Bộ Giáo dục chưa tìm ra phương án phân công, đánh giá môn Khoa học tự nhiên?

06/09/2021 06:47
BÙI NAM
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khoa học tự nhiên là môn khó nhất, mà trong hướng dẫn lại không hề có, không lẽ ngay tại chính Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chưa tìm được phương án?

Khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc trung học cơ sở thì việc bố trí, phân công, sắp xếp,… giáo viên môn tích hợp của nhà trường vẫn còn rất nhiều băn khoăn, nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp.

Trong bài viết “Số phận hàng ngàn giáo viên "bị tích hợp" sẽ về đâu?” là những câu hỏi thiết thực về nhiều vấn đề chưa được làm rõ của môn tích hợp, cần phải được giải quyết trước khi triển khai chương trình mới để đảm bảo hiệu quả, đồng bộ.

Hướng dẫn và triển khai nhiệm vụ về các môn tích hợp đều không rõ và đầy đủ

Ngày 27/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành công văn số: 3699/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2021-2022.

Đối với việc thực hiện môn Lịch sử và Địa lí, môn Nghệ thuật công văn có hướng dẫn như sau:

“Đối với học môn Lịch sử và Địa lí, môn Nghệ thuật, trong quá trình tổ chức dạy học, các nhà trường cần lưu ý bố trí dạy học đồng thời các phân môn Lịch sử, Địa lí (đối với môn Lịch sử và Địa lí), các nội dung Âm nhạc, Mĩ thuật (đối với môn Nghệ thuật), bảo đảm tương đương về thời lượng trong từng học kì.”

Về kiểm tra đánh giá, công văn hướng dẫn: “Theo đó, môn Lịch sử và Địa lí sẽ chọn 02 điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong một học kì. Bài kiểm tra, đánh giá định kì gồm nội dung của 02 phân môn này theo tỷ lệ tương đương về nội dung dạy học của 02 phân môn, tính đến thời điểm kiểm tra, đánh giá.

Môn Nghệ thuật bao gồm 02 nội dung Âm nhạc và Mĩ thuật. Mỗi nội dung chọn 01 kết quả kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong từng học kì. Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích thực hiện kiểm tra, đánh giá định kì môn học này thông qua bài thực hành, dự án học tập.

Bài kiểm tra, đánh giá định kì bao gồm 2 nội dung Âm nhạc, Mĩ thuật được thực hiện riêng theo từng nội dung tương tự như môn học đánh giá bằng nhận xét.

Kết quả bài kiểm tra, đánh giá định kì được đánh giá mức Đạt khi cả 2 nội dung Âm nhạc, Mĩ thuật được đánh giá mức Đạt.”

Như vậy, theo hướng dẫn mới nhất này đối với môn Lịch sử và Địa lí, Nghệ thuật là một môn học được yêu cầu bố trí dạy học đồng thời (tức là dạy song song 2 phân môn thuộc 1 môn học).

Đúng như dự đoán, đối với môn Nghệ thuật, công văn mới hướng dẫn mỗi phân môn Âm nhạc, Mĩ thuật sẽ có 1 điểm đánh giá thường xuyên; môn Lịch sử và Địa lí mỗi phân môn Lịch sử, Địa lí sẽ có 2 điểm đánh giá thường xuyên.

(Ảnh minh hoạ: VTV)

(Ảnh minh hoạ: VTV)

Kiểm tra định kỳ là phức tạp nhất nếu như dạy 2 phân môn riêng hầu như rất ít liên quan đến nhau nhưng lại phải ra một đề chung, bởi vậy nên môn Lịch sử và Địa lý phải do người 2 ra đề, 2 người đánh giá,… việc này sẽ phân tích ở phần bên dưới bên dưới.

Rất tiếc là trong công văn này không thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo đả động gì đến một môn phức tạp hơn Lịch sử và Địa lí; Nghệ thuật nhiều lần, đó là môn Khoa học tự nhiên (gồm 3 phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học).

Môn Khoa học tự nhiên là môn khó nhất, mà trong hướng dẫn lại không hề có, không lẽ ngay tại chính Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chưa tìm được phương án vẹn toàn, hợp lý hiện nay?

Người viết là giáo viên không thể hiểu nổi, việc môn Âm nhạc và Mĩ thuật là 2 môn học hầu như không liên quan gì nhau, sao Bộ lại sáp nhập lại thành môn Nghệ thuật, rồi 2 giáo viên phải cùng ra đề, cùng đánh giá, nhận xét học sinh?

Học sinh có thể học tốt môn Âm nhạc nhưng không thích học môn Mĩ thuật là điều bình thường, sao lại nhập thành môn Nghệ thuật. Ban biên soạn chương trình mới có đang biến điều đơn giản thành phức tạp? Bộ có đang đẩy việc khó cho các trường?

Còn tại văn bản trước đó, ngày 23/6/2021 Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành công văn 2613/BGDĐT-GDTrH về việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2021-2022 [2]

Trong đó hướng dẫn đối với 2 môn tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí có nêu rõ: “Căn cứ tình hình đội ngũ giáo viên của nhà trường, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các nội dung của chương trình phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên. Nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học toàn bộ chương trình môn học.”

