Nhìn lại hành trình “xóa sổ” giáo dục chuyên nghiệp (2)

14/10/2021 06:46
Minh Ngọc
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 rất “thoáng” khi quy định thời gian đào tạo cao đẳng chỉ còn từ 1-3 năm dẫn đến năng lực thực sự của người học không đảm bảo.

(Phần 1)

Bước vào công cuộc đổi mới đất nước (sau 1986), Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) tiếp tục những tìm tòi, kế thừa kết quả hoạt động thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, mở thành công nhiều chương trình hệ đào tạo trình độ đào tạo cao đẳng (chuyên nghiệp) trong bậc đại học được xã hội chấp nhận; được các Luật Giáo dục 1989, Luật Giáo dục 2005, Luật Giáo dục 2009 và Luật Giáo dục đại học 2012 thừa nhận. Những thay đổi này không chỉ đáp ứng nhu cầu nhân lực mà còn có tính chất hội nhập quốc tế.

Vậy trình độ đào tạo cao đẳng đã "biến mất" khỏi bậc giáo dục đại học từ khi nào? Trong bài viết này chúng tôi sẽ phân tích cụ thể lộ trình thay đổi của hệ đào tạo trình độ cao đẳng trong các văn bản từ năm 1993 đến năm 2019.

Nghị định 90-CP ngày 24/11/1993 quy định cơ cấu khung của hệ thống giáo dục quốc dân, hệ thống văn bằng, chứng chỉ về giáo dục và đào tạo nêu rõ:

Giáo dục chuyên nghiệp bao gồm trung học chuyên nghiệp, trung học nghề, đào tạo nghề. Theo đó, thời gian đào tạo của trung học chuyên nghiệp và trung học nghề đều là 3-4 năm còn thời gian đào tạo nghề là dưới 2 năm.

Giáo dục đại học bao gồm cao đẳng, đại học, sau đại học. Thời gian đào tạo cao đẳng kéo dài trong 3 năm.

Ảnh minh họa: nguồn TTXVN

Ảnh minh họa: nguồn TTXVN

Đến Luật Giáo dục năm 1998 do Quốc hội ban hành ngày 2/12/1998 điều chỉnh “giáo dục chuyên nghiệp” thành “giáo dục nghề nghiệp”. Theo đó, giáo dục nghề nghiệp gồm trung học chuyên nghiệp và dạy nghề; giáo dục đại học đào tạo hai trình độ là cao đẳng và đại học…

Điều 28, Luật Giáo dục năm 1998 quy định: Giáo dục nghề nghiệp bao gồm trung học chuyên nghiệp được thực hiện từ 3-4 năm đối với người có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, từ 1-2 năm đối với người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông tại các trường trung học chuyên nghiệp nhằm đào tạo kỹ thuật viên, nhân viên nghiệp vụ có kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp ở trình độ trung cấp.

Dạy nghề được thực hiện dưới 1 năm đối với chương trình dạy nghề ngắn hạn và từ 1-3 năm đối với các chương trình dạy nghề dài hạn tại các cơ sở dạy nghề (bao gồm trường dạy nghề, trung tâm dạy nghề, lớp dạy nghề) để đào tạo người lao động có kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp phổ thông, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.

Trình độ cao đẳng thực hiện đào tạo trong 3 năm đối với người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc bằng tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp.

Căn cứ vào thời gian đào tạo thì những học sinh học hết chương trình trung học chuyên nghiệp, chương trình dạy nghề dài hạn, có đủ điều kiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được dự thi và nếu đạt yêu cầu thì được cấp bằng tốt nghiệp. Hiệu trưởng trường trung học chuyên nghiệp cấp bằng tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp, bằng tốt nghiệp đào tạo nghề, chứng chỉ nghề.

Học sinh học hết chương trình dạy nghề ngắn hạn, chương trình bồi dưỡng nâng cao trình độ nghề tại các trường trung học chuyên nghiệp, có đủ điều kiện theo quy định được dự kiểm tra để lấy chứng chỉ.

Còn sinh viên học hết chương trình cao đẳng, có đủ điều kiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được dự thi và nếu đạt yêu cầu thì được cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng…

Như vậy để thấy, Luật Giáo dục 1998 quy định thời gian đối với đào tạo nghề là dưới 3 năm, trung học chuyên nghiệp là từ 3-4 năm còn cao đẳng chuyên nghiệp là 3 năm. Với thời gian đào tạo khác nhau sẽ cho văn bằng, chứng chỉ tương ứng.

