Dạy trực tuyến lớp 1: học 15 phút nên "ra chơi" 1 lần

02/09/2021 07:55
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Với lớp 1 không thể học liền trong thời gian dài, học tầm 15 phút, sau đó giáo viên cần tổ chức cho các con chơi khoảng 10 phút giúp thư giãn rồi mới học tiếp.

Trong tình hình dịch Covid- 19 có diễn biến phức tạp như hiện nay, học sinh tạm ngừng đến trường để phòng chống dịch và các con phải học online là điều không thể tránh khỏi. Một đứa trẻ lớp 1, lớp 2 chưa biết cách sử dụng máy tính, chắc chắn phải có người ngồi cạnh. Các con học online 1 tháng hay 4 tháng, thì bố mẹ phải nghỉ từng đó thời gian để kèm cặp hay sao?

Để tìm hiểu vấn đề áp dụng Công nghệ thông tin vào việc dạy và học online cho học sinh lớp 1, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với thầy Nguyễn Văn Minh - Tổ trưởng chuyên môn Tổ Khoa học tự nhiên Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Vinschool Ocean Park (Hà Nội).

Thầy Nguyễn Văn Minh: "Các công cụ khá giống nhau, các thầy cô trong trường có thể dùng thống nhất, nhưng khi giảng dạy nên vận dụng linh hoạt để áp dụng các công cụ đó phù hợp với từng nhóm đối tượng học sinh". Ảnh: NVCC.
Thầy Nguyễn Văn Minh: "Các công cụ khá giống nhau, các thầy cô trong trường có thể dùng thống nhất, nhưng khi giảng dạy nên vận dụng linh hoạt để áp dụng các công cụ đó phù hợp với từng nhóm đối tượng học sinh". Ảnh: NVCC.

Thầy Minh cho biết: “Hiện nay có khá nhiều phần mềm quản lí lớp học có sẵn trên mạng, công cụ Classdojo.com là một ví dụ như vậy, rất phù hợp với việc dạy học sinh lớp 1 và hoàn toàn miễn phí. Giáo viên dễ dàng đăng kí tạo tài khoản lớp học, mỗi học sinh sẽ được đại diện bằng một hình Monster ngộ nghĩnh. Lúc này sẽ có một lớp học ảo với tên từng học sinh trong lớp, giáo viên thống nhất với học sinh để cùng xây dựng nội quy lớp học, mỗi khi thầy cô khen thưởng hay nhắc nhở một học sinh nào đó, thông tin này sẽ hiển thị trên điện thoại của phụ huynh sau khi tải app về máy.

Với phần mềm Classdojo, giáo viên đăng tải mọi thông tin của lớp học, các câu chuyện diễn ra trong lớp để giáo viên và phụ huynh đều theo dõi được, qua đó có thể hỗ trợ các con trong việc học. Ví dụ: Nếu gọi nhiều lần nhưng con vẫn mất tập trung, lúc này giáo viên có thể thông báo trên app đó và phụ huynh sẽ nhận được ngay.

Theo tôi, đây có thể gọi là một công cụ quản lý lớp học rất hữu ích, tất cả đều trong cùng một app, rất tiện lợi và hoàn toàn miễn phí. Giáo viên và phụ huynh có thể tải về sử dụng mà không bị hạn chế về thời gian cũng như số lượng học sinh. Đặc biệt, phần mềm này có nhiều hình ảnh ngộ nghĩnh rất thích hợp với các con.

Một lưu ý đối nữa với học sinh lớp 1, các con không thể học liền trong thời gian dài 30 đến 40 phút, mà chỉ nên học tầm 15 phút đồng hồ, sau đó giáo viên nên tổ chức cho các con một trò chơi khoảng 10 phút giúp thư giãn rồi học tiếp. Theo tôi, buổi sáng chỉ nên cho các con học khoảng 3 tiết là vừa”.

Những công cụ tạo trò chơi học tập

Thầy Minh hướng dẫn: “Giáo viên có thể dùng phần mềm Quizizz.com, Nearpod.com, Wordwall.net để tạo trò chơi, lưu ý: Khi thiết kế trò chơi học tập hoặc các câu hỏi cho học sinh lớp 1, giáo viên tránh sử dụng nhiều kênh chữ bởi các con đọc chưa thạo, ưu tiên sử dụng kênh hình ảnh, âm thanh giúp các con dễ tiếp thu. Có thể đưa vào một số dạng câu hỏi, trò chơi phổ biến như trắc nghiệm nhiều lựa chọn với nội dung ngắn gọn. Giáo viên lưu ý khi chọn đáp án cũng nên là hình ảnh để học sinh dễ hiểu.

