Dạy trực tuyến mệt gấp mấy lần trực tiếp, cần bản lĩnh để tránh "tai nạn"

29/09/2021 06:43
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các thầy cô phải có bản lĩnh sư phạm để xử lý mọi vấn đề xảy ra trong khi dạy học trực tuyến, cần cái nhìn bao dung, độ lượng và đặc biệt phải thật bình tĩnh.

Trong những ngày qua, nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra đều liên quan đến cách ứng xử của thầy cô và học trò khi giảng dạy trực tuyến. Công việc giảng dạy trực tuyến còn tạo áp lực gấp nhiều lần cho giáo viên, có nhiều yếu tố chi phối, gây ảnh hưởng như không gian học, chất lượng thiết bị học của học sinh, đường truyền Internet... và trên hết là thái độ của người học.

Học trực tuyến với cả thầy và trò đều rất vất vả, vận dụng đủ các loại ứng dụng hỗ trợ sao cho trao đổi giữa hai bên thông suốt. Tuy nhiên, các thầy cô cần phải có bản lĩnh sư phạm để xử lý mọi vấn đề xảy ra trong thời gian học, cần có cái nhìn bao dung, độ lượng và đặc biệt phải thật bình tĩnh, có cái đầu “lạnh” để sẵn sàng đương đầu với nhiều tính huống đáng tiếc xảy ra.

Khi dạy trực tuyến, giáo viên mệt gấp mấy lần so với dạy truyền thống trên lớp, đồng thời luôn suy nghĩ làm thế nào để học trò của mình nắm bắt được bài. Nhưng trong thực tế cũng có không ít học sinh thiếu ý thức, nói leo, trêu đùa hoặc tắt mic rồi đổ lỗi cho mạng kém…khiến tiết học phải mất nhiều thời gian hơn quy định.

Giảng dạy trực tuyến còn tạo áp lực gấp nhiều lần cho giáo viên, có nhiều yếu tố khác chi phối, gây ảnh hưởng đến việc giảng dạy như không gian học, chất lượng thiết bị học của học sinh, đường truyền Internet... và trên hết là thái độ của người học. Ảnh minh họa: G.H.
Giảng dạy trực tuyến còn tạo áp lực gấp nhiều lần cho giáo viên, có nhiều yếu tố khác chi phối, gây ảnh hưởng đến việc giảng dạy như không gian học, chất lượng thiết bị học của học sinh, đường truyền Internet... và trên hết là thái độ của người học. Ảnh minh họa: G.H.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với thầy Lê Anh Tuấn - giáo viên một trường trung học cơ sở công lập tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Theo thầy Tuấn: “Khi dạy và học trực tuyến, cả hai phía thầy và trò đều có những áp lực chung. Giáo viên với mong muốn truyền đạt được kiến thức cho học sinh, cũng chính vì vậy thầy cô vô tình tự tạo áp lực cho bản thân.

Học sinh cũng có áp lực riêng, các em trong suốt thời gian dài không được ra ngoài, không được đến trường, bây giờ phải học trực tuyến mà bài giảng và các tương tác chưa được đầy đủ như học trực tiếp trên lớp, tất cả những tác nhân này đều dẫn đến một ức chế nhất định cho người học.

Khi học tại trường, không gian tập trung, dễ hiểu bài hơn bởi có gì sẽ hỏi thầy cô luôn. Với không gian học trực tuyến, nếu thầy cô nào có kĩ năng quản lý học sinh trên môi trường mạng sẽ tương tác được nhiều hơn với học sinh cùng một lúc.

Với những thầy cô quản lý chưa tốt, dẫn đến có những học sinh bị “bỏ qua”, nhiều khi thầy cô chỉ tập trung vào số đông mà quên mất số ít học sinh đó, những việc này cứ dần tích lũy nhiều ngày dẫn đến học sinh bị hổng kiến thức, khiến cho học sinh cảm thấy ức chế. Và về lâu dài thì việc hổng kiến thức này dễ gây ức chế cho cả hai bên, phía thầy cô không đạt được kì vọng của mình hoàn thành nhiệm vụ, phía học sinh không nắm được kiến thức.

Nhưng một điều kiên quyết là hai kì vọng này không được “chạm” nhau, không được gây nên xung đột mặc dù đó là hai kì vọng tốt, cách thực hiện phải được thống nhất giữa thầy và trò. Kì vọng giống nhau, nhưng hai con đường thực hiện lại khác nhau nên cũng dẫn đến “xung đột” không đáng có trong khi thực hiện.

Mọi sự tích tụ lâu ngày sẽ dẫn đến ức chế, trong một không gian chật hẹp của lớp học trực tuyến, thầy giáo bị áp lực khi dạy nhiều học sinh, nhiều lớp trong ngày, nhưng không thể vì một vài học sinh có “thái độ” như vậy mà lại bỏ rơi những em khác, chính vì thế thầy cô vẫn phải dạy theo tiến độ chung của cả lớp”.

