Quá thiệt thòi cho cán bộ, giáo viên tụt hạng vì bằng Cử nhân Quản lý Giáo dục

28/10/2021 13:42
Lại Vũ Xuân Hoa
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thật bất công khi giáo viên có trình độ cử nhân toán, văn,… thì được chuyển hạng chức danh mới còn giáo viên có trình độ cử nhân quản lý giáo dục lại không được.

Khi áp dụng Thông tư 02, 03/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong trường Tiểu học - Trung học cơ sở công lập, nhiều cán bộ - giáo viên đang công tác có trình độ Cử nhân Quản lý giáo dục không được chuyển hạng chức danh nghề nghiệp mới theo các thông tư đó. Như vậy quá thiệt thòi và bất công cho họ.

Kính mong Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan có thẩm quyền xem xét tháo gỡ.

1. Quá thiệt thòi cho những cán bộ, giáo viên đang công tác có trình độ Cử nhân Quản lý Giáo dục khi áp dụng các thông tư 02/2021/TT-BGDĐT và 03/2021/TT-BGDĐT

Trước khi luật giáo dục 2019 có hiệu lực thi hành từ 01 tháng 7 năm 2020 thì trình độ chuẩn của giáo viên Tiểu học, Trung học cơ sở là trình độ cao đẳng và giáo viên được hưởng lương tương ứng với trình độ đó. Phần lớn giáo viên có bằng đại học được hưởng lương tương ứng với bằng đại học.

Chúng tôi - những cán bộ, giáo viên đã đạt trình độ chuẩn thời điểm đó được các phòng giáo dục định hướng, cử đi học đại học quản lý giáo dục có bằng tốt nghiệp từ năm 2012 (cách đây 9 năm) nhưng đến nay vẫn chưa được hưởng lương theo bằng đại học vì khoảng 9-10 năm nay các tỉnh dừng chuyển xếp lương từ trình độ cao đẳng lên đại học.

Như vậy, chúng tôi chịu thiệt thòi không nhỏ phần chênh lệch lương do không được hưởng lương theo trình độ trên chuẩn tùy theo chức vụ và bậc lương của mỗi người.

Rồi khi có các thông tư hướng dẫn thi thăng hạng chúng tôi tiếp tục học các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, chức danh nghề nghiệp tốn kém thêm hàng chục triệu đồng nữa để được chuyển hạng mới.

Song thật buồn khi hiện nay áp dụng thông tư 02, 03/2021/TT-BGDĐT chúng tôi không được chuyển hạng chức danh nghề nghiệp mới vì bằng “Cử nhân quản lý giáo dục” không được coi là “Bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên”.

Ảnh minh họa: Baoquangbinh.vn

Ảnh minh họa: Baoquangbinh.vn

Do vậy không đạt chuẩn trình độ giáo viên Tiểu học, Trung học cơ sở theo 2 thông tư trên. Vậy tôi cũng như rất nhiều cán bộ quản lý, giáo viên trong cả nước rất mong muốn Bộ và các cơ quan có thẩm quyền xem xét tháo gỡ cho chúng tôi đỡ thiệt thòi bởi vì:

Thứ nhất: Chúng tôi đã có bằng cao đẳng sư phạm chuyên ngành giảng dạy, được cử đi học thêm bằng “Cử nhân quản lý giáo dục”, hiện đang giảng dạy và đã có những thành tích đóng góp đáng kể cho giáo dục.

Số cán bộ, giáo viên có bằng Cử nhân Quản lý giáo dục do trường Đại học Sư phạm Hà Nội đào tạo trong 9 năm nay tính trên cả nước khá nhiều.

Đa số họ là chuyên viên, hiệu trưởng, hiệu phó, tổ trưởng, tổ phó hoặc là giáo viên có năng lực chuyên môn nghiệp vụ tốt, đạt danh hiệu giáo viên giỏi các cấp và có nhiều thành tích xuất sắc trong đơn vị.

Họ được nhà trường, phòng giáo dục cử đi học trình độ trên chuẩn khi đó để làm tốt hơn công việc hiện tại hoặc vào diện quy hoạch cán bộ quản lý.

Nhiều năm nay họ thiệt thòi không được hưởng lương đại học nhưng vẫn không ngừng học tập, rèn luyện, phấn đấu.

Hơn nữa còn theo học nhiều khóa học khác để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để làm tốt hơn công việc được giao.

Vậy mà nay họ lại hưởng lương thấp hơn những người ít thâm niên hơn và thành tích không bằng họ chỉ vì họ không được coi là đạt chuẩn trình độ nên không được chuyển hạng mới, vẫn ở hạng cũ.

Thứ hai: Không nên hiểu cứ phải trình độ cử nhân sư phạm toán, văn,… mới là trình độ cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên; còn trình độ cử nhân quản lý giáo dục không thuộc ngành đào tạo giáo viên bởi lẽ:

- Một là: Cả hai loại cử nhân này đều do Trường Đại học Sư phạm (Đây là trường đào tạo giáo viên) đào tạo để làm giáo viên, cán bộ quản lý trong ngành giáo dục chứ không phải ngành nghề khác.