Ngoài ra, các trò chơi như sắp xếp thứ tự thường áp dụng cho bài tập sắp xếp dãy số, hoặc sắp xếp các từ tạo thành câu đúng. Phần ghép đôi, thường áp dụng cho bài ghép số với nhóm đồ vật tương ứng. Ghép từ với ý nghĩa sẽ được sử dụng ở giai đoạn học sinh đã biết đọc. Ghép con vật với môi trường sống đối với môn Khoa học, hoặc lật mở mảnh ghép và chọn cặp tương ứng có thể áp dụng cho dạng bài nhận diện hình, mở 2 mảnh ghép cùng dạng…

Các trò chơi dạng này đều có sẵn trong phần mềm Wordwall với rất nhiều định dạng, phần mềm này sẽ tự sắp xếp đưa ra các trò chơi dựa trên đáp án và câu hỏi mà giáo viên đã nhập vào. Thay vì chỉ nghe giáo viên giảng bài khô khan, giờ đây các con vừa được học, vừa được chơi, lại được cộng điểm, có thể nói đây là một hình thức trò chơi kết hợp với giảng dạy rất hiệu quả”.

Học sinh Tiểu học làm quen với Công nghệ thông tin. Ảnh minh họa: Như Ý.
Học sinh Tiểu học làm quen với Công nghệ thông tin. Ảnh minh họa: Như Ý.

Thầy Minh lưu ý: “Về phần mềm và các công cụ khá giống nhau, các thầy cô trong trường có thể dùng thống nhất, nhưng khi giảng dạy nên vận dụng linh hoạt để áp dụng các công cụ đó phù hợp với từng nhóm đối tượng học sinh, không nhất thiết ai cũng giống ai bởi với trò chơi này thì hợp các con lớp 1, nhưng ở lớp 2 lại khác.

Hơn nữa, trong quá trình giảng dạy, thầy cô phải kết hợp khéo léo để làm sao lôi cuốn được học sinh, tránh được việc “máy móc” lúc nào cũng ỷ vào công cụ vì thực chất công cụ chỉ hỗ trợ, phương pháp của giáo viên mới là cái hồn của bài giảng. Vậy nên giáo viên phải nắm chắc, phối hợp nhịp nhàng, truyền được cảm hứng cho các con”.

Thầy Minh chia sẻ: “Trong quá trình dạy lớp 1 nhất là đối với các bài tập viết, giáo viên nên cung cấp clip và hướng dẫn học sinh thật chi tiết, những clip này có thể dùng phần mềm quay lại, hoặc có rất nhiều học liệu sẵn có. Khi học đến chữ cái nào, hoặc tập viết chữ gì…đều có sẵn các clip hướng dẫn từ cách cầm bút, đưa từng nét. Đối với giáo viên trong quá trình dạy học nên cố gắng cho các con xem video cách viết, hoặc thu âm bài mô tả từng bước viết chữ. Đồng thời, viết chữ nào giáo viên có thể hướng dẫn các con đọc luôn chữ đó.

Về phần chấm bài của giáo viên tiểu học, khi các con viết bài và nộp lại, lúc này giáo viên và các con sẽ dùng ứng dụng giao và chấm bài tập Azota.vn: Phần mềm này sử dụng tài khoản Zalo để đồng bộ nội dung trên tất cả thiết bị, giao diện của Azota sẽ giúp thầy cô giao bài tập và quản lý bài tập của học sinh nhanh chóng, thuận tiện. Cũng từ ứng dụng này, thầy cô dễ dàng chấm điểm cho các con như chấm điểm bài viết trên giấy bình thường và cho ngay kết quả. Kết quả này sẽ hiển thị trên điện thoại của phụ huynh học sinh”.

Ứng dụng khá hiệu quả với học sinh lớp 1

Để có được nhiều góc nhìn của giáo viên khi sử dụng các phần mềm dạy học online với học sinh lớp 1, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với cô Nguyễn Thị Hồng Vân - Khối trưởng khối 1, Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Vinschool Ocean Park (Hà Nội).

