Tiếng mẹ đẻ trẻ còn chưa thạo đã nhồi tiếng Anh, lợi bất cập hại

16/08/2021 06:31
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra sự tiếp nhận ngôn ngữ đầu tiên của trẻ sẽ bị chậm lại, hoặc ảnh hưởng nếu con tiếp xúc với ngôn ngữ thứ hai quá nhiều ở lớp mẫu giáo.

Nhiều gia đình cho con học ngoại ngữ, học tiếng Anh theo kiểu tràn lan, không biết con mình học những gì? Cứ đưa đến trung tâm học là được. Cha mẹ không theo sát, hoặc không có khả năng để theo sát con. Và không hiếm để bắt gặp một học sinh học ngoại ngữ nhiều năm mà gần như không biết gì cả. Đó sẽ là lãng phí?

Để tìm hiểu về vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với cô Kim Hoa - Giáo viên dạy tiếng Anh Trường Tiểu học Mỹ Đình, Hà Nội. Cô Hoa chia sẻ: “Với những trẻ còn quá nhỏ, con chưa đủ tâm thế hào hứng, chưa ý thức được việc học ngoại ngữ sẽ dẫn tới việc không đạt được như kỳ vọng của bố mẹ.

Còn một nguyên nhân khách quan khác cũng khá quan trọng, đó là chương trình cha mẹ lựa chọn cho trẻ học trước khi vào lớp 1 lại chưa phù hợp. Ví dụ: Trẻ còn quá nhỏ nhưng chương trình dạy lại đặt nặng về ngữ pháp, hoặc những kỹ năng quá sức với trẻ, áp đặt kiểu dạy cho độ tuổi lớn hơn… Bản thân giáo viên dạy tiếng Anh cho những em ở độ tuổi nhỏ như vậy cũng cần phải có những kỹ năng, phương pháp nhất định, giáo trình phù hợp lứa tuổi người học".

Học sinh lớp 1 trong giờ học tiếng Anh. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn.

Học sinh lớp 1 trong giờ học tiếng Anh. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn.

Theo cô Hoa: "Với những trẻ dưới 6 tuổi, gia đình cần xem con trẻ có thật sự hào hứng hay không, nhiều trẻ chưa phân định được việc mình đang học hay chơi. Xem con có thích được giao tiếp, được thể hiện với người khác bằng ngôn ngữ tiếng Anh hay không?

Khi cha mẹ đăng ký cho trẻ tham gia các khóa học, cần tìm hiểu kỹ về năng lực sư phạm của thầy cô, hiểu tâm lý lứa tuổi, năng lực dạy trẻ thông qua các trò chơi, hình ảnh cũng như các tương tác trực tiếp, bởi hiện nay có không ít trung tâm sử dụng giáo viên dạy tiếng Anh “chung chung” chuyển sang dạy cho trẻ dưới 6 tuổi.

Ở lứa tuổi này, các con chỉ có thể cảm nhận được rất nhanh qua âm thanh, qua hình ảnh nên rất cần tăng cường các trò chơi trí tuệ, nếu không có những phương pháp phù hợp rất dễ dẫn đến hiện tượng các con sợ. Nên vừa chơi vừa học và bản thân các con không biết mình đang được học, như vậy mới hiệu quả”.

Độ tuổi nào học ngoại ngữ là phù hợp?

Trẻ được bố mẹ cho “chạy đua” học tại các trung tâm ngoại ngữ nhưng hiệu quả thật sự thế nào, trẻ có hứng thú hay không thì không phải phụ huynh nào cũng biết. Nhiều phụ huynh muốn cho con học thêm tiếng Anh bởi thấy con người ta học mà con mình không học là sốt ruột, lo lắng.

Cô Hoa nêu quan điểm: “Nhiều bố mẹ cũng tự hào rằng con mình được học tại những trung tâm "xịn", đắt tiền và mặc định cứ thế là tốt. Nhưng thực tế, ngay bản thân phụ huynh cũng không biết con đang học chương trình gì, phương pháp giảng dạy và mục tiêu ra sao.

