Dạy trực tuyến, mong các thầy cô nhớ câu "một sự nhịn chín sự lành"

25/09/2021 06:38
Hồng Nhung
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chính sức khỏe tâm thần cả trò và thầy đã gây nên các vụ “lùm xùm” không đáng có, làm xấu xí tình cảm thầy trò.

Chuyện một số thầy cô giáo đi dạy nổi nóng và thiếu kiềm chế với học sinh, sinh viên không hiếm trong thời gian qua. Sau khi xảy ra, thầy cô giáo vô cùng hối hận, thế nhưng không thể quay ngược thời gian để làm lại, người bị khiển trách, người bị cảnh cáo, người đành bỏ bảng đen phấn trắng.

Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò; quỷ, ma, không thấy, nên học sinh sẽ là số 1 trong việc bày ra các trò nghịch ngợm trêu ghẹo, phá phách… phản đối, phản ứng với thầy cô.

Một sự nhịn… muôn sự lành

Đối diện với con trẻ đang hình thành nhân cách, giáo viên ứng xử không chuẩn mực, cái sai luôn luôn thuộc về người lớn; phần lớn các vụ “lùm xùm” trong trường học giữa giáo viên và học sinh, giáo viên luôn là người chịu thiệt.

Cô giáo Ng. (đề nghị không nêu tên) chia sẻ: “Em dạy trực tuyến, học sinh cướp quyền điều khiển, vẽ lên màn hình, chia sẻ màn hình, nói tục, chửi bậy… có hết.

Không nổi nóng, không giận dữ là không thật lòng, nhưng mình phải kiềm chế; nếu mình nổi cáu, nóng giận, xử lý không mô phạm… thì mình không phải là… cô nó.

Gặp những trường hợp như vậy, phải tâm niệm một sự nhịn, muôn sự lành. Giáo viên phải đọc câu chuyện “giận mày tao ở với ai?”, giờ thì “Giận học trò mình dạy ai”.

Học sinh bày trò, nhiều khi là học sinh có năng khiếu về tin học; mình khen có năng khiếu, nhưng sử dụng năng khiếu không đúng lúc, chỉ nhắc nhở vui vẻ, không mấy em lặp lại; ngược lại, mình càng cố chấp, học sinh càng phá.

Mình trau dồi kĩ năng vi tính, làm chủ lớp học, xử lý linh hoạt, dạy vui vẻ, hòa nhã, lan truyền năng lượng tích cực cho học sinh, các em sẽ cố gắng học tốt hơn, không còn chọc ghẹo cô nữa”.

Tuy nhiên, thực thế có những sự việc xảy ra ngoài ý muốn của cả người dạy lẫn người học như sự việc cô giáo Y. (dạy văn cấp 3 ở Quảng Trị) buông những lời mắng chửi thậm tệ học sinh.

Ảnh mang tính minh họa: TTXVN

Ảnh mang tính minh họa: TTXVN

Hay, khi được đề nghị giảng lại bài vì mưa to, chưa nghe rõ, giảng viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật "đuổi" nam sinh khỏi lớp online, nói nhiều lời không đúng mực.

Mới đây nhất, clip ghi lại đoạn hội thoại giảng viên Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh mắng sinh viên là "óc trâu" lan truyền trên mạng gây xôn xao dư luận.

Những thầy cô giáo, học sinh, trong các vụ lùm xùm trên, nếu được chọn lựa lại, tôi chắc chắn rằng, họ sẽ không xử lý như thế.

Điều gì đã làm thầy cô, học sinh xử lý như thế?

Mới đây, đoạn clip ghi quay lại màn cự cãi của nam sinh trường Cao đẳng FPT Polytechnic với thầy giáo, trong tiết học online môn Giáo dục thể chất trên mạng xã hội, khiến dân tình không khỏi ngỡ ngàng.

Nam sinh ngang ngược, văng tục, thách thức, khi nói chuyện với thầy giáo, khẳng định mình "không sợ ai, không nịnh bợ ai".

Trong khi đó, thầy giáo vẫn giữ bình tĩnh, nhẹ nhàng nói: "Em cứ nói xong đi, thầy nói". Hành động bình tĩnh, tự tin xử lý rất chuẩn mực được cộng đồng khen ngợi hết mực.

Đại diện trường Cao đẳng FPT Polytechnic đã liên hệ với sinh viên và gia đình để làm tường trình sự việc. Được biết, hiện sức khỏe và tâm lý của bạn nam bất ổn, đang được chăm sóc tại trạm xá. [1]

PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường đại học Giáo dục (Ðại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, đằng sau những lời lẽ thiếu kiềm chế đó có thể là sức chịu đựng quá giới hạn, công việc quá tải; sức khỏe tâm thần của thầy cô bị bỏ quên [2]

Chính sức khỏe tâm thần cả trò và thầy đã gây nên các vụ “lùm xùm” không đáng có, làm xấu xí tình cảm thầy trò.

Mặt khác, “lỗ hổng” của giáo dục kĩ năng sống của chúng ta đã bộc lộ khi dạy trực tuyến, minh chứng cụ thể là những học sinh, sinh viên trong các vụ lùm xùm trên, thiếu những kĩ năng cơ bản để tự học, thay đổi hình thức học tập.

Làm sao để giáo viên tránh “tai họa” vạ miệng khi dạy trực tuyến?

Thời buổi công nghệ 4.0, không còn “khẩu thiệt vô bằng” như trước đây, mỗi lời nói, hành vi của thầy cô đều đang được ghi lại; dạy trực tuyến thầy cô càng phải làm chủ cảm xúc của mình hơn dạy trực tiếp.

Chuẩn mực xã hội ở bất cứ đâu, không cho phép bất cứ ai được xúc phạm người khác. Hành vi thiếu kiềm chế, xúc phạm người học nói riêng, người khác nói chung, cần được loại bỏ ở bất cứ ai, trước hết là ở người thầy, làm gương cho học trò.

Vì thế, trước khi chờ bác sĩ chữa bệnh cho mình, mỗi thầy cô giáo phải tự chữa cho mình trước, hãy quẳng gánh lo trước khi vào tiết dạy.

Thầy cô hãy đảm bảo không khí tiết học vui vẻ, thoải mái, chính sự vui vẻ của thầy cô sẽ truyền năng lượng tích cực cho trò, như vậy buổi học sẽ tốt hơn.

Gặp sự cố, hãy hít thở thật sâu, giúp ta kiềm chế cảm xúc; trước khi nổi nóng, hãy nghĩ đến hậu quả của nó; nghĩ đến hậu quả, ta sẽ chín chắn hơn khi xử lý tình huống sư phạm.

Hậu quả chẳng phải riêng mình giáo viên chịu, phía sau là gia đình, nhà trường, xã hội…; muốn học sinh tôn trọng mình, hãy tôn trọng các em trước.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://tuoitre.vn/nam-sinh-vien-vang-tuc-doi-solo-thay-giao-trong-lop-hoc-online-20210922101901581.htm

[2 https://infonet.vietnamnet.vn/gioi-tre/hoc-duong/vu-mang-sinh-vien-oc-trau-suc-khoe-tam-than-thay-co-bi-bo-quen-393118.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Hồng Nhung