Cô Nguyễn Thị Hồng Vân: "Khi học sinh đã tự vào được lớp học online thì mọi việc còn lại là của giáo viên như chúng tôi, lúc này bố mẹ nên thả cho các con chủ động”. Ảnh: NVCC.
Cô Nguyễn Thị Hồng Vân: "Khi học sinh đã tự vào được lớp học online thì mọi việc còn lại là của giáo viên như chúng tôi, lúc này bố mẹ nên thả cho các con chủ động”. Ảnh: NVCC.

Cô Vân chia sẻ: “Có thể nói, với lớp 1 là khó khăn nhất trong các khối bởi các con chưa biết đọc, biết viết và đặc biệt là chưa tiếp xúc nhiều với công nghệ thông tin để có thể tự mình thao tác, chính vì vậy rất cần có sự hỗ trợ của bố mẹ trong thời gian từ 2 đến 3 tuần đầu. Từ những thao tác nhỏ nhất như vào lớp online, bật hoặc tắt mic, tham gia các trò chơi mà giáo viên tổ chức thì đều rất cần bố mẹ hỗ trợ. Nếu phụ huynh cùng chung tay thì mọi việc sẽ trở nên dễ dàng.

Một điều nữa là các con thường mất tập trung trong khi học, kể cả là học trực tiếp trên lớp. Vậy nên các hoạt động học tập nếu giáo viên không kết hợp được xen kẽ với các trò chơi sẽ làm cho các con chán nản, một lưu ý nữa là không dạy lý thuyết quá nhiều.

Để thực hiện tốt việc dạy học online cho học sinh lớp 1, chúng tôi sử dụng khá nhiều phần mềm làm công cụ. Khi cho các con tham gia những trò chơi qua ứng dụng, giáo viên chỉ cần bấm vào đường link có sẵn, học sinh nhập tên mình vào và việc này khá đơn giản, bố mẹ hướng dẫn qua một lần là các con đã có thể tự vào những lần sau”.

Khi các con lớp 1 chưa đọc thông viết thạo, chưa nắm được mặt chữ thì giáo viên phải dạy qua các phần mềm thế nào? Về vấn đề này, cô Vân cho biết: “Chương trình lớp 1 là dạy từ đầu, nên theo tôi việc các con chưa đọc thông viết thạo là rất bình thường.

Chúng tôi sẽ dạy các con từ cách cầm bút, dạy từng chữ cái, từng bài theo chương trình của Bộ nên phụ huynh không nên quá lo lắng. Giáo viên sẽ tập trung vào việc dạy đọc và có thể giảm bớt số tiết dạy viết, việc dạy viết sẽ được giáo viên bổ trợ thêm khi các con được phép quay trở lại trường học.

Ngoài ra, tôi cũng sử dụng phần mềm peardeck miễn phí có sẵn để học sinh có thể viết trực tiếp trên máy tính trong khi học online, có một chữ mẫu bên cạnh và học sinh viết theo, giáo viên sẽ nhìn được toàn bộ bài viết của các con, tất nhiên lúc đầu chữ viết sẽ nguệch ngoạc nhưng tôi sẽ dựa vào đó để hướng dẫn các con viết đúng từng nét. Theo tôi, lúc này cũng nên giảm bớt tiêu chuẩn về viết chữ đối với học sinh lớp 1 bởi các con không được cô cầm tay từng nét, chữ không xấu quá là được".

Cô Vân cho biết: "Hiện tại, tôi cũng đang sử dụng thêm phần mềm Google Meet nên có thể bao quát tất cả các camera của học sinh trong lớp đang học tại nhà, nắm rõ từ cách cầm bút, dáng ngồi sai tư thế của từng học sinh để kịp thời nhắc nhở phụ huynh ngồi cạnh uốn nắn.

Qua một năm vừa qua, tôi nhận thấy chỉ sau một thời gian ngắn là các con đã có thể làm tốt mọi việc từ đăng nhập vào lớp học online, cho đến thực hiện chính xác các hiệu lệnh giáo viên đưa ra mà không còn cần đến sự trợ giúp quá nhiều của bố mẹ. Khi học sinh đã tự vào được lớp học online thì mọi việc còn lại là của giáo viên như chúng tôi, lúc này bố mẹ nên thả cho các con chủ động”.

“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.

Tùng Dương