So với Luật Giáo dục 1998 thì Luật Giáo dục 2005 khẳng định “giáo dục nghề nghiệp có trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề” (thay thế “trung học chuyên nghiệp” bằng “trung cấp chuyên nghiệp”) và trình độ cao đẳng vẫn thuộc về giáo dục đại học.

Theo đó, trung cấp chuyên nghiệp được thực hiện từ 3-4 năm đối với người có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, từ 1-2 năm đối với người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông dạy tại các trường trung cấp chuyên nghiệp với mục tiêu đào tạo người lao động có kiến thức, kỹ năng thực hành cơ bản của một nghề, có khả năng làm việc độc lập và có tính sáng tạo, ứng dụng công nghệ vào công việc.

Còn dạy nghề được thực hiện dưới 1 năm đối với đào tạo nghề trình độ sơ cấp, từ 1-3 năm đối với đào tạo nghề trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng dạy tại các cơ sở dạy nghề (gồm trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề, lớp dạy nghề nhằm đào tạo nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất, dịch vụ có năng lực thực hành nghề tương xứng với trình độ đào tạo. Như vậy, từ đây bắt đầu xuất hiện dạy nghề trình độ cao đẳng.

Đào tạo trình độ cao đẳng được thực hiện từ 2-3 năm học tùy theo ngành nghề đào tạo đối với người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc bằng tốt nghiệp trung cấp; từ 1.5-2 năm đối với người có bằng tốt nghiệp trung cấp cùng chuyên ngành.

Vì có sự thay đổi từ “trung học chuyên nghiệp” (Luật Giáo dục 1998) sang “trung cấp chuyên nghiệp” (Luật Giáo dục 2005) trong hệ thống giáo dục quốc dân đồng thời xuất hiện dạy nghề trình độ cao đẳng nên hệ thống văn bằng đã có điều chỉnh.

Nếu Luật Giáo dục 1998 quy định có bằng tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp, bằng tốt nghiệp đào tạo nghề thì Luật Giáo dục 2005 gọi chung là “bằng tốt nghiệp trung cấp”.

Cụ thể, học sinh học hết chương trình trung cấp chuyên nghiệp, có đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được dự thi và nếu đạt yêu cầu thì được Hiệu trưởng nhà trường cấp bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp.

Học sinh học hết chương trình dạy nghề trình độ trung cấp, có đủ điều kiện theo quy định của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề thì được dự thi và nếu đạt yêu cầu thì được Hiệu trưởng nhà trường cấp bằng tốt nghiệp trung cấp nghề.

Sinh viên học hết chương trình dạy nghề trình độ cao đẳng, có đủ điều kiện theo quy định của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề thì được dự thi và nếu đạt yêu cầu thì được Hiệu trưởng nhà trường cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề.

Phân tích vậy để thấy nếu Nghị định 90/1993 quy định thời gian đào tạo của trung học nghề là 3-4 năm thì đến Luật Giáo dục 2005 rút xuống chỉ còn 1-3 năm và đào tạo cao đẳng chuyên nghiệp điều chỉnh từ 3 năm xuống còn 2-3 năm. Xuất hiện thêm cao đẳng nghề với thời gian đào tạo từ 1-3 năm.

Đến năm 2006, Quốc hội đã ban hành Luật Dạy nghề với mục tiêu dạy nghề là đào tạo nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất, dịch vụ…với 3 trình độ: sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề.

Đối với dạy nghề trình độ trung cấp thì thời gian đào tạo từ 1-2 năm học tùy theo nghề đào tạo đối với người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông; từ 3-4 năm học tuỳ theo nghề đào tạo đối với người có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở nhằm trang bị cho người học nghề kiến thức chuyên môn và năng lực thực hành các công việc của một nghề…

Còn thời gian học nghề trình độ cao đẳng được thực hiện từ 2-3 năm học tuỳ theo nghề đào tạo đối với người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông; từ 1-2 năm học tuỳ theo nghề đào tạo đối với người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề cùng ngành nghề đào tạo nhằm trang bị cho người học nghề kiến thức chuyên môn và năng lực thực hành các công việc của một nghề…

Nếu Luật Giáo dục 2005 quy định thời gian đào tạo bậc trung cấp nghề là 1-3 năm thì đến Luật Dạy nghề 2006 lại kéo dài thành 3-4 năm (giống Nghị định 90/1993). Còn cao đẳng nghề đã kéo thời gian đào tạo lên 2-3 năm.

