Thừa thiếu giáo viên cục bộ và giải pháp sáng tạo của Hiệu trưởng THPT Trần Phú

22/11/2021 07:01
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hoạt động trải nghiệm không chỉ hình thành năng lực phẩm chất, mà còn phát hiện ra học sinh có thiên hướng gì để định hướng cho tương lai nghề nghiệp sau này.

“Khi nghiên cứu về Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, bản thân tôi khá lo lắng, bởi chương trình này thiên về phát triển năng lực học sinh, nhưng trên tinh thần nhu cầu của người học. Khi bắt đầu triển khai, tôi thấy sẽ có một số vướng mắc:

Thứ nhất: Trường chúng tôi là cơ sở giáo dục công lập nên định biên, biên chế giáo viên theo mỗi môn học lại của chương trình hiện hành, nên khi thực hiện chương trình 2018 sẽ có thừa, thiếu cục bộ về bộ môn, vậy cách giải quyết bài toán này ra sao?

Điều thứ hai: Khó khăn về đội ngũ thuộc các môn tích hợp, ai sẽ là người dạy? Hiện nay giáo viên đang được đào tạo dạy đơn môn, nhưng khi dạy nhóm liên môn thì phải khắc phục thế nào?

Điều thứ ba: Có một số bộ môn nếu học sinh lựa chọn, ví dụ môn nghệ thuật,…là chúng tôi không có giáo viên, mà hệ thống cấp III lại không có định biên vị trí việc làm của bộ môn đó.

Điều thứ tư: Chương trình trải nghiệm hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp trước đây vẫn có, bây giờ vẫn trên cơ sở nền tảng đó thành một bộ môn hoạt động học tập chính khóa trải nghiệm sáng tạo. Trước đây chúng tôi thực hiện căn cứ vào điều kiện thực tế của nhà trường về đội ngũ, về nhu cầu, về điều kiện cơ sở vật chất,…môi trường xung quanh.

Môn học này giờ đây lại mang tính chất chính thống, có hướng dẫn khá sát sao, vậy phải làm thế nào để thực hiện nghiêm túc, nhưng vẫn phát huy được thế mạnh của nhà trường, phải huy động được mọi lực lượng xã hội, các cơ sở có thể đưa được vào giáo dục như bảo tàng, các viện nghiên cứu, công viên,..tham gia vào hoạt động đó, mình phải khai thác thế nào vào trong các hoạt động của trường.

Về phía phụ huynh học sinh, không phải lúc nào cũng huy động kinh tế, mà nên khai thác ở khía cạnh họ là những chuyên gia về lĩnh vực nào đó, phải “lôi kéo” được họ vào với nhà trường. Họ sẽ tư vấn, cung cấp những định hướng để xây dựng Chương trình giáo dục nhà trường, bản thân tôi cũng đã nghĩ tới những điều đó”, nhà giáo Trần Thị Hải Yến - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Phú (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã cho biết khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Nhà giáo Trần Thị Hải Yến - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Phú (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) trong lễ kỉ niệm 60 năm ngày thành lập trường. Ảnh: NVCC.
Nhà giáo Trần Thị Hải Yến - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Phú (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) trong lễ kỉ niệm 60 năm ngày thành lập trường. Ảnh: NVCC.

Khắc phục những vướng mắc

Theo cô Yến: “Về đội ngũ, chúng tôi công khai để phụ huynh học sinh nắm bắt được mọi thông tin, thế mạnh của nhà trường để lựa chọn trước khi cho con vào học, tránh việc đã rồi, các con sẽ thất vọng khi không tìm được đúng nhu cầu mong muốn. Ví dụ: Thế mạnh của chúng tôi là ban D, và những em thích ban D sẽ biết được để chọn vào trường. Việc này chúng tôi đã làm từ rất sớm và công khai trên trang web của trường, tuyên truyền tại các hội nghị,…

Để khắc phục việc thiếu giáo viên ở những môn học không có, chúng tôi đã có hướng liên kết, hợp đồng với những cơ sở giáo dục có dạy những bộ môn nghệ thuật, giáo viên ở những cơ sở đó sẽ trở thành giáo viên thỉnh giảng của nhà trường chúng tôi.

Việc thừa, thiếu giáo viên cục bộ, tôi đã có hướng liên kết vùng, những môn chúng tôi thiếu giáo viên sẽ “mượn” ở trường khác, và những môn chúng tôi có thế mạnh sẽ cũng cho trường bên cạnh “mượn”. Như vậy sẽ không cục bộ giáo viên của trường mình.

