Cách làm hay của các trường ở Nậm Pồ để đảm bảo an toàn thực phẩm cho học sinh

23/09/2021 06:20
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thực hiện mô hình khép kín trong các trường nên ngành Giáo dục huyện Nậm Pồ đang hết sức chú trọng đến công tác đảm bảo an toàn thực phẩm.

An toàn thực phẩm đang là vấn đề nhức nhối được toàn xã hội quan tâm, đặc biệt đối với bếp ăn ở các trường học, bởi chất lượng từng bữa ăn sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và sự phát triển của học sinh.

Nhận thức được vấn đề này, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ (Điện Biên) luôn đôn đốc và tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ các khâu để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong các trường thuộc thẩm quyền trên địa bàn huyện.

Tại trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Na Cô Sa (xã Na Cô Sa, Nậm Pồ), ngoài chú trọng chất lượng dạy và học, Ban Giám hiệu nhà trường luôn quan tâm đến việc đảm bảo an toàn thực phẩm và chế biến thức ăn.

Do đó, việc lựa chọn thực phẩm đến giám sát sơ chế trong bếp ăn đều được nhà trường thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ.

Bữa ăn chiều tại trường Phổ thông bán trú Tiểu học Na Cô Sa. Ảnh: NTCC

Bữa ăn chiều tại trường Phổ thông bán trú Tiểu học Na Cô Sa. Ảnh: NTCC

Thầy Nguyễn Văn Quân – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngoài việc Ban Giám hiệu nhà trường cùng các đơn vị chức năng về công tác an toàn thực phẩm giám sát và kiểm soát chất lượng thực phẩm đầu trong bữa ăn của học sinh, nhà trường còn triển khai mô hình nông trại, tận dụng các khoảng đất trống để trồng rau, đảm bảo 100% học sinh đều được tham gia vào mô hình.

Nhờ vậy, học sinh nắm bắt được những kỹ năng cơ bản chăm sóc một số loại rau như bắp cải, muống, cải ngọt, cải củ, bầu, bí và một số vật... Từ đó, hình thành mô hình vườn rau cung cấp thực phẩm sạch, cải thiện chất lượng bữa ăn, làm giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm trong bếp ăn bán trú.

Các sản phẩm của các em được nhà trường mua lại với giá thị trường và phục vụ chính bữa ăn cho các em nên các em có thể vừa học vừa tăng gia sản xuất.

Qua thực hiện mô hình, sản phẩm thu được không chỉ phục vụ các bữa ăn, đảm bảo sức khỏe học sinh, mà còn nâng cao kỹ năng sống cho các em.

Dù là trường vùng cao biên giới nhưng các thầy cô giáo ở trường Na Cô Sa luôn đảm bảo các con có bữa ăn đầy đủ, sạch sẽ, an toàn. Ảnh: NTCC

Dù là trường vùng cao biên giới nhưng các thầy cô giáo ở trường Na Cô Sa luôn đảm bảo các con có bữa ăn đầy đủ, sạch sẽ, an toàn. Ảnh: NTCC

Tại trường Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Nậm Nhừ, việc đảm bảo an toàn thực phẩm cũng được nhà trường hết sức trú trọng và đảm bảo nguồn cung cấp cho bữa ăn của 511 em học sinh.

Nậm Nhừ cũng áp dụng mô hình nông trại bán trú cho các em học sinh. “Những năm trước, nhà trường còn có mô hình trang trại nuôi lợn, tuy nhiên, đợt lũ năm 2020 đã cuốn bay cả chuồng trại và lợn của học sinh nên việc xây dựng và tái đàn lợn tăng gia cho các em cần thời gian nữa mới có thể áp dụng được”, cô Nguyễn Thị Thúy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Ngô Xuân Chiến – Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Do dịch bệnh phức tạp, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chỉ đạo các trường vận động học sinh ở lại trường, tổ chức nấu ăn cho các cháu bán trú.

Mỗi đơn vị, trường học trở thành một pháo đài tự bảo vệ, tự phòng dịch. Nhà trường tổ chức nấu ăn cả thứ bảy và chủ nhật, học sinh không về nhà nghỉ vào cuối tuần.

Thầy, cô giáo dạy trường nào ở yên trường đó, không ra khỏi địa bàn, nơi công tác khi không có công việc cần thiết.

Học sinh trường Nậm Nhừ chăm sóc vườn rau sau giờ học. Ảnh: NTCC

Học sinh trường Nậm Nhừ chăm sóc vườn rau sau giờ học. Ảnh: NTCC

Do vậy, việc đảm bảo an toàn cho bếp ăn trường học được ban giám hiệu nhà trường hết sức trú trọng.

Để đảm bảo an toàn, không xảy ra những sự cố đáng tiếc, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyên Nậm Pồ thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm đồng thời có ý kiến chỉ đạo các trường trú trọng công tác này.

Trong thành phần kiểm tra an toàn thực phẩm có cơ cấu của đồng chí Phó phòng Giáo dục và Đào tạo phụ trách cùng với cán bộ của cơ qua an toàn thực phẩm của địa phương.

Trong thời gian tới, Phòng Giáo dục và Đào tạo sẽ tham mưu Ủy ban nhân dân huyện và các địa phương mở rộng mô hình nông trại trường học; tăng cường kiểm tra, nắm bắt việc thực hiện cung ứng thực phẩm vào các đơn vị nhà trường cũng như kiểm tra trang thiết bị phục vụ nhà bếp, đảm bảo khâu chế biến sạch sẽ, an toàn.

Các em tự chủ luôn nguồn rau sạch phục vụ bản thân và các bạn. Ảnh: NTCC

Các em tự chủ luôn nguồn rau sạch phục vụ bản thân và các bạn. Ảnh: NTCC

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tiếp tục chỉ đạo các trường có học sinh bán trú tăng gia sản xuất, trồng rau, chăn nuôi, cải thiện chất lượng bữa ăn hàng ngày, đúng mục tiêu gắn quản lý với công tác tổ chức ăn, ở tập trung cho học sinh bán trú, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong các đơn vị nhà trường trên địa bàn huyện”.

Theo kế hoạch, năm học này huyện Nậm Pồ đón hơn 20.700 học sinh từ bậc mầm non đến Trung học cơ sở. Trong số gần 12.600 học sinh thuộc hai bậc học Trung học cơ sở và mầm non, có tới 30% số học sinh thuộc diện con em hộ cận nghèo.

Trần Phương