Khi dạy trực tuyến, cấp nào cũng có những “ức chế” riêng. Nhưng đặc biệt ở học sinh phổ thông nó có những “âm thầm”, các em không thể hiện ra mạnh mẽ như ở cấp đại học. Ảnh minh họa: G.H.

Khi dạy trực tuyến, cấp nào cũng có những “ức chế” riêng. Nhưng đặc biệt ở học sinh phổ thông nó có những “âm thầm”, các em không thể hiện ra mạnh mẽ như ở cấp đại học. Ảnh minh họa: G.H.

Cần những giải pháp hợp lí

Thầy Tuấn cho biết: “Đối với các cấp học, về khía cạnh nào đó cũng đều giống nhau khi dạy trực tuyến, cấp nào cũng có những “ức chế” riêng. Nhưng đặc biệt ở học sinh phổ thông nó có những “âm thầm”, các em không thể hiện ra mạnh mẽ như ở cấp đại học.

Nhưng không phải các em không thể hiện ra là không có sự ức chế, không khó chịu. Thường các em thể hiện bằng cách không hợp tác, thầy cô gọi nhưng các em không trả lời, tự thoát ra khỏi lớp và đổ lỗi do mạng. Vậy thầy cô cần xử lí ra sao với những trường hợp như vậy?

Đối với những em học kém, bị điểm thấp dẫn đến thầy cô day dứt, chính vì sự day dứt đó nên thầy cô cũng bị áp lực công việc. Khi thầy cô đã cố gắng giảng bài, nhưng nhiều khi gặp những học sinh không chịu làm bài tập, không nghe giảng, không trả lời câu hỏi… nếu giáo viên không quản lý tốt cảm xúc thì rất dễ bị “lấn át” làm ảnh hưởng đến không khí học của cả lớp.

Thầy cô nên cùng thống nhất với học sinh từ những buổi đầu về quy tắc, cách thức cũng như các phương pháp học trực tuyến, xác định đây là giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh nên cả thầy và trò cùng phải cố gắng hợp tác hơn nhiều lần.

Đồng thời cũng cần thống nhất luôn với phụ huynh các em rằng, việc để học sinh đạt được thành tích tốt trong học tập là mục tiêu chung của tất cả thầy trò và gia đình, học trò chủ động, giáo viên cùng phụ huynh hỗ trợ. Nếu “giải quyết” được câu chuyện đó thì mối quan hệ giữa thầy trò và gia đình các em sẽ rất thoải mái, đồng thuận vì tất cả cùng một hướng.

Nếu vẫn xảy ra tình trạng có học sinh không hợp tác, lúc này thầy cô nên vì cái chung, đảm bảo tiến độ vì cả lớp trước, còn với các con chưa hiểu thì vẫn nên động viên các con theo dõi, chép bài đầy đủ và thầy sẽ trả lời vấn đề này trong nhóm riêng của lớp sau buổi học, thậm chí có thể nhóm những em chưa hiểu bài lại để cùng giải thích. Trong tình huống này giáo viên nên tránh đôi co với học sinh, bởi nếu tranh luận hay cố truy hỏi sẽ làm cho cả 2 mất kiểm soát về tâm lí.

Trả lời sau, tất nhiên là thầy cô sẽ vất vả hơn, nhưng theo tôi việc vất vả này cũng xứng đáng, thầy cô sẽ nhàn hơn trong những tiết học sau bởi học sinh đã hiểu được kiến thức, các em không cảm thấy mình bị bỏ rơi. Còn nếu bỏ qua số ít học sinh chưa hiểu sẽ làm những giờ học sau đó rất nặng nề mà giáo viên sẽ là những người phải gánh hậu quả, đó là những bức xúc, hậm hực từ phía học sinh”.

Thầy Tuấn chia sẻ thêm: “Về lâu dài, thầy cô nên tạo thêm những video ngắn để tóm tắt những ý chính, cơ bản của bài giảng đó để sử dụng kèm trong khi lên lớp, học sinh cũng có thể xem lại khi chưa hiểu bài. Nhiều khi chỉ cần thầy cô gửi thêm tài liệu là học sinh đã có thể hiểu được bài, chứ không nhất thiết phải giảng lại.

Để tránh gặp phải những việc ức chế trong giờ học, thầy cô nên đang dạng các hình thức giảng dạy, không nên lạm dụng một hình thức nào đó quá lâu như video, hình ảnh, bản chữ…ngoài ra, khoảng 20 phút đồng hồ nên dừng lại vài phút để nắm bắt được tình hình trong lớp có em nào không theo kịp, hoặc đường truyền có vấn đề, mất tín hiệu camera hay mic…để kịp thời khắc phục”.