Vậy làm thế nào để liên kết vùng được với nhau? Theo tôi các hiệu trưởng phải “ngồi” bàn với nhau về mọi việc, từ chế độ chính sách, đổi mới hoạt động của giáo viên, sắp xếp công việc,…Như vậy các hoạt động sẽ không đóng lại của riêng từng trường, chúng ta sẽ phải cởi mở hơn trong việc sử dụng đội ngũ”.

Về việc một giáo viên dạy môn Hóa, lại phải kèm các vấn đề liên môn của môn Sinh, vậy phải làm thế nào? Về vấn đề này cô Yến cho biết: “Việc này chắc chắn giáo viên phải được dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ theo quy định để có thể dạy được liên môn. Tuy nhiên vào mỗi trường hợp thực tế, chúng tôi sẽ có những linh hoạt, bàn bạc học tập những trường đã có trải nghiệm đi trước.

Giáo viên từ trước đến nay được đào tạo dạy đơn môn, thực hiện nhiệm vụ chuyên của chương trình cũ, nhưng khi thực hiện chương trình mới đòi hỏi các thầy cô phải rất năng động như dạy được liên môn, làm được nhiều công việc. Mỗi người có một thế mạnh riêng, vậy bây giờ làm sao để các thế mạnh của từng người bù đắp được cho nhau? Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi đã hình thành mô hình tự học hỏi trong toàn trường, và ngay trong đợt giãn cách vừa qua các thầy cô đã xây dựng được rất nhiều Group, với các đam mê khác nhau để mục đích tự học chuyên đề đam mê đó.

Lúc này, các Group không còn phân môn nữa mà chỉ phân về mặt kĩ thuật, ví dụ một Group là Xây dựng Video trong bài giảng điện tử, lúc này không còn môn này, môn khác mà giáo viên nào có thế mạnh về công nghệ, về làm Clip sẽ hướng dẫn cho tất cả các thầy cô trong nhóm.

Hoặc Câu lạc bộ sử dụng bảng điện tử dự phòng khi giảng dạy online, 1 đến 2 bạn có thế mạnh về vấn đề đó sẽ hướng dẫn, thậm chí cung cấp thông tin mua ở đâu, loại nào và sử dụng ra sao. Thầy cô nào biết sẽ hướng dẫn lại cho đồng nghiệp”.

Các em học sinh Trường Trung học phổ thông Trần Phú (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) trong giờ học ngoại khóa tại bảo tàng Lịch sử quốc gia. Ảnh: NVCC.

Các em học sinh Trường Trung học phổ thông Trần Phú (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) trong giờ học ngoại khóa tại bảo tàng Lịch sử quốc gia. Ảnh: NVCC.

Phải huy động được sức mạnh tổng hợp

Cô Yến chia sẻ: “Để xây dựng được kế hoạch nhà trường một cách hiệu quả, trước hết phải huy động được sức mạnh tổng hợp, người hiệu trưởng phải tập hợp được các đầu mối, cùng đặt lên “bàn cân”, trong một năm học sẽ làm được những gì, và việc đó làm trong thời gian nào. Còn theo tôi khi tất cả đã không “ngồi” được với nhau thì chương trình nhà trường sẽ không thành công, có hay đến mấy cũng bỏ.

Theo chương trình cũ, các môn học được tiến hành song song, có ngần này số tiết với thời khóa biểu “cứng”, nhưng bây giờ Bộ chỉ quy định trong một năm học có bao nhiêu môn, mỗi môn học bao nhiêu tiết, và sau khi đạt được các môn học thì mục tiêu của môn học đó là gì?

Bây giờ, môn học đó được thực hiện vào lúc nào, ai là người thực hiện, thực hiện như thế nào để đạt được mục tiêu đó? Việc này hoàn toàn người hiệu trưởng quyết định. Nhưng nếu hiệu trưởng không lắng nghe về đặc điểm môn học, nghe những khó khăn của môn học,…thì sẽ xây dựng một cách cứng nhắc, như vậy không phát huy được sự sáng tạo của giáo viên.

Ví dụ: Môn Giáo dục quốc phòng theo quy định 1 năm có 70 tiết học, trước đây quy định mỗi tuần học 2 tiết. Nhưng hiện nay, các giáo viên dạy môn này cho biết nếu dạy như cũ sẽ không hình thành được kĩ năng cho học sinh, với mỗi kĩ thuật nếu nắm chắc phải cần đến 4 tiết học liền nhau, điều nữa là không được xếp môn Giáo dục quốc phòng xen vào buổi học chính khóa, bởi trang phục khi học chính khóa như váy, áo sơ mi,…không phù hợp với môn quốc phòng.

