Dịch Covid-19 gây ra những thách thức lớn cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

17/09/2021 06:59
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- TS Phạm Xuân Khánh: "Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid kéo dài khiến việc học thực hành tại trường, thực tập tại doanh nghiệp bị hoãn".

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Nhà giáo Ưu tú, Tiến sĩ Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội thẳng thắn cho biết, đặc trưng riêng của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là thời gian học lý thuyết chỉ 30%, thực hành là 70%.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 khiến sinh viên của nhiều trường không thể thực hành, thực tập, dẫn tới nguy cơ bị ảnh hưởng lớn đến tiến độ đào tạo.

Nhà giáo Ưu tú, Tiến sĩ Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội. (Ảnh: NVCC)

Nhà giáo Ưu tú, Tiến sĩ Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội. (Ảnh: NVCC)

PV: Thưa ông, trước tình hình diễn biến dịch Covid-19 phức tạp thời gian qua, nhà trường đã có những phương án đào tạo nào để hạn chế tối đa sự ảnh hưởng?

Tiến sĩ Phạm Xuân Khánh: Do dịch Covid-19 bùng phát trở lại trên địa bàn Hà Nội nên sinh viên trường chúng tôi cũng như hầu hết các trường khác ở vùng dịch đều không thể đến trường vì thực hiện giãn cách xã hội và phải triển khai phương án dạy học trực tuyến.

Học trực tuyến thì tất cả giáo viên và sinh viên nhà trường phải được thực hiện trên các thiết bị truyền tải công nghệ thông tin đảm bảo thì chất lượng học tập mới có thể duy trì như học thực tế. Vì vậy, nhà trường cũng đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin đảm bảo đường truyền tải.

Ngoài những bài giảng hàng ngày trên lớp của giáo viên, nhà trường xây dựng hệ thống học liệu, giáo trình để các em có tài liệu để học tập trong thời điểm chưa thể quay lại trường học do dịch bệnh.

Đối với các cơ sở đào tạo nghề thì đây thực sự chỉ được xem là giải pháp tạm thời, bởi đặc trưng riêng của dạy nghề là 30% lý thuyết và thực hành chiếm 70%.

Trên thực tế, nếu không bị gián đoạn do dịch bệnh, sinh viên sẽ được học thực hành trên lớp, sử dụng các trang thiết bị, dụng cụ, vật tư, nguyên vật liệu dưới sự hướng dẫn, chỉ dạy của thầy cô giáo. Qua đó, các em được rèn luyện tay nghề và hình thành các kỹ năng cơ bản của thực hành trên thực tế.

Sau khi có những kỹ năng cơ bản rồi thì sinh viên sẽ được đến học thực tập ở các doanh nghiệp. Tại Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội tất cả sinh viên đều phải đến doanh nghiệp để thực tập cuối khóa và tốt nghiệp. Ngoài ra, tại nhà trường có gần 30% số nghề được tổ chức đào tạo tại doanh nghiệp, tức là hình thành các lớp học tại doanh nghiệp.

Với chương trình và cách tổ chức như vậy, sinh viên sẽ đảm bảo được kỹ năng và hình thành những kỹ năng mới trong môi trường doanh nghiệp. Chính vì thế, tỷ lệ các em ra trường có việc làm là rất cao, hầu hết các em đi thực tập tại doanh nghiệp thì được nhận làm việc luôn tại đó.

Khi đi thực tập tại các doanh nghiệp thì sinh viên trường nghề được trả lương hàng tháng. Mỗi tháng cũng không nhiều nhưng đủ để các sinh có thể trang trải phần nào chi phí ăn ở và học tập. Chính vì thế, mặc dù chỉ chiếm 30% nhưng hình thức đào tạo tại doanh nghiệp được rất nhiều sinh viên và phụ huynh quan tâm.

Thế nhưng, khi đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại và thực hiện giãn cách tại nhiều tỉnh thành nên các doanh nghiệp không tổ chức được các lớp học như vậy. Nhà trường cũng phải triển khai những phương án mới.

Đối với những môn học có thể số hóa sẽ cố gắng số hóa và hoàn thiện hệ thống bài giảng trực tuyến. Nhà trường sử dụng các công cụ công nghệ như camera ghi hình, dựng thành bài giảng chi tiết để hướng dẫn sinh viên, để các em hình thành trước các kỹ năng ban đầu. Số tiết học thực hành phải trì hoãn khi các em về trường hoặc về doanh nghiệp sẽ học tiếp kiến thức, kỹ năng mà các em còn thiếu.

Nếu như đại dịch cuối tháng 9, đầu tháng 10 có thể kiểm soát và sinh viên có thể trở lại trường thì nhà trường sẽ đảm bảo phối hợp cùng doanh nghiệp bù đắp, bồi dưỡng kiến thức cho sinh viên. Còn nếu tình hình dịch bệnh kéo dài sẽ rất ảnh hưởng đến đảm bảo chất lượng đào tạo, đặc biệt là các kỹ năng nghề nghiệp.

Đào tạo nghề khác với đào tạo đại học. Tại các trường đại học hầu như đào tạo về lý thuyết, nghiên cứu, bài tập. Thậm chí đối với những nghề thực hành có những thí nghiệm dùng mô phỏng thì có thể duy trì trong thời gian giãn cách. Còn riêng đối với đào tạo nghề thì bắt buộc phải thực tập, thực hành trên máy móc, trên những linh kiện thật. Do đó, để đảm bảo chất lượng đào tạo nghề trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay là một thách thức rất lớn đối với giáo dục nghề nghiệp.