Theo cô Mai Hương: “Cần có nội quy rõ ràng, nếu dạy học trực tiếp có nội quy thế nào thì khi chuyển sang môi trường trực tuyến cũng cần những nội quy phù hợp". Ảnh: NVCC.
Theo cô Mai Hương: “Cần có nội quy rõ ràng, nếu dạy học trực tiếp có nội quy thế nào thì khi chuyển sang môi trường trực tuyến cũng cần những nội quy phù hợp". Ảnh: NVCC.

Cần có nội quy rõ ràng khi học trực tuyến

Về cách phòng tránh những tình huống không đáng có xảy ra trong giờ học trực tuyến, cô Nguyễn Mai Hương - Giáo viên Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm đã cho biết khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam: “Cần có nội quy rõ ràng, nếu dạy học trực tiếp có nội quy thế nào thì khi chuyển sang môi trường trực tuyến cũng cần những nội quy phù hợp.

Từ việc giờ vào học, trang phục, góc đặt camera, họp phụ huynh, thông báo nội quy trường, lớp... để tất cả học sinh nắm được. Ví dụ: Quy định lớp học trực tuyến thì tất cả học sinh đều phải bật camera, chỉ bật mic khi giáo viên yêu cầu…và mấu chốt để được tất cả mọi người cùng đồng thuận về những quy định này thì nhà trường cần đưa ra yêu cầu và học sinh được quyền góp ý, phản hồi trong vòng 2 ngày, nêu rõ lí do đồng ý hoặc không đồng ý.

Dạy trực tuyến rất cần kĩ năng thành thạo về công nghệ hơn nữa thầy cô cũng phải có phương pháp phù hợp, không giống như dạy truyền thống. Dạy học trực tuyến là dạy phải ít, chủ yếu là hướng dẫn học sinh tự học, luôn đặt mình vào cương vị người học để có cách ứng xử phù hợp”.

Theo cô Hương: “Ở môn ngoại ngữ, chúng tôi sử dụng sách mềm để học sinh có thể nhìn thấy cũng như tương tác được, hơn nữa phải chuẩn bị tốt những phần bài tập tương tác, có như vậy thì giáo viên mới kiểm soát được việc học sinh có tham dự vào giờ học hay không.

Việc này đòi hỏi các giáo viên phải có sự đổi mới, nâng cao khả năng sử dụng công nghệ thông tin của bản thân. Nếu trước đây chưa dùng, thì nay bắt buộc phải dùng để có thể đáp ứng được yêu cầu của học sinh và những bài dạy trực tuyến, để tránh tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào sách giáo khoa, những bài giảng khô khan, hoặc những giờ giảng chay không có tương tác, dẫn đến tâm lý học sinh chán nản ảnh hưởng đến việc tiếp thu kiến thức.

Nếu cô và trò chỉ nói chuyện với nhau thì là giảng chay, dẫn tới việc không nắm được học sinh có nghe mình giảng, có ghi chép hay không?

Nhưng nếu giáo viên biết cách sử dụng sách online thì học sinh sẽ nhìn thấy bài giảng, và việc ghi chép cũng dễ dàng hơn, có những phần mềm tương tác để học sinh làm bài tập, qua đó giáo viên kiểm tra được học sinh nào đang theo dõi bài, hoặc đã có câu trả lời.

Số ít học sinh trước đây chưa chăm học, nhưng khi học trực tuyến thì tài liệu được giáo viên gửi qua mạng đến tận nơi, việc này cũng đã khuyến khích các em tra cứu và chăm chỉ hơn.

Khi nộp bài tập cũng nhanh hơn vì không phải viết quá nhiều như trước đây. Giáo viên giao bài trực tuyến, học sinh đánh dấu luôn vào đáp án và việc này khiến các em cảm thấy thích thú, tiện lợi hơn so với viết ra giấy.

Ví dụ: “Có em phản hồi không hứng thú với môn Văn vì phải viết quá nhiều, nhưng theo tôi nếu giáo viên thay đổi sử dụng 50% phương pháp trắc nghiệm với phần mềm thích hợp, như vậy thì học sinh sẽ hào hứng, thích học hơn.

Ngoài ra chúng tôi ứng dụng những phần mềm chấm bài tự động, học sinh chỉ cần tích chọn phương án A, B, C…và nộp bài rất nhanh, giáo viên nhìn vào đó là đã có thể kiểm soát được đến thời điểm này có bao nhiêu em đã làm đến phần nào, bao nhiêu em nộp bài.

Hơn nữa phần mềm này sẽ chấm điểm tự động, học sinh nộp bài sẽ biết điểm ngay, việc này không thể làm được khi giáo viên chấm bài kiểu thủ công, đó cũng là ưu điểm để khuyến khích học sinh”.

Tùng Dương