Nên sắp xếp thế nào cho môn Giáo dục quốc phòng đủ 70 tiết, học sinh đạt được những kĩ năng tốt thì hoàn toàn phụ thuộc vào người hiệu trưởng, chính vì vậy rất cần lắng nghe giáo viên bộ môn tham mưu về đặc điểm môn học, mình không được cứng nhắc.

Trong khi nhà trường có đủ giáo viên để dạy một tuần 2 tiết, nhưng nếu co lại sẽ có lúc bị thừa, bị thiếu, vậy nên tôi đã sắp xếp đưa ra các giải pháp hợp lý để vẫn sử dụng được giáo viên, và bản thân các con học sinh khi học Giáo dục quốc phòng được sử dụng đúng trang phục và đặc biệt là hoàn thành được các kĩ năng theo yêu cầu”.

Cô Yến nhấn mạnh: “Khi thực hiện kế hoạch, nó cho tôi khá nhiều ý tưởng đổi mới sáng tạo, đặc biệt là sự sáng tạo trong tổ chức hoạt động học cho học sinh, theo xu hướng hiện nay học sinh phải được làm thì mới thể hiện được năng lực, phẩm chất". Ảnh: NVCC.

Cô Yến nhấn mạnh: “Khi thực hiện kế hoạch, nó cho tôi khá nhiều ý tưởng đổi mới sáng tạo, đặc biệt là sự sáng tạo trong tổ chức hoạt động học cho học sinh, theo xu hướng hiện nay học sinh phải được làm thì mới thể hiện được năng lực, phẩm chất". Ảnh: NVCC.

Cô Yến chia sẻ thêm: “Muốn kế hoạch giáo dục nhà trường thành công, phải thu hút được các lực lượng ngoài nhà trường, họ sẽ đóng góp, chỉ ra được cho mình hướng đi đúng đắn, phù hợp tiêu chí giáo dục.

Thứ nhất: Hiệu trưởng phải thu hút được những người tâm huyết, thật hiểu bộ môn, hiểu hoàn cảnh của nhà trường để cùng xây dựng kế hoạch. Môn học này dạy lúc nào, dạy bao nhiêu tiết thì hợp lí, có môn thì dạy trải đều, có môn dạy “cuốn chiếu” và đảm bảo được số tiết học trong 1 tuần của học sinh, về mặt khoa học các con không bị quá tải.

Thứ hai: Người hiệu trưởng phải sắp xếp các kế hoạch đó một cách khoa học, không thể các môn trong tuần đều đều giống nhau, bởi có những môn sẽ kết thúc sớm, có môn cần phải học lùi lại muộn hơn.

Thứ ba: Hiệu trưởng phải định hướng được cái “đích” đạt được trong nhà trường của mình, ví dụ: Bộ môn Ngoại ngữ khi ở cấp II các con đã được học với nhiều môi trường khác nhau như ở trung tâm, học với chuyên gia nước ngoài,…

Vậy bây giờ lên cấp III lại yêu cầu học sinh phải đạt kiến thức chuẩn nói chung, và thực tế đa phần là các con đã đạt được, thậm chí là cao hơn chuẩn yêu cầu. Nếu nhà trường dạy lại chương trình các con đã học sẽ dẫn tới các con chán nản, không muốn học kiến thức cũ.

Hơn nữa, các thầy cô đều là thế hệ cũ được đào tạo trong nước với giảng viên người Việt, nhưng học sinh hầu hết từ nhỏ đã học ngoại ngữ với người nước ngoài, đã đạt trình độ nghe nói thành thạo. Lúc này, thầy cô chúng tôi sẽ giao bài, giải đáp thắc mắc, hướng dẫn các con cách học theo tiêu chuẩn sư phạm của nhà trường, các con được tiếp nhận những giờ học với giáo viên nước ngoài theo mô hình qua mạng “xuyên biên giới” mà chúng tôi đã liên kết với một số trường ở nước ngoài, còn bạn nào yếu thì thầy cô sẽ kèm tiếp”.

Cô Yến nhấn mạnh: “Khi thực hiện kế hoạch, nó cho tôi khá nhiều ý tưởng đổi mới sáng tạo, đặc biệt là sự sáng tạo trong tổ chức hoạt động học cho học sinh, theo xu hướng hiện nay học sinh phải được làm thì mới thể hiện được năng lực, phẩm chất. Thầy cô giáo dục học sinh qua những hoạt động đó, và chính những hoạt động đó không chỉ hình thành năng lực phẩm chất, mà còn phát hiện ra bản thân học sinh có thiên hướng gì để định hướng cho tương lai nghề nghiệp sau này”.

Tùng Dương