Theo tôi, độ tuổi tốt nhất cho trẻ học ngoại ngữ, học tiếng Anh là từ 5 đến 6 tuổi, khi các con đã vững vàng trong việc sử dụng tiếng mẹ đẻ, có thể biểu đạt được ý kiến của mình, có được sự thông hiểu nhất định bằng tiếng mẹ đẻ. Lúc này các kỹ năng cần thiết của trẻ cũng đã sẵn sàng cho việc tiếp nhận ngôn ngữ thứ hai.

Điều này được chứng minh bằng thực tế là chương trình tiếng Anh dành cho lớp 1 - 2 hiện mới được bổ sung lần đầu tiên vào chương trình tiểu học năm 2020 - 2021 ở các trường công lập, nhưng mới mang tính tăng cường, bổ trợ và làm quen. Còn tại các trường tư thục thì áp dụng việc này sớm hơn nhưng cũng chỉ ở mức làm quen và không chấm điểm, giáo viên chỉ nhận xét về kỹ năng của học sinh”.

Tìm hiểu năng lực của trẻ để có lựa chọn phù hợp

Cũng về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Hải - Giáo viên dạy tiếng Anh Trường Tiểu học Dịch Vọng, Hà Nội cũng đã trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam. Cô Hải cho biết: “Vấn đề này gây tranh cãi rất nhiều từ các bậc phụ huynh, với góc độ là một giáo viên dạy tiếng Anh ở bậc tiểu học, tôi thấy mọi ngôn ngữ là để giao tiếp, và thành công thực sự với ngôn ngữ là ta có thể biểu đạt nó thông qua các lời nói, để bày tỏ quan điểm của mình.

Điều thực sự khó khăn khi cha mẹ vừa muốn trẻ nhỏ nói tiếng Anh tốt, đồng thời thành thạo cả tiếng mẹ đẻ, nhưng thực tế ở Việt Nam khi trẻ học tiếng Anh, đó là ngôn ngữ thứ hai, chứ không phải là song ngữ hay tiếng mẹ đẻ.

Một đứa trẻ có bố hoặc mẹ nói tiếng Anh, người còn lại nói Tiếng Việt thì đồng nghĩa trẻ được nghe cả hai ngôn ngữ đó ở nhà hàng ngày, dẫn đến các con khá thoải mái trong việc sử dụng cả hai ngôn ngữ, đó là song ngữ. Nhưng hầu hết học sinh Việt Nam đều học tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai, điều này khác hoàn toàn với song ngữ.

Nhiều nghiên cứu cho rằng độ tuổi quan trọng để các con phát triển ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ là từ 2 đến 4 tuổi. Nếu trẻ nhỏ học ngoại ngữ ở độ tuổi còn quá nhỏ, quá sớm sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển tiếng mẹ đẻ”.

Độ tuổi tốt nhất cho trẻ học ngoại ngữ, học tiếng Anh là từ 5 đến 6 tuổi. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Độ tuổi tốt nhất cho trẻ học ngoại ngữ, học tiếng Anh là từ 5 đến 6 tuổi. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Cũng có ý kiến cho rằng không có thời điểm cụ thể nào để bắt đầu cho trẻ học ngoại ngữ, học tiếng Anh. Việc học sớm hay muộn còn tùy thuộc vào điều kiện của mỗi gia đình. Vậy có phải học ngoại ngữ càng sớm, càng dễ thẩm thấu và đạt đến độ trôi chảy tự nhiên? Nhưng thực tế, lại có những người bắt đầu học tiếng Anh rất muộn mà vẫn đạt đến trình độ cao.

Về vấn đề này, cô Hải nói: “Có nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra sự tiếp nhận ngôn ngữ đầu tiên của trẻ sẽ bị chậm lại, hoặc ảnh hưởng tiêu cực nếu con tiếp xúc với ngôn ngữ thứ hai trong một thời gian dài ở trường mẫu giáo. Thực tế có nhiều bố mẹ rất quan tâm, lo lắng đến việc phát triển tiếng Anh cho con, và có nhiều gia đình “ngừng” sử dụng tiếng mẹ đẻ ở nhà, cố gắng dùng ngôn ngữ thứ hai với con.