Đến năm 2014, Luật Dạy nghề được sửa đổi và đổi tên thành Luật Giáo dục nghề nghiệp. Kể từ đó trình độ cao đẳng bị “quàng” vào giáo dục nghề nghiệp dẫn tới quyết định năm 2016 giao cho Bộ Lao động, Thương binh và xã hội quản lý các trường cao đẳng và trung cấp (trừ các trường cao đẳng sư phạm).

Nhưng oái oăm là ngay trong Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 thì định nghĩa cũng như mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp chẳng khác gì với định nghĩa và mục tiêu của giáo dục nghề, tức là đã đánh đồng giáo dục nghề với giáo dục nghề nghiệp.

Theo đó, Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 cho rằng, giáo dục nghề nghiệp là một bậc học của hệ thống giáo dục quốc dân… nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ… với mục tiêu nhằm đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, có năng lực hành nghề tương ứng với trình độ đào tạo. Không những vậy, mục tiêu cụ thể đối với từng trình độ của giáo dục nghề nghiệp (sơ cấp, trung cấp , cao đẳng) thì không nối tiếp nhau mà lồng ghép lên nhau kiểu “cộng dồn”.

Chưa kể, đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp được nêu ra ở Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 ngoài trung tâm giáo dục nghề nghiệp thì có trường trung cấp, trường cao đẳng. Nhiều chuyên gia cho rằng chính việc tách trường cao đẳng ra khỏi bậc giáo dục đại học để chuyển giáo dục nghề nghiệp sang Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý đã “khơi mào” cho việc hợp nhất hai hệ thống trường nghề và trường chuyên nghiệp sau này.

Thậm chí, thời gian đào tạo đối với từng trình độ của giáo dục nghề nghiệp đã bị rút ngắn siêu tốc (trung cấp chỉ còn 1-2 năm, cao đẳng chỉ còn 1-3 năm).

Đến năm 2015, Quốc hội ban hành Luật Giáo dục hợp nhất để phù hợp với Luật Giáo dục sửa đổi năm 2009 và Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014, theo đó, “giáo dục nghề nghiệp đào tạo các trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác” (thời gian đào tạo của trung cấp là từ 1-2 năm, cao đẳng đào tạo từ 1-3 năm) còn giáo dục đại học “đào tạo trình độ đại học, trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ”. Tức là đã tách “cao đẳng” ra khỏi bậc giáo dục đại học và đưa về giáo dục nghề nghiệp.

Điều nực cười là luật mẹ lại phải sửa cho phù hợp với luật con thể hiện rõ qua Luật Giáo dục 2019 đã phải sửa theo Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014.

Với những thay đổi trong Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 so với các Luật trước đó thì Luật Giáo dục 2019 quy định giống y Luật Giáo dục hợp nhất năm 2015:

Giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác; Giáo dục đại học đào tạo trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ. Văn bằng tương ứng là bằng tốt nghiệp trung cấp, bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương.

Đáng nói, mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp ở Luật Giáo dục 2019 đã bỏ đi nội dung đào tạo kỹ thuật viên mà chỉ nhằm đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. Có thể nói, Luật Giáo dục 2019 đã có sự đồng nhất các mục tiêu của giáo dục chuyên nghiệp với giáo dục nghề để thành giáo dục nghề nghiệp nhưng thực chất đã “thủ tiêu” giáo dục chuyên nghiệp.

Từ những lập luận nêu trên cho thấy, Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 rất “thoáng” khi quy định thời gian đào tạo cao đẳng chỉ còn từ 1 - 3 năm dẫn đến năng lực thực sự của người học không đảm bảo, bị xã hội nghi ngờ. Chưa kể khi chuyển cao đẳng sang Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khiến các em khi tốt nghiệp khó có cơ hội học tiếp theo hình thức liên thông là điều dễ hiểu.

Việc đưa các trường cao đẳng về Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý dẫn đến áp dụng máy móc các chuẩn mực chung về kết quả đầu ra của hệ đào tạo tay nghề dẫn tới thủ tiêu giáo dục chuyên nghiệp- đòi hỏi nhiều kiến thức chuyên môn chuyên sâu.

Trong khi theo cách phân loại ISCED-2011 của UNESCO thì cao đẳng là giai đoạn đầu của giáo dục đại học. Vì vậy, việc đồng hóa các loại cao đẳng khác nhau vào mô hình này làm cho việc phát triển nhân lực của ta bị thụt lùi so với xu thế của khoa học kỹ thuật và trào lưu chung của thế giới.

Minh Ngọc