Công văn 2613 cũng nêu các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí được sắp xếp thành các chủ đề, có logic, hỗ trợ lẫn nhau.

Như vậy ở môn tích hợp này, công văn 2613 xác định môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí một môn học, có logic tuyến tính nhau, là một môn có nội dung tích hợp thiết kế thành các chủ đề. Và tiến đến 1 giáo viên đảm nhận cả môn học (tức dạy được 2, 3 phân môn trong môn học).

Công văn 2613 thì lại không đề cập gì đến môn Nghệ thuật. Triển khai các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí thì lại không rõ ràng.

2, 3 giáo viên cùng dạy một môn thì việc cho điểm, vào sổ điểm vô cùng phức tạp

Hiện nay thì 2, 3 giáo viên cùng dạy một môn tích hợp theo đúng hướng dẫn của công văn 3699 của Bộ Giáo dục và Đào tạo vì không thể có phương án nào khác.

Ở các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Nghệ thuật (Âm nhạc và Mĩ thuật) chỉ có duy nhất 1 bài kiểm tra giữa kỳ, 1 bài kiểm tra cuối kỳ do 2, 3 giáo viên phân môn cùng ra đề, cũng chấm điểm. Nhưng không biết sẽ do giáo viên nào vào điểm phần mềm, sổ cá nhân, học bạ, ai sẽ là người nhận xét học sinh…

Có nghĩa là các môn đó chỉ ra 1 đề, cả 2, 3 giáo viên chấm điểm cho 1 học sinh, cùng đánh giá, nhận xét 1 học sinh. Điều này hết sức vô lý.

Rồi việc ghi trong sổ điểm, học bạ sẽ ra sao? Sổ điểm thì có sổ điểm cá nhân, sổ gọi tên ghi điểm, rồi còn học bạ,…

Tôi ví dụ môn Khoa học tự nhiên lớp 6 có 4 tiết/ tuần do 3 giáo viên dạy sẽ có 4 cột điểm kiểm tra thường xuyên, 1 cột điểm kiểm tra giữa kỳ, 1 cột điểm kiểm tra cuối kỳ.

Về điểm kiểm tra thường xuyên có thể phân môn Vật lý (1 cột), Hóa học (1 cột), Sinh học (2 cột).

Nhưng 2 cột điểm kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ, điểm trung bình học kỳ, trung bình cả năm,… sẽ do giáo viên nào ghi trong sổ?

Vậy 3 giáo viên môn Khoa học tự nhiên đó, ghi trong sổ điểm cá nhân, ghi trong phần mềm, nhận xét,… như thế nào? Tất cả giáo viên cùng ghi hay để trống.

Sổ điểm cá nhân, sổ điểm tổng hợp một phân môn trong môn tích hợp sẽ ghi như thế nào? Ai ghi điểm kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ, nhận xét?

Tên

KTTX

KTGK

KTCK

ĐTB

Nhận xét

A









B…









KTTX: Kiểm tra thường xuyên; KTGK: Kiểm tra giữa kỳ; KTCK: Kiểm tra cuối kỳ

Không lẽ sổ điểm giáo viên Vật lý chỉ ghi:

Tên

KTTX

KTGK

KTCK

ĐTB

Nhận xét

A…

8,0








Còn các mục còn lại để trống?

Bộ Giáo dục và Đào tạo hãy “thực mục sở thị” việc phân công, chấm điểm các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí và môn Nghệ thuật để thấy khó khăn của các trường trung học cơ sở như thế nào?

Dạy 2, 3 phân môn đồng thời, nhưng chỉ có một điểm tổng hợp, do một người nhận xét thì bất hợp lý (giáo viên Mĩ thuật không thể biết học sinh học môn Âm nhạc như thế nào mà nhận xét, giáo viên Vật lý cũng không thể nhận xét học sinh "phân môn" Hóa học, Sinh học,…), còn cả 2, 3 người cùng đánh giá một học sinh thì lại rất bất cập.

Việc 1 giáo viên đi học 300-540 tiết, để lấy chứng chỉ các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí thực tế rất khó đảm bảo, với lực lượng hiện nay nếu giáo viên cố gắng lắm thì sao khi học xong tôi nghĩ chỉ khoảng 60% có thể có kiến thức để dạy môn tích hợp, còn để dạy sâu, hiệu quả thì chắc sẽ hiếm.

Hàng ngàn giáo viên tích hợp đang rất hồi hộp, lo lắng và đợi những chỉ đạo đúng đắn về các môn tích hợp trong thời gian tới. Giáo viên tin tưởng, yên tâm công tác thì đổi mới sẽ thành công.

Tài liệu tham khảo:

Công văn số 3699/BGDĐT-GDTrH ngày 27/8/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2021-2022, xem tại:

https://moet.gov.vn/content/tintuc/Lists/News/Attachments/7494/C%C3%B4ng%20v%C4%83n%203699%20h%C6%B0%E1%BB%9Bng%20d%E1%BA%ABn%20Trung%20h%E1%BB%8Dc.pdf

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

BÙI NAM