Điều này ảnh hưởng tiêu cực, trẻ sẽ có những bối rối, mất tự tin khi giao tiếp, có biểu hiện của rối loạn ngôn ngữ, gặp “vấn đề” khi giao tiếp bằng Tiếng Việt. Trong giờ học văn hóa trên lớp, cô giáo hỏi bằng Tiếng Việt nhưng con lại dùng tiếng Anh để phản hồi lại, mặc dù con nghe và hiểu cô nói nhưng lại rất lúng túng trong việc dùng Tiếng Việt thế nào để trả lời cô.

Trong nhiều năm giảng dạy ở bậc tiểu học tôi đã từng gặp không ít trường hợp như vậy. Khi các con đang theo học văn hóa với chương trình giáo dục của Việt Nam thì chắc chắn phải dùng tiếng mẹ đẻ để tiếp nhận kiến thức, chứ không chỉ riêng việc giao tiếp.

Cũng có nhiều phụ huynh gặp, trao đổi với tôi về việc con của họ tiếp nhận tiếng Anh thế nào, học và tương tác có tốt hay không? Nhưng cũng có một số phụ huynh hỏi tôi ngược lại về con của họ học và tương tác Tiếng Việt đã tốt hay chưa? Tôi đã chứng kiến nhiều học sinh như vậy, nguyên nhân là trẻ được gia đình cho học và giao tiếp tiếng Anh từ khi còn quá nhỏ, dẫn đến rất khó khăn tiếp nhận kiến thức Tiếng Việt khi vào tiểu học.

Trẻ được học, giao tiếp tiếng Anh quá sớm sẽ dẫn đến hai tình trạng như sau mà tôi thường gặp khi các con vào lớp 1. Thứ nhất là có học sinh tương tác với tiếng Anh rất tốt, rất thích học, đây là những bạn thực sự có năng khiếu.

Nhưng cũng có nhiều trẻ được gia đình cho làm quen với giáo viên người nước ngoài từ lúc 18 tháng tuổi, nhưng khi bước vào lớp 1 thì khả năng tiếng Anh của em đó là con số không, đây là thực tế, phụ huynh của em đó trao đổi với tôi rằng không hề tiếc tiền cho con theo học các lớp từ nhỏ, nhưng thực tế lại không hề tiếp nhận được chút nào, giờ đây con lại rất sợ phải học tiếng Anh”.

Cô Hải chia sẻ thêm: “Thực tế hiện nay, các lớp online chỉ phù hợp với học sinh cấp trung học cơ sở trở lên, khi các em đã có khả năng tự học và hình thành chú ý có chủ định, khả năng tập trung cao. Còn ở cấp mầm non và tiểu học, các con chưa có khả năng tự học, việc học trực tiếp đối với trẻ ở độ tuổi này cũng đã rất khó, xuất phát từ khả năng tập trung của trẻ mầm non không cao.

Thời gian tập trung của tốt nhất đối với trẻ 5 tuổi cũng chỉ là 15 phút khi hoạt động trực tiếp, nếu học online mỗi tiết học thường khoảng 45 phút hoặc dài hơn, việc này gây ra sự nhàm chán, thật sự quá sức đối với các con. Theo tôi kiến thức truyền đạt sẽ không được trọn vẹn. Với những bạn nhỏ tuổi như vậy rất cần tương tác trực tiếp, nó sinh động và đa dạng được các hoạt động học tập.

Đối với trẻ trước khi vào lớp 1, việc cha mẹ cần phải làm là xây dựng nền tảng, hướng dẫn kỹ năng và tạo tinh thần học ngoại ngữ cho con, chứ không nên quá kỳ vọng rằng ở độ tuổi này con phải học, phải giỏi nghe nói, đọc viết tiếng Anh…Như vậy là phản tác dụng”.

Tùng Dương