Những người có bằng cử nhân quản lý giáo dục đều đã có bằng cao đẳng sư phạm chuyên ngành giảng dạy và đang giảng dạy tốt.

Những người làm công tác quản lý như hiệu trưởng, hiệu phó thì họ cũng là giáo viên, đều phải dạy một số tiết trong tuần theo quy định.

Như vậy nên hiểu cử nhân quản lý giáo dục cũng thuộc diện cử nhân ngành đào tạo giáo viên, giáo viên xuất sắc chứ không phải chỉ làm quản lý.

Thực tế chúng tôi đã được học 37 môn, đào tạo và bồi dưỡng nhiều kiến thức - kĩ năng quản lý giáo dục, tâm lí học, giáo dục học, phương pháp nghiên cứu khoa học, tổ chức lao động khoa học, tư vấn giáo dục, kế hoạch giáo dục, sáng kiến kinh nghiệm, thể thức văn bản,.v.v... có thể áp dụng vào quản lý lớp học với giáo viên chủ nhiệm; tổ chức lớp học và giảng dạy với giáo viên bộ môn.

- Hai là: Có thêm trình độ Cử nhân quản lý giáo dục phải hơn có nguyên trình độ cao đẳng sư phạm. Từ đó hiệu quả quản lý, giảng dạy phải hơn so với trước. Vậy cần phải được trả lương tương xứng với trình độ ấy.

- Ba là: Hiện nay đa số giáo viên có trình độ cử nhân toán, văn ở Trung học cơ sở cũng chỉ dạy 1 hoặc 2 lớp môn toán, văn tức là dạy 4 tiết hoặc 8 tiết/19 tiết/ một tuần.

Số tiết còn lại dạy môn thứ hai được đào tạo trình độ cao đẳng hoặc làm công tác kiêm nhiệm, tức là chỉ một số ít tiết sử dụng trình độ cử nhân chuyên ngành đào tạo.

Giáo viên có trình độ cử nhân quản lý giáo dục thì thường xuyên vận dụng kiến thức và kĩ năng quản lý giáo dục vào công tác tổ nhóm chuyên môn, chủ nhiệm lớp, giảng dạy, giáo dục,…

Như vậy có thể nào trình độ cử nhân quản lý giáo dục lại không có tác dụng trong giảng dạy và giáo dục sao? Vậy thật bất công khi giáo viên có trình độ cử nhân toán, văn,… thì được chuyển hạng chức danh mới còn giáo viên có trình độ cử nhân quản lý giáo dục lại không được chuyển hạng chức danh mới.

Thứ ba là: Những người học Đại học sư phạm Hà Nội chuyên ngành Quản lý giáo dục hệ vừa học vừa làm đều được nhà trường, phòng định hướng và cử đi học thời điểm đó là đào tạo trình độ trên chuẩn để làm công tác giảng dạy, quản lý trong ngành giáo dục.

Nay bị coi là chưa đạt chuẩn về trình độ thì làm sao những nhà quản lý còn tự tin làm công tác quản lý những giáo viên đạt chuẩn.

Thực tế tại tỉnh nọ có giáo viên Trung học cơ sở là đảng viên, trình độ Cử nhân quản lý giáo dục, Cao đẳng sư phạm toán – lý, trung cấp lý luận chính trị, có đầy đủ chứng chỉ tin học và chức danh nghề nghiệp hạng II; đạt danh hiệu “Giáo viên giỏi cấp Tỉnh” môn toán, 3 lần đạt danh hiệu “Giáo viên giỏi cấp Huyện” môn toán, được bằng khen và giấy khen của tỉnh đoàn, nhiều năm đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cơ sở đang làm tổ trưởng nhưng không bổ nhiệm lại chỉ vì bị coi là không đạt chuẩn trình độ đào tạo.

2. Những đề xuất

Theo quan điểm của người viết, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét những giáo viên đã có bằng cử nhân quản lý giáo dục và bằng cao đẳng sư phạm chuyên ngành giảng dạy là đạt chuẩn trình độ giáo viên Tiểu học, Trung học cơ sở.

Nếu họ đang công tác và đảm bảo các tiêu chuẩn của giáo viên Tiểu học, Trung học cơ sở hạng III, II theo thông tư 02 và 03 nói trên thì nên chuyển ngay cho họ sang hạng III, II mới như các giáo viên khác và có chính sách hỗ trợ họ học thêm đại học đào tạo chuyên ngành giảng dạy trong lộ trình nhất định.

Có như vậy sẽ hợp tình hợp lí hơn, bớt đi phần nào thiệt thòi cho họ và tạo động lực cho họ tiếp tục cống hiến hết mình cho giáo dục.

Vậy kính mong Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét giải quyết nguyện vọng cho chúng tôi.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Lại Vũ Xuân Hoa