sư hay nỗ lực trong việc xây dựng các nhóm nghiên cứu của các cơ sở giáo dục đại học giúp tăng trưởng này”, chuyên gia này nhận định.

Cuối cùng, theo Tiến sĩ Phạm Hiệp, hiện nay các cơ sở giáo dục, viện, đơn vị nghiên cứu đang “nóng máy”, chuẩn bị từ khởi động sang tăng tốc nhưng với Quy chế mới này sẽ có thể đâu đó làm chậm lại đà tăng trưởng, chậm lại quá trình hội nhập quốc tế của khoa học Việt Nam.

Minh Ngọc