PV: Như ông nói, đối với đào tạo nghề, thực hành chiếm 70% và đang bị hạn chế bởi dịch bệnh. Vậy nếu không khắc phục kịp thì sinh viên có chịu thiệt thòi khi phải rút ngắn thời gian thực hành, thực tập?

Tiến sĩ Phạm Xuân Khánh: Trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát trở lại và sinh viên không thể đến trường, chúng tôi tiếp tục triển khai thực hiện dạy lý thuyết, xem trước mô phỏng, hướng dẫn thực hành. Khi hết thời gian giãn cách, sinh viên quay lại trường thì sử dụng toàn thời gian vào việc thực hành thực tế tại trường và thực tập tại doanh nghiệp.

Đại dịch Covid ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh rất nhiều bởi những băn khoăn về chất lượng đào tạo. Chính vì thế, nhiều phụ huynh rất lo lắng khi nhà trường triển khai phương án dạy trực tuyến trong thời gian giãn cách xã hội.

Bên cạnh đó, đại dịch Covid ảnh hưởng rất nhiều đến kinh tế xã hội. Nhiều gia đình đang phải cố gắng về tài chính trong mùa dịch. Vì vậy, điều kiện trang trải chi phí học tập, rèn luyện, ăn ở cho con em đi học sẽ có rất nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh bị động.

Một vấn đề quan trọng nữa là hợp tác với doanh nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh nên số lao động mất việc làm rất lớn, ảnh hưởng đến đầu ra của các cơ sở đào tạo.

Tuy nhiên, nhà trường luôn tạo điều kiện tốt nhất trong khả năng của mình để đào tạo sinh viên có đầu ra đảm bảo chất lượng. Về phía nhà nước, Chính phủ đang có những giải pháp để hỗ trợ cho người lao động hậu Covid-19.

Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các giờ học thực hành hiện vẫn chưa thể triển khai, gây ảnh hưởng tới tiến độ đào tạo ở nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Ảnh:hht.edu.vn

Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các giờ học thực hành hiện vẫn chưa thể triển khai, gây ảnh hưởng tới tiến độ đào tạo ở nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Ảnh:hht.edu.vn

PV: Nhà trường có những chính sách hỗ trợ nào để đồng hành cùng phụ huynh và sinh viên trong thời phải chống chọi với dịch bệnh?

Tiến sĩ Phạm Xuân Khánh: Khi tình hình dịch có diễn biến phức tạp, trong kế hoạch học tập lâu dài thì nhà trường đã thay đổi công tác đào tạo để phù hợp với thực tế. Môn nào trước, môn nào sau, phần nào nên triển khai sớm, phần nào có thể trì hoãn… Có những chỉ đạo kịp thời đối với giáo viên và sinh viên để vừa đảm bảo an toàn cho mọi người, vừa đảm bảo chất lượng đào tạo.

Bên cạnh đó, nhà trường đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin để đảm bảo tốc độ đường truyền, đầu tư các phần mềm quản lý dạy học để đảm bảo cho việc giảng dạy của giáo viên đối với sinh viên cũng như quản lý học tập một cách hiệu quả nhất.

Đối với những sinh viên có điều kiện hoàn cảnh khó khăn nhà trường phối hợp với ngân hàng thành lập quỹ khuyến học để hỗ trợ học phí cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt trong thời gian dịch bệnh.

Ngoài ra mỗi học kỳ theo quy định thì sinh viên phải hoàn thành học phí trước khi vào học. Tuy nhiên, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19, nhiều sinh viên chưa thể hoàn thành học phí, nhà trường vẫn cho các em tiếp tục học kỳ và cho phép thời gian đóng học phí chậm hơn so với quy định.

Ngoài ra, số sinh viên không thể về quê, mắc kẹt lại tại Hà Nội trong thời gian giãn cách xã hội, nhà trường chủ động kêu gọi các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, địa phương hỗ trợ về nhu yếu phẩm để đảm bảo điều kiện sống cũng như được hỗ trợ các em trong thời gian giãn cách. Đó là một hoạt động nhỏ nhằm hỗ trợ những thứ cơ bản để động viên, đảm bảo cho các em tiếp tục học tập.

PV: Theo ông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần sự hỗ trợ gì từ các cơ quan chức năng để vượt qua giai đoạn khó khăn này?

Tiến sĩ Phạm Xuân Khánh: Với thời điểm dịch bệnh khó lường như hiện nay, chúng tôi mong muốn Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp triển khai những giải pháp hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, ví dụ như những chính sách về giảm học phí, cho vay ưu đãi để tạo điều kiện cho các em có thể đến trường học tập, đảm bảo tương lai, cuộc sống lâu dài.

Bên cạnh đó, cần có chính sách để hỗ trợ giáo viên đảm bảo đời sống cơ bản trong thời gian dịch bệnh Covid-19 kéo dài.

Ngoài ra, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội liên tục trong 2 năm nay được sử dụng làm khu cách ly tập trung, chung tay cùng cộng đồng phòng chống Covid nên ảnh hưởng rất lớn đến công tác tuyển sinh và đào tạo, hoạt động của nhà trường.

Chúng tôi cũng đã kiến nghị đến các cơ quan chức năng về việc có chính sách hỗ trợ nhà trường. Hiện nay, vì trở thành khu tập trung cách ly nên nhiều sinh viên sợ ảnh hưởng của vi rút, nhiều hoạt động của nhà trường không được tổ chức, gây ảnh hưởng đến nguồn thu. Chính vì vậy, chúng tôi mong có những chính sách hỗ trợ nhà trường trong thời gian này, đảm bảo hoạt động dạy và học cho cả thầy và trò.

Trân trọng cảm ơn ông!

“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.

Cao Kim Anh