Kê khai tài sản phải có mốc thời gian, quá hạn phát hiện thì truy thu

23/10/2021 06:50
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ông Lê Nam cho rằng: “Xây dựng cơ sở trên sự tự giác kê khai vậy trường hợp cán bộ không tự giác khai báo thì hệ thống này cũng chưa thể theo dõi được”.

Để công tác phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả hơn nữa, theo thông tin từ cổng thông tin điện tử Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đã trình Dự thảo Đề án Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập để Thủ tướng xem xét, phê duyệt; xây dựng định hướng kế hoạch về xác minh về tài sản, thu nhập năm 2022, trở thành căn cứ để các bộ, ngành, địa phương thực hiện trong năm tới.

Xung quanh đề xuất này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã phóng vấn ông Lê Nam, Đại biểu Quốc hội khóa XIII để ghi nhận một số đánh giá.

Ông Lê Nam, Đại biểu Quốc hội khóa XIII (Ảnh quochoi.vn)

Ông Lê Nam, Đại biểu Quốc hội khóa XIII (Ảnh quochoi.vn)

PV: Thanh tra Chính phủ đang đề xuất xây dựng Đề án Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, ông đánh giá ra sao về đề xuất này?

Ông Lê Nam: Câu chuyện phòng, chống tham nhũng những năm gần đây được Đảng và Nhà nước quan tâm, thực hiện rất quyết liệt. Gần đây, Trung ương Đảng quyết định tăng cường cuộc đấu tranh này bằng chủ trương thay Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thành Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và tiêu cực.

Rõ ràng mệnh đề về tiêu cực làm cho cuộc đấu tranh phòng chống tiêu cực làm trong sạch nội bộ của Đảng và Nhà nước có những bước mới, phạm vi lớn hơn, rộng hơn, nội dung cụ thể hơn, chi phối đến số lượng rất lớn cán bộ, đảng viên.

Tôi hy vọng chủ trương này, sẽ tiến thêm một bước lớn, quan trọng trong việc đấu tranh làm trong sạch Đảng và Nhà nước.

Việc Thanh tra Chính phủ trình Đề án Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập cán bộ, tôi cho rằng đây là việc làm rất cần thiết. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực liên quan đến vấn đề tài sản của cán bộ.

Việc kê khai tài sản của các cán bộ là một trong những vấn đề nhức nhối, tồn tại kéo dài rất lâu. Mặc dù chúng ta đã có nhiều nỗ lực nhưng gần như chưa có những chuyển biến nhiều.

Trong nội dung các báo cáo của cơ quan chức năng cho thấy, chúng ta đã có gần 1,3 triệu cán bộ có nghĩa vụ kê khai tài sản đã kê khai. Theo số liệu kê khai hiện nay thì đội ngũ cán bộ của Việt Nam có khả năng về tài chính, của cải rất khiêm tốn.

Thế nhưng trên thực tế, khi đến một tỉnh, một thành phố, một khu dân cư thì cán bộ, người có chức quyền bao giờ cũng thể hiện sự vượt trội về tài sản, về đời sống. Song, khi kê khai tài sản thì thường không đúng, thiếu trung thực với thực tế tài sản của họ có.

Hiện nay, điều người dân đang lo lắng, phàn nàn, hoài nghi và làm cho công tác chống tham nhũng của chúng ta bị hạn chế rất nhiều chính là minh bạch tài sản của cán bộ chúng ta chưa nắm được. Vì thế, nếu cơ sở dữ liệu kiểm soát tài sản cán bộ được xây dựng có hệ thống, được số hóa, cơ quan có thẩm quyền có thể theo dõi tài sản của cán bộ trên phạm vi toàn quốc khi cần thiết thì đó là việc rất tốt và phải được tiến hành nhanh chóng, kịp thời.

PV: Theo ông, tính khả thi của việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập khi đi vào thực tế như thế nào. Bởi việc kê khai tài sản đang thực hiện trên tinh thần tự giác của cán bộ và dường như hiệu quả chưa cao, vẫn có sai phạm xảy ra?

Ông Lê Nam: Tôi chưa kỳ vọng kết quả quá nhiều nếu chỉ dừng lại ở xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia kiểm soát tài sản cán bộ. Vì đây chỉ được xem là công cụ về mặt quản lý của cơ quan có thẩm quyền để theo dõi sự tự giác của quan chức. Còn nếu họ không tự giác khai báo thì hệ thống này cũng chưa thể theo dõi được.

Ví dụ như bây giờ tôi khai báo tài sản của tôi vào thì tức là tài sản của tôi được nhập vào dữ liệu quốc gia này. Theo đó, các cơ quan chức năng khi cần thiết có thể kiểm tra tôi đã có những tài sản gì, tăng lên hay giảm đi trong thời gian qua… Đó sẽ là căn cứ để người ta đi kiểm tra trên thực tế hoặc khi có đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Tuy nhiên, giá trị tài sản của cán bộ có được khai trung thực hay không thì nằm ở tính tự giác, trung thực của cán bộ. Do đó, theo tôi, cần có một cơ chế giám sát, xử lý khi cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu này.

PV: Ông vừa nhắc tới cơ chế giám sát và xử lý khi cập nhật thông tin đi kèm với việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản cán bộ. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về vấn đề này?

Ông Lê Nam: Phải hiểu rằng việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ rất tốt tuy nhiên đây chỉ là công cụ và đang thực hiện trên mặt tự giác. Chúng ta đã tự giác rất lâu rồi nhưng không hiệu quả vì không có cơ chế xử lý những cán bộ không tự giác, và tự giác “chưa đủ”. Chính vì thế, song song với việc xây dựng công cụ thì cần phải xây dựng cơ chế giám sát, xử lý cụ thể. Ví dụ anh khai gian dối thì sẽ bị xử lý như thế nào? Bị phát hiện số tài sản bất minh bị xử lý như thế nào?

Công cụ thì có thể xây dựng nhưng làm cách nào để kiểm soát được sự minh bạch, công khai thì lại là một câu chuyện khác. Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản cán bộ là việc cần làm, nhưng làm thế nào cơ sở đó hiệu quả thì phải có cơ chế đi kèm.

Chúng ta cũng có thể đưa ra một lộ trình, ví dụ như, đối với tất cả cán bộ từ năm 2022 thì phải kê khai hết. Nếu không kê khai hoặc sau 2022 mà không kê khai hết thì tịch thu, xử lý, thậm chí truy tố. Chúng ta phải có mốc thời gian để hoàn thành công việc đó.

Những vụ việc tham nhũng, tiêu cực xảy ra thời gian gần đây minh chứng rằng, chúng ta có rất nhiều cơ chế, công cụ, hệ thống luật pháp tuy nhiên chồng chéo nhau, nhiều nhưng chưa chặt. Đó được xem là những lỗ hổng về cơ chế. Đặt ra cơ chế nhưng làm chưa đủ, chưa đúng, chưa mạnh thì vẫn còn cán bộ tham nhũng, sai phạm.

Chủ trương về kê khai tài sản trong công tác cán bộ đã lâu rồi nhưng người ta không làm đúng.

Xây dựng cơ sở dữ liệu về tài sản là điều hợp lý nhưng song song đó cần xây dựng cơ chế giám sát, xử lý cán bộ kê khai không thật, không đúng. Đó mới là nội dung cực kỳ quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng. Phải khai thật, khai đúng thì cơ sở dữ liệu này mới có thể phát huy được hiệu quả.

Trân trọng cảm ơn ông!

